Voi dưới mắt các nhà sử học và trong đời sống thiên nhiên (I)
Ngày nay, sự hiểu biết về đời sống các thú hoang đã có thể ở trong tầm tay của bất cứ ai muốn tìm hiểu các sinh hoạt của chúng qua các tài liệu sách báo hay phim ảnh. Ngay trẻ em ở trình độ tiểu học ở xứ người cũng có thể có kiến thức khá đầy đủ về các loài thú hoang dã rồi.
Người viết bài này sau gần 40 năm ở xứ người tự hỏi đã học được bài học gì ý nghĩa nhất? Có lẽ bài học quý giá nhất là ý thức được sự biết tôn trọng con người-thiên nhiên.
Thật sự là như vậy. Văn hóa, đạo đức Việt Nam thường dạy làm người, “đạo làm người” mà ít chú tâm đến việc tôn trọng thiên nhiên. Đó là một nền văn hóa thiếu cân bằng, nếu không nói là lệch lạc.
Hướng đạo sinh Thái Lan trong một nuối sinh hoạt ngoài trời ngoài trời. Yêu quý, bảo vệ và sống với thiên nhiên là bối cảnh giáo dục của Phong trào Hướng đạo Thế giới đã thể hiện từ 1907. Nguồn: texashillcountry.com
Trong khi đó, khoa học về môi trường, môi sinh cũng như việc bảo tồn các giống vật hoang dã đủ loại đã có những bước tiến rõ rệt tại các nước mở mang và phát triển. Người viết bài này cũng nhận thức được một cách tiệm tiến những thay đổi tích cực ấy qua từng năm tháng sống ở đây.
Mới đây, trong một chương trình truyền hình có một cuộc phỏng vấn một người thợ săn đã có 30 chục năm kinh nghiệm trong nghề ở bên Pháp. Ông phát biểu: “Nay tôi là một người thợ săn khác.” Một người ‘thợ săn biết hối cải’ về những việc ông đã làm trong quá khứ.
Đó là một cái nhìn thay đổi toàn diện của con người nói chung về thế giới loài vật. Thay đổi ngay trong cách suy nghĩ, thay đổi ngay trong trái tim, rồi đã thay đổi trong cách đối xử của con người.
Cho nên, có thể nói đến một thứ đạo đức mới khai sinh: Đó là thứ đạo đức biết tôn trọng thiên nhiên và tất cả các sinh vật sống chung quanh ta.
Đây là một bước tiến “vĩ đại” như bước lên mật trăng của con người mà nhiều khi chính chúng ta không cảm thức được điều vĩ đại ấy.
Câu phát biểu rất có ý nghĩa của người thợ săn Pháp đặt mọi người vào một tâm thức mới. Tâm thức của một nền văn minh nhân loại biết coi trọng mọi của cải trần thế, không vô hạn, không khai thác dến tận cùng, đến hủy diệt.
Riêng ở Việt Nam, thái độ của con người đối xử với thiên nhiên, với các loài sinh vật còn rất nhiều điều lạc hậu đến bất nhân, man rợ; hoặc một sự khai thác một cách dã man và tàn bạo đến nỗi có nguy cơ làm tuyệt chủng một số loại sinh vật. Chẳng hạn như cắt sừng tê giác vì cho là món ăn đại bổ. Hay giết voi lấy ngà.
Khai thác đến tận diệt ở Việt Nam vẫn chưa đủ lòng tham; họ đi khai thác thêm tại các nước Phi Châu còn kém phát triển. Buôn sừng tê giác mà trị giá 14 cái sừng tương đương một triệu Đô la. Nhiều đường dây buôn lậu do người Việt chủ xướng.
Hàng trăm vi cá mập phơi khô ngay trên mái của phòng thương mại của Đại sứ quán Việt Nam, ở Eliodoro Yáñez (Chile). Nguồn: http://bit.ly/2E34tvy.
Nghĩ đến thật đáng xấu hổ làm người Việt Nam.
Đọc lại các hồi ký của các tác giả ngoại quốc thời còn phân chia Đàng Trong, Đàng Ngoài như của tác giả Le Poivre (1749) hay của John Crawfurd (1830) mới thấy hết được sự tàn độc của các nhà Chúa nhất là ĐàngTrong.
Vị thế của voi trong lịch sử Việt Nam
Bé Kim Luân 6 tuổi sống ở buôn cổ M’Liêng ở Đắc Lắc đang chơi với con voi mà gia đình em đã nuôi dạy từ lâu. Nguồn: Réhahn/Caters News Agency (2 Dec 2014).
Tuy nhiên, trong các loài thú hoang dã ấy, có lẽ chỉ có voi ở Việt Nam là may mắn có “vị thế” được nể trọng hơn cả. Tại sao như thế? Và có đúng như thế không?
Câu chuyện voi có vị thế đáng nể bắt nguồn từ một nguyên do mang tính lịch sử. Voi đi vào lịch sử giải phóng dân tộc như một sự “thổi phồng” cố ý, một tôn vinh mù quáng.
Bằng nhiều cách, các người ghi chép sử Việt Nam đã đưa voi đi vào lịch sử tranh đấu giành độc lập ngay những năm đầu thế kỷ dương lịch của người Việt mà thực sự chúng chẳng có một thứ khả năng gì để có thể đảm trách một công việc vĩ đại như thế.
Người ta nường tượng ra một đàn voi hùng dũng, chậm rãi đi mở đường cho các trận chiến với kẻ địch như thể một loại xe tăng bất khả xâm phạm mà phần thắng dành cho các voi trận. Voi “cứ thong thả từng bước một tiến tới” đi đến đâu, quân địch khiếp sợ bỏ chạy đến đó.
Chiến thắng của hai Bà Trưng phải chăng là chiến thắng mở đầu cho lịch sử voi trận?
Một điều lạ là các nước láng giềng như Thái Lan, Lào, Cao Miên vốn được coi là thổ ngơi của các loài voi đã được thuần thục lại chỉ giữ vai trò khiêm tốn là dùng voi đi diễn hành! Thắc mắc này có chính đáng không?
Tượng đài hai Bà Trưng do Điêu khắc gia Nguyễn Văn Thếthực hiện ở Công trưởng Mê Linh . (Saigon, 1962). Nguồn: Flickr.com
Nếu tôi không lầm thì kể từ thời Hai Bà Trưng, hai Bà đã biết dùng voi ra trận đánh đuổi giặc. Hay nói đúng hơn, giành được độc lập từ nhà Đông Hán bên Tàu. Hình ảnh hai bà Trưng oai phong lẫm liệt, xinh đẹp, cưỡi voi đã in vào đầu óc những thanh niên ngay từ thuở thiếu thời. Sau này, trong các buổi lễ tưởng niệm hai Bà, tại miền Nam, thường có các cô nữ sinh, đóng vai hai Bà ngồi trên mình “voi giả” đi diễn hành.
Cho đến nay, tôi không biết ai là người viết sử đầu tiên đề xướng ra việc hai Bà Trưng ngồi trên mình voi đánh đuổi quân Tàu?
DCVOnline: Sử Trung Hoa như Hậu Hán Thư của Phạm Diệp (Thế kỷ thứ 5) và Giao Châu Ngoại vực ký (thế kỷ thứ 4) đều không ghi chuyện có voi trong những trận giao chiến giữa hai Bà Trưng và quân Đông Hán. Việt Nam Sử Lược do Trần Trọng Kim biên soạn (1919) cũng không ghi chuyện có voi ra trận đánh quân Tô Định hay Mã Viện. Tuy nhiên, đến cuốn “Việt Sử Toàn Thư” (1960) của Phạm Văn Sơn thì ông ghi:
“Tương truyền khi xuất trận hai Bà cưỡi voi, mặc áo giáp vàng, che lọng vàng, trang sức rất lộng lẫy, tinh thần không vì việc tang tóc mà suy giảm.” (trang 108)
Có thể nói chuyện và hình ảnh hai Bà cưỡi voi mặc áo giáp vàng, che lọng vàng (sau này còn thêm “phất cờ vàng”) đánh Tô Định chỉ là huyền thoại, sản phẩm của chủ nghĩa Dân tộc giữa thế kỷ 20.
Và một câu hỏi tiếp tại sao người Tàu không hề biết lợi dụng “cái thế thượng phong của voi” để giữ gìn bờ cõi phía Bắc cũng như phía Nam? Họ muốn thì chắc nhiều phần họ có khả năng làm được chứ?
DCVOnline: Theo Schafer, Edward H., “War Elephants in Ancient and Medieval China”Oriens (Volume 10, Number 2, 1957), trang 289–291 thì nhà Tây Ngụỵ (554) đã dùng hai thớt voi Lĩnh Nam do nô lệ người Malay điều khiển ở mặt trận nhưng đã bị địch quân dùng cung tên bắn đuổi chạy. Và nhà Nam Hán ở thể kỷ 10 là triều đại duy nhất có nuôi voi trận và đã thành công trong cuộc xâm lăng nước Sở (948). Tuy nhiên, đoàn voi trận của nhà Nam Hán đã bị quân nhà Tống tiêu diệt bằng cung tên (971). Vì voi trận dễ bị đánh bại bằng cung tên, hầm, hố, vũng, hào ở mặt trận hay đường tiến vào thành quách nên sau đó người ở vùng đất Trung Hoa ngày nay đã trở lại với chiến thuật quen thuộc của phương bắc, không còn dùng voi và trở lại dùng ngựa ngoài mặt trận. Tuy vậy theo Sun, Laichen, trong luận văn “Chinese Military Technology and Dai Viet: c. 1390-1497”, Asia Research Institute Working Paper Series No. 11, Asia Research Institute, Singapore (2003) thì đến năm 1449 một đoàn voi trận của Việt Nam đã giúp quân nhà Minh, bảo vệ Bắc Kinh, chống lại quân Mông Cổ.
Lại một thắc mắc thứ hai. Tại sao người Tàu không biết dùng voi trận mà phần lớn xử dụng ngựa? Trong các cuộc thao dượt hoặc thi tài bắn cung, hoặc nỏ hay xử dụng cung kiếm thì đều lấy tiêu chuẩn là ngồi trên mình ngựa để thao diễn các thế đánh lúc xung trận?
Như thế, phải chăng chuyện voi trận chỉ là một câu chuyện huyền thoại?
DCVOnline: Theo một số nhà sử học, Patricia Ebrey, Ann Walthall và James Palais, trong cuốn “East Asia: A Cultural, Social, and Political History” (2009) thì voi trận đã được vua Lâm Ấp Sambhuvarman sử dụng nhưng thất bại trong cuộc chiến chống lại quân nhà Tuỳ (602-605). Ở Đông Nam Á, Đế quốc Khmer hùng mạnh ở thể kỷ 9 đã sử dụng voi có trang bị cung nỏ trên đầu khi ra trận. Đến thế kỷ 15, Đế quốc Khmer sụp đổ thì cường quốc trong vùng là Miến Điện và Thái Lan vẫn sử dụng chiến thuật dùng voi trận. Một trận song đấu dùng voi nổi tiếng xẩy ra giữa Thái tử Miến Điện với vua Thái Lan khi Miến điện tấn công Vương quốc Ayutthaya năm 1593; kết cuộc, Thái tử Miến Điện tử trận.
Thái tử Miến Điện với vua Thái Lan tử chiến. By Fine Arts Department (กรมศิลปากร) of Thailand. – Transferred from th:ภาพ:Seal_Suphanburi.png, scanned from the book ตราประจำจังหวัด “Provincial Seals”, published by the Fine Arts Department of Thailand, 1999. The Fine Arts Department designs and produces most provincial seals, including this one, and is presumed to be the copyright holder thereof for 50 years from date of first publication., Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=4358397
Theo cách nhìn của sử gia Hà Nội, họ cũng coi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà năm 40 chống lại nhà Đông Hán. có ý nghĩa to lớn hơn, vì nó đã mở đầu cho Phong trào Giải phóng Dân tộc. (Giáo trình Lịch sử Việt Nam, Tập I. Từ nguyên thủy đến đầu thế kỷ X, nxb Đại Học sư phạm, trang 110)
Như thế, chiến công của loài “voi trận” cách này cách khác đã được huyền thoại hóa, phần lớn là do những người chép sử có uy tín của cả hai phía, tuyên truyền qua nhiều thế hệ.
Sử gia uy tín hay không, họ đều có những phát biểu khá dễ dãi như thể “nói lấy được” về những công trạng của loài voi. Sự suy diễn ấy cũng thấy nơi một vài tác giả ngoại quốc. Người sau bắt chước người trước một cách máy móc mà không cần kiểm chứng nữa.
Đọc một trong những cuốn sách sử “hiện đại” hơn cả, người ta vẫn còn được đọc những đoạn ghi chép một cách máy móc, hời hợt có tính giả định như sau:
“Nhà vua sắp đặt cách tấn công như sau. Đi đầu là tượng binh gồm 100 thớt voi to khỏe (theo Cao Tông Thực Lục), trong đó có một số voi trang bị súng thần công (theo Thánh Vũ Ký), vừa bộ chiến tấn công, vừa phá thế trận địa lôi bao quanh thành Ngọc Hồi, vừa dùng súng phá thành. Sau tượng binh là toán cảm tử xung phong.”
(Trần Gia Phụng. Nhà Tây Sơn, trang 123)
Chiến công của loài “voi trận” hiển hách như thế, nhưng không hiểu tại sao, kể từ sau chiến thắng của hai Bà, voi đã không bao giờ xuất trận, dù chỉ một lần, trong các cuộc khởi nghĩa sau này của người Việt.
Đây là thắc mắc thứ ba.
Và phải đợi đến cuộc tấn công “thần tốc” của Quang Trung trong trận đánh Ngọc Hồi, voi mới lấy lại được vai trò của mình sau nhiều thế kỷ bị quên lãng!
Thắc mắc thứ tư là người ta cũng có thể đặt câu hỏi tại sao Nguyễn Huệ đã nhiều lần giao tranh với nhà Nguyễn cũng như ra Bắc, ông lại chi dùng tượng binh chỉ có một lần? Đánh vào Gia Định dĩ nhiên không thể dùng voi được, vì đất Gia Định xuôi phía Nam có nhiều sông lạch, voi bất khả dụng. Nhưng ai cấm Quang Trung-Nguyễn Huệ xử dụng voi trận trong những trận đánh khác tính từ đèo Hải Vân trở ra phía Bắc. Tại sao Quang Trung đã không lợi dụng thế mạnh voi trận của mình?
Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu lý do tiềm ẩn nào, voi hầu như vắng mặt trong các chiến tích của các cuộc chống Tàu trong suốt ngàn năm lịch sử?
Ai có thể giải thích và cắt nghĩa các cuộc nổi dậy của Tây Sơn với bao chiến tích chống lại quân Nguyễn, rồi cả quân Trịnh ra vào Bắc Hà như chỗ không người lại chỉ có một lần duy nhất được nói tới là dùng tượng binh chống lại quân nhà Thanh tại trận Ngọc Hồi?
Nhưng điểm then chốt nhất, tôi muốn được biết một cách cặn kẽ, một cách thuận lý là voi ra trận xuất phát từ đâu?
Đây là thắc mắc thứ năm và là thắc mắc quan trọng nhất.
Voi xuất trận đi từ Phú Xuân hay Nghệ An, hay từ Thanh Hóa? Và bằng cách nào, phương tiện nào như đi bộ, hay dùng thuyền bè để chuyên chở đàn voi kịp ra mặt trận? Và việc cung cấp lương thực và nước uống cho voi bằng cách nào? Trong khi đoàn quân của Tây Sơn phải tự túc lương thực ăn đường trước khi ra trận?
Lương thực nuôi quân không có các trạm tiếp tế dọc đường hành quân, lấy gì có đủ luong thực nuôi voi?
Trung bình một con voi uống chừng 150L nước ngày và ăn khoảng 200Kg thực phẩm. Nếu có 100 voi thì phải cần bao nhiêu tấn thực phẩm nuôi chúng trong một ngày? Con số sẽ là 20 tấn thực phẩm ngày có đủ chăng?
Việc chuyên chở voi trong những điều kiện thời Tây Sơn cũng là điều không dễ thực hiện. Tốc độ di chuyển, nếu đi đường bộ, voi đi được bao nhiêu cây số trong một ngày. Và cần bao nhiêu thời gian để ra đến Thăng Long?
Nếu đi đường biển thì có loại tầu thuyền nào có thể chở được voi?
Nhiều câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời rõ rệt.
Voi đi từ đâu? Tứ Phú Xuân hay từ bên Lào? Việc cung cấp thức ăn và nước uống cho voi làm thế nào để thực hiện. Từ Phú Xuân ra, nhiều đồi núi, rừng suối, kinh rạch, đồng lầy, làm thế nào voi có thể vượt qua những trở ngại thiên nhiên đó?
Trong một bài viết ngày 18-11-2017, nhan đề “Voi Việt Nam lên tàu Ba Lan ra Bắc rồi đi đâu?” tác giả Nguyễn Giang (BBC) cho rằng, một hay nhiều con voi đã được chở lên tàu Jan Kilinski và về Ba Lan như quà tặng của chính phủ miền Bắc. Khoảng 12 con voi này là ở tây Nguyên đã được dùng để tải gạo, tải đạn, tải thương tham gia các chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê, năm 1952.
Theo ông Jurdzinski, Bắc Việt đã làm quà tặng cho vườn thú Oliwia ở Ba Lan bảy con trăn, 12 con khỉ, 16 con chim, hai con cáo, hai con chồn và một con voi vào năm 1956. Và cũng theo lời của ông Jurdzinski chuyến đi cũng được báo chí Ba Lan kể lại với chuyện voi gây khốn đốn cho các thủy thủ Ba Lan. Thứ nhất là số thân chuối tươi họ mang theo cho voi chỉ đủ ăn trong một tuần. (Một con mà thôi). Và đến Sri Lanka, tàu phải cử người lên bộ mua cỏ. Nhưng voi không buồn ăn cỏ. Đến Kênh đào Suez, người Ba Lan lại lên bờ tìm mua nhiều bắp cải. Voi không chịu ăn và còn lấy bắp cải ném vào thủy thủ. Cuối cùng thì voi Việt Nam lại thích các món Ba Lan như khoai tây và củ cải đỏ và tàu đã phải “nhập hàng” loại này khi vào kênh Nord-Otsee ở Đức để nuôi voi. Về Ba Lan, đoàn thủy thủ được tiếp đón trọng thể và voi được nhập cảnh với cái tên “Paryzant” (Du kích) Thật rất tiếc là sau đó, voi không được nhập hộ khẩu ở Gdansk, có vườn thú Oliwia. (Sau đó voi được đưa về vườn thú Trung ương)
Bài báo kết luận: “Tiếu lâm thời đó nói voi Liên Xô là người cộng sản cao to nhất thế giới, voi Cuba là cậu em của nó, còn voi Việt Nam thì không được nói đến, vì ngay lập tức chúng tôi đã phải gửi nó lên Warsaw.”
Qua câu chuyện này, chúng tôi liên tưởng đến việc dẫn một đàn voi cả trăm con ra trận Ngọc Hồi là điều viển vông, không tưởng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là có thể thực sự có voi đã được luyện tập để trở thành “voi trận” không? Như ý kiến của một số đông các nhà sử học cả trong Nam lẫn ngoài Bắc từng công khai viết trong các sách sử của họ?
Theo tôi, dù chuyện “voi trận” chỉ là chuyện nhỏ, nhưng nó phản ánh một não trạng rất không tưởng của một số người viết sử. Nói chung người cầm bút xứ mình có thói quen viết phóng đại, không có cơ sở, không dựa vào tài liệu chúng minh được nên khổ cho người đọc sau này.
Chẳng những môn sử mà những cuốn sách mô tả về đời sống xã hội, nhân văn, địa lý như các sách của nhà văn Sơn Nam, Vương Hồng Sển cũng hoàn toàn viết phóng, bất chấp thực tế, sự thật.
(Còn tiếp)Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline