ĐƯA TÔI VỀ DƯỚI MƯA
Khánh Vy
(Tặng các nữ sinh trường Ngô Quyền Biên Hòa)
Tôi cứ mơ ước là có ngày tôi cũng được khoác lên người chiếc áo dài trắng dịu dàng thướt tha đó ôm cặp đến trường. Thật là mơ mộng làm sao!
Tôi biết... tôi biết... Hễ nói tới chiếc áo dài trắng là mọi người đều nghĩ ngay đến sự ngây thơ hồn nhiên, vẻ dịu dàng xinh xắn của các cô nữ sinh. Nhưng nào có ai biết được nỗi khổ của bọn con gái tụi tôi. Nhất là tôi. Này nhé, hễ mặc áo dài mà gặp ngày trời quang mây tạnh thì “tà áo bay bay như bướm lượn” nhưng hễ trời buồn rơi lệ “giọt vắn giọt dài” thì tôi cũng “vắn dài lệ rơi”.
Lúc mới nghe nữ sinh Ngô Quyền bắt đầu mặc áo dài khởi đầu niên học mới, tôi mừng như mở cờ trong bụng. Ôi chao, tánh tôi vốn ghiền tiểu thuyết. Đọc những cuốn tiểu thuyết Tuổi Hoa với những hình ảnh những cô nữ sinh mặc áo dài thon thả là tôi mê chết người đi. Tôi cứ mơ ước là có ngày tôi cũng được khoác lên người chiếc áo dài trắng dịu dàng thướt tha đó, ôm cặp đến trường. Thật là thơ mộng làm sao!
Tôi chờ hoài, chờ mãi… cuối cùng thì ngày khai giảng cũng đến. Bởi vì đó là ngày đầu tiên bọn tôi mặc áo dài nên tôi và vài nhỏ bạn rủ nhau đi bộ đến trường để… khoe dáng. Cứ trông thấy những chiếc Honda, những chiếc xe đạp dừng hẳn lại, đưa mắt nhìn theo bọn tôi là lòng cả bọn cảm thấy thích thú rồi.
Cứ như thế suốt mấy tuần liền, bọn nữ sinh cứ như là sống trên mây. Các “chàng” tự nhiên cũng ga-lăng với bọn tôi hơn. Tan học là tụi tôi có “tài xế” xung quanh chở về, nếu hôm nào bọn tôi đi bộ. Vui hết biết. Rồi cơn mưa đầu tiên đến. Tôi vốn rất yêu mưa. Hễ mưa xuống là tôi xỏ chiếc áo mưa vào, thả bộ đi trong mưa, cảm thấy lòng mình như thoát tục, nhẹ bổng hẳn đi. Đó là trước khi tôi biết mưa chẳng ưa gì chiếc áo dài trắng của tôi. Hay là chiếc áo dài trắng của tôi không ưa mưa?
Mưa ở Việt
- Thôi bây giờ lội mưa về chứ biết sao bây giờ. Hổng lẽ cứ đứng đây hoài sao?
Tâm Anh nói:
- Nhưng mà mưa lớn như vầy, dơ đồ hết sao?
- Thì đành vậy thôi, chứ chờ hoài sao được? Ai mà biết chừng nào mưa mới tạnh mà về.
Nghe Nga nói, cả bọn cũng gật gù đồng ý. Tôi cúi xuống cuộn hai cái ống quần rộng thùng thình lại, xắn lên đến đầu gối “trời… sao mà nhìn mình giống mấy bác nông dân”, tôi thầm nghĩ. Tôi đưa tay kéo lại chiếc áo mưa, rồi rón rén đi vào trong cơn mưa để đến bãi đậu xe. Mưa quất mạnh vào người tôi. Gương mặt tôi chẳng mấy chốc đã ướt đẫm. Đi gần đến chiếc xe đạp của tôi, người tôi run cầm cập. Tôi ráng chạy lúp xúp đến chiếc xe của tôi, đưa tay dắt xe ra khỏi cổng trường. Vừa mới chuẩn bị tư thế để leo lên xe thì…“xoạt”… hai cái ống quần của tôi chẳng chịu nằm yên buông thõng xuống. Trong nháy mắt hai cái ống quần nhuộm đầy một màu vàng. Tôi đứng đó như bị trời trồng, cúi nhìn bộ đồ dài của mình bị mưa hủy hoại, ứa nước mắt. Một bàn tay đặt lên vai tôi:
- Trân, sao không về đi mà cứ đứng đó hoài vậy? Mưa lớn mà.
Tôi quay lại nhìn Nghĩa, anh bạn học cùng lớp, nói như khóc:
- Áo dài của Trân bị mưa lem hết rồi.
Nghĩa cười:
- Vậy thì càng về nhà sớm nữa, chứ Trân đứng đây hoài đâu có hết lem đâu nè.
- Trân biết mà. Chỉ tại bất ngờ quá nên Trân… Tôi bỏ lửng câu nói, cảm thấy mình vô duyên lạ. Tự dưng đứng ở đây than phiền về chiếc áo dài của mình. À, mà sao mấy cuốn tiểu thuyết Tuổi Hoa không bao giờ nhắc đến chuyện các cô nữ sinh bị mắc mưa hết vậy. Trong lúc tôi còn mải suy nghĩ, Nghĩa cúi xuống giúp tôi xắn lại ống quần:
--Thôi, để Nghĩa đưa Trân về nhà.
Đỏ bừng mặt tôi lí nhí đáp:
--Cám ơn Nghĩa nha.
Trên suốt con đường về, tôi cứ lặng thinh, chú ý đến những vũng nước đọng trên đường nhiều hơn là chú ý đến Nghĩa. Mỗi khi chạy ngang một vũng nước là tôi lại đưa chân lên, khiến Nghĩa bật cười. Tôi lại lật đật bỏ chân xuống, ngượng chín người.
Về đến nhà, tôi vội bỏ ngay bộ đồ dài của tôi vào ngâm nước để cho ra những vết bùn và để khỏi bị thâm kim bởi nước mưa. Chiếc áo dài của tôi sống sót qua được cơn mưa đầu tiên. Tôi thì không. Sau lần đó, mỗi lần “mưa rơi rơi trên đường, mưa rơi khắp phố phường” là tôi ngồi trong lớp buồn cho chiếc áo dài của mình lại bị hành hạ. Và mỗi lần mưa, Nghĩa lại xuất hiện để “Đưa tôi về dưới mưa”.
Khánh Vy