XIN CẢM ƠN ĐỜI
Vũ Thị Quý, Nguyễn Hồng Đức, và Võ Quách Thị Tường Vi
Trường Tiểu Học Dưỡng Trí Viện Biên Hòa (1963-1965)
Chuyện của V
Tiếng người chiêu đãi viên hàng không Việt Nam qua hệ thống loa trên máy bay báo tin máy bay sắp sửa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất làm tôi choàng tỉnh. Qua cửa sổ nhỏ của máy bay, tôi thấy những tòa nhà cao ốc nằm chi chít lẫn với căn nhà nhỏ hẹp ở hai bên dòng sông Sài Gòn màu nâu đục, uốn lượn quanh co. Đây là sông Đồng Nai Biên Hòa? Đây là sông Sài Gòn? Sao lại có màu nâu? Hình ảnh này hoàn toàn khác với những hình ảnh mà tôi đã mường tượng ra ở trong đầu mình từ mấy tuần nay. Nắm hai bàn tay nhau thật chặt tôi vẫn không ngờ là mình đang sắp sửa đặt chân lại trên quê hương của mình. Thật là bất ngờ!!!
Cách đây 3 tuần, tôi có nhận được điện thoại của người bạn bên Việt Nam báo tin là có bạn Q đang đi tìm mình. Tin này làm tôi bồi hồi cả mấy đêm không ngủ được. Đầu óc tôi lại quay trở về với thời còn thơ dại năm xưa.
Tôi làm người “di cư” tất cả hai lần trong cuộc đời của mình. Một lần từ Bình Định vào Biên Hòa và một lần rời Biên Hòa qua Mỹ. Mỗi lần ra đi là mỗi lần mất mát và phần lớn là phải làm lại từ đầu.
Lần di cư vào Biên Hòa thì tôi còn nhỏ không nhớ gì cho lắm. Lâu lâu trong ký ức tôi có hiện lên những hình ảnh lờ mờ của một căn nhà tranh ba gian, chung quanh có khu vườn rộng với nhiều cây ăn trái. Thỉnh thoảng tôi đã cùng cô Dư rình bắt những tên trộm chui qua hàng rào ăn cắp những trái xoài ươm vàng đang trĩu nặng trên cành. Nói là bắt trộm nhưng thật sự bà Cô của tôi cũng thả những người này ra sau khi khuyên họ đừng ăn trộm nữa. “Ai cũng nghèo hết thôi thì mình có gì thì chia sẻ với người ta một chút”. Hình ảnh của bà cô cao gầy, đầy lòng nhân ái đó lúc nào cũng ở trong trí nhớ non nớt của tôi. Tên của cô là Dư là vì ông bà nội đã có nhiều con nhưng lại có thêm cô khi tuổi cũng khá cao. Họ đặt tên cô là Dư vì muốn có một chút dư, dư cả tình thương gia đình và dư một chút phần vật chất trong cuộc sống gập ghềnh hằng ngày.
Sau khi lần trốn chui, trốn nhủi đi vào miền Nam vào một đêm khuya, bỏ lại đằng sau ngôi nhà thân yêu cùng bà con láng giềng, gia đình tôi định cư ở vùng Phước Hải tỉnh lỵ Biên Hòa. Biên Hòa có dòng sông hiền hòa với lục bình bông tím trôi lặng lẽ dưới chiếc cầu 5 nhịp mà tôi đã nhiều lần theo bạn bè đi bắt hến và tắm sông.
Biên Hòa cũng là nơi mà tôi đã trải qua một thời thơ ấu từ lớp Nhì đến khi xong Trung học, nơi ghi lại trong đời những niềm vui cùng với những nỗi buồn. Những kỷ niệm buồn vui thời thơ ấu này vẫn không bao giờ phai mờ trong trí óc của tôi. Phải nói Biên Hòa là quê hương chính của tôi dù rằng giọng nói của tôi vẫn không bao giờ phai hết những âm hưởng trọ trẹ rất đặc thù của Bình Định và những lời chọc ghẹo của bạn bè, chẳng hạn như:
"Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định múa roi đi quyền… "
Tôi cũng nhân dịp này thêm mắm thêm muối vào cho oai:
“Coi chừng tui, tui có võ đó, lên đến đai tím rồi!!"
Nào ai biết là võ Bình Định có đai tím hay không? Nhưng tôi vẫn thấy các bạn có thêm vẻ e dè không ăn hiếp mình như lúc trước.
Khi tôi về Biên Hòa thì đi học lớp Nhì ở trường Tiểu học Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. (Trường Tiểu học này được xây lên cho những người con của các nhân viên làm việc trong bệnh viện có chỗ để đi học.).
Tôi ngồi kế bên cô bạn tên Q, tóc dài, tánh tình dịu dàng và hay dễ khóc. Q có cặp mắt một mí rất hay, lúc nào như cũng đang cười. Q nói tiếng Bắc rặc và cũng đã di cư từ Bắc vào nên thường hay bị lũ bạn vô tình theo chọc ghẹo. Không biết sao mà lúc ấy tôi lại cảm thấy mình rất mạnh mẽ và hay bênh vực Q để chống chọi lại những người bạn tinh nghịch kia. Hai đứa rất thân nhau, lúc nào cũng khắng khít. Có lẽ là cùng thân phận “di cư” với nhau nên thông cảm và dễ thân thiện hơn.
Sau trường tiểu học Dưỡng Trí Viện có một con suối nhỏ, nước rất mát và trong. Nước trên thượng nguồn về, chảy vào một hồ lớn rồi được xả xuống một cái đập, để rồi cuộn quanh co trở lại hình con suối nhỏ chảy qua cây cầu Đúc và uốn cong bao bọc mặt Bắc và mặt Tây của trung tâm Cải Huấn Biên Hòa.
Thỉnh thoảng tôi hay rủ bạn trốn học đi tắm suối, đào ao thả cá lìm kìm, đùa nghịch cả ngày đến chiều tối mới về nhà. Cả hai vẫn nhớ mãi trận đòn ngày hôm đấy vì tội trốn học đi chơi!!
Rồi những ngày tháng êm đềm lặng lẽ trôi. Cuối năm lớp Nhất, tôi may mắn thi đậu vào lớp đệ thất trường Trung học Ngô Quyền, còn Q thì phải đi học trường trung học tư thục Khiết Tâm. Hai đứa ít gặp được nhau từ dạo đó. Tôi vẫn hay đến thăm Q vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần. Mỗi lần đến thăm bạn, tôi hay được bạn đãi nước chè xanh tươi, những bữa cơm nấu theo kiểu Bắc thật ngon. Tôi vẫn nhớ mãi những buổi chiều ngồi bên Q, kế bên lò lửa đỏ, vừa phụ bạn nấu cơm vừa kể chuyện cho nhau nghe. Sau đó vài năm thì Q lập gia đình. “Con gái thì học bao nhiêu đó đủ rồi, bây giờ phải lo chuyện gia đình nữa”, mẹ của Q hay bảo Q như vậy. Hôm đám cưới Q tôi có về, nhìn cô dâu mới xinh đẹp thẹn thùng trong màu áo trắng, đứng bên người chồng lịch duyệt oai nghiêm, tôi rất mừng cho bạn. Khi Q có thai đứa con đầu lòng thì tôi có về thăm. Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau.
Lần “di cư” thứ nhì đến với tôi vào tháng Tư năm 1975. Tôi may mắn được di cư qua Mỹ. Dù hành trang vẫn với hai bàn trắng nhưng trong lòng lại nặng trĩu những kỷ niệm thời ấu thơ với hình ảnh gia đình, thầy cô, bạn bè, và làng xóm. Cuộc ra đi thình lình, tức tưởi làm tôi không kịp giã từ gia đình, không lên viếng được mộ mẹ, hay nói lời tạm biệt với những người thân.
