Giới thiệu và đánh giá cuốn Opusculum de sectis apud sinenses et tunkinenses (III)
Giá trị tập tài liệu của giáo sĩ dòng Chân đất Adriano
Ngày nay nhìn lại, chúng ta mới thấy được tư tưởng tiến bộ của giám mục Adriano, quyết tâm bảo vệ cho tính “chính đáng” cũng như “ tính chất cùng tồn tại” của các nghi thức lễ tế như lễ tế trang nghiêm dành cho Khổng Tử.
Nó cũng mở ra trong tương lai tính chất cân đối và tính chất đa nguyên tôn giáo không cần biện biệt về sự dị biệt và tính so sánh hơn kém.
Nhưng ngày nay, do điều kiện tìm hiểu thế giới chung quanh ta được dễ dàng tiếp cận trong các tập san như GEO, National Geographic, v.v.. Đó là sự khám phá ra một thế giới đầy quyến rũ với những nét đẹp, nếp sống nguyên thủy mà nhiều người dễ dàng chấp nhận tính cách đa dạng và dị biệt. Chính cái nét dị biệt trước đây từng gây ra sự tranh cãi và bất đồng thì nay nó trở thành nét đẹp mời gọi tham dự.
Phải nhìn nhận một cách gián tiếp là quan điểm “hòa đồng tôn giáo” của giám mục Adriano phải chăng đã mở đường cho các thừa sai người Pháp sau này sang Việt Nam? Họ đã có một tinh thần hòa nhập vào các giá trị bản địa một cách thích thú và đáng ngạc nhiên đến không hiểu được.
Ở Việt Nam thì nếu chịu khó tìm hiểu, người ta cũng có thể được biết một phần nhỏ qua sự tìm đọc các nhà truyền giáo tại Cao nguyên Trung phần đã viết lại. Người có công lớn trong việc tìm hiểu người Cao nguyên Trung phần có thể là giáo sĩ Jacques Dourmes với cuốn Populations montagnardes du Sud-Indochinois. Sau này, Nguyên Ngọc đã dịch ra tiếng Việt dưới nhan đề: Miền đất huyền ảo.
30 năm sống chung với người địa phương ở Cao nguyên Trung phần, giáo sĩ Jacques Dourmes đã sống chung với họ, ăn ở như họ, ngay cả mặc như họ. Ông đã viết tài liệu này bằng trái tim, thấm đẫm tình yêu thương các người dân thiểu số. Các yếu tố chính là yêu thương và nếu có yêu thương thì mới hiểu được và chia xẻ được.
Riêng ở miền Nam, vào năm 1972 đã cho dịch cuốn sách của giáo sĩ Pierre Dourisboure (Cố Ân). Cuốn sách này nguyên tác là: Les sauvages Bahnars, in tại Paris, năm 1929, sau 39 năm ngày vị truyền giáo này qua đời. Bản dịch ra tiếng Việt là: Bước đầu truyền giáo và khai phá miền Cao Nguyên Kon tum.
Cuốn sách này mang giá trị tài liệu và đề cập nhiều đến cuộc sống vô cùng khó khăn của các giáo sĩ. Cố Ân là người trụ lâu nhất, sống dai dẳng 35 năm trên mảnh đất Kon Tum, trong khi phần đông các nhà truyền giáo khác không sống nổi quá 10 năm vì không chống nổi lại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhất là mắc bệnh sốt rét rừng và kiết lỵ.
Mỗi người chết ra đi thì người khác lại có dịp đọc kinh: “Nunc Dimittis” (Giờ đây xin cho tôi tớ Chúa được về.)
Đọc cuốn này, tôi ngập đầy cảm xúc và không khỏi vẫn có một thắc mắc dù sự việc đã rõ ràng là tại sao những người thanh niên này bỏ cuộc sống no ấm, đầy đủ tiện nghi của nước họ, tình nguyện sang truyền giáo ở VN, rồi lại tình nguyện lên Cao Nguyên?
Nỗi hiểm nguy đủ loại và sự thách thức thật không nhỏ? Nhiều người trong số họ đã lần lượt bỏ thây trên các vùng rừng núi Tây Nguyên như các tu sĩ Dégout, Fontaine, Cuenot, Arnoux, Combes, Verdier, Besombes và nhiều người khác? Con số không phải chỉ có chừng đó người mà cả hàng trăm!!!
Trong một thư của linh mục Cadrix bên Tây Ban Nha đề ngày 27-12 năm 1765 viết cho cha mẹ có đọan như sau:
“Đối với con, việc quyết định mà không cho cha mẹ biết là một việc làm rất đau đớn; nhưng vì con hết sức sợ sự chống đối của cha mẹ mà con tin chắc là có, nên con cảm thấy mình bị bó buộc bởi đạo Chúa phải giữ kín tất cả những cuộc vận động thầm lén để khỏi vấp phải mối nguy có không hoàn thành ơn gọi. Hôm nay, con đang trên đường hoàn thành ơn gọi đó, nên ngày ngày con chúc tụng Thiên Chúa và con xin Chúa cho cha mẹ ơn hiệp nhất với con. Con biết cha mẹ khá đạo đức để tin rằng cha mẹ sẽ chỉ hoan nghinh công trình lớn lao như vậy, và cha mẹ dễ dàng tha thứ cho con sự không vâng phục chỉ nhằm mục tiêu làm vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi các linh hồn. Trong số 12 người con là chúng con, chẳng lẽ cha mẹ lại không có thể hy sinh 1 người cho một công trình đẹp đẽ như vậy sao? Suốt đời con cảm tạ Thiên Chúa đã đoái mắt nhìn xem con ưu tiên trước những người khác.”
(trích NLEC, tập VI, trang 169-170.)
“Sự hy sinh của họ cũng được đền đáp về mặt tinh thần. Vì vậy mỗi khi một vị thừa sai từ giã một cộng đoàn tín hữu để đến với một cộng đoàn khác, thì nào những tiếng gào khóc, tiếng rên rỉ nổi lên khắp phía vì nước mắt chảy dòng dòng đến mức tôi phải thú nhận rằng chưa hề nhìn thấy cảnh tương tự tại một nơi nào khác. (…) Những dòng nước mắt ấy có sức an ủi là dường nào và nhìn thấy thấy cảnh ấy thì đối với một vị thừa sai đủ đền bù mọi thiệt hại hy sinh mà người ta đã phải chịu khi lìa bỏ xứ sở mình.”
(trích NLEC, Thư của linh mục Blandin, thừa sai truyền giáo viết từ Bắc Kỳ ngày 30 tháng 7 năm 1782, gửi cho linh mục Bequet, Bề trên chủng viện Chúa Thánh thần- NLEC, tập VI, trang 334-335)
Đi theo tiếng gọi của các thừa sai trước đây. Sau này có một Lm Augustino Nguyễn Viết Chung gia đình gốc đạo Phật; ông đã học hành trở thành bác sĩ để nuôi bố mẹ anh em. Sau đó, ông quyết định trở thanh tín hữu Thiên Chúa giáo. Và lúc đã 40 tuổi, ông quyết định đi tu làm Linh mục. Rồi tình nguyện lên Kon tum truyền giáo trên 10 năm. Linh mục cũng đã qua đời sớm khi tuổi còn trẻ. Ông mất ngày 10-05-2017.
Nhưng dù là ở rừng Tây Nguyên Việt Nam hay rừng Amazon đi nữa thì ở bất cứ nơi nào, tôi cũng nhận thấy tu sĩ đã biết chấp nhận cá tính người dân thiểu số. Đó là bất cứ một dân tộc cổ sơ sơ nào thì đều tiềm ẩn tính chất “các dân tộc vật linh” (peuple animiste). Theo nghĩa triết học người ta gọi là vạn vật hữu hồn.
Nhất là ở trong rừng rậm mà mỗi cây, mỗi súc vật đối với họ đều là nơi ẩn náu của các thần linh đủ loại. Và thật sự không dễ dàng gì cắt nghĩa nếu ta không mang tâm thức người cổ sơ và lắng nghe họ.
Đạo Chúa nay có thể thực hiện được đòi hỏi để diễn tả đạo Chúa, thay vì tách biệt thì “Hội nhập xã hội bản địa” bằng những nỗ lực “ bỏ trong ngoặc” các hệ tư tưởng họ mang theo như hành lý truyền giáo, để xử dụng các hình thức biểu lộ mang tính dân tộc bản địa? Các nỗ lực ấy đã đạt được phần nào trong các vãn và tuồng, kinh sách được đọc theo cung điệu dân gian trong các xứ đạo.
Các thừa sai sau này đều phải chấp nhận một thực tại xem ra đi ngược với giáo lý Thiên Chúa giáo vốn chỉ chấp nhận có một đấng thần linh duy nhất và muôn loài khác chỉ là vật thụ tạo.
Thay lời kết
Trong tinh thần của bản văn của gm Adriano, người ta được biết, mặc dầu tránh đả động tới một cách công khai cho thấy gm Adriano một cách nào đó đã chống lại những quyết định của các vị giáo Hoàng, ngồi ở một chỗ rất xa đất truyền giáo, đã đưa ra những huấn lệnh không phù hợp với những đòi hỏi của thực tế ở địa phương. Và ông gần như một mình can đảm lên tiếng, dù biết có thể bị trục xuất. Đó có thể là lý do chính để tôi viết bài này. Nó vẫn là tấm gương cho giáo hội sau này noi theo.
Trong cuộc chiến tranh lạnh giữa cộng sản và tư bản, từ nhiều năm nay, Tòa thánh Vatican đã đưa ra chính sách Ostpolitik để đối phó vói các chính quyền cộng sản. Dựa vào thực tế, Vatican đã thương lượng trong tinh thần tương nhượng để giải quyết những quyền lợi của giáo hội địa phương, như tại các nước Đông Âu để dổi lấy sự “nhẹ tay” đối với các giáo hội địa phương. Nghĩa là thay vì đối đầu thì tương nhượng
Đường lối trên dĩ nhiên phải hy sinh ngay cả những quyền lợi thiết yếu của Giáo Hội.
Đường lối Ostpolitik tiếp tục cũng được đem áp dụng ở Việt Nam sau khi miền Nam sụp đổ. Nó có mặt thuận lợi và cũng có nhiều mặt tiêu cực tùy theo cách ứng xử của đôi bên. Việt nam nay không còn Khâm sứ, đại diện tòa thánh, Hội đồng Giám Mục Việt Nam thay vì đóng vai trò trung gian giữa Tòa Thánh và chính quyền thay giáo dân để thực những nguyện vọng chính đáng của giáo hội thực thi đứng đắn đường lối Ospolitik.
Họ không có khả năng làm được công việc đó. Nghĩa là không đủ tư cách đại diện Tòa Thánh, không đủ tư cách đại diện cho giáo dân.
Thay vì làm trung gian, đại diện cho tiếng nói và quyền lợi giáo dân, họ trở thành thứ “bù nhìn” gián tiếp trở thành công cụ cho chính quyền lợi dụng và sai bảo.
Cái sai bảo lép vế nhất là phải biết im lặng. Im lặng là có thưởng bằng chế độ xin-cho. Đấy là tình trạng mất cân đối giữa hai đối tác- một bên là chính quyền- một bên là HĐGM đại diện cho giáo dân.
Để tránh sự trù dập của cộng sản, tòa thánh có thể tương nhượng, “nhún nhường” ngay cả “nhượng bộ” một cách ngoại giao với đường lối rõ rệt và trong tư thế ngang bằng.
Nhưng HĐGM thì khác. Toa rập một cách “lép vế” với tòa thánh trong đường lối hòa hoãn chính trị. Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ Hồng y đến Tổng Giám Mục, Giám mục, linh mục tu sĩ đều nhút nhát, tránh tối đa sự làm mất lòng các cấp lãnh đạo Nhà nước.
Họp hành của HĐGM từ mấy chục năm nay chỉ chuộng hình thức. Thông cáo của Hội Đồng Giám Mục gọt dũa sao nói chung chung, không dám đụng đến những thực tế. Nó chỉ là những văn từ trống rỗng đầy sáo ngữ chung chung.
Bao nhiêu vụ đàn áp tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng. Có một ai trong đó (HĐGM) dám lên tiếng không? Ngoại trừ GM Hoàng Đức Oanh ở địa phận xa xôi hẻo lánh Kon-Tum. Chỉ có những “không biết nói” Bùi Văn Đọc, những nói rất nhiều mà chẳng vào đâu như Nguyễn Văn Khảm. Còn Nguyễn Thái Hợp ở đầu sóng bão tạp Formosa đã làm được gì cho địa phận Vinh?
Trong khi đó, quá chú trọng đến hình thức bề ngoài. Chỗ nào cũng trọng rước sách, tiếp đón, cờ xí, ban nhạc, hội đoàn, quần áo bề ngoà, xe cộ nườm nượp từng đoàn, tiệc tùng, diễn văn đủ loại. Nhất là khi phải đón tiếp mổ nhân vật của chính quyền.
Đủ loại mừng. Mừng sinh nhật, mừng 25-50 thụ phong..Mừng sinh nhật bà cố. Quanh năm ngày tháng, bao nhiêu thời giờ dành cho những lễ lạc này! Thời khóa biểu đầy ắp những tiệc tùng đủ loại quanh năm. Rồi lm nào cũng phải sắm xe cộ đậu đầy sân nhà thờ như một cái mốt.
Cho nên, dù ở thật xa Việ Nam, người ta vẫn có thể dễ dàng đánh giá cái “đạo đức chính trị” của một linh mục hay giám mục. Tư cách đạo đức chính trị mà tốt thì hãy nói tới thứ đạo đức cá nhân của các tu sĩ ấy. Loại tu sĩ “biết phải quấy”, biết mua chuộc, quà cáp, biết xu nịnh các cấp chính quyền thì còn trông mong gì vào loại tu sĩ này.
Họ không có cơ hội học được tinh thần của gm Adriano, biết lên tiếng khi cần lên tiếng.
Mới đây nhất, một vị Hồng y ở Hông Kong đã nghỉ hưu – Joseph Zen Ze-Kiun (Joseph Trần Nhật Quân) đã công khai lên tiếng chỉ trích Vatican mở cửa cho cộng sản Trung Hoa.
Vị Hồng y này lên tiếng:
“Hoặc chấp nhận đầu hàng hay chấp nhận bị bức hại, nhưng hãy trung thành với chính mình. Tôi có nghĩ rằng Vatican đang bán Giáo hội Thiên chúa giáo cho Trung Hoa không? Chắc chắn như thế, nếu họ tiếp tục đi theo những gì họ đang làm trong những năm tháng gần đây.
Tôi có phải là trở ngại lớn trong tiến trình đạt thỏa hiệp giữa Vatican và Trung Hoa không? Nếu đó là một thỏa hiệp xấu, tôi sẽ vui vẻ nhận làm trở ngại đó.”
(Trích South China Morning Post, 01 February, 2018, Alex Lo, “Cựu Hồng y Hồng Kông không chấp nhận thực tế Vatican.”)
Ước mong nhỏ mọn của tôi là ước chi giáo hội Viêt Nam có được một vị lãnh đạo như giám mục, tổng giám mục dám có can đảm và đạo đức lên tiếng như trường họp vị Hồng Y đã nghỉ hưu Joseph Trần Nhật Quân này. Thật khó mà có được!
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline