Thư của một người cầm bút ở miền Nam gửi những người có hiểu biết trong nước (II)
Nhà văn Thảo Trường, một nối tiếp, một Nam Cao thời đại
Thảo Trường vừa là một thiếu tá trong quân đội VNCH, vừa là một nhà văn với tác phẩm “Thử Lửa”, rồi “Chạy trốn” và nhất là tập truyện “Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp” (Trình bày 1966). Sau 1975, như mọi sĩ quan khác, ông bị đi tù cải tạo gần 17 năm sau đó được sang Mỹ đoàn tụ gia đình.
Trong lời giới thiệu mở đầu cho cuốn Thử Lửa, Nguyễn Văn Trung đưa ra nhận xét về nhà văn Thảo Trường như sau:
“Tôi coi Thảo Trường như một trong những người đang đi vào truyền thống của nhà văn mà sứ mệnh là nhắc nhở cho con người những giá trị làm người thường xuyên bị quên lãng hay bị chà đạp bởi chính con người.” (…)Đối với người làm văn nghệ, cái làm cho họ thắc mắc và rung động là những vấn đề của con người mà chế độ nọ hoàn cảnh kia chỉ là những dịp cho người đau xót, nhận định bày tỏ và bênh vực những giá trị nhân loại nhân danh quyền sống của con người.
Cái làm cho nhà văn thắc mắc, đau đớn không phải là chế độ nọ chế dộ kia, nhưng là sự chia rẽ giữa con người. Con người ở đâu và bao giờ cũng vẫn thế: cũng đều lo lắng, hy vọng, yêu đương, và sai nhầm yếu hèn. Người chỉ khác nhau và chia rẽ, thù địch khi đeo mặt nạ của những chủ nghĩa, những ý nghĩ vay mượn.”
(Thảo trường, Thử lửa. “Con người bị lường gạt đã nhiều. Hãy nghĩ đến nó và để nó tự do”. Vài cảm nghĩ của người đọc. Nguyễn Văn Trung, trang 155)
Trong truyện ngắn “ Cái hố” trong tuyển tập Thử Lửa, Thảo Trường kết luận:
“Dù tội lỗi, dù tàn tật, dù không còn là gì cả, con người vẫn có tâm hồn, vẫn là sự sống, biết thèm thuồng đói khát. Và đáng hiện diện.”
(Thảo Trường, Thử Lửa, truyện ngắn Cái Hố, trang 151)
Trong truyện ngắn “Đò Dọc”, ông kể lại lúc ở Hà Nội, trước 1954, ông có quen biết một người con gái tên Kim. Hai người yêu nhau. Nhưng sau đó Kim quyết định ở lại còn tác giả thì vào Nam. Vậy là họ vĩnh viễn xa nhau. Phần tác giả sau này ra Huế làm nghề dậy học. Một tình cờ có tính định mệnh. Một lần đi dọc sông Hương, chỗ đầu cầu Gia Hội, có một người lái đò mời tác giả ngủ đò. Tác giả đồng ý. Nhưng không ngờ người con gái bán dâm tên Ngọc lại chính là Kim thuở nào. Bất ngờ qua di và họ đã sống lại dĩ vãng qua một đêm như những đôi tình nhân. Gần sáng bị kiểm tục vây bắt, thay vì trốn chạy, tác giả ở lại với Kim. Sau đó, anh bị đuổi việc. Phần anh thì nghĩ rằng, anh yêu Kim vì Kim có những cái đẹp mà chính Kim không biết. Em đẹp ở cái trầm lặng, em đẹp ở cái chân thật. Anh yêu nhũng thứ đó. Và em là vợ anh.(…)
Kim thì yêu tôi như hồi còn ở Hà Nội.
Truyện ngắn “Người đàn bà mang thai trên Kinh Đồng Tháp”
Đối với tôi và có thể đối với nhiều người khác như các nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Mạnh Trinh, Đặng Tiến, v.v. thì đây là truyện ngắn đắt giá nhất của Thảo Trường. Truyện này sau được Nguyễn Ngọc Lan dịch ra tiếng Pháp với nhan đề: La femme enceinte du canal de Đong Tháp và đăng trong tuyển tập “Le crépuscule de la violence” (Hoàng hôn của bạo lực), do nxb Trình Bày của Nguyễn Văn Trung và nhà in Nam Sơn xuất bản tại Sài gòn năm 1970 và sau này in lại ở Montréal năm 2000.Truyện này cũng được đăng trên báo Témoignage Chrétien bên Pháp.
Truyện kể: có một người đàn bà mang thai vốn là cán bộ nằm vùng tên là Chị Tư. Chồng bà đi tập kết từ 10 năm nay mà vốn chỉ ở với nhau được 6 tháng. Người mẹ chồng chết cách đây đã hai năm để lại mình chị Tư trong một căn lều trống trải.
Hy vọng chồng về ngày trở thành vô vọng. Người chồng đã không bao giờ trở lại.
Những người chiến binh phía chồng bà buộc bà phải hợp tác với họ và cài một cán bộ giả làm em. Họ mở một quán ăn và rồi việc gì phải đến đã đến. Họ đã ăn ngủ với nhau. Nhưng ban ngày nhiều khi bà cũng bắt buộc “chiều khách” như trường hợp một anh lính truyền tin của quân đội VNCH. Bà đã sống trong hoan lạc với cả hai người đàn ông ấy.
Nhưng một ngày kia, bà nhận thức được là bà đã có thai và bà tự hỏi thai nhi trong bụng bà là con của ai? Của lính quốc gia hay của người bộ đội? Bà đau khổ và buồn phiền vì không có câu trả lời.
Đối với bà, nó là con của ai cũng được, nhưng phải được minh bạch. Bà hỏi người cán bộ và khóc lóc yêu cầu người cán bộ nhận đứa trẻ là con của anh ta. Người cán bộ đã bối rối và bập bẹ trả lời: “Nó là con của Đảng. Tất cả đều thuộc về Đảng.”
Bà muốn bỏ cuộc. Nhưng người cán bộ đã hành hạ bà và buộc bà để một tấm bảng gỗ trên đó có ghi “đả đảo Đế quốc Mỹ” mà bên dưới có gài trái lựu đạn.
Toán lính VNCH đi bình định giải tỏa biết được đã buộc Chị Tư phải tháo gỡ tấm ván. Chị dùng một cây gậy, gỡ khẩu hiệu, lựu đạn đã rớt xuống may không nổ. Chị đã chạy trốn và ngất sỉu trước cửa nhà. Và sau đó, người sĩ quan đã đưa chị vào nhà săn sóc suốt đêm. Sáng sớm hôm sau người đàn bà bất hạnh bị động thai và đẻ non.
Viên sĩ quan chỉ huy toán lính VNCH đã làm công việc đỡ đẻ cho người đàn bà và lo toan cho đứa bé. Khi phải làm khai sinh cho đứa bé, Viên Xã trưởng đã hỏi tên cha của nó. Chị Tư đã lắc đầu. Nó không có cha. Người sĩ quan sau đó đã đồng ý “cho nó mang họ của ông ta”.
Trước khi rút lui khỏi đó, viên sĩ quan đã viết một lá thư gửi đưa trẻ khi nó được 20 tuổi (lời nhắn tin chỉ gửi đến cậu khi cậu đã trên 20 tuổi).
Nội dung lá thư tóm lược như sau:
“Nhắn với cậu nhỏ mang dòng họ cùng với tôi. 20 năm nữa, cậu khôn lớn. Lúc đó tôi không biết cậu sống trong một hoàn cảnh nào, trong xã hội nào. Cậu cho tôi xin cậu một điều là trước khi cậu hành động, trước khi tranh đấu, trước khi cách mạng, trước khi hành quân, trước khi thuyết pháp, trước khi cầu nguyện, trước khi hội thảo, trước khi thụt két, trước khi hành lạc, trước khi đập phá, trước khi hy sinh, nghĩa là trước khi quyết định làm một điều gì. Xin cậu, chỉ xin cậu hãy nghĩ đến người đàn bà mang thai khốn khổ, hãy nghĩ tới những người mẹ bị rất nhiều những chủ nghĩa với những danh từ khoa trương hành hạ. Xin cậu cũng hãy nghĩ tới cái hình ảnh đó, tôi cầu xin cậu như thế vì tôi chính là tên sĩ quan đã hành hạ mẹ cậu, đã đỡ đẻ cho mẹ cậu sau khi các đồng chí của tôi chết vì những khẩu hiệu Đả đảo đế quốc Mỹ.”.
Câu chuyện chấm dứt ở đây.
Sau này ở hải ngoại, tôi lại là người có hân hạnh đăng một truyện ngắn khác của ông nhan đề, “Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào” trong số Tân văn, số 2, ra ngày 1 tháng 9, 2007. từ trang 77-86. Trong đó, ông đề tựa cho truyện ngắn “Đi tơ xong, con đực con cái đều bị kẽm gai cào rách da thịt.”
Xin trích đoạn:
“Sau lần gặp ấy chị thương anh vô cùng, chị diễn tả ‘không biết thế nào mà nói’. Thế rồi chị tính toán theo ý chị. Chị sẽ không mặc đồ lót. Chị sẽ mặc một cái quần mỏng, mở chỉ hở dưới đáy. Cái quần cũng được luồn dây thung nhẹ. Chị thử kéo lên tụt xuống thấy nhẹ thì rất ưng ý. Chị cũng thử khom khom lưng và nghĩ làm sao cho anh được dễ dàng nhanh chóng, phải tạo điều kiện thuận tiện nhất cho anh ta hành sự. Thời gian không có nhiều. Tất cả chỉ trong nhấp nháy. Chớp mắt. Là phải xong.” (…)
“Khi trở về, hai người ôm hai xoong cơm, liếc nhìn không thấy thi đua trật tự đâu, đến một chỗ hàng rào khu, kẽm gai đơn thưa thớt mấy sợi, chị bèn đúng lại khom lưng xuống chổng mông sang phía anh, xoong cơm của đội chị vẫn ôm nơi bụng, từ bên kia những sợi kẽm gai, anh luồn tay sang níu hai bên hông chị ghì tới.. Chị nghe có tia nước phóng sang và chị cảm thấy thành công và thắng lợi. Hai tay anh buông lỏng ra, chị còn nghe tiếng anh thở hổn hển…”
Rồi khi biết mình có bầu, chị dấu kín…”
Năm 2009, biết mình sức khỏe không còn nữa, anh đã trao cho tôi toàn bộ các số báo Đất Nước mà anh đã giữ và dấu kín trong nhiều năm, rồi sau này mang sang Mỹ. Tôi nhận và đã in photocopy toàn bộ các số báo đó và trả lại cho gia đình anh bản chính.
Cũng trong thời gian này, ông có viết thư cho tôi và nói rằng: xin ông cứ nói thực, nếu thấy tôi không viết được nữa cứ cho biết để tôi ngưng viết.
Tôi trả lời ngay, vắn tắt: xin anh cứ tiếp tục.
Tháng 8 năm 2010, ông ra đi vĩnh viễn.
Vài lời kết lá thư
Cho dù quý vị trong nước quyết định thế nào về số phận truyện Chí Phèo của Nam Cao đối với tôi không quan trọng.
Miền Nam trước 1975 và cho đến hiện nay, đối với riêng cá nhân tôi, ông vẫn là một Nam Cao, nhà văn lớn có tầm cỡ bởi vì chiều kích của tác phẩm của ông lớn, đề cao tình người, vượt lên trên mọi bèo bọt phôi pha của thế gian thường tình.
Nam Cao đã vậy. Bên cạnh Nam Cao, chúng tôi còn có thêm một Thảo Trường.
Amen!
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline
(1) Chí Phèo của Nam Cao là tác phẩm được giảng dạy trong những tiết 52, 54 và 55 (tuần 13, 14) trong chương trình trung học phổ thông môn Ngữ văn, lớp 11. Nguồn: Chương trình trung học phổ thông môn Ngữ văn, lớp 11.
(2) Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Nay ông đã quá tuổi nghỉ hưu. 2007 ông được trao giải thưởng Phan Châu Trinh về Dịch thuật. Hiện nay ông vẫn hoạt động trong lãnh vực nghiên cứu và dich thuật; Bùi Văn Nam Sơn có trang riêng ở mạng xã hội Facebook. https://www.facebook.com/buivannamsontphcm/
Năm 2017 ông vừa được chọn là một trong 60 gương mặt cựu sinh viên tiêu biểu của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. HCM.
(3) “The Age of Extremes: The Short Twentieth Century, 1914–1991”, xuất bản năm 1994, nxb Michael Joseph (UK) và Vintage Books (U.S.) . Trong tác phẩm này Hobsbawm bình luận về những gì ông coi là những thất bại thảm khốc của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa dân tộc; ông đưa ra một sự hoài nghi tương tự về tiến bộ của nghệ thuật và những thay đổi trong xã hội trong nửa sau của thế kỷ hai mươi.