Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba (p1)
Dưới mắt ông giáo sư này, cái tội của Nguyễn Văn Trung là tội chỉ nói mà không làm gì cả.
I. Bối cảnh phát sinh các thành phần phản chiến và lực lượng thứ ba. Trường hợp Nguyễn Văn Trung
Giai đoạn từ 1955-1963 là giai đoạn với khí thế chống cộng hăng say trên toàn miền Nam. Báo chí, sách vở, truyện dài, film ảnh, văn nghệ đều có mục đích chống cộng sản. Nhưng về sau nhiệt tình chống cộng lúc ban đầu hầu như nguội dần đến hồi chung cuộc vào năm 1963.
Người hiểu chuyện thấy rõ, không còn ông Diệm khí thế ấy dần tan rã. Thật vậy, người ta chỉ thực sự hiểu và đánh giá đúng mức hoàn cảnh xã hội chính trị, uy quyền Quốc gia của miền Nam sau khi ông Diệm đã không còn nữa.
Ông có thể là người có thể dẫn dắt đất nước cho một tương lai mà theo tinh thần của Cựu Ước – trong câu nói: Hãy để cho dân tôi đi (Let our people Go) – tính từ những ngày đầu cuộc di cư của một triệu người đã bỏ miền Bắc vào miền Nam.
Cái không khí phấn khởi ấy đã không còn nữa sau 1963.
Có một khoảng trống chính trị mà nhìn đâu cũng thấy không xong. Chẳng hạn một cơ quan như Ủy Ban Chỉ đạo chiến dịch tố Cộng của Bộ Quốc Phòng đã bị giải thể. Các tờ báo như Văn Hữu, Chỉ Đạo đóng cửa lúc nào không ai hay nữa. Các tờ báo do Mỹ tài trợ như Sáng Tạo với Mai Thảo, Tự Do với nhóm Phạm Việt Tuyền, Hiện Đại với Nguyên Sa rồi cũng chung số phận.
Hình như sau 1963 chống cộng trở thành lạc hậu, lỗi thời?
Các tên tuổi như Nguyễn Kiên Trung (tức Nguyễn Mạnh Côn) với ‘Đem tâm tình viết lịch sử’ trở thành câu chuyện nhạt. Sách ‘Trăm Hoa đua nở’ của Hoàng Văn Chí một thời nở rộ, nhưng khi cuốn ‘Từ thực dân đến cộng sản’ được xuất bản năm 1966 thì không còn mấy người biết đến nó nữa. Có lẽ chỉ còn lại cuốn phim ‘Chúng tôi muốn sống’. Tôi chưa hề quên được những hình ảnh đấu tố dã man của cộng sản gây xúc động qua cuốn phim này. Cộng sản được đồng hóa với sự dối trá dã man và tàn bạo!
Và nhất là các truyện của Võ Phiến dùng tiểu thuyết để minh họa bản chất con người cộng sản qua những cuốn như ‘Mưa đêm cuối năm’ (Tự Do xuất bản, năm 1958), ‘Đêm xuân trăng sáng’ (Thời Mới, 1961) chẳng còn mấy ai biết đến.
Rồi Doãn Quốc Sĩ với Hồ Thùy Dương (nxb Sáng Tạo 1969) Mai Thảo với Đêm giã từ Hà Nội. Trùng Dương với chuyện Mưa không ướt đất, Mặc Đỗ với Siu Cô Nương, Nguyễn Thụy Long với Kẻ buôn mật người, Dương Nghiễm Mậu với Địa ngục. Thế rồi cao trào ấy dần đi vào quên lãng.
Và không biết bao nhiêu nhà văn khác như Trần Lê Nguyễn, Thanh Nam, Thế Uyên, Hoàng Hải Thủy, Dinh Xuân Cầu cũng rời bỏ lãnh vực văn học-chính trị.
Nhưng điểm đứt đoạn rõ nét nhất là sau cuộc đảo chính năm 1963 với cái chết của hai anh em ông Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Đó là những cái mất mát không trả giá được mà người ta đã quên hoặc không nhận ra. Cái gì, ai và ngọn gió chướng nào sẽ đến thay thế cho những mất mát trên?
Về các tác giả ngoại quốc, mấy ai còn nhắc tới tên tuổi của Suzanne Labin, bác sĩ Thomas Anthony Dooley III, nói chi đến các sách dịch như Tôn giáo dưới chế độ cộng sản của Chung Tu-Hu, hay sách tìm hiểu các nhân vật lãnh đạo cộng sản Bắc Việt của giáo sư Patrick James Honey, người am hiểu giới lãnh đạo cả hai miền Nam Bắc. Ông là người được Đại sứ C. Lodge giới thiệu với McNamara là “Giáo sư Smith của một đại học Hoa Kỳ” khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam vào tháng 9, 1963. “Smith” chỉ là một bí danh của nhà ngôn ngữ và sử học gốc Ái Nhĩ Lan, Patrick James Honey (“FOREIGN RELATIONS OF THE UNITED STATES, 1961–1963, VOLUME IV, VIETNAM, AUGUST–DECEMBER 1963. Report by the Secretary of Defense (McNamara), Saigon, September 26, 1963” – Washington National Record Center, RG 330, McNamara Files: FRC 71-A-3470, Back-up Documents and Notes, 9/25/63—Trip to SVN. Secret)
Về chính sách, Ấp chiến lược của Ngô Đình Nhu nhằm buộc cộng sản phải ra mặt đã bị xóa trắng không thương tiếc dù trong báo cáo 26 tháng 9, 1963 nêu trên, McNamara đã viết:
“Thompson said last week the strategic hamlet program has proven it will work. The NVN broadcasts have attacked nothing as much as the hamlet program.”
(Tuần trước Thompson cho hay chương trình chiến lược ấp đã chứng tỏ rằng nó sẽ thành công. Đài phát thanh của Bắc Việt đã tấn công chương trình ấp chiến lược nhiều hơn hết.)
Và sớm nhất, mở đầu cho nạn gió chướng của khuynh hướng chính trị phản chiến với sự xuất hiện của tạp chí Hành Trình với chủ nhiệm Nguyễn Văn Trung vào tháng 10, năm 1964.
Nó báo hiệu một mùa xuân hắc ám với những dọ dẫm, kiếm tìm, những câu hỏi chưa có câu trả lời, những bài viết ám chỉ xa gần lên án chiến tranh.
Đấy là những hoàn cảnh mở đường cho trào lưu phản chiến dần dần xuất đầu lộ diện.
Phần những người trí thức sau này được gọi là thiên tả như trường hợp Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung giai đoạn cầm bút trước đây của họ trong giai đoạn đầu được coi là ôn hòa, lý tưởng và trong sáng.
Ba cuốn Nhận Định (1958 – 1972) I, II và III của Nguyễn Văn Trung là một chặng đường cầm bút đầy hoa thơm, cỏ lạ. Sang đến cuốn Nhận Định IV thì đã bắt đầu có những chuyển hướng tiêu cực, những nhận định mang tính phê phán, bất mãn.
Về phía tôn giáo, người ta gọi họ là những trí thức tôn giáo tiến bộ, cấp tiến mà thực chất cùng lắm chỉ là những thiện chí mong muốn cải tiến xã hội, canh tân nếp sống đạo thông qua tờ tuần báo Sống Đạo. Nhưng người bảo thủ gọi họ là công giáo đỏ. Tôi thật sự không đồng ý với cách gọi đó.
Tập sách tương đối có tính cách tiến bộ, “cấp tiến|” là tuần lễ Hội thảo với chủ đề ‘Lương tâm công giáo và Công Bằng Xã Hội’, ngày 6-2-63 với các bài của Lý Chánh Trung, Trần Văn Toàn, Trần Long, Anh Tôn Trang, Võ Long Triều, Mai Văn Lễ, L.m. Nguyễn Bình An và Nguyễn Văn Trung, … vào năm 1963.
Tuần lễ này được tổ chức thực ra là phù hợp với tinh thần của Công Đồng Vatican II vừa qua với 3000 Giám mục tham dự; vì thế nó được Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình bảo trợ. Đồng thời nó cũng được sự chúc lành của Giáo Hoàng, thông qua Hồng Y Cicognani.
(Lương Tâm Công giáo và Công Bằng xã hội. Tuần lễ Hội Học 1963, nxb Nam Sơn.)
Đây là những năm tháng tốt đẹp trước khi miền Nam rơi vào bối cảnh chính trị rối beng sau 1963.
Cũng những người trí thức công giáo trước 1963 được coi là cấp tiến hay tiến bộ nay sau 1963 trở thành thiên tả, đạp phải phân Mác Xít. Và những người như Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung như cá gặp nước cũng là những người mở đường cho các thành phần phản chiến dần dần xuất hiện.
Ngày nay, nhìn lại nếu nói ai là người mở đường cho các thành phần phản chiến ở Việt Nam thì phải gọi tên người ấy là Nguyễn Văn Trung.
Khi nhận định như vậy thì tôi không có ý vinh danh Nguyễn Văn Trung hay tất cả hằng trăm người khác đi theo con đường rải phân Mác Xit.
Nó chỉ cho thấy đó là bước mở đầu cho một lời ai điếu trong một tiến trình phá sản của một người trí thức tiểu tư sản thành thị và giới trí thức thiên tả – những đứa con hoang của trí thức Pháp – mà sau này chính Nguyễn Văn Trung đã tự nhìn nhận sau 1975:
“Tham gia Cách mạng là tham gia vào một quá trình tự tiêu diệt sau này.”
Phải chăng đây là một lời thú tội hay một lời ai oán về một ảo tưởng chính trị của một thời?
Xét về mặt giai cấp, cái bụng của người tiểu tư sản trí thức thành thị không thể nào trở thành cộng sản được. Trước sau rồi cũng phải chia tay. Một trí thức cộng sản thứ thiệt, nặng ký, nặng nợ như một Trần Đức Thảo, hay một Nguyễn Mạnh Tường rồi cũng đến lúc phải chia tay để lại nợ máu. Không có nỗi khốn khổ nào, không còn nỗi nhục nhã nào, không còn nỗi oán hận nào hơn khi bị cộng sản trù dập
Phải nhìn nhận rằng, cho đến thời điểm 1968 – thời điểm báo hiệu về sự sụp đổ của toàn miền Nam – Nguyễn Văn Trung đã tạo được cho mình một vị trí trong văn học ít ai sánh bằng. Ít lắm thì người ta cũng phải nhìn nhận ông là người có công đầu trong việc trình bày Chủ Nghĩa hiện sinh ở miền Nam.
Nguyễn Trọng Văn có ghi nhận như sau trong bài: Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung:
“Ông Trung là người có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của Tây Phương. Ông trình bày một cách gọn gàng, mạch lạc. Những triết học Hiện sinh, những danh từ có tính cách văn nghệ, triết lý dần được du nhập và phổ biến. Những Hiện tượng luận, đối thoại, tha nhân, phản kháng, vong thân, ngụy tín, huyền thoại, thông cảm, những Alain Robbe Grillet, Nathalie Saraute, Michel Butor, Sartre, Camus đã được Nguyễn Văn Trung trình bày hàng chục năm trước trong Sáng Tạo, Bách Khoa, Thông Cảm, Thế kỷ 20.
Dù muốn dù không, ai cũng phải nhìn nhận rằng có những tư tưởng, những danh từ và những cách lập luận mà trước ông không ai dùng đến, nhưng sau ông thì người ta dần quen biết và nhắc tới. (tính cách quyến rũ và ám ảnh của hiện tượng luận, tính cách thú vị và bất ngờ của vấn đề huyền thoại, cách thức lý luận về vấn đề cách mạng xã hội.)”
(Nguyễn Trọng Văn, “Những người con hoang của Nguyễn văn Trung”. Bách Khoa số 264, ngày 1-1-1968)
Ông Nguyễn Văn Trung có 10 tập Nhận Định vốn làm nên tên tuổi ông và ít ra cho đến 1963, ông đã cho in được bốn tập. Mục đích của các tập Nhận Định là ghi lại những nhận định của ông trong hành trình chữ nghĩa với rất nhiều âm hưởng triết học Tây Phương, nhất là ảnh hưởng triết học Hiện sinh hữu thần và phương pháp mô tả Hiện tượng luận vốn còn rất xa lạ với giới trí thức miền Nam. Các bài tiểu luận như Thông cảm, Hối hận, E lệ, Cái nhìn hay Tự tử được đón nhận một cách nồng nhiệt như một làn gió mới với một văn phong trí thức và hấp dẫn. Tiếp theo ba tập Lược khảo Văn Học, Tập I, II và III.
Nhưng sau đó, ngòi viết của Nguyễn văn Trung, rời bỏ tháp ngà tư tưởng, xoay trục hướng về chính trị với cuốn ‘Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam’, Nam Sơn 1963 và tiếp theo, ‘Hành trình trí thức của K. Marx’, 1966.
Sự chuyển hướng này của Nguyễn Văn Trung phải nhìn nhận có những nguyên nhân khách quan.
Đó là cuộc chiến với một sự gia tăng cường độ chết chóc đến kinh hoàng với bom trải thảm.
Để biểu dương sức mạnh của người Mỹ ở Việt Nam, một hàng không mẫu hạm đến cảng Sài Gòn vào tháng 12, 1961, phần khác để trấn an chính phủ miền Nam.
Marcelino, tác giả cuốn “Une si jolie petite guerre” đã trích một lá thư của mẹ ông, gửi về cho ông bà ngoại ở Pháp như sau:
“Maman commenta l`évènement dans une lettre à ses parents, datée du 09-12-1961: “Un porte-avions est arrivé à Saigon. En pleine ville. Il y déploiement de forces Américaines (40 hélicoptères). La foule est très fière. Quelques soldats américains aussi. Du côté Vietnamien, des camions de soldats bien équipés se montrent. La même joie de vivre qu;avant. Et quelle animation!”
(Marcelino Truong. Une si jolie petite guerre, 2012, trang 76)
“Má đã có nhận xét về biến cố này trong một thư đề ngày 09-12-1961 gửi về cho ông bà ngoại (ở Pháp), ‘Một hàng không mẫu hạm đã đến Sài Gòn, đậu ở ngay trung tâm thành phố. Hàng không mẫu hạm biểu dương cho sức mạnh của quân đội Mỹ đã chở theo 40 trực thăng. Đám đông dân chúng rất hãnh diện. Một vài quân nhân Mỹ cũng tỏ ra hãnh diện tương tự. Về phía Việt Nam, những chiếc xe nhà binh chở đầy binh lính được trang bị đầy đủ cũng xuất hiện. Hầu như có niềm vui sướng chẳng khác gì như trước đây. Và náo nhiệt biết là bao!’”
Thế nhưng, về mặt đời sống chính trị, xã hội miền Nam sau 1963 rơi váo tình trạng rối beng với những biểu tình, đảo chánh, lật đổ, thuyết pháp, cầu nguyện, tuyệt thực, tự thiêu, hành quân, hội thảo, thụt két, hành lạc, đập phá, đả đảo hoan hô, biểu tình, hàng rào kẽm gai, Hippie, nhạc kích động, vũ trường, chết chóc, hy sinh, đau khổ và mỏi mệt..
Người trí thức nhận thức được sự bất lực, rồi bất mãn, không thể ngồi yên. Phải chăng, đó là tâm trạng đích thực của trí thức thiên tả lúc ban đầu?
Thứ đến là xu thế bất lợi ngay trong xã hội Mỹ với phong trào Hippie do sự phát triển kinh tế tột cùng của xã hội Mỹ vào thập niên 1960 với phát triển kỹ nghệ. Giới thanh niên Mỹ muốn thay đổi, muốn cất bước ra đi, sống ngoài vòng xã hội, yêu là lẽ sống, vị tha và bất bạo động, có nghĩa chán ghét chiến tranh.
Một số nhỏ thanh niên, thiếu nữ thành thị, thuộc thành phần con nhà khá giả cũng đua đòi theo các phong trào nhạc kích động, cũng cón được gọi là nhạc trẻ như qua bài hát Give peace a chance, Hãy cho hòa bình một cơ hội!
Tâm tình ấy có tác động gì đến xã hội Việt Nam vốn không có những điều kiện vật chất dư thừa như ở Mỹ.
Riêng trường hợp Nguyễn Văn Trung, theo thiển ý, yếu tố đưa đến tinh thần phản chiến là những cặạn bã từ học thuyết Mác xít học được từ những nhà trí thức tả phái như J.P. Sartre. Cái đống phân của ngước người trở thành bữa tiệc của những thành phần trí thức du học.
