Chỉ mới thay một cái tên gọi!
Ngày 18 tháng 8 vừa qua, bộ sách Lịch Sử Việt Nam được công bố và sau đó được đài BBC tổ chức hội thoại bàn tròn và mời một số vị phát biểu về bộ sách này.
Tôi xin nói thẳng, những vị người Quốc Gia nhận lời tham dự buổi tọa đàm này, như các ông Bùi Diễm, Bùi Văn Phú, đã tự mình biến thành một thứ “cò mồi” không công cho Hà Nội.
Những phát biểu mang tính phụ họa như cần thời gian để đọc hay mang tính tranh luận là những phát biểu không cần thiết, mất thời giờ.
Nói chi đến ông tiến sĩ Nguyễn Nhã, cả một đời, từ trước 1975 với tư cách chủ nhiệm Tập san Sử Địa đến sau 1975 chỉ là vật trang trí cho chế độ. Ông tự xét mình xem. Ông có được mời tham vấn hay có tên trong bộ Lịch sử Việt Nam, trong số 30 chuyên viên hợp soạn bộ sách Lịch Sử Việt Nam này hay không?
Được biết, nhà nước Việt Nam thuê bao khoảng 30 người nghiên cứu ròng rã trong suốt 9 năm để hoàn thành bộ sách này. Tiền thuê bao ăn ở, nuôi vợ con các ông trong 9 năm là bao nhiêu? 10 ngàn trang nếu chia đều cho 30 ông chuyên viên, mỗi ông viết được 300 trang, chia đều mỗi năm viết được 30 trang, chia đều cho mỗi tháng viết được hơn 2 trang, chia đều cho mỗi ngày viết được 10 dòng. Người ta coi bộ sách dày gần 10 ngàn trang nay tự hào là một bộ “thông sử”, “quy mô chưa từng thấy”.
Đúng là khôi hài kém, hay bình dân thì gọi đó là diễu dở!
Tôi chợt nghĩ và so sánh nó với các bộ sử do các quan nhà Nguyễn. Không biết ai hơn ai? Nhất là về giá trị sử liệu?
Cái chưa từng thấy là sau 40 năm, kể từ 1975 là từ nay gọi tên chính thức chính phủ miền Nam Việt Nam là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Từ nay cũng bỏ cái lối gọi xách mé: Ngụy quân. Ngụy quyền.
Đây là một câu chuyện xưa như trái đất. Tôi nhắc để các “đồng chí” chuyên viết sử đọc và xét lại nhé. Các đồng chí đừng vội tự hào. Còn người Việt trong nước và người Việt ngoài nước, xin đừng vội mừng có dấu hiệu tiến bộ, hay hòa hợp hòa giải!
Trong dịp phái đoàn đại diện cho miền Nam như Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, v.v. ra thăm Hà Nội, các đồng chí như Xuân Thủy và nhất là Lê Đức Thọ lúc bấy giờ đã hứng chí vung vít mỗi người một câu.
“Khi ông Thọ nói đến tiếng “ngụy” là tiếng cần phải bỏ đi, không nên dùng nữa, thì ông Xuân Thủy phụ họa, “Bây giờ mà còn dùng chữ “ngụy” thì sẽ phải mất cái dấu nặng.”
(Hồ Ngọc Nhuân, Hồi ký Đời, Bản thảo, trang 32)
Chữ Ngụy mất dấu nặng đã treo lơ lửng trên đầu các ông trên 40 năm đến bây giờ mới thấy cái nguy của nó.
Và cũng xin trích dẫn một tài liệu để các đồng chí tham khảo.
“Cục báo chí Xuất Bản. Số 06-BCXB
Kính gởi các cơ quan Thông Tấn Xã, đài Phát Thanh và đài Truyền Hình, các báo chí miền, Thành phố và các Tỉnh.
Chấp hành ý kiến của lãnh đạo, chúng tôi xin thông báo đến các đồng chí được rõ.
Kể từ nay, các bài viết đăng trên báo và phát trên đài, ta nên thống nhất dùng chữ “Những người trong quân đội và chính quyền của chế độ cũ” thay cho chữ“ngụy quân và ngụy quyền Saigon” đã dùng trước đây.
Mong các đồng chí chú ý thực hiện đúng.
Ngày 17 tháng 2 năm 1976.
TM Ban lãnh đạo
Cục báo chí xuất bản
(Ký tên và đóng dấu). T.T.T”
(Hồ Ngọc Nhuận. Ibid., trang 53)
Không cần phải dài dòng, từ văn bản đến thực hiện là một khoảng cách dài phải mất 41 năm mới đem ra thực hiện. Và nếu tính theo thế kỷ thì ta đã phải mất hai thế kỷ!
Như tôi đã nêu ra ở đầu bài, thay đổi một cái tên thì không có nghĩa thay đổi một chính sách, một đường lối. Vì thế, tôi trân trọng sự thẳng thừng của ông Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ hôm 18/8, ông Trần Đức Cường nói,
“Chính quyền Việt Nam cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam.”
Và khi trả lời phỏng vấn nagfy 21/8 với Lan Hương của đài RFA tiếng Việt, ông Cường cho biết:
“Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả.”
“Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây.”
Thà là cứ nói thẳng kiểu cộng sản như thế.
Tôi hiện có một bộ sử 8 tập cũng mang nhan đề Lịch sử Việt Nam, tập VII: Từ 1954 đến 1975, tập VIII. Từ 1975 đến nay, do nxb Đại Học Sư Phạm được xuất bản năm 2010, cách đây 7 năm. Họ vẫn xử dụng những thuật ngữ quen thuộc mang tính tuyên truyền, mạ lỵ.
Trong nội dung, họ không hề nhắc đến chính sách và trại tù “học tập cải tạo”, không nói đến hàng triệu người miền Nam phải bỏ nước ra đi.
Và nhất là không một chữ, không nhắc đến một tên cho những thành phần trước đây là phản chiến đủ loại, hay lực lượng thứ ba.
Về pháp luật như hiện nay, họ xử kiểu gì cũng được.
Về Sử, họ cũng viết kiểu gì cũng được tùy theo thời.
Tỉ dụ có chương, họ viết: “Đấu tranh chống Mỹ-Diệm cưỡng ép đông bào di cư”. (Tập VII, trang 19)
Về Giáo dục ở miền Nam. Họ viết:
“Đi đôi với đường lối giáo dục phản động về mặt nội dung nói trên là cả một đường lối phản động về mặt tổ chức. Một mặt Mỹ-Diệm đặt nhà trường dưới sự kiểm soát gắt gao của tổ chức mật thám, thực hiện sự chia rẽ giữa học sinh, sinh viên lương và giáo, giữa học sinh Thiên Chúa giáo và Phật giáo, chia rẽ giữa học sinh di cư và học sinh quê quán ở miền Nam, giữa học sinh Kinh và Thượng, phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư.”
(Lịch sử Việt Nam. Tập VII, ibid., trang 63)
Đọc trích dẫn một vài đoạn như trên, tôi chỉ thấy nực cười, thương hại họ khi nhìn cảnh giáo dục hiện nay.
Họ nghĩ sao về sự o bế, ôm chân “đế quốc Mỹ” như bây giờ?
Về trích dẫn tài liệu, tôi chỉ thấy họ chỉ trích dẫn vài ba tài liệu của các tác giả gốc miền Nam là: Đỗ Mậu, Thích Trí Quang, Quốc Tuệ, Thích Nữ Diệu Không. Xin tùy quý bạn đọc đánh giá về những tài liệu này.
Phần tôi, trước sau như một. Tôi không chơi với cộng sản. Họ nói gì, viết gì là việc của họ.
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline