Hành hương là gì?
Trong tôn giáo, hành hương là đi đến tận nơi vùng thánh địa. Cầu nguyện để chứng tỏ lòng thành kính của mình đến đấng tối cao và đón nhận phước ban.
Các tôn giáo Do Thái, Chính Thống Giáo, Công Giáo và Đạo Hồi có thánh địa là Jesusalem
Đạo Phật có 4 khu thánh địa:
1- Nơi đản sinh của Đức Phật Thích Ca tại thành. Kapilavatthu (Tức Ca- ty- la-vệ) gần biên thùy giữa đông bắc Ấn Độ và Népan
2- Nơi Đức Phật thành đạo là Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng ) một thành phố ở quận Gaya, Bihar Ấn Độ
3- Nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 vị Tôn Giả tức là nhóm ông Kaundinya (Kiều trần Như) ở Sarnath (Lộc Uyển)
4-Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn tọa lạc tại thành phố Kushinagar Ấn Độ
Hành hương theo truyền thống Phật Giáo là nghi thức thắp hương đi kinh hành chung quanh tháp và điện Phật. Đơn giản hơn là đi đến thăm viếng các di tích Phật Giáo, các chùa. Thắp hương lễ bái trước tượng Phật và Bồ Tát.
Nhìn chung hành hương hay hành trình tâm linh là giúp con người quay về với đạo pháp, quay về với tự tâm mình. Hành hương cũng giúp người con Phật tạm rời cuộc sống bề bộn đua chen, tìm về những giây phút thanh tịnh, an lạc để sống hướng thiện và sống đúng chánh pháp.
Đầu năm ai cũng muốn bắt đầu bằng những dấu hiệu tốt đẹp. An lạc thân tâm, hạnh phúc viên mãn. Đầu năm đi lễ chùa, người con Phật thật trang trọng quỳ trước chánh điện. Được chiêm ngưỡng sự uy nghi và từ bi của đấng Thế Tôn. Được lắng lòng mình trong suối Pháp. Được nghe đạo từ, những lời chúc lành của các chư tăng ni thì chắc chắn sẽ có một hành trang thật tốt đẹp để bước vào năm mới..
Năm nay tôi được phước duyên cùng tham gia chuyến hành hương đầu năm của chùa Phật Tuệ tại vùng Riverside, California.
Theo thông lệ thường các chùa thường tổ chức hành hương thập tự, tức là đi 10 chùa. Số 10 là con số lớn nhất, tượng trưng cho viên mãn. Số 10 còn mang ý nghĩa của "Thập Phương Chư Phật" trong pháp giới.
Tuy nhiên rút kinh nghiệm những năm trước. Mỗi khi đi 10 chùa thời gian không đủ để Phật tử lễ Phật và nghe Pháp. Cứ vội vội vàng vàng đến rồi đi cho kịp thời gian. Như vậy không đạt được mục đích tu tập. Thầy trụ trì và quý Sư Cô sau khi đi một vòng khảo sát và chọn địa điểm, đã quyết định chỉ đi 5 chùa và đặt trọng tâm là HÀNH HƯƠNG TU TẬP.
Thầy cũng quyết định chọn ngày thứ bảy để không bị trùng lấp nhiều chùa đến hành hương cùng một lúc. Phật Tử có thể ở lại làm lễ và nghe Pháp lâu hơn. Địa điểm chọn cũng không phải là những chùa nổi tiếng nhiều người đến viếng. Mà là những ngôi chùa đang xây dựng hay những thiền viện xa xôi và yên tĩnh để thích hợp cho việc tu tập trong một ngày.
Trong đó cũng phải đến những ngôi chùa nước ngoài tại vùng Escondido.
Đoàn hành hương chùa Phật Tuệ gồm khoảng 150 người với 3 xe bus được thuê. Thức ăn sáng để đi và chiều về quý sư cô và Phật tử đã chuẩn bị tươm tất, nóng hổi cho đoàn. Buổi trưa theo sắp xếp sẽ được dùng ở một ngôi chùa đã được đặt trước. Thức ăn kẹo mứt, chuối, quýt, trái cây ở chùa ai muốn đem đi thì cứ lấy. Trên xe có sẳn nước và mỗi người được phát một bịt đậu phụng nấu thật ngon do thầy trụ trì mua về và đích thân nấu thật chín.
Vé được phân phối trước 1 tháng để Phật tử chuẩn bị. Vé có số ghế ngồi, số xe cũng như tên chiếc xe cho Phật tử khỏi đi lộn.
