Nói chuyện túc cầu
Người Xứ Bưởi
28 Tháng 01, 2018
Kết quả bất ngờ với 2 giải Merdeka 1966 & U23 AFC 2018
I/ Tưởng chừng như cổ tích
Chuyện không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra.
Khởi đầu, Hội Tuyển Quốc Gia Việt Nam qua sự dìu dắt của Huấn Luyện Viên Weigang đã thắng Singapore 2-1. Rồi đè bẹp Nhật Bản với tỷ số 2-0. Sau đó hạ "sát ván" Đài Loan với kết quả 3-0 để vào cầm đầu bảng 1 đụng độ trong trận chung kết với Miến Điện. Cuối cùng một kỳ tích đã xảy ra khi Việt Nam đá thắng được Miến Điện 1:0 qua quả đá phá lưới của tiền đạo Nguyễn Văn Chiêu vào phút thứ 71 để đoạt cúp vàng Merdeka 1966 (xem Nguồn 1 phía dưới)
Vâng, câu chuyện tưởng chừng như cổ tích đã thực sự xảy ra trước đây 52 năm đã mang niềm vui tưng bừng bất tận cho giới hâm mộ túc cầu thời đó. Cả miền Nam VN lúc đó hãnh diện tưng bừng tiếp đón Hội Tuyển VN trở về với chiếc cúp vàng Merdeka. Đặc biệt là xảy ra 3 cuộc tình lãng mạn giửa "tài tử và giai nhân". Sau đó tiến đến đám cưới của Thủ quân Tam Lang với "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết, Trung vệ Phạm Văn Lắm sánh duyên với ca sỹ Mỹ Dung và Tiền đạo Nguyễn Văn Ngầu với một cựu nữ sinh Gia Long (xem Nguồn 2) .
Nhìn kỹ lại thì Việt Nam rất xứng đáng đoạt cúp vàng Merdeka vì có đấu pháp tấn công mạnh mẽ 4-2-4 liên tiếp đá phá lưới khiến đối phương đều phải e sợ. Việt Nam đứng đầu trên 9 quốc gia được lọt vào tham dự giải vô địch bán chính thức Á Châu, trong đó gồm có Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Ấn Độ, Miến Điện, Nam Hàn, Thái Lan, Hongkong và Mã Lai (xem Nguồn 1).
Thực là một thời rạng rỡ vinh quang cho nền túc cầu VN mà chưa bao giờ có được cho đến bây giờ.
Thủ quân Tam Lang và cúp vàng Merdeka 1966
Nửa thế kỷ sau (1966 - 2018) bây giờ lại xảy ra chuyện quá bất ngờ trong giải U23 Á Châu 2018. Đội Tuyển Việt Nam với Huấn Luyện Viên Park Hang Seo đá huề với Syria 0-0 và hạ Australia (Úc) 1-0 để đứng hạng nhì trong bảng D và lọt vào tứ kết đụng độ với Iraq. Trong trận "sống chết" này Việt Nam đã dẫn trước nhưng bị gỡ huề 1-1 lại để đá thêm 2 hiệp phụ và lại dẫn trước 3-2 nhưng đến 4 phút cuối bị gở lại 3-3. Vào đá luân lưu penalty, thủ môn Bùi Tiến Dũng xuất sắc đã bắt được 1 trái để Việt Nam thắng 5-3 và vào bán kết gặp Qatar. Trong trận này, Việt Nam bị phạt penalty không rõ ràng vào phút thứ 39, sau đó gở huề 1-1 vào phủt 69, rồi lại bị dẫn trước 1-2 và đến phút thứ 88 đá lọt luới gở huề 2-2. Cuối cùng đá thêm 2 hiệp phụ bất phân thắng bại nên phải vào đá luân lưu. Dịp này, thủ môn Bùi Tiến Dũng trổ tài bắt được 2 trái khiến Việt Nam thắng 4-3 để vào trận chung kết gặp Uzbekistan.
Trận chung kết diễn ra vào ngày thứ bẩy 27/01/2018 trong một tình trạng đặc biệt chưa hề xảy ra trong lịch sử túc cầu thế giới. Đặc biệt là vì chưa có bao giờ một trận chung kết được tổ chức trong hoàn cảnh thời tiết quá xấu. Sân đá ngập tuyết mà vẫn phải đá. Nếu bên Âu Mỹ thì trọng tài lập tức ngưng trận đấu vì sợ tại nạn cho các cầu thủ và không thể đá banh theo đúng nghĩa.
Đội tuyển U23 Việt Nam từ lúc sinh ra lớn lên có bao giờ được đi trên tuyết chớ đừng nói là chơi đá banh trên tuyết với nhiệt độ lạnh đóng băng. Vậy mà vẫn đá huề 1-1 để vào 2 hiệp phụ. Uổng quá đến phút chót 120 (xem Nguồn 3) cầu thủ Sidorov của Uzbekistan đã đội đầu lọt lưới thắng 2-1 để đoạt huy chương vàng.
"Mưu đồ" của Huấn Luyện Viên Park Hang Seo là muốn thủ huề để tái diễn đá luân lưu như trong 2 trận trước, cho nên vào phút thứ 80, ông đã có quyết định "chiến lược" đổi người cho tiền đạo Công Phượng ra ngoài và thay thế vào đó tiền vệ Bùi Tiến Dụng để thủ thành. Kế hoạch này suýt thành công, bởi vì đến đầu phút chót thứ 120, VN vẫn thủ huề được 1-1. Tiếc thay chỉ thiếu chưa đầy 1 phút thôi thì VN vào đá vòng luân lưu thì chắc chắn sẽ đoạt giải vì có thủ môn Bùi Tiến Dũng rất xuất sắc như trong hai trận trước đã chứng tỏ.
Huấn Luyện Viên Park Hang Seo và huy chương bạc U23 AFC 2018
II/ Ai thắng ?
Trong bất cứ giải thể thao nào cũng có kẻ thắng người bại. Như vậy cho giải U23 Á Châu 2018 cũng không thoát thông lệ đó .
1) Uzbekistan đã thắng lớn khi đoạt giải được huy chương vàng. Nhứt là quốc gia này dân số chỉ bằng một phần ba Việt Nam và chưa hề thắng một giải túc cầu quốc tế nào. Lần này đoạt giải tựa như bất ngờ được "trúng số độc đắc" vì trước đó không có một bình luận gia nào đoán ra nổi. Độc đáo là đã thắng vẽ vang Trung Cộng với 1-0 có dân số đông gấp 40 lần. Lẫy lừng hơn hết là đã hạ "đo ván" 2 cường quốc túc cầu Nhật Bản với tỷ số khủng khiếp 4-0 và Nam Hàn với 4-1. Chỉ nội thành tích rực rỡ đó cho thấy Uzbekistan rất xứng đáng thắng giải kỳ này.
Câu hỏi then chốt được đặt ra là tại sao Uzbekistan đột nhiên đá banh quá hay cách xa một trời một vực với trước.
Câu trả lời rất đơn giản: Nền chính trị xứ này bắt đầu "đổi mới". Nhà độc tài già nua Islom Karimov cầm quyền 26 năm (1990 - 2016) cho đến chết và nay được thay thế bởi lớp người mới với Tổng thống Shavkat Mirziyoyev có nhiều dấu hiệu cải cách chính trị qua việc " cởi trói" báo chí. Cũng nhờ đó nền túc cầu Uzbekistan được cải cách tận cùng để nhân tài như ông Ravshan Khaydarov được huấn luyện đội tuyển và thành công ngay qua sự kiện thắng giải kỳ này (xem Nguồn 4). Tương tự cũng đã xảy ra nhiều trường hợp mà điển hình nhứt Nam Hàn dẹp bỏ chế độ độc tài quân phiệt vào năm 1988 và nay đã trở thành cường quốc túc cầu trên thế giới.
2) Đội tuyển Việt Nam cũng ở trường hợp tương tự như vậy. Rất bất ngờ được vào chung kết vượt quá mọi sự tiên đoán và mong ước trước khi đi tham dự. Nhứt là lại được phép tham dự vào giờ chót trong vai trò "lót đường" mà thôi. Bên cạnh đó, Đội tuyển Việt Nam được dân chúng thương mến thực sự vì thấy thể sức nhỏ yếu mà phải đá 3 trận dài kèm 2 hiệp phụ hơn 120 phút. Tội nghiệp nhứt là đá trận chung kết tuyết đỗ đầy sân lạnh đóng băng mà từ xưa tới nay chưa hề thấy.
III/ Ai Bại ?
Trung Cộng là kẻ thảm bại nhứt.
Lúc nào cũng huênh hoang sẽ vô dịch thế giới qua chương trình đầu tư vĩ đại vào lãnh vực túc cầu. Kỳ này dành được tổ chức giải, Trung Cộng tin chắc sẽ đoạt giải. Ai ngờ kết quả cho thấy sự yếu kém túc cầu của Trung Cộng. Qua đó đã thua Uzbekistan 0-1 và thua Qatar 1-2. Cuối cùng họ đứng hạng 3 trong bảng A để không được vào vòng tứ kết và phải chôn vùi tham vọng đoạt giải này.
Một sự kiện khác khiến cho cấp chỉ huy túc cầu Trung Cộng bị "mất mặt" là vận động được trọng tài Ma Ning của họ được vinh dự thổi trận chung kết. Nhưng không ngờ được giới hâm mộ túc cầu Việt Nam đã phản đối dữ dội đưa ra bằng chứng trong quá khứ đã bắt thiên vị bất lợi cho VN. Cuối cùng Tổng cuộc túc cầu Á Châu đành quyết định thay vào đó là trọng tài Ahmed Abu Bakar Said Al-Kaf của xứ Oman. Điều này cho thấy giới lãnh đạo túc cầu quốc tế không tin vào tinh thần ngay thẳng vô tư của nhân viên Trung Cộng.
IV/ Giải U23 AFC 2018 thực sự quan trọng ?
1) Dĩ nhiên đối với Uzbekistan đã thắng giải này thì họ phải cho rằng có tầm quan trọng và dân chúng đã tưng bừng tiếp đón đoàn quân đoạt giải với huy chương vàng trở về. Tổng thống Shavkat Mirziyoyev đại diện cho người dân tặng mỗi cầu thủ U23 một chiếc xe Chevrolet (xem Nguồn 5).
Tuy nhiên dư luận bị vô tình hoặc cố ý bị lường gạt bởi hệ thống tuyên truyền cứ tưởng đây là giải túc cầu Á Châu quan trọng rất lớn. Nhưng sự thực giải này không gì quá quan trọng cả. Nếu để ý thì đã thấy khán giả vắng hoe trong trận tứ kết (Việt Nam vs Iraq) chỉ có 980 người xem vào trong trận bán kết (Việt Nam vs Qatar) chỉ có 630 người xem. Còn trận chung kết (Việt Nam vs Uzbekistan) chỉ có 6200 khán giả lẽ loi xem trong một sân banh to lớn chứa 38000 chổ ngồi (xem Nguồn 2). Điều này nói rõ tầm nhỏ bé của giải này (xem Nguồn 6).
2) Thực ra những giải về loại U (thí dụ U23 ở Á Châu hoặc U21 ở Âu Châu hoặc U20 Thế giới) không có gì đáng quan trọng đối với túc cầu, vì tập trung các “mầm non” chuẩn bị trước khi được lựa chọn vào đá trong Hội Tuyển Quốc Gia. Thí dụ đội U20 Anh Quốc đoạt giải U20 Thế Giới 2017 tại Nam Hàn, mà trong đó không có cầu thủ nào chính thức trong Hội Tuyển Quốc Gia Anh Quốc.
3) Chỉ có Á Châu mới có giải U23, còn các cường quốc túc cầu như Âu Châu thì không có loại “mầm non“ đó nữa. Cho nên trong các đội U23 của Nhựt, Nam Hàn và Úc không có các cầu thủ chính lấy từ Hội Tuyển Quốc Gia. Bởi vậy họ đá “kém hơn“. Trong khi đó Trung Cộng “ma giáo” thì xử dụng rất nhiều cầu thủ Hội Tuyển Quốc Gia cho đội U23.
4) Cho nên phải rõ "không ảo tưởng rằng chức á quân giải U23 châu Á của đội tuyển Việt Nam vừa rồi giúp chúng ta đạt tới trình độ hàng đầu của bóng đá châu lục. Còn rất nhiều điều phải hoàn thiện, để đội tuyển U23 nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung có thể vươn tới trình độ đó" (xem Nguồn 6). Ông bà mình đã dạy đừng nên "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng". Chính cầu thủ Tam Lang trước đây - khi thắng giải Merdeka 1966 - đã nhận định "phải cần chuẩn bị ít nhứt 30 năm nữa VN mới đủ sức tham dự được giải túc cầu thế giới".
V/ Kết luận
Theo bình luận gia đài BBC Anh Quốc thì HLV Park Hang Seo "đang viết nên một chương mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam" (xem Phụ Đính 1). Điều này rất có thể xảy ra vì càng ngày cho thấy yếu tố huấn luyện viên đóng vai trò then chốt cho sự thành công của một đội banh.
Nhìn lại quá khứ thì càng được chứng minh rõ hơn với sự xuất hiện của ông Weigang vào năm 1965 làm huấn luyện viên đã khiến Hội Tuyển Quốc Gia Việt Nam (VNCH) đạt được nhiều thành công rực rỡ và khiến cả Á Châu phải kiêng dè khi "đụng độ" (xem Phụ Đính 2).
1) Cả 2 ông này có một điểm chung rất quan trọng là dân xứ Đức và dân xứ Nam Hàn đều có dân tộc tính trọng kỷ luật & đúng giờ. Mà kỷ luật & đúng giờ chính là yếu tố then chốt để đội banh muốn thành công (xem Phụ Đính 2).
2) Nhưng lại có điểm khác biệt rất sâu sắc. Đó là cấp chỉ huy túc cầu ngày xưa được sống và hành động trong một chế độ cởi mở tự do hơn ở dưới thời VNCH. Cho nên họ cư xử rất tế nhị đắc nhân tâm & thành thực với huấn luyện viên. Còn cấp chỉ huy túc cầu bây giờ được trưởng thành trong xã hội cộng sản nên rõ ràng thiếu căn bản đó. Bằng chứng rõ rệt là HLV Weigang tình cảm rất khắn khít với cấp chỉ huy túc cầu và cầu thủ VNCH thời xưa (xem Phụ Đính 2). Chính vì tình nghĩa đó ông này đã quay lại giúp VN vào năm 1995 làm huấn luyện viên cho Đội Tuyển Việt Nam và liên tiếp thành công rực rỡ đoạt huy chương bạc SEA Games 1995 & huy chương đồng Tiger Cup 1996 (xem Phụ Đính 4). Cuối cùng, ông Weigang đành phải đau lòng chia tay Việt Nam vì thấy không còn được đối xử trong tình nghĩa qua những xung đột với giới chức chỉ huy túc cầu CSVN.
Nên nhớ rằng ông Weigang đã làm huấn luyện viên cho Hội Tuyển Quốc Gia vào năm 1965 thời VNCH hoàn toàn không nhận một đồng bạc tiền thù lao nào, bởi vì ấp ủ nổi đam mê túc cầu và một tấm lòng thương Việt Nam. Thiệt là một nhân vật khó kiếm ra trong cuộc đời nhiểu nhương đầy tham nhũng như bây giờ. "Mất" ông Weigang vào năm 1996 đã khiến nền túc cầu VN không còn phát triển đoạt giải gì quan trọng cho đến ngày nay.
3) Có lẽ đã thấy điểm khó khăn sinh tử đó, ông Park Hang Seo đã đòi hỏi nắm toàn quyền chỉ huy cả 3 đội banh quan trọng gồm: Đội tuyển quốc gia, Đội tuyển U23 và Đội tuyển Olympic.
Trong niềm hy vọng đó mong rằng ông Park Hang Seo sẽ thực sự thắng giải đoạt cúp vô địch túc cầu quốc tế nào đó (như ông Weigang đã làm !) về trong tương lai để mang niềm vui và hãnh diện cho dân tộc VN. Biết đâu tuổi trẻ VN nhờ đó biết đoàn kết & tự tin hơn và khiến cho đất nước Việt Nam sẽ chuyển mình.
Chuyện này đã xảy ra trong lịch sử Tây Đức khi bẩt ngờ đoạt giải vô địch thế giới 1954 và nhờ đó có niềm tin mãnh liệt sẽ thành công tái xây dựng lại đất nước thua trận từ "đống tro tàn". Quả nhiên ngày nay nước Đức được tái thống nhứt (năm 1990) không tốn một giọt máu nào và trở thành quốc gia tự do dân chủ lãnh đạo Âu Châu với Nữ Thủ Tướng Merkel (rất đam mê túc cầu !)
Người Xứ Bưởi
28 Tháng 01, 2018
-------- ---- -------
Nguồn 1: Kết quả giải Merdeka 1966
http://www.rsssf.com/tablesm/merdeka66.html
Nguồn 2: Thủ quân Tam Lang "chiếm đoạt" trái tim của "cải lương chi bảo" Bạch Tuyết
http://diendan.cailuongso.com/showthread.php?t=13821
Nguồn 3: Kết quả giải U23 AFC 2018
https://en.wikipedia.org/wiki/2018_AFC_U-23_Championship
Nguồn 4: HLV U23 Uzbekistan: Giỏi hơn Park Hang Seo, sếp U23 VN từng 'ôm hận'
https://baomoi.com/hlv-u23-uzbekistan-gioi-hon-park-hang-seo-sep-u23-vn-tung-om-han/c/24773144.epi
Nguồn 5: Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đại diện cho người dân tặng mỗi cầu thủ U23 một chiếc Chevrolet
https://baomoi.com/u23-uzbekistan-duoc-don-chao-ra-sao-khi-tro-ve-que-nha/c/24792198.epi
Nguồn 6: Không ảo tưởng rằng chức á quân giải U23 châu Á của đội tuyển Việt Nam vừa rồi giúp chúng ta đạt tới trình độ hàng đầu của bóng đá châu lục
https://news.zing.vn/u23-viet-nam-mat-sau-cua-thanh-cong-post815855.html
-------- ---- -------
Phụ Đính 1: Park Hang Seo viết chương mới cho bóng đá Việt Nam
Ông Park Hang Seo đang viết nên một chương mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Khi người đàn ông Hàn Quốc 59 tuổi ký hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam tháng 10/2017, ông cam kết phát huy khả năng tốt nhất từ đội bóng, giúp họ nổi bật giữa các đội bóng Đông Nam Á.
Ông đã giữ lời hứa khi đưa U23 Việt Nam vào chung kết giải châu Á của AFC, sau khi đá bại Qatar trên chấm phạt đền ở trận bán kết.
Đây là lần đầu tiên một đội Đông Nam Á lọt vào chung kết giải U23 này.
Truyền thông nay có người gọi ông là "Hiddink châu Á" nhờ chuyện thần tiên của đội trong giải.
Ông Park từng là thành viên trong nhóm huấn luyện của Guus Hiddink khi huấn luyện viên Hà Lan đưa Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002.
Phát biểu với một đài phát thanh địa phương Hàn Quốc, ông Park nói thật phóng đại khi so sánh ông với Hiddink.
"Tôi chưa đến đẳng cấp của ông Hiddink. Tôi rất kính trọng ông ấy."
"Tôi chỉ cố gắng làm sao được như ông ấy."
Ông cho biết hiện tại, ông "chỉ tập trung cho trận chung kết" chứ không nghĩ về danh tiếng mới có ở Việt Nam.
Ông Park bắt đầu sự nghiệp bóng đá ở một đội nghiệp dư, và lần đầu ra mắt chuyên nghiệp năm 1984.
Ông có thời gian ngắn chơi cho U20 và tuyển quốc gia Hàn Quốc.
Ông bắt đầu huấn luyện năm 1996 ở đội LG Cheetahs, nhưng được nhớ nhất nhờ vai trò trong ban huấn luyện tuyển quốc gia năm 2002.
Khi đó ông là trợ lý cho ông Hiddink, đưa đội về thứ tư ở World Cup.
Sau World Cup, ông dẫn dắt tuyển quốc gia thay ông Hiddink, và lãnh đạo đội tại Asian Games 2002.
Sau đó ông huấn luyện các câu lạc bộ chuyên nghiệp Hàn Quốc như Gyeongnam FC, Jeonnam Dragons, và Sangju Sangmu.
Trước khi tới Việt Nam, ông dẫn dắt Changwon City FC ở giải hạng ba quốc gia
BBC
2018-01-24
-------- ---- -------
Phụ Đính 2: Ngã rẽ của ông Weigang và số phận chiếc cúp vô địch
TT - HLV của tuyển miền Nam ở giải Merdeka 1966 là ai? Đó chính là HLV người Đức Karl Heinz Weigang - người đã đưa đội tuyển VN đến chiếc huy chương bạc SEA Games 18 và huy chương đồng Tiger Cup 1996 khi trở lại với bóng đá VN lần thứ hai năm 1995.
(Thật thú vị bởi HLV Weigang cũng là người mà cố nhà báo thể thao Tường Vy đã có lời bình sau Tiger Cup 1996: “Đây là một con người chứa trong mình một kho chuyện của bóng đá VN”). Và đây là “kho chuyện” của ông Weigang, 39 năm về trước.
Người thổi hồn cho đội tuyển
Năm 1964, ông Weigang đến Sài Gòn trong vai một ông giáo dạy nghề ở Trường kỹ thuật Cao Thắng. Ông giáo này mê bóng đá một cách kỳ lạ. Sau những giờ dạy, ông Weigang lại lang thang đến các sân bóng ở Sài Gòn để xem và tìm kiếm những tài năng. Cũng năm 1964 này, ông được bổ nhiệm làm HLV dẫn dắt đội tuyển thiếu niên đến năm 1965.
Năm 1966, chuẩn bị cho Merdeka 1966, ý kiến đưa ông Weigang làm HLV trưởng đội tuyển miền Nam được đưa ra. Ban đầu trong nội bộ Tổng cuộc Túc cầu cũng có nhiều ý kiến phản đối, nhưng sau đó tổng cuộc đã thuyết phục được mọi người với lý do: HLV Weigang sẽ dẫn dắt đội tuyển... miễn phí.
Đây là một canh bạc thật sự, bởi lúc ấy ông Weigang chưa có bằng HLV bóng đá. Đây cũng là quyết định dẫn đến ngã rẽ của cuộc đời ông Weigang bởi sau chiếc cúp vô địch Merdeka, ông đã giã từ công việc của một thầy giáo dạy nghề để dấn thân vào bóng đá nhà nghề với tấm bằng HLV nhà nghề của FIFA mà ông đạt được sau khi chia tay tuyển miền Nam năm 1968.
Trung vệ Nguyễn Văn Mộng kể: “Một ông HLV chỉ hơn những cựu binh trong đội 5-7 tuổi, lại không có bằng cấp, không nói ra nhưng nhiều anh em ngấm ngầm tỏ ý không phục. 7g30 tập, anh em tuy có mặt đầy đủ nhưng cứ đủng đỉnh thay đồ.
Ông Weigang lập tức tiến về phía chúng tôi và gí sát đồng hồ vào mặt từng người: “Tôi nói các anh 7g30 là bắt đầu vào buổi tập chứ không phải đến giờ này mới bắt đầu thay đồ, hôm nay nghỉ tập!”. Tự ái vì bị nói nặng, sau đó không ai bảo ai, kỷ luật cứ răm rắp. Weigang dẫn chúng tôi 1-0.
Chỉ qua mấy buổi tập, ông Weigang đã chấm anh Tam Lang làm thủ quân của đội. Cái gốc nhà giáo đã giúp ông có những tuyệt chiêu tâm lý để biến 17 cầu thủ chúng tôi thành một khối thống nhất. Thời nào cũng vậy, đội tuyển của quốc gia nào cũng vậy, chuyện phe nhóm hay xích mích giữa các cá nhân với nhau là không thể tránh khỏi. Chỉ một thời gian ngắn, qua những buổi tập, ông Weigang đã phát hiện những nhóm và những cầu thủ có “vấn đề” với nhau qua những đường chuyền “chết người” hay không chuyền bóng để “xách xe không chạy chơi”. Bài thuốc ông đưa ra là trò chơi kéo co và phân những cầu thủ “tay lái nghịch” ở cùng một phe. Muốn thắng thì phải cùng nhau hợp sức, dăm ba lần cùng nhau “chiến đấu” hiềm khích tự nhiên tiêu tan.
Một cái giỏi nữa của ông Weigang lúc ấy là chính sách sử dụng xoay vòng cầu thủ. 17 người của đội luôn được ông ấy sử dụng trong các trận đấu. Ông ấy bảo: “Bao giờ các anh cũng đá tốt nhất trong 70% thời gian của trận đấu. Vậy thì không có lý do gì tôi phải để một người đá liên tục trong các trận đấu”. Quan điểm ấy giúp chúng tôi giữ được thể lực, sự tinh anh cùng sự nỗ lực cao nhất trong mỗi trận đấu. Còn về phía ông Weigang, ông ta luôn có những cầu thủ dự bị tốt”.
Tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh cũng kể: “Ông Weigang hơn tôi chừng vài ba tuổi thôi. Ổng lanh lắm! Mấy động tác thị phạm khó, làm không được, ông bắt tôi với Tam Lang thực hiện để khỏi bị quê trước anh em. Nhưng cái hay của ông Weigang này là sống hết mình và hết lòng chiều chuộng anh em cầu thủ. Mà cái tình với anh em của Weigang còn kéo mãi đến mấy chục năm sau. Cái nhà tôi đang ở nè (trên đường Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận, TP.HCM - NV), ổng cho mượn tiền mua lúc ổng sang đây làm HLV đội tuyển VN năm 1995. Mấy chục năm xa cách mà ổng còn đối với tôi như thế, huống hồ là hồi xưa...”.
Chúng tôi tìm đến ông Trần Văn Ba, là người từng làm việc ở văn phòng “Tổng cuộc Túc cầu” trước năm 1975. Ông Ba nói: “Ôi chiến tranh loạn lạc, tôi cũng không biết số phận chiếc cúp đi về đâu. Nhưng những gì còn trong văn phòng tổng cuộc thì tôi bàn giao lại hết cho cán bộ tiếp quản”.
Cán bộ tiếp quản các cơ sở thể thao lúc ấy là ai? Đó chính là các ông Lê Bửu, Nguyễn Thanh Toàn, Năm Xá... Ông Bửu cho biết: “Chắc là mất cả rồi. Nên nhớ vài tháng trước ngày thống nhất, sân Cộng Hòa là nơi quân đội chế độ cũ trưng dụng. (…)
Liệu pháp tâm lý mang tên Weigang
“Biết cái “dớp” nhiều lần thua trận trước Miến Điện nên đêm trước trận chung kết, ông Weigang không đả động gì đến trận đấu. Sáng hôm sau, ông rủ cả đội đi dạo loanh quanh nơi ở. Không có chuyện banh, bóng hay chung kết gì cả… Buổi đi dạo đó chỉ có những trận cười đã đời từ những câu chuyện tếu giữa thầy trò với nhau. Nhờ có một cái đầu rỗng từ buổi đi dạo này, chúng tôi có một giấc ngủ thật ngon lành cùng một tâm trạng sảng khoái trước trận chung kết” - ông Mộng hào hứng kể về những phút giây cuối cùng trước khi bước vào trận đấu.
17g chiều cả đội lên xe ra sân (cách nơi ở khoảng 30 phút xe chạy). Tiếng cười vẫn rộn rã dù mọi người đang chuẩn bị bước vào trận đấu cực kỳ khó khăn với đối thủ xương xẩu là Miến Điện. “18g cả đội bắt đầu khởi động. Vẫn chưa thấy gương mặt ai lo lắng. Đó là một điềm lành mà ông Weigang đã đem lại cho chúng tôi trước trận chung kết” - ông Mộng kể.
Ông Weigang cùng những học trò của mình đã có một chiến thắng thật đẹp trên đất Malaysia, nhưng chiếc cúp vô địch có được trong trận kịch chiến ở Kuala Lumpur 39 năm về trước vẫn là nỗi đau cho những chủ nhân của nó mỗi khi được ai đó hỏi đến...
Chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 đang ở đâu?
Trong một tấm ảnh mà trung vệ Phạm Văn Lắm còn lưu giữ, chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 có hình một cầu thủ đang co chân sút bóng rất đẹp. Ông Lắm cho biết chiếc cúp có đế bằng gỗ và nặng khoảng 5kg. Sau khi đội trở về Sài Gòn, chiếc cúp được đặt ở trụ sở Tổng cuộc Túc cầu trong sân vận động Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Theo thủ quân Tam Lang và các cựu tuyển thủ, chiếc cúp có lẽ đã bị thất lạc trong những ngày Sài Gòn giải phóng.
Còn theo ông Mộng, lần cuối cùng ông nhìn thấy chiếc cúp này là vào khoảng năm 1976. Ông kể một lần đi qua ngã tư Phú Nhuận (ông Mộng vẫn không nhớ được chính xác ở con đường nào - NV), ông tình cờ bắt gặp chiếc cúp lăn lóc trong một hàng lạc xoong ở lề đường.
“Tôi dừng xe hỏi mua.Người bán ra giá 500 đồng. Một số tiền quá lớn với tôi hồi ấy... Và thế là đành đau lòng chia tay chiếc cúp mà cả đội đã nỗ lực hết mình mới giành được. Chiếc cúp đã tuyệt tích từ đó! Nhưng tôi tin nó vẫn còn được m ột người nào đó lưu giữ, bởi với số tiền lớn như đã nói ở trên, người nào mua nó từ hàng lạc xoong trên vệ đường ngày ấy chắc chắn phải có tình yêu sâu nặng với bóng đá...”.
Mịt mờ về số phận của chiếc cúp nhưng những lão cầu thủ vẫn hi vọng: khi hình ảnh của chiến thắng Merdeka 1966 được tái hiện trên Tuổi Trẻ, biết đâu chủ nhân đang lưu giữ nó sẽ giúp nó trở về với bóng đá VN...
Hi vọng là thế!
Sưu tầm trên internet / 10/11/2005
-------- ---- -------
Phụ Đính 3: Giải Merdeka ở Malaysia 1966
Giải Merdeka năm 1966 được đánh dấu lần tổ chức thứ 10 liên tục, với sự tham dự của 12 quốc gia sừng sỏ về bộ môn bóng tròn như Đại Hàn, Nhật, Miến Điện, Kuwait, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam Cộng Hòa và nước chủ nhà Malaysia. Giải tổ chức rất quy mô, thời bấy giờ được đánh giá tương đương như giải Vô Địch Bóng Tròn Châu Á.
Đội tuyển quốc gia của Việt Nam
Phái đoàn đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa gồm 22 người như sau:
Huấn luyện viên: Weigang (Tây Đức)
Phụ tá huấn luyện viên: Trần Văn Thông
Trọng tài quốc tế (FIFA): Hồ Văn An
Ký giả lão thành Huyền Vũ
Thành phần: cầu thủ 17 người
Thủ môn: Lâm Hồng Châu, Hồ Thanh Chinh
Hậu vệ: Lai Văn Ngôn II, Phạm Văn Lắm, Phạm Huỳnh Tam Lang, Phan Dương Cẩm (Hiển), Nguyễn Văn Có, Nguyễn Văn Mộng
Tiền vệ: Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh, Quách Hội
* Tiền Đạo: Trần Chánh, Quang Kim Phụng, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Văn Xê, Lê Văn Đức
Đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa bước vào giải khí thế thật hùng dũng với các chiến thắng như chẻ tre, trước Hồng Kông, Thái Lan, Nhật, Singapore, qua đấu pháp 4-2-4
Trong trận chung kết Huấn Luyện Viên Weigang sắp xếp lại đội hình như sau:
* Thủ Môn: Châu* Hậu Vệ: Hiển, Có, Tam Lang, Ngôn II
* Tiền vệ: Vinh, Thanh
* Tiền Đạo: Ngôn I, Chiêu, Đức, Chánh
Bàn thắng đưa Việt Nam lên chức vô địch Merdeka 1996
Trước tiếng còi khai mạc trận chung kết, 40,000 khán giả đã ngồi kín Sân Vận Động Quốc Gia Merdeka với sự chủ tọa của quốc vương Mã Lai và Thủ Tướng Abdulraman.
Phút 71, từ đường chuyền của thủ quân Phạm Huỳnh Tam Lang ở phần sân nhà đưa lên, nhà ảo thuật Đỗ Thới Vinh khéo léo dẫn qua hai cầu thủ Miến Điện, mở xuống vừa đúng tầm trung phong Nguyễn Văn Chiêu băng xuống.
Chiêu dùng ngực hứng bóng, xoay người, tung quả sút hiểm hóc từ xa 25 mét bằng chân trái, bóng đi như ánh chớp vào góc thượng của khung thành trong sự ngỡ ngàng của đệ nhất thủ môn Á Châu thời bấy giờ là Tin Tin An, mở tỷ số 1-0 cho đổi tuyển Việt Nam.
Bàn thắng này là bàn thắng duy nhất của trận đấu và cũng là bàn thắng đáng giá ngàn vàng đưa đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa lên ngôi vương giải vô địch Merdeka 1996 trong nỗi vui mừng tràn ngập của toàn thể nhân dân miền Nam Việt Nam.
22 nhân vật trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự giải Merdeka 1966 ai còn, ai mất, hiện sống ở đâu?
Năm người đã vinh viễn ra đi:
* Ký giả lão thành Huyền Vũ, rời Việt Nam vào Tháng Tư năm 1975, định cư tại Virgina Beach, Virginia, Hoa Kỳ, và mất tại đây vào Tháng Chín năm 2005.
* Trọng Tài Quốc Tế Hồ Văn An, được Hiệp Hội Ký Giả Thể Thao Việt Nam bầu chọn là Chiếc Còi Vàng năm 1972, tức trọng tài hay nhất trong năm, đã ra đi tại quận Bình Thạnh, Sài Gòn, năm 2003.
* Huấn Luyện Viên Trần Văn Thông qua Mỹ theo diện đoàn tụ khoảng cuối năm 1980, định cư tại California và mất năm 1995.
* Tiền vệ Đỗ Thới Vinh mất tại Việt Nam năm 1995 vì bệnh tiểu đường. Anh là tên tuổi được mọi người ái mộ từ trong nước ra tới hải ngoại, nhưng đã ra đi trong hoàn cảnh thật đơn chiếc và túng thiếu.
* Trung phong Nguyễn Văn Chiêu, người ghi bàn thắng duy nhất trước Miến Điện để đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa đoạt giải Merdeka 1966, vĩnh viễn ra đi năm 1987 tại Long Thành trong hoàn cảnh thật đáng thương tâm, chỉ có người vợ hiền cùng mấy người con khóc nức nở trước thân xác lạnh lẽo của chồng và cha trong căn chòi lá nằm sâu trong thị xã Long Thành.
8 người còn ở lại Việt Nam:
* Thiếu Tá Cao Văn Phước: nhà dìu dắt đội tuyển túc cầu Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc sau cùng là đại tá (Cục Quân Vận). Sau khi đi cải tạo trở về, vì tuổi cao, từ chối ra đi theo diện HO. Ông hiện đang sống những ngày xế chiều bên gia đình ở Việt Nam.
* Hậu vệ trái Phạm Văn Lắm: đang bị chứng bệnh tai biến mạch máu não, hoàn cảnh gia đình hiện nay rất túng thiếu.
* Trung vệ Phan Dương Cẩm (tự Hiển): đang ở Việt Nam với cuộc sống bình thường.
* Trung vệ Nguyễn Văn Có: hiện ở Việt Nam và cuộc sống khó khăn.
* Trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang: hiện ở Việt Nam đang huấn luyện cho câu lạc bộ thành phố ở giải vô địch hạng nhất.
* Tiền vệ Quách Hội: hiện ở Việt Nam đang bị chứng bệnh tai biến mạch máu não.
* Tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh: đang ở trong tình trạng đau ốm triền miên, hoàn cảnh gia đình khó khăn.
* Thủ môn Hồ Thanh Chinh: hiện ở Gò Vập, nghề nghiệp chính là dạy quần vợt.
9 người định cư tại nước ngoài:
* Thủ môn Lâm Hồng Châu hiện định cư tại tiểu bang Maryland cùng với gia đình.
* Tiền đạo cánh trái Nguyễn Văn Ngôn (tức Ngôn I): hiện định cư ở Florida.
* Trung phong Quang Kim Phụng: hiện sống ở tiểu bang Virginia.
* Tiền đạo cánh phải Nguyễn Văn Xê: hiện định cư tại Houston, Texas.
* Tiền đạo cánh phải Trần Chánh: hiện định cư ở Đức cùng với gia đình.
* Tiền đạo Lê Văn Đức: hiện đang sinh sống tại Paris.
* Hậu vệ Nguyễn Văn Mộng: định cư với gia đình tại San Jose, California, hiện tại đang mở trung tâm huấn luyện căn bản bóng tròn mang tên Đa Phước ở Cần Giuộc, Việt Nam.
* Hậu vệ Lai Văn Ngôn (Ngôn II) định cư tại Quận Cam, California, cựu chủ biên tuần báo Khỏe Đẹp, hiện nay về hưu và sống bình yên bên gia đình.
* Huấn Luyện Viên Weigang: hiện đang huấn luyện cho một câu lạc bộ chuyên nghiệp hàng đầu của Malaysia.
Việt Long / RFA
2008-12-29
-------- ---- -------
Phụ Đính 4: Tiểu sử ông Karl-Heinz Weigang
Ngày sinh 1936-2017
Nơi sinh: Đức
Hoạt động:
? – 1964 Sri Lanka
1966–1968 Việt Nam Cộng hòa
1970–1973 Mali
1974–1975 Ghana
1979–1982 Malaysia
1982–1986 Cameroon (đội trẻ)
1987–1988 Canon Yaoundé
1989–1994 Gabon
1995–1997 Việt Nam
1997–2000 Perak FA
2005–2006 Johor FA
Karl-Heinz Weigang (1936-2017) là một huấn luyện viên bóng đá người Đức, có phần lớn thời gian làm việc ở châu Phi và châu Á. Ông từng là huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam Cộng hòa giành chức vô địch Cúp Merdeka năm 1966, cũng như huấn luyện viên đầu tiên đem lại thành công cho đội tuyển Việt Nam ở đấu trường quốc tế từ khi hội nhập trở lại với chiếc huy chương bạc SEA Games 1995.
Sự nghiệp huấn luyện viên Karl-Heinz Weigang bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và huấn luyện bán thời gian tại Sri Lanka, trước khi đến miền Nam Việt Nam vào năm 1964. Năm 1964, ông đến Sài Gòn làm giáo viên dạy nghề ở Trường kỹ thuật Cao Thắng. Sau những giờ dạy, ông thường đến các sân bóng ở Sài Gòn để xem và tìm kiếm tài năng.
Sau đó, ông trở thành huấn luyện viên cho các câu lạc bộ Hải Quan, Cảnh sát. Năm 1966, Tổng cục Thể thao đề cử ông làm huấn luyện viên trưởng đội U20 Việt Nam Cộng hòa tham dự giải trẻ châu Á ở Tokyo. Khi chuẩn bị cho Cúp Merdeka, một phần do sự nhiệt tình, một phần do đồng ý dẫn dắt đội tuyển miễn phí nên ông được chọn làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam Cộng hòa, dù lúc đó chưa có bằng huấn luyện viên.
Khi mới bắt đầu nhận đội tuyển, do Weigang là huấn luyện viên trẻ, chỉ hơn các cựu binh chừng 5 tuổi nên một số cầu thủ không phục. Ông đã áp dụng tính kỷ luật để đưa các cầu thủ vào nề nếp, kết hợp các biện pháp tâm lý để giúp đội tuyển thành một khối đoàn kết, thực hiện chính sách quay vòng cầu thủ hợp lý. Trước trận chung kết, ông cho các cầu thủ nghỉ ngơi, đi dạo nên toàn đội có tinh thần thoải mái và thắng Miến Điện, một đối thủ mạnh, 1–0 ở chung kết, vô địch giải đấu. Sau khi vô địch Cúp Merdeka, Weigang đã chuyển hẳn làm huấn luyện viên nhà nghề, với tấm bằng huấn luyện viên của FIFA ông đạt được năm 1968.
Sau khi rời Việt Nam, Weigang chuyển sang huấn luyện các đội bóng châu Phi, lần lượt ở Mali, Ghana, Cameroon, Gabon trong khoảng thời gian 24 năm, trong đó có một thời gian ngắn quay lại châu Á làm việc ở Malaysia. Thành tích đáng nhớ nhất trong thời gian ở châu Phi của ông là dẫn dắt đội tuyển Mali giành ngôi á quân châu Phi năm 1972 ngay lần đầu tiên tham dự một vòng chung kết. Trong thời gian ở Malaysia ông đã đưa đội tuyển nước này vượt qua vòng loại Olympic 1980 và Cúp bóng đá châu Á 1980 trong cùng năm. Đây là lần cuối cùng cho đến nay đội tuyển Malaysia vượt qua vòng loại hai giải đấu này.
Tháng 4 năm 1994, Weigang đến Hà Nội với vai trò giảng viên của lớp huấn luyện dành cho các huấn luyện viên do FIFA tổ chức. Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có đề nghị ông giúp đỡ việc huấn luyện cầu thủ. Ông nhận lời, có 7 tuần huấn luyện cầu thủ trước khi trở về Đức. Năm 1995, sau khi huấn luyên viên Tavares từ chức, Weigang chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam. Tại SEA Games 1995, ông đã dẫn dắt đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên vượt qua vòng bảng ở một kỳ SEA Games kể từ khi tham gia trở lại (từ năm 1989). Ở bán kết Việt Nam đã thắng Myanmar 2-1 và chỉ chịu thua chủ nhà Thái Lan ở chung kết, giành huy chương bạc. Đây là nền tảng để đưa Việt Nam trở thành một trong những đội bóng hàng đầu khu vực sau này.
Weigang tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam dự Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á đầu tiên (mang tên nhà tài trợ là Tiger Cup) năm 1996. Trong giải, nhất là trận đấu gặp Lào, một số cầu thủ Việt Nam có biểu hiện tiêu cực. Ông đã dọa đuổi về nước nhóm cầu thủ thi đấu sa sút khó hiểu từ đầu giải trong giờ nghỉ trận đấu này. Ngày hôm sau, Weigang không cho bốn cầu thủ họ Nguyễn vào sân tập luyện. Với sự dàn xếp của trưởng đoàn Tô Hiền, ông đã đồng ý để 4 cầu thủ này ở lại. Đội vượt qua vòng bảng. Ở trận bán kết, Việt Nam thua Thái Lan nhưng đã đá hay và thắng Indonesia trong trận tranh huy chương đồng. Sau giải đấu này, Weigang chia tay bóng đá Việt Nam vì những xung đột với giới chức lãnh đạo bóng đá Việt Nam.
Sau khi rời Việt Nam, Weigang có thời gian làm huấn luyện viên trưởng các câu lạc bộ Malaysia Perak và Johor. Năm 2014, ông quay lại Perak làm cố vấn kỹ thuật cho đội. Năm 2017, ông qua đời tại Đức vì truỵ tim.
Thành tích:
Việt Nam Cộng hòa (1966–1968) / Cúp Merdeka 1966
Mali (1970–1973) / Á quân châu Phi 1972
Việt Nam (1995–1997) / Huy chương bạc SEA Games 1995 / Huy chương đồng Tiger Cup 1996
Sưu tầm trên internet