Thời gian như thoi đưa, mới đó mà đã hơn 50 mươi năm rồi. Những thăng trầm của cuộc sống nơi đất mới làm tôi lúc nào cũng bận rộn. Nhưng có nhiều đêm chợt thức giấc lúc nửa khuya tôi lại nhớ đến những kỷ niệm thời ấu thơ và lòng tự hỏi những người bạn nhỏ năm xưa bây giờ đã trôi dạt về đâu?
Chuyện của Q
Tôi có thể nhớ và tóm tắt lại những gì mình còn giữ lại trong ký ức về thời thơ ấu.
Hồi đó lâu lắm rồi thỉnh thoảng nghe mẹ kể lại là gia đình tôi di cư vào Nam năm 1954, lúc tôi chưa đầy một tuổi, còn bồng trên tay. Sau mấy lần thay đổi chỗ ở, gia đình tôi sống tại Saigon. Cho đến năm 1958, bố tôi giãi ngũ và cuối cùng chọn đất Biên Hòa nầy để dừng chân sinh sống cho đến ngày nay.
Sau khi dọn về Biên Hòa bố mẹ tôi thuê nhà để gia đình nương náu. Bố tôi may mắn xin được một việc làm ở trong Dưỡng Trí Viện. Năm sau đến tuổi đi học, bố xin cho tôi được học ở trường Tiểu Học trong khuôn viên của nhà thương điên. Những ngày đi học đầu đời, tôi đã trãi qua nhiều vui buồn, bị chế diễu và kỳ thị là dân Bắc Kỳ di cư - "Bắc kỳ ăn cá rô cây…". Tôi chưa hiểu được câu này nghĩa là gì nhưng mỗi khi nghe vậy là nước mắt tôi chảy đầm đìa. Nhưng lâu rồi cũng quen, tôi bắt đầu học nói tiếng Nam và hòa đồng với cuộc sống bên cạnh những người bạn mới.
Sau ba năm học đến năm lên lớp Nhì (bây giờ là lớp 4), tôi quen được một bạn mới. Bạn này được chuyển từ trường khác đến. Vẻ nhút nhát bỡ ngỡ của bạn ấy làm tôi nhớ đến mình lúc mới đi học ở ngôi trường này. Một sự ngẫu nhiên là thầy xếp chỗ cho hai đứa ngồi chung một bàn. Từ khi có V, cô bạn học mới, tôi vui vô cùng. Hai đứa chẳng mấy chốc lại thân nhau. Một sự tình cờ nữa là nhà của V lại nằm trên đường đi học của tôi. Tôi hay đến chơi và rủ V đi học. Tánh tình của V hiền nhưng có chút cương quyết đem lại cho tôi một cảm giác vui và thật bình yên khi ở cạnh bạn.
Trong lớp hai đứa rất thân và luôn giúp đỡ lẫn nhau. Bạn học rất giỏi và được thầy cưng nhiều. Các bạn trong lớp cho là V và một bạn nam khác là "hai con cưng của thầy". Tôi biết V và bạn này hay luôn ngầm ganh đua để cố đạt được danh hiệu học giỏi nhất lớp. Anh bạn kia thì ít nói, hay mắc cở với nụ cười mỉm chi, và lúc nào thì quần áo cũng chỉnh tề ngay ngắn.
Rồi thời gian vẫn lặng lẽ trôi qua. Lên lớp Nhất hai đứa lại càng thân nhau hơn. Giờ ra chơi hai đứa chia nhau ly đá nhận xi rô, hay cây cà rem đậu đen, đậu đỏ. Mỗi khi đến giờ tan học, hai đứa thường chui "lỗ chó" ở sau trường để đi "ngỏ tắt" về nhà cho nhanh. Nhiều khi áo bị dây kẻm gai móc rách, lại bị mẹ cho ăn đòn. V học giỏi nhưng nghịch ngầm cũng không kém, hay chọc phá bạn bè. Tôi nể V ở chỗ đó!
Hôm nào đi học tôi đều đến nhà V sớm hơn để chơi rồi rủ V đi học. Tôi gần như là một thành viên ở nhà V. Ba mẹ V hiền lắm, nhất là mẹ V. Bà rất thương tôi. Có lần bà nói: “Chắc kiếp trước hai đứa là chị em nên bây giờ lại thương yêu nhau như vậy”. Tất cả những tình cảm Bác dành cho tôi, tình bạn thắm thiết của tôi và V lúc bé thơ làm sao tôi kể ra đây cho hết. Những kỷ niệm này tôi sẽ giữ mãi trong ký ức của mình. Dù bây giờ mỗi đứa một nơi, một chí hướng riêng, nhưng V ơi! Dù thời gian sẽ làm thay đổi tất cả nhưng lúc nào tôi cũng vẫn thương mến người bạn nhỏ năm xưa đã cho tôi một cảm xúc thật tuyệt vời của tình bạn bè thời thơ ấu.
Có hôm tôi có việc đi lên ngả tư gần bệnh viện 7B, lúc trở về trời đã tối. Không hiểu sao tôi lại muốn đi bộ thế là tôi rảo bước, con đường dài khoảng hơn 2km mà tôi cứ liên tục bước đều... và khoảng cách dần dần thu ngắn lại.
Khi đi ngang khu dân cư ở đối diện với Trung Tâm Cải Huấn cũ, tự dưng bước chân tôi chậm lại, và tôi quan sát như cố tìm một chút hình ảnh thân thương dù thời gian đã thay đổi rất nhiều, hầu như đã xóa nhòa đi tất cả... Nhưng tôi đã nhận ra rồi, bắt đầu là con đường đi dẫn vào xóm trong, nằm bên hông nhà của V. Tôi đứng nhìn căn nhà ngày xưa của gia đình V nằm ngay mặt đường. Trước cửa nhà V tôi nhớ có 1 cái sân thật rộng, nhưng bây giờ đã thay đổi hết. Họ đã đập đi để xây lại tất cả. Nhà họ xây sát đường và mở cửa hàng buôn bán đồ nội thất: bàn ghế, tủ kệ... chưng bày chật cả gian phòng lớn.
Thấy tôi tần ngần đứng nhìn, chủ cửa hàng ra đon đả mời “Cô vào mà xem trong này có nhiều mẫu mới đẹp lắm”. Lời nói của ông chủ cửa hàng làm tôi như tỉnh dậy. Tôi ngập ngừng nói "thôi để bữa khác ban ngày tôi sẽ coi". Tuy nói thế nhưng tôi vẫn không muốn bước đi, thật chậm rãi tôi đi từng bước, trong lòng ngổn ngang những suy nghĩ... như muốn tìm một cái gì đó thật yêu thương mà đã từ lâu rồi tôi đã mất.
Mãi chìm đắm trong giòng suy nghĩ tôi đã đi đến chiếc cầu mà hồi đó người ta thường gọi là cầu Đúc vì nó đã được đúc bằng xi măng cốt sắt. Đứng trên cầu ngó xuống căn nhà sát chân cầu nay là một cửa hàng. Chắc V còn nhớ cầu Đúc nầy và cả căn nhà sát chân cầu? Đó là nhà cũ của V đó. Hồi V mới học ở trường tiểu học Dưỡng Trí Viện thì gia đình V ở căn nhà này, thời gian đó chúng tôi mới chơi thân với nhau.
Trước cửa nhà V có cây mít thật sai quả, nhưng hai đứa chúng tôi chỉ thích ăn trái cám mít thôi. Món cám mít ngâm nước mắm ớt V làm cho tôi ăn chẳng bao giờ tôi quên được!!! Tôi chợt nhớ V vô cùng, nhớ những kỷ niệm ngày thơ ấu của hai đứa. Tôi đang đứng đây còn V, bạn đang ở nơi nao? Tôi chợt nghe mắt mình cay cay, vội bước nhanh đi về mà trong lòng buồn không thể nào tả nổi. Hồi nhỏ tánh tôi hay mau nước mắt, bây giờ cũng vậy... V ơi!
Thời gian đã thay đổi đi rất nhiều, có những cái mà chúng ta sẽ chẳng bao giờ còn tìm lại được, nhưng tình cảm, tình bạn và những kỷ niệm tuổi thơ của chúng mình chắc chắn sẽ không bao giờ quên được phải không V? Giá gì mình gặp lại… Đã biết bao nhiêu năm qua tôi đã đi tìm V.
Chuyện của Đ
Tôi là “sản phẩm” của miền Nam một trăm phần trăm sau kỳ di cư 1954!
Gia đình tôi định cư ở Biên Hòa sau khi ba tôi có việc làm ở nhà thương Dưỡng Trí Viện. Là con của công chức làm việc cho nhà thương này nên tôi được đi học ở trường tiểu học ở ngay trong khuôn viên của bệnh viện. Trường làng tuy nhỏ nhưng vẫn có đầy đủ lớp và nam nữ học chung. Ngoài con công chức làm trong nhà thương, trường còn dành cho trẻ em trong vùng lân cận vào học. Trường công nên miễn phí. May mắn là chúng tôi được học chung chương trình như tất cả các trường trên toàn cõi Việt Nam lúc bấy giờ. Tôi còn nhớ lớp Năm bây giờ là lớp Một. Chúng tôi học cuốn Văn Việt Nam do nhà xuất bản Việt Hương ấn hành. Cuối cuốn sách có bài tập đọc “Ông Thầy Đầu Tiên” với câu mở đầu “Trẻ con ngu dại biết chi, Nhờ Thầy răn dạy khắc ghi trong lòng” mà học trò chúng tôi phải học thuộc ngay từ lúc đầu. Năm lớp Tư, chúng tôi học Sử Ký, Địa Lý, Công Dân Giáo Dục, Đức Dục…, với mỗi bài đều có phần Quyết Định ghi thông điệp bài giảng cần nhớ chẳng hạn như tiên học lễ hậu học văn.
Suốt hai năm lớp Nhì và lớp Nhất tôi được vinh dự kéo cờ mỗi sáng khi chào cờ trong sân trường. Phải kéo sao cho khi đến câu “xứng danh nòi giống Lạc Hồng'' là cờ phải lên đến đỉnh cột cờ. Ban đầu cũng hơi run nhưng sau đó thì tôi kéo cờ rất rành và ăn rơ với bài quốc kỳ không sai lệch một chút gì cả.
Học trò trong lớp đa số là nhà quê, đi học có bạn đi chân không. Từ năm 1961 học sinh chúng tôi mặc đồng phục. Trai áo sơ mi trắng bỏ trong quần sọt màu xanh. Học trò lại ở nhà quê nên chúng tôi vui chơi rất đơn giản như quê hương ruộng đồng, mùa nào thứ đó. Bắn đạn, dích hình, chọi đáo, đánh khăng, bắn chim, thả diều, bắt dế, câu cá, tắm suối, và không thể thiếu mục ăn cắp trái cây người ta trồng trong bệnh viện. Mỗi học trò đều có một cá tính riêng. Có người nghịch ngợm lí lắc, có người thâm trầm, có bạn từ thành phố về hay chải chuốt, có bạn từ làng ruộng chung quanh thật thà chất phác, mỗi người một vẻ làm cho lớp học tôi lúc nào cũng vui nhộn và đầy đủ sắc thái.
Ba tôi rất thương con nhưng đối với việc học ông rất nghiêm khắc. Khi đi học tôi phải áo quần thẳng tắp và về nhà thì phải học bài cho xong rồi mới được đi chơi. Tôi còn nhớ năm lớp Tư, viết chữ xấu, ba tôi bắt tập viết lại nhiều lần. Nhờ thế sau này chữ viết được rõ ràng và tôi được các bạn gán cho cái danh từ là học giỏi và là con cưng của thầy!
Mấy mươi năm đã trôi qua, cuộc đời nhiều gập ghềnh thay đổi, như người xưa vẫn nói "thương hải biến vi tang điền", biển sâu nay đã thành nương dâu. Trường xưa nay đã trở thành một trạm xăng bên lề đường đông đúc, nhưng dư hương và âm hưởng của thiên đàng ngày xưa lúc nào cũng vẫn sống mãi trong lòng tôi.
Người ta thường nhớ về quá khứ, nhất là khi quá khứ đó vàng son. Những năm học tiểu học là những năm quá khứ thần tiên nhất trong đời mà thiên đàng thu nhỏ của tôi ngày ấy chính là Nhà Thương Điên Biên Hòa. Tôi cũng cố tìm kiếm lại những người bạn nhỏ năm xưa như đi tìm lại thiên đàng dã mất của mình. Thật may, qua trang nhà của Trường Ngô Quyền tôi tìm lại được cô bạn học hồi lớp Nhì lớp Nhất. Tôi nhắn tin, và 48 giờ sau sóng điện từ đã cho chúng tôi nối lại nhịp cầu. Bạn này giờ ở đầu bên kia trái đất, xa lắc xa lơ!
Tôi cũng được biết nhiều bạn chung lớp sau này đã sớm về lòng đất mẹ, hiến dâng mạng sống của mình. Những người còn lại hôm nay, trong đó có tôi đang viết những dòng này, nhớ về các bạn với tất cả ngậm ngùi và sự mang ơn. Cũng có người bay lạc mãi trời Tây. Hồi đó mà nói sau này mình sống bên Tây hay bên Mỹ, chắc không ai tin được chuyện lại xảy ra như thế. Có bạn vẫn còn phải vất vả trả nợ cho đời. Và còn nhiều bạn khác, giờ biết nơi đâu. Tôi vẫn hằng mong có một ngày nào được gặp lại những người bạn thời thơ ấu đó và sống lại những ngày xưa thân ái. Xin trả tôi về ngày xưa thơ mộng đó, ... mong bài hát này trở thành sự thật như một lời tiên tri.
Đôi khi tôi bất chợt nghe những tiếng thở dài trong đêm khuya, như nuối tiếc thở than cho một thời ấu thơ không còn nữa. Ngoảnh mặt lại đi tìm thì bạn ơi, đó chính là tiếng của lòng tôi. Donna, Donna, hay chính đó là tiếng lòng của chúng ta?
Rồi một chiều, sau tiếng chuông điện thoại, giọng một người đàn bà bên kia đầu dây mà sau 50 năm, chỉ với câu chào xã giao thì tôi đã hình dung ngay đây đúng là một người bạn nhỏ năm xưa. Bạn nhỏ thời thơ ấu này có đôi mắt một mí như lúc nào cũng cười và một nốt ruồi trên mặt rất đẹp.
Kết
Ra khỏi hải quan tôi kéo vali ra ngoài khu địa phận quốc tế. Hơi nóng hừng hực của khí trời Sài gòn vào tháng 8 như lò lửa hất vào mặt tôi. Tiếng người chào đón, tiếng máy xe giòn giã, thiên hạ tấp nập chuyện trò, mùi nồng nặc của khói xăng…
Chợt tôi thấy không gian như dừng lại. Ở một góc nơi cổng ra vào, một hình dáng quen thuộc ngày nào hiện ra. Vẫn Q của ngày xưa với chiếc mũi cao và đôi mắt một mí lúc nào cũng như đang mỉm cười nhìn tôi. Kế bên Q tôi lại thấy một người nữa. Người này dáng dấp cao gầy, nét mặt đầy nét phong sương thăng trầm, và trên môi đang điểm một nụ cười mỉm chi.
Tôi thấy như mình đang ngược dòng thời gian, cùng các bạn hạnh phúc tung tăng vui đùa trong con suối mát trong ở sau trường Tiểu học Dưỡng Trí Viện Biên Hòa của hơn 50 năm về trước.
Hạnh phúc này thật đơn giản mà đến bây giờ chúng tôi mới tìm lại được. Xin cảm ơn đời.
Lập Đông 2017
Vũ Thị Quý, Nguyễn Hồng Đức và Võ Quách Thị Tường Vi