Thầy Quảng Trí tâm niệm 3 điều khi thực hiện một cuộc hành hương.
1-Ngày Tết dân tộc là ngày thiêng liêng và là cơ hội để người con Phật thanh lọc tâm ý, hướng lòng mình về đấng Thế Tôn. Tức là quay về với chính tự tâm của mình. Từ đó Phật tánh được phát khởi.
2- Khi quyết định lấy tấm vé chuẩn bị chờ ngày hành hương là ta đã cũng cố thêm niềm tin với tam bảo. Tâm mình bắt đầu huân tập, phát khởi sự thanh tịnh, tỉnh lạc để hướng về chuyến đi. Đó cũng là tạo được phước báo cho bản thân và quá trình tu tập.
3- Phải ghi nhớ là đi hành hương không phải đi xin xỏ Phật giúp cho mình giàu có, tài lộc hay sức khỏe. Mà chính là phát tâm hướng về Phật pháp. Thân khẩu ý thanh tịnh sẽ tạo nên những ý lành. Phước báo từ đó được phát sinh, những tai nạn, những ác nghiệp tự nó sẽ biến mất.
Như trong bài Kinh Thắng Hạnh Phật đã dạy:
Khi nghiệp thân khẩu ý
Hiền thiện và thanh tịnh
Chính là ngày cát tường
Là giờ phút hanh thông
Là khời khắc hưng thịnh.
Chùa nghèo, Thầy cũng không đủ điều kiện để tổ chức cho Phật Tử đến nơi thánh tích tại Ấn Độ. Do đó, hành hương tu tập đầu năm, đến các cảnh chùa là mình đã làm một cuộc hành trình đi về đất Phật trong nội tâm của mình. Cho nên Phật tử phải tâm niệm đi hành hương tu tập không phải là đi dạo kiểng xem hoa, chụp hình và vui chơi như đi du Xuân, thưởng ngoạn.
.......
Chúng tôi tập trung ở chùa trước 7 giờ. Ăn sáng với bún gạo xào rất ngon, uống cà phê hay trà nóng và lên xe. Hôm nay có một chuyến xe bus bị hư nên đến trễ. Sư Cô ở lại chờ và đi sau với số Phật tử xe đó. Tôi đi chiếc xe Chánh Kiến (số 1). Theo xe là một vị sư người Tích Lan tên là Khema và sư Tịnh Cần.
Sư Tinh Cần trụ trì ngôi chùa nguyên thủy "Vô Môn Thiền Tự" tại Garden Grove (CA) hành trì phương pháp thiền quán, Tứ niệm xứ (Vipassana), theo truyền thống Miến Điện. (Website :vomonthientu.org/).
Sư cũng phụ trách chương trình "Thiền và đời sống" trực tiếp phát hình băng tần 57.3 mỗi thứ tư từ 8 giờ đến 9 giờ pm.
Xe chuyển bánh, bon bon về hướng San Diego. Trên xe Sư Tinh Cần bắt đầu thuyết giảng về ý nghĩa hành hương và ngôi chùa đầu tiên đoàn sẽ đến
1- CHÙA KHỜ ME .
(WAT KHMER MONASTERY 15315 Lakeview Ave, Lake Elsinore, CA 92530)
Xe quẹo vào những con đường đồi dốc và đến địa điểm đầu tiên. Ngôi chùa Khờ Me
Thật tình khi vừa xuống xe nhìn dáo dác, chúng tôi chẳng thấy chùa đâu. Nằm trên một bải đất khá rộng là một dãy lều. Trên bục cao cao, bên trong thờ Phật. Đó là chánh điện của chùa. Ở dưới, nhà chùa đã sắp sẳn những ghế ngồi cho Phật Tử đến viếng. Các vị sư mời chúng tôi lên ngồi trên bục đã được lót thảm. Bên tay mặt là chỗ ngồi cho các vị sư.
Đồi núi cao, gió thổi vào lạnh cóng. Tôi mặc mấy lớp áo mà còn run. Muốn mang bao tay mà ngại khi lạy Phật. Một vài vị Phật tử lớn tuổi vội lấy mũ trùm kín cả đầu. Các vị sư ăn mặc đơn sơ, quấn y ngồi bì
nh thản tỉnh tọa chờ đợi. Chuyến xe cuối cùng cũng đã đến kịp lúc. Sư Cô hướng dẫn Phật tử vào ngồi ở mấy dãy ghế dành sẳn ở dưới.
Vị Sư chủ trì nói chuyện bằng tiếng Anh. Thầy xin lỗi đã không đủ phương tiện vật chất đón phái đoàn chu đáo. Chùa mới thành lập độ chừng một năm, trên vùng đồi núi hoang sơ. Không có hệ thống điện, hệ thống nước. Chùa có máy phát điện cá nhân để duy trì ánh sáng ban đêm. Còn nước thì bôm lên từ giếng tự đào. Tôi nghe xong thấy mình như lạc nào nơi nào không phải đất Mỹ, tiểu bang California.
Thầy Quảng Trí đưa phái đoàn đến đây hành hương là để Phật Tử thấy con đường tu tập và phát triển Phật pháp không phải dễ dàng. Các vị sư đã sống cực khổ, lạnh lẽo, thiếu thốn như vậy
đó. Các ngài đã tu tập theo hạnh nguyện hành trì như đức Phật ngày xưa. Rất là khổ hạnh.
Vì đây là ngôi chùa đầu tiên trong chuyến hành hương tu tập, nên thầy trụ trì và các vị sư hướng dẫn chúng tôi Quy Y ngũ giới và Thọ Bát Quan Trai giới.
Ngũ giới là 5 giới cấm mà mỗi đệ tử Phật phải thực hành.
Thọ Bát quan trai giới là người Phật Tử phát nguyện tu tập theo hạnh của người xuất gia trong một ngày một đêm. Nghĩa là giữ gìn cho thân tâm thanh tịnh trong vòng 24 giờ. Một cách tu tập bản thân ngăn chận những điều tội lỗi : Không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không uống rượu, không trang điểm ca múa, không nằm giường cao rộng, đẹp và không ăn quá giờ ngọ.
Vì đây là đi xa, ăn uống thất thường, nhận thấy không thể giữ đúng 8 giới luật, nên tôi không dám phát nguyện Thọ Bát Quan Trai.
Chúng tôi khi nghe những lời Pháp của các sư đều thấy đời sống mình quá đầy đủ và phàm tục. Thầy Quảng Trí đã nói một câu thật cảm động:
-'Nếu Phật tử muốn phát tâm cúng dường chùa Phật Tuệ, thì quý vị hãy cúng dường cho nơi này. Các Sư cần sự cúng dường nhiều hơn chùa chúng ta..."
Đúng! Đây là nơi để Phật Tử phát nguyện hạnh bố thí và cúng dường. Để các sư có thể có một nơi tương đối hơn để thờ Phật. Chứ chỉ có một mái lều đơn sơ che chắn bằng những tấm bạt, thì mùa mưa tới không biết thế nào
Nghe xong thời Pháp giảng và những lời chúc lành đầu năm của vị Sư Trụ trì, chúng tôi lạy Phật, tác bạch cúng dường và sau đó là đi vãn cảnh. Thật ra chùa chẳng có gì để xem ngoài việc sắp hàng đi restroom. Nhưng phòng vệ sinh chỉ có vài cái, lại không có nước để xả hay rửa tay. Cho nên nhiều Phật Tử bước vào rồi đành bước ra ngoài. Nghe đâu là trời quá lạnh, ống nước bị đóng băng nên nghẹt không chảy được.
Chùa mời phái đoàn ăn xôi được chuẩn bị sẳn trong chén bằng xốp. Có nước trà nóng và cà phê. Tôi lấy plastic wrap bọc xôi, vắt lại thành một nắm nhỏ vừa đi lên xe vừa ăn cho ấm bụng. Trời buổi sáng thật lạnh, nhìn lại cảnh chùa lần cuối lòng tôi chùn xuống. Nguyện ơn trên tam bảo gia hộ cho các sư thân tâm an lạc, đường tu vững chắc và phật đạo viên thành.
2- CHÙA THÁI LAN
(Sunnataram California, 9560 West Lilac Rd, Escondido, CA 92026)
Ngôi chùa thứ hai phái đoàn hành hương đến viếng là ngôi chùa của người Thái Lan.
Đây là một ngôi chùa khá rộng. Có một tượng Phật bằng đồng đen thật to ngay phía trước mặt tiền. Những tượng Phật khác khá lớn và đẹp. Phía sau là một khu vườn với nhiều bông hoa, cây trái chạy dài xuống chân đồi.
Khi Phật tử trong đoàn đi vào, một vị sư ngồi trên một chiếc xe đẩy gửi quà lì xì cho Phật Tử. Nghe nói vị sư này đã bị một tại nạn xe cách đây mấy năm. Sư học cao và biết nhiều về y dược. Nghe đâu sư có một loại dầu trị những bệnh cảm mạo, đau nhức rất hiệu quả.
Chúng tôi vào bên trong lễ Phật và nghe các sư thuyết pháp.
Đây là những ngôi chùa cấu trúc và thực hành theo nam tông nên các sư ngồi trên bồ đoàn, các Phật tử ngồi dưới thảm thấp hơn một chút.
Vị Sư Cả rất hiền là thân thiện. Ngài có dáng người rất đẹp lão, bộ râu dài và luôn luôn cười tươi và hoan hỉ với mọi người. Các sư tụng kinh bằng tiếng Bali và tiếng Thái nên tôi không hiểu.
Các sư thuyết giảng bằng tiếng Anh và được thầy Quảng Trí và thầy Tịnh Cần thông dịch, nên mọi Phật tử đều hiểu ý nghĩa.
Chúng tôi được lỉnh hội những lời chúc tết và cầu nguyện thật trang nghiêm và thanh tịnh. Một vị đại diện chùa Phật Tuệ gửi tịnh tài cúng dường cho chùa và thầy trụ trì thay mặt phái đoàn chúc Tết các sư. Chúng tôi được ra ngoài vãng cảnh, chụp hình chuẩn bị lên xe đi tiếp.
Một vị sư cũng nhắc nhở là đừng có đi xa và coi chừng có rắn .
3- THIỀN VIỆN ĐẠI ĐĂNG.
(6326 Camino Del Rey, thành phố Bonsall ở vùng SanDiego , CA 92003)
Ngôi chùa thứ ba chúng tôi đến viếng là Thiền viện Đại Đăng, một trung tâm nghiên cứu và tu học của Hội Thiền Học Việt nam thuộc hệ phái Thiền Tông Phật Giáo. Được trực thuộc dưới sự lãnh đạo và giáo hóa của Hòa Thượng Tông Chủ Thiền Sư Thích Thanh Từ.
Thiền viện Đại Đăng được xây dựng trên một triền đồi, với diện tích 9 mẫu tây, do thượng tọa Thích Tuệ Giác trụ trì.
Vì đây là ngày Tết, hơn nữa đây là một thiền viện khá có tiếng tăm nên sự bài trí cũng rất đặc biệt. Có một quầy chè kiểu nhà tranh rất xinh xắn do mấy cháu Phật Tử rất trẻ đứng bán. Một dãy thư quán và bán các vật kỷ niệm được bố trí dọc theo con đường vào khu tiếp tân.
Chúng tôi được biết sẽ dùng trưa nơi thiền viện này. Thầy trưởng đoàn căn dặn đến nơi hãy tập trung phía trước, chờ đoàn đến đủ rồi vào thiền đường nghe Pháp thoại. Khi đến nơi chúng tôi thấy các vị trong ban tiếp tân đã sắp xếp bàn ăn và chuẩn bị phục vụ. Một vị sư mời chúng tôi vào dùng bửa nhưng chúng tôi nói chờ thầy trưởng đoàn.
Khi thầy Quảng Trí đến, thầy thống nhất theo sự sắp xếp của thiền viện là dùng bửa trước rồi nghe Pháp sau.
Lần lượt chúng tôi ngồi vào bàn ăn trật tự. Hôm nay quý ngài đãi chúng tôi mì chay được mang đến tận bàn. Đang đói nên chúng tôi ăn rất ngon, ai muốn ăn thêm thì giơ tay, các vị phục vụ sẽ đem thêm. Sau khi ăn xong chúng tôi được hướng dẫn vào thiền đường để nghe Pháp.
Hôm nay Thượng Tọa Tuệ Giác giảng bài Pháp về lợi ích và sự an lạc của thiền.
Trong thiền đường có rất nhiều tranh thư pháp và hình ảnh rất đẹp. Với một không gian khá tỉnh lặng, khung cảnh yên bình của căn phòng, được nghe giảng Pháp thật lòng tôi nghe tâm mình lắng lại, yên bình và thanh tịnh.
Phải công nhận thiền viện rất đẹp và quy mô. Chúng tôi đi xung quanh chụp hình cảnh đẹp và lên xe đi tiếp thiền viện thứ tư.
THIỀN VIỆN PHÁP THUẬN
(9755 Old Castle Rd Valley Center, CA 92082)
Đây là một thiền viện mới lập, địa thế khá đẹp. hai bên là núi, có suối, có đồi. Chùa có tới 10 mẫu đất, trong tương lai sẽ là một ngôi đại điện quy mô và địa điểm tu học rất tốt.
Chúng tôi đến đây cũng xế chiều, Đại Đức Giác Chinh mời chúng tôi vào chánh điện. Một vị sư già ngỏ lời chào mừng đoàn, sau đó ngài mệt nên vào nghỉ ngơi.
Bài pháp của thầy Giác Chinh rất hay. Đó là một bài pháp về sự mở lòng và yêu thương, tha thứ.
Thầy đến đây với rừng núi và một tấm lòng. Thầy đem hết tâm của một nhà sư trẻ bằng niệm lực để cân bằng đời sống. Muốn năng lượng cuộc sống được đầy đủ, mạnh mẽ thì phải cần tu tập. Tu học để nhận biết khổ đau của cuộc đời, và tu học cũng là cách để xử lý cái khổ đau đó. Hạnh phúc trong cuộc đời là ta biết tu tập để thấy, biết và chuyển hóa. Đây là chìa khóa mở lòng bằng cách lắng nghe, tha thứ, yêu thương bằng trái tim chân thành. Càng mở lòng thì cái tôi mình sẽ nhỏ lại. Những nóng giận, đau khổ sẽ không còn.
4 chìa khóa của thầy để sống an lạc. Thứ nhất là đơn giản (simple), thứ hai là tự nhiên (Nature). Thứ ba là trong sáng (clearly)và thứ tư là mở lòng (open heart) Ngôi chùa Pháp Thuận là thảo lư mà thầy muốn mời mọi người hãy đến, khi muốn tìm về sự an lạc của hạnh phúc.
Bài thơ ngắn đầu xuân thầy ngâm trong buổi thuyết giảng để tặng cho phái đoàn hành hương:
Cali tôi có bóng chùa
Có hương bánh tét có mùa bánh chưng
Cali gió mát bốn mùa
Có hương vị Tết lễ chùa đầu năm
Với nụ cười thật vui tươi đầu Xuân, thầy mời chúng tôi ra sau dùng chả giò và cà ri bánh mì. Thức ăn đơn sơ nhưng cũng ấm lòng những người con Phật.
CHÙA VIÊN QUANG.
3394 Linda Vista Dr, San Marcos, CA 92078
Chùa Viên Quang là ngôi chùa cuối cùng chúng tôi đến hành hương. Điều đặc biệt ở nơi này là chúng tôi không được vào bằng cổng chính mà phải đến bằng ngõ sau.
Xe bus đậu vào một bãi đất trống khá rộng. Nhìn xa xa, trên cao là ngôi chùa Viên Quang
Đây là một pháp nạn của hầu hết các chùa VN trên đất Mỹ. Đa phần những cư dân ở đây không phải người đạo Phật. Họ không muốn bị ảnh hưởng bởi những người đông đúc đến hành hương, hay quá nhiều xe ra vào. Họ sẳn sàng báo city làm khó khăn, trở ngại cho sinh hoạt của chùa. Nên nhà chùa đành mời khách hành hương leo đồi đi ngõ sau.
Con đường đồi dốc khá dài, nhưng đã đến đây thì phải leo đồi thôi. Đoàn người ì ạch leo lên dốc. Nhìn thấy gần, nhưng đi cũng muốn hụt hơi. Đất đồi khi đi lên cũng hồi hộp sợ trượt chân. Có một chị lên tới đầu dốc thì quá mệt vì đường huyết bị tuột. Mấy bác già hơn có xe của Phật tử chùa Viên Quang chở lên.
Lên khỏi dốc đồi, bên trái là một bức tượng Quan Âm thật lớn. Dưới chân ngài một bể nước rộng.. Một Phật Tử chùa Viên Quang mời chúng tôi mua đèn hoa sen thả cầu an. Những chiếc đèn hoa sen bềnh bồng trôi nhè nhẹ trong làn nước.
Thầy trưởng đoàn đã căn dặn "Các Phật Tử lên tới nơi phải tập trung vào chánh điện nghe Pháp và lạy Phật. Mình không còn nhiều thời gian, đường về còn xa".
Sau khi ổn định chỗ ngồi trong chánh điện, thầy giới thiệu bài pháp của sư Khema.
Bài thuyết giảng của Sư Khema người Tích Lan là nói về hai chữ hành hương trong đầu năm mới. Phật pháp là "Thế gian pháp". Đi đến đâu Phật pháp cũng mượn văn hóa vùng đó để làm sao truyền tải lời Phật dạy đến người bản xứ một cách hiệu quả nhất.
Cũng với tinh thần đó Phật giáo Việt Nam đã kế thừa và phát triển Phật Giáo trên đất Mỹ. Hành hương tu tập hôm nay cũng mang tính kế thừa và phát triển như vậy.
Sau đó Đại Đức Thích Tâm Mãn trụ trì chùa Viên Quang đã có những lời chúc Tết đến phái đoàn. Ngài nhấn mạnh: Ngày Tết trong văn hóa VN là vui xuân đón tết. Người Phật tử đi hành hương không phải chỉ là du Xuân, ngắm cảnh. Mà phải là tu tập và nghe Pháp. Một ngày đi hành hương, giữ trong tâm những ý nghĩ hướng thiện, làm những hành động tốt, giữ thân, khẩu ý trong sạch, thì mới mới đem đến sự lợi lạc cho mình và cho người khác. Một hành động thiện sẽ mang đến một kết quả an lành, tâm sẽ thanh tịnh. Mọi việc sẽ hạnh thông.
Cho nên theo truyền thống mà Đức Phật đã dạy. Hành hương là đến chiêm ngưỡng bốn nơi gọi là linh thiêng hay gọi là Tứ Đồng Tâm ở Ấn Độ. Thì chúng ta cũng mượn ý nghĩa đó đến chiêm bái các nơi tự viện, các ngôi chùa có phong cảnh trang nhã để tâm chúng ta được an tĩnh trong những ngày đầu Xuân.
Ngài cũng tặng cho đoàn 4 câu thơ của chùa Viên Quang gửi đến cho đoàn chúc mừng năm mới an lạc và bình an:
Tết cổ truyền Tết của đất trời.
Mai đào khoe sắc nơi nơi hạnh phúc.
Xuân Viên Quang, Xuân nơi cửa Phật
Kinh pháp vang vọng, chữ chữ bình an.
Một ngày hành hương đầu năm , ngoài ý nghĩa phát triển truyền thống văn hóa VN, trang hoàng để đón chào Xuân mới. Còn là làm sao để kinh pháp phải vang vọng. Ngài hy vọng ngày hành hương tu tập, mỗi Phật tử phải tự phát nguyện năm nay và năm sau nữa thân, tâm sẽ phải thanh tịnh hơn, an lạc hơn. Có như thế ý nghĩa hành hương mới trọn vẹn trên cả hai phương diện, phong tục, tập quán thuần phong mỹ tục và đời sống tâm linh hướng thượng của chúng ta.
Kết thúc một ngày hành hương tu tập trong niềm hoan hỷ của mọi người. Chúng tôi ra về khi trời chiều ngã bóng. Từng tốp người lần lượt xuống đồi. Ánh đèn pin của Iphone soi từng bước đi dè dặt. Lời dặn dò coi chừng có rắn làm ban đầu ai cũng hồi hộp. Nhưng những bước chân đệ tử Phật vẫn yên bình trong niềm tin chánh pháp.
Một ngày hành hương nhiều lợi ích cho bản thân tôi. Ý nghĩa HÀNH HƯƠNG TU TẬP đã làm chuyến đi mang một sắc thái đúng nghĩa nhất mà tôi đã có duyên được thực hành.
Từ lúc bước lên xe đến lúc về lại nơi xuất phát, chúng tôi đã thật sự xếp bỏ những vướng víu , âu lo cho đời sống cá nhân lại một bên. Mỗi vị tăng chịu trách nhiệm dìu dắt Phật tử một xe. Như vậy lên xe được nghe thầy giảng pháp, được học hỏi về sự phát triễn của Phật Giáo. Được biết sơ lược tiểu sử, sự thành hình của từng ngôi chùa mình sắp đến. Không có video, hát hò hay kể chuyện tiếu lâm, cười nói rộn ràng vô bổ. Chúng tôi đã được quý thầy tạo một không gian lắng động, bình an để tâm thanh tịnh, an lạc trong niềm tin chánh pháp trong suốt một ngày.
Phút cuối cùng của chuyến đi, thầy Quảng Trí đã nhắn nhủ phái đoàn hành hương những lời chân thành nhất.
- Nguyên ngày đi hôm nay quý vị chỉ thực hành một câu thôi:"Không làm các điều ác." Các điều gì không làm ác cho mình và ác cho người là đã đủ rồi.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nguyễn thị Thêm.