Và đây là lần đầu tiên, tôi đưa ra những chứng liệu cho thấy sự sa vào cạm bẫy của thành phần phản chiến, của Nguyễn Văn Trung và nhiều người khác.
Nói thế không phải để chỉ nhắm vào một người mà tất cả mọi người từ Nguyễn Văn Trung đến Lý Chánh Trung, Nguyễn Đình Đầu, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Huy Lịch, Trần Tam Tỉnh, Vương Đình Bích, Trương Bá Cần và không trừ. Tất cả đều ăn phải bã thiên tả Pháp và, cộng thêm, ngửi đống phân Mác Xít.
Nếu những trí thức ấy mê Mác xít coi như con đường giải phóng dân tộc, vọng ngoại thì có khác gì giới trẻ mê, theo đuổi lối sống Hippie và nhạc kich động?
Một đằng suy tư, trằn trọc, một đằng vui chơi, nhảy nhót, gái đủ loại choai choai, một cách vô tư. Một đằng nghiêm chỉnh, một đằng như trò đùa. Một đằng là thành phần có học có học vị, một đằng là con cái thành phần có tiền
Một bên có thần tượng là J.P. Sartre, một bên có The Beatles.
Chỉ có điều giống nhau là cả hai đều chán ghét chiến tranh. Và làm gì có thứ hoa nở trên đầu súng? Và làm gì có “Một XHCN không cộng sản” như trong Nhận Định IV của Nguyễn văn Trung. Đó là sự không tưởng, tự dối mình hay là một lối tạm tránh né. Chỉ có phía bên này hoặc phía bên kia mà không có con đường thứ ba. Con đường thứ ba nếu có là ngõ cụt.
Tuy nhiên, sự so sánh của tôi ở trên chỉ là diện và phản diện của một xã hội miền Nam trên đà tan rã.
Mặt khác, tôi tự hỏi mình những kẻ thất học như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, mặc dù chẳng hiểu Mác xít là gì, ngu muội đã đành, hà cớ gì những kẻ được ăn học đến nơi đến chốn lại cũng u mê, ám chướng?
Tôi tự đặt tinh thần vọng ngoại như một Hội chứng của thời đại hậu thuộc địa mà từ kẻ thất học đến kẻ có ăn học đều bị điều kiện hóa.
Chỉ có cách đó mới cắt nghĩa được chống Tây, chống Pháp mà vẫn cắn cái đuôi Tây ngoe nguẩy.
Với tiếng tăm có sẵn, uy tin khá lẫy lừng, tầm ảnh hưởng lớn trong giới sinh viên, tờ Hành Trình do Nguyễn Văn Trung làm chủ nhiệm đã gây được nhiều tiếng tăm, từ trong nước đến Hà Nội và ngay cả giới trí thức phản chiến Mỹ.
Thiếu tướng Lê Nguyên Khang viết:
“Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, không phải chỉ súng đạn là giải quyết được cộng sản trên đất nước này. Mong gặp anh nói chuyện nhiều hơn. Thân. 17-6-1965.”
(Nguyễn Văn Trung. Hồ sơ về tạp chí Hành Trình. Saigon 1964-1965)
Rồi thư tay của bác sĩ Trần Kim Tuyến gửi Nguyễn văn Trung, qua Lm Thanh Lãng. Lá thư dài 4 trang, trong đó Trần Kim Tuyến lo ngại những bài viết của Nguyễn Văn Trung bị cộng sản lợi dụng.
Quan trọng hơn có những lá thư của giám đốc của tờ Esprit trả lời một bài viết của Nguyễn Văn Trung: Sự thất bại của chủ nghĩa nhân vị. (Échec du Personalisme). Bài của Nguyễn Văn Trung được được đăng tải trên báo Delta, tại Paris.
(Nguyễn Văn Trung. ibid.)
Phải chăng ước mơ là tờ Hành Trình trở thành một thứ báo Esprit hay cao hơn nữa là Les Temps modernes?
Đặc biệt có một lá thư của một người trẻ tuổi, nghe theo tiếng gọi của Nguyễn Văn Trung đã ra khu và trong một lá thư từ biên giới, ngày 8-1-1967 viết gởi về cho Nguyễn Văn Trung:
“Thú thật với giáo sư, tôi chưa từng bị một cán bộ cộng sản nào tuyên truyền cả. Việc cầm súng của tôi là do tôi tự quyết định và tự tìm đường đến mật khu.” […] Tôi nói lên điều này không ngoài mục đích lưu ý giáo sư trong sứ mạng đào luyện hướng dẫn từng lớp sinh viên học sinh thành thị.”
(ký tên Trường Kháng. Lê P.D., Học sinh đệ nhất)
(Nguyễn Văn Trung, ibid.)
Thú thực, đây là một lá thư làm tôi buồn nhất. Người trẻ này tự nhận là người hâm mộ gs. Nguyễn Văn Trung. Thà rằng cậu học sinh trẻ này bắt chước,
“bọn trẻ nhún nhảy, ẹo qua, ẹo lại, chỉ tay hay đá cẳng như Elvis, Gene Vincent, Chubby Checker hay Eddy Mitchell, Dick Rivers ước mơ trở thanh những thần tượng.”
(Trường Kỳ, “Một thời nhạc trẻ”, Bút ký 2002, trang 44)
Ít lắm thì cậu cũng không chết bụi, chết bờ, chết vô danh tiểu tốt, một sự hy sinh hoàn toàn vô ích.
Hoặc sự trao đổi của một sinh viên, sau này trở thành sử gia: David G. Marr đề ngày 24-10-1965 với đề nghị dịch bài của Nguyễn Văn Trung sang tiếng Anh sau khi đã thảo luận với các giáo sư của ông tại đại học Berkeley.
Bài viết đầu tiên trên Hành Trình số I của Nguyễn Văn Trung là bài Ảo ảnh Thanh Thúy, ký tên Hoàng Thái Linh.
Nguyễn Văn Trung dùng tiếng hát Thanh Thúy để lên án một xã hội ăn chơi, đàng điếm, giả tạo, gợi những nỗi buồn giả tạo của một xã hội giả tạo, một xã hội vờ quên đi thực tế chiến tranh, quên đi sự ngèo khổ bất công ở ngay bên lề đường, ở ngay lối vào các cửa phòng trà. Và ngoài kia là sự thật là chết chóc, chiến tranh với tiếng bom đạn.
Viết như thế cũng đúng, nhưng nó không phản ảnh trung thực toàn thể xã hội miền Nam.
Chiến tranh nào cũng có nhiều mặt. Chỉ nói tới mặt trái thì không được.
Thêm nữa, một số bài viết và ngay cả sách của tác giả Nguyễn Văn Trung đã được gửi sang Pháp cho một người bạn là giáo sư Tạ Trọng Hiệp, một chuyên gia Hán-Nôm. Ông Hiệp đã gửi các tài liệu này từ Pháp về Hà Nội. Thế là một số chuyên gia ở Hà Nội như trường hợp gs Trần Văn Giàu đọc và tham khảo, rồi viết bài phê bình. Họ khen cũng có mà dĩ nhiên phải chê vì không đúng theo quan điểm Mác xít. Các bài phê bình này lại được gửi cho Tạ Trọng Hiêp, ông này làm trung gian gửi về Sài Gòn cho Nguyễn Văn Trung.
Hà Nội lên tiếng đáp trả như bài của Nguyễn Công Bình:
“Phê phán cuốn Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Thực chất và huyền thoại của ông Nguyễn văn Trung, đang trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 73, tháng 4-1965. Sau đó có bài phản biện của Phong Hiền nhan đề, “Từ “ chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Thực chất và huyền thoại” đến “Hành Trình”.
(Nguyễn Văn Trung, Hồ sơ về Tạp chí Hành Trình, ibid.)
Theo tôi, những lời phê bình trên dù khen hay chê chắc hẳn cũng làm Nguyễn Văn Trung cảm thấy hãnh diện vì được phía bên kia chăm chú đọc.
Nhưng cũng vì thế, những bài biên khảo sau này của Nguyễn Văn Trung cũng uốn nắn sao cho phù hợp với quan điểm của Hà Nội. Một cách nào đó, vô tình hay hữu ý, những bài viết của Nguyễn Văn Trung có lợi cho phía bên kia.
Về điều này, trong một lá thư của Lý Chánh Trung gửi cho Nguyễn Văn Trung về trường hợp Nguyễn Ngọc Lan đã hé lộ cho thấy như thế. Lý Chánh Trung viết:
“Có người đã bảo moa thế này: ‘Lập trường của toa thay đổi tùy theo sự phê bình của miền Bắc. Ví dụ, các bài phê bình đăng trong Văn Học hay Học Tập (Đó là các tập san của miền Bắc. Chú thích của NVL) về cuốn sách: Chủ nghĩa thực dân, rồi đến bài “Sự phản bội của các tầng lớp trưởng giả thành thị” và “lời khen” của Radio Hà nội đã đưa đến Hành Trình số 7, 8. Vấn đề là biết mình muốn cái gì.
Theo moa, và chắc toa đồng ý.
mình muốn một cuộc cách mạng không cộng sản
nếu rủi ra không được, thì làm sao có đủ lực lượng (lực lượng sáng suốt) để biết cộng sản phải tôn trọng những đòi hỏi căn bản của con người..
Đó là những vấn đề lớn như Himalaya, moa nghĩ tới đã ớn xương sống. Nhưng không thể trốn tránh. Và nếu muốn làm thì làm cho được việc và phải logique với mình. Thân mến. Lý Chánh Trung.”
(Thư của Lý Chánh Trung gửi cho Nguyễn Văn Trung, khi có số Hành Trình 9, tháng mười hai, 1965. Trích trong Hồ sơ về Tạp Chí Hành Trình. Nguyễn Văn Trung giới thiệu. Sài gòn 1964-1965)
Những tiết lộ của Lý Chánh Trung là có thực. Và từ chỗ đó cho thấy cái hại khôn lường hết được của những ngòi bút như Nguyễn Văn Trung. Trong nước, những bọn nằm vùng như Nguyễn Đắc Xuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường lấy bài của Nguyễn Văn Trung đăng trên báo Sinh Viên ngoài Huế.
Sau này, tệ hại hơn nữa, những Lý Chánh Trung, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Vương Đình Bích, Trương Bá Cần còn có những quan hệ trực tiếp với cộng sản và nhận những chỉ thị trực tiếp từ những lãnh đạo cộng sản như Trần Bạch Đằng.
Rôi một số nhỏ những thành phần từ phản chiến sang lực lượng thứ ba góp phần trực tiếp vào sự sụp đổ miền Nam.
Bên cạnh những tập san như Hành Trình, cộng sản còn tài trợ để in nhiều tài liệu do Thế Nguyên điều hành và in ấn cũng như phát hành.
Tôi xin nêu ra một số sách dịch, Nhà Chung của Fehera De Castro. Vâng ý cha . Kịch của Fritz Hochwalder. (Bản Việt ngữ của Diễm Châu và Thế Nguyên. Nxb Nam Sơn). Tìm hiểu Triết học của Karl Marx và Xã hội và con người của Trần văn Toàn. Nhật ký của một linh mục, cựu chiến sĩ cộng sản hay “xứ đạo và những mặt trái của nó” của Ignac Lepp. (Trịnh Viết Đức dịch). Miền đất hung bạo, tiểu thuyết của Jorge Amado, người Ba Tây, nxb Trình Bày. Chúa đã khước từ, truyện của Richard E. Kim, bản dịch của Lê Khắc Cầm. Một vòng hoa cho người Cách Mạng, truyện cuả Peter Abrahams, bản Việt văn của nhóm NCVHQT. Con voi, truyện của Slawomir Mrozek, bản việt văn của Diễm Châu, Đường hay pháo đài, tham luận của Nguyễn Ngọc Lan. Nuôi thù, truyện của Oe Kenzaburo, bản Việt văn của Diễm Châu, Trong tù, tiểu thuyết của Maxime Gorki, bản Việt Văn của Nguyễn Thu Hồng.
Tất cả những tác phẩm dịch này đều do nhà Trình Bày ấn hành mà người trách nhiệm là Thế Nguyên, môt cán bộ cộng sản nằm vùng.
Bên cạnh đó, chính thức còn có rất nhiều truyện ngắn của Thảo Trường, Thế Uyên, Thái Lãng, Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Như Mây, Hoàng Ziang Duy, Thế Phong, Thế Vũ, Thuận Giao, Hoàng Ngọc Nguyên, Cao Thanh Tùng, Hoàng Ngọc Biên, Du Tử Lê, Mai Trung Tĩnh,, Nguyễn Đồng, Nguyễn Đăng Thường.
Cạnh đó là rất nhiều bài báo được trích dịch được đăng trên Hành Trình và sau này tiếp tục trên tập san Đất Nước và Trình Bày
Sức thu hút và tầm ảnh hưởng, khả năng quy tụ của Nguyễn Văn Trung hẳn là không nhỏ trong giới trí thức phản chiến, còn gọi là thành phần thứ ba.
Cũng may cho Nguyễn Văn Trung là ông dừng lại ở bình diện suy tưởng và ước mong được đón nhận. Ông thường tự đặt cho mình những câu hỏi như: Những vấn đề của chúng ta và tự đặt ra câu hỏi: Phải làm gi? Làm được gì? Và nếu làm thì làm thế nào? Đó là những câu hỏi cắc cớ không có câu trả lời.
Cuối cùng ông chỉ viết, chỉ biện luận mà không làm gì cả.
Ông không dấn thân, không nhập cuộc, không tham gia, không xuống đường, không nếm mùi lựu đạn cay, cũng không trực tiếp tiếp xúc với phía bên kia và cũng không vào bưng.
Chính vì thế, trong một lá thư của Nguyễn Mạnh Hà, một trí thức theo cộng sản, tùng làm Bộ trưởng kinh tế năm 1945 đã viết một lá thư, đề ngày 20-XI-1964 từ Paris như sau:
“Anh Trung,
Mong anh đi ngay “phục vụ quần chúng nông thôn lao động” (trang 36). Thời gian cấp bách. Phải làm đúng như nhời khuyên anh em trẻ, để chỉ đường cho họ.
Ngồi một chỗ mà vạch “Hành Trình” chẳng ai đi đâu.
Ngần ngại gì nữa.
Sẽ gặp nhau rất chóng. Thân”
(Nguyễn Văn Trung, Hồ sơ Hành Trình, ibid.)
Đây là lời thúc dục khẩn cấp nhất của một người từng theo cộng sản. Tôi không biết Nguyễn Văn Trung có trả lời thư Nguyễn Mạnh Hà không. Nhưng điều chắc chắn, ông không đi đâu cả.
Kết qua cuối cùng là sau 1975, cộng sản bắt tù biệt giam 6 tháng vì có tội liên lạc với Mỹ và cái tội không làm gì cả. Trong biên bản Bắt và khám xét vào ngày 14-6-1978, ghi Nguyễn Văn Trung can tội: Phản Cách Mạng. Câu trả lời có khả năng thuyết phục của ông là “nếu tôi làm việc cho CIA thì ông phải biết tiếng Mỹ”. Một chữ tiếng Anh ông cũng không biết. Vì thế, mỗi lần liên lạc với Mỹ là phải qua trung gian Đặng Tiến hoặc Nguyễn Quốc Thái. Viết thư cho David Marr, ông cũng viết bằng tiếng Việt.
Người Mỹ hẳn là không dại gì dùng những người như thế. Sau khi ông bị bắt, tôi có gặp gs Trần Hữu Quảng. Ông này ra điều an ủi và tiếc cho Nguyễn Văn Trung. Trung cứ thụt ra thụt vô, không dám dứt khoát nay bị mắc nạn.
Dưới mắt ông giáo sư này, cái tội của Nguyễn Văn Trung là tội chỉ nói mà không làm gì cả.
Nhìn lại chặng đường chữ nghĩa của Nguyễn Văn Trung cũng như việc ông ngả theo Phong trào phản chiến chỉ là một điều chẳng đặng đừng như thể nó phải xảy ra như thế và không thể nào khác được? Xu thế chung của thời đại chăng? Hay ông chỉ là một nạn nhân bất đắc dĩ của một thời thế mà sự chọn lựa không dễ dàng gì trong tình thế tiến thoái lưỡng nan? Nhưng tại sao Nguyễn Văn Trung dùng lại ở bình diện suy nghĩ, nhận thức mà không dấn thêm một bước nữa trở thành lực lượng thứ ba?
Đó là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong phần sau khi so sánh với trường hợp của Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline