Người còn sống là nhà sư Thích Trí Quang. Ông có đảm lược chính trị, ông là người có đủ dũng khí làm khuynh đảo cả một chế độ đem lại cái chết thảm khốc cho ba người. Chỉ có ông là người biết và nắm giữ nhiều sự thật, bí mật.
Khung cảnh phiên tòa xử án
Bình thường, những phiên tòa như thế này sẽ có đông người đến nghe lắm. Như trong phiên tòa xử ông Ngô Đình Cẩn ở ngoài Huế:
“Chưa tới 8 giờ sáng, còn hơn một giờ nữa mới họp. Nhưng chắc đã từ lâu một đám đông cả mấy ngàn người chen nhau đứng dưới mưa phùn gió lạnh, trên các đường chung quanh tòa án. Tất cả mọi người, già trẻ, bé, lớn, người nào cũng có vẻ mặt đầy căm thù.
(Võ Văn Quan, “Luật sư, Nghề hay Nghiệp? Vài cảm nghĩ và kỷ niệm về một thời hành nghề. Vụ án Ngô Đình Cẩn” hay là “Từ cố vấn chỉ đạo thành tử tội” Độc quyền của tờ Ngày Nay, 1992).
Sau đó, vụ xử đã được đưa vào Sài Gòn một cách kỳ cục. Không khí Sài Gòn khác hẳn:
“Nhưng khác hẳn quang cảnh căng thẳng, sôi sục không khí đấu tranh chung quanh Toà án Huế lúc trước, công chúng Sài Gòn chỉ đứng thưa thớt trên các đường gần pháp đình và chỉ có vài người hiếu kỳ mà thôi.”
Khung cảnh pháp đình Sài Gòn sáng 2-6-1964 là một quang cảnh vắng lặng, khác hẳn hôm xử ông Ngô Đình Cẩn. Trong pháp đình chỉ có một số ký giả và, đội quân danh dự cùng một vài thân nhân và một vài phật tử. Có thể dân chúng đã quen thuộc, đã hết hào hứng như hồi xử ông Cẩn. Điều này chỉ có lợi cho phía bị cáo là Đặng Sỹ.
(Báo Lập Trường sô 6/6/1964)
Ông Chưởng lý cho biết nhân vật quan trọng hàng đầu cần ra làm nhân chứng là TT. Trí Quang. Nhưng TT. Trí Quang đã từ chối không ra làm nhân chứng trước tòa buộc tội bị can. Trả lời ký giả báo Dân Ta, TT Trí Quang cũng xác nhận việc này. Không biết việc từ chối như thế có hợp pháp không? Sự từ chối của một nhân chứng quan trọng như TT thì kể như cái toà án đó giá trị pháp lý còn lại là cái gì? Sau này TT Trí Quang cũng từ chối ra trước toà án Mặt Trận xử 26 can phạm trong vụ chính biến Đà Nẵng mà chính TT nhận là người lãnh đạo và trách nhiệm?
Thật sự thì miền Nam trong những tỉnh trạng như vậy chỉ cho thấy tòa án thiếu một thẩm quyền pháp lý, thiếu cái uy quyền thượng tôn pháp luật của tòa. Uy quyền quốc gia không còn nữa.
Đặc biệt thân nhân của dân sự nguyên cáo, tức gia đình các nạn nhân trong biến cố đài phát thanh gần 20 người, nhưng không có ai lên tiếng đòi bồi thường cho gia đình họ và để tùy tòa quyết định.
Và theo phái viên Từ Nguyên, đại diện tờ Lập Trường ngoài Huế, họ, những đại diện các gia đình nạn nhân là những người đau khổ nhất và ngày hôm nay đang là những người sung sướng nhất, vì đã hy sinh cho chính pháp.
Phiên tòa bắt đầu 9 giờ, nhưng phải đợi đến gần nửa giờ sau, bị cáo Đặng Sỹ mới tới. Đặng Sỹ bước vào với binh phục sĩ quan cấp tá đàng hoàng, lúc đó phiên tòa mới bắt đầu.
Có một điều kỳ ngộ, chỗ cái ghế gỗ dành cho bị cáo mà Đặng Sỹ ngồi thì trước đây ông Cẩn đã ngồi cùng ở một chỗ ấy. Cùng một phiên tòa của tòa án cách mạng, cùng là những người liên quan đến chế độ ấy, cùng có thể nhận một bản án tử hình.
Nhưng thái độ hai người có khác.
Ông Cẩn ngồi đó không nói gì. Im lặng từ đầu đến cuối. Còn ông Đặng Sỹ tỏ ra bực tức và có dịp được nói là nói thả dàn. Cứ được hỏi đến là ông có dịp được phân vua hoặc nói về những thành tích chống Cộng của mình.
Vấn đề thủ tục pháp lý
Mở đầu phiên xử, luật sư Tân đã nêu ra khước biện vô thẩm quyền của tòa án cách mạng đối với bị cáo. Đây thật ra chỉ là “bốn món ăn chơi” của thủ tục tòa án mà luật sư thường nêu ra và thường cũng bị ông chánh thẩm bác bỏ ngay tử đầu. Bởi nếu khước biện vô thẩm quyền của tòa án được chấp nhận thì tự nó đã vô hiệu hóa vụ án rồi.
Tôi chẳng muốn đi vào chi tiết, chỉ biết rằng Sắc luật 4-64 khi thiết lập tòa án cách mạng có định như sau:
“Mưu sát, tội giết người đối lập về chính trị, việc tra tấn cho đến chết’’ Theo luật sư Tân, các nạn nhân là Phật tử, không phải người đối lập. Vậy không thuộc thẩm quyền tòa án cách mạng. Sau đó có cãi qua, cãi lại. Chánh thẩm đình nghị án, vào tham khảo. Và lúc 10 giờ 15, tòa tái nhóm và ông chánh thẩm bác khước biện vô thẩm quyền do Ls Tân nêu lên.
(Lập Trường, số 6/6/1964.)
Lời khai trước tòa của Đặng Sỹ
Ông chánh thẩm hỏi bị can:
“Bị can phạm tội cố sát với trường hợp gia trọng, vì trong khi binh lính giải tán đồng bào tại đài phát thanh đã ném hay cho ném lựu đạn làm chết 8 đồng bào, bị can có nhận tội không?”
Dĩ nhiên là không. Sau đó thì bị can đã trả lời, tóm lược như sau:
“Bị bắt từ ngày 24 tháng 11, 1963. Bị biệt giam tại Nha an ninh quân đội trong phòng tối. Bị tra vấn ngày đêm và bị ép buộc phải khai ra là do Giám Mục Ngô Đình Thục và hàng giáo phẩm ra lệnh cho tôi đàn áp tôn giáo. Xin Toà ghi nhận cho tôi chỉ là cấp thừa hành, chế độ nào cũng phải thừa hành lệnh cấp trên của tôi sai phái.
Trước hết ông Tỉnh Trưởng áp dụng dụ 57A trưng dụng tôi, rồi ông Tư lệnh vùng.
Tôi không phạm tội cố sát vì tôi chỉ nhận lệnh của cấp trên. Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm đã cung cấp phương tiện cho tôi. Lực lượng tiểu khu của tôi chỉ có 18 người sĩ quan và quân nhân.
Đêm 8 tháng 5, 1963, Tôi đã gọi điện thoại cho Cảnh sát tăng cường. 20 giờ, họ cho biết không đủ quân số. Tôi cũng đã gọi cho ông Tỉnh trưởng 5 lần, không gặp. 8 giờ 30 tối, tôi tới văn phòng ông Cẩn, có Đại uý Phu, phụ tá tiểu khu trưởng. Sau đó gặp ông Đẳng, tỉnh trưởng, ông Đạm, Ông Trọng, Ông Vang.
Nhận được điện thoại của ông Ngô Ganh, quản đốc đài phát thanh yêu cầu can thiệp gấp, đồng bào tới đông đảo. Ông Tỉnh trưởng nói đồng bào không trật tự, yêu cầu Thiếu tá xử dụng quân đội giải tán. Tôi xin giấy trưng dụng. Ông Tỉnh trưởng nói, yêu cầu Thiếu Tá giải quyết gấp kẻo đài phát thanh bị phá, ngày mai sẽ có giấy điều chỉnh. Tôi cũng gọi cho Đại Tá Đỗ Cao Trí, tư lệnh sư đoàn 1. Đại tá Trí không có mặt. Đại tá Lê Quang Hiển phụ tá yêu cầu xin lệnh tư lệnh vùng.
Sau khi trình tư lệnh, Thiếu tướng có nói: quần chúng tự động biểu tình, xâm phạm công quyền, Thiếu tá có bổn phận đem binh sĩ giải tán và ông cấp cho một đại đội BB ở trung tâm Phú Bài.
Tôi cấp phát lựu đạn MK3, lựu đạn này tôi đã xử dụng để huấn luyện cho thanh niên chiến đấu có sự chứng kiến của Đại tá Trí. Lựu đạn Mk3 không gây chết người, thường dùng cho nổ để huấn luyện cho Thanh niên chiến đấu, thanh niên Nam Nữ. Tôi đã dùng một chiến xa Bảo An đi trước mở đường, binh lính theo sau. Xe đến cách quân trấn 50 thước, bị chặn đường.. Tôi ra lệnh cho xe tiến lên, cán xe mo bi lét. Rồi nghe có hai tiếng nổ lớn. Tôi tưởng bị Việt Cộng tấn công. Sau đó tôi bắn ba phát súng lệnh chỉ thiên, nhưng dồng bào náo loạn cả lên, binh sĩ cũng chẳng nghe thấy lệnh của tôi.”
Nhưng ai ra lệnh? Đặng Sỹ khai không nghe thấy lời kêu gọi của ông tỉnh trưởng. Ông còn la lớn, hai tài xế Ngọc và Khải, sau ngày Cách mạng đã bị bắt giam 3 tháng, rồi được thả và nay còn được thăng chức. Như vậy họ được thăng chức vì những lời khai của họ?
Đặng Sỹ còn nhắc lại phản đối trước tòa về việc giam cẩm thiếu nhân đạo và thẩm vấn viên đã buộc: phải khai nhận có ném lựu đạn, hoặc do lệnh TGM Ngô Đình Thục ra lệnh cho y đàn áp Phật giáo. Chưởng lý cho rằng hầu hết các nhân chứng đều khai trước tòa là bị cáo bắn trước ba phát súng, rồi mới có hai tiếng nổ. Chưởng lý cũng cho rằng bị cáo không được mang vấn đề tôn giáo ra đây, bị cáo theo tôn giáo nào không thành vấn đề.
Cả phòng như im lặng.
Theo ông chưởng lý, đa số các nhân chứng trong phiên xử này đều khai bị cáo có bắn 3 phát súng lục trước khi có tiếng nổ lớn. Riêng chỉ có mình bị cáo khai có hai tiếng nổ lớn trước khi bắn ba phát súng. Ông Chưởng lý nói tiếp, công tố viện đã đưa ra một số nhân chứng tối đa, không lẽ các nhân chứng đều có thù oán với bị can cả sao?”
(Tóm lược, Lập Trường, số 6 tháng 6, 1964)
Lời khai của các nhân chứng
Tướng Lê Văn Nghiêm
“Có lệnh trưng dụng thì tỉnh trưởng hoàn toàn trách nhiệm không cần hỏi ý kiến quân đội hay tôi. Nhưng tôi cũng có căn dặn tránh đổ máu, dùng các biện pháp xịt nước.”
Tướng Nghiêm cũng liên lạc với Đại Úy Thiết, chánh văn phòng đại diện ở Huế để ông này liên lạc với Đặng Sỹ. Ông nói tiếp,
“Thiếu tá Sỹ có quyền xử dụng đại đội cơ giới ở Phú Lộc vì thuộc Bảo An. Riêng đại đội ở trung tâm huấn luyện Phú Bài thì thuộc quyền Bộ Tổng tham mưu chứ không thuộc quyền tôi.”
Cứ như lời khai của tướng Nghiêm thì xem ra, ông chẳng có tý quyền hành gì, mặc dầu là tư lệnh quân đoàn. Và vì thế, ông hoàn toàn không có trách nhiệm gì trong vụ nổ ở đài phát thanh? Ông ra tòa với tư cách nhân chứng chứ không phải một liên đới trách nhiệm với bị cáo, với tư cách chỉ huy cao cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, ông vẫn ra lệnh miệng cho Đặng Sỹ, vẫn liên lạc với Đại Uý Thiết, vẫn liên lạc với Đại tá Hiển. Dĩ nhiên vẫn có những lệnh miệng, hay khuyến cáo.
Mà trong nhà binh, lệnh miệng đã đủ là bằng cớ chưa?
Dưới mắt kẻ bàng quang thì đây là một cấp chỉ huy bất xứng, trốn trách nhiệm, đổ trách nhiệm lên đầu một cấp thừa hành.
Ông Nguyễn Văn Đẳng, tỉnh trưởng
Sự việc xảy ra ở đài phát thanh Huế rõ như ban ngày như một cộng với một là hai. Ông đã nói như thế. Tối hôm đó, tôi đến văn phòng chỉ đạo thì có Trưởng Ty Cảnh sát, Trưởng ty Công an cho biết đồng bào phật tử đang vây đài phát thanh. Tôi nóí:
“Nếu có vậy, đồng ý khi cần giải tán. Tôi thấy các ông ấy sát khí đằng đằng nên tôi thấy cần nhắc là cần có binh sĩ cải trang để giải tán biểu tình. Mọi người giải tán.”
Có một chi tiết khá quan trọng mà Thiếu Tá Đặng Sỹ nêu ra là lệnh trưng dụng của Tỉnh Trưởng lúc đó có ông Hồ Đắc Trọng làm chứng. Ra tòa, ông Hồ Đắc Trọng khai là, tuy có mặt ở đó, nhưng không nghe là ông Tỉnh Trưởng có ra lệnh hay không? Nhân chứng phủ nhận? Vậy lời khai của Đặng Sỹ trở thành vô dụng? Nhưng Hồ Đắc Trọng có khai là có gặp ông Cẩn, ông Cẩn có nói với ông rằng:
“Biểu tình thì phải dẹp, hỏi ông Tướng, ông đại biểu chính phủ mà làm.”
Lời khai của Hồ Đắc Trọng có thể xóa bỏ nghi ngờ ông Cẩn là người ra lệnh ngầm không? Mặc dầu lúc này có khai gì thì ông cũng đã chết rồi?
Sau đó, ông Tỉnh Trưởng khoe thành tích làm tỉnh trưởng của ông. Điều đó xin lược bỏ.
Những điều sau đây qua lời khai của ông khá phù hợp với lời kể lại của TT Trí Quang.
“Tôi chỉ nói Đặng Sỹ chuẩn bị, chứ không nói trưng dụng. Không phải là tôi có ra lệnh bằng miệng mà tôi trốn trách nhiệm, nhưng bị can cố đẩy trách nhiệm cho tôi. Sự thật là vậy. Theo ông khai trước toà, ông và thày Trí Quang và Mật Nguyệt đang bàn cãi để tìm giải pháp dung hòa thì có tiếng ồn ào. Cả ba đều ra ngoài thì thấy xe tăng tới, xe xịt nước tới. TT Trí Quang ra trước Micro kêu gọi anh em công lực ngưng xịt nước, rồi thầy nhờ tôi nói lại và tôi nhân danh Tỉnh trưởng đừng xịt vì dàn xếp sắp xong. Nói hai câu đó xong, súng nổ và lựu đạn nổ.”
Ông có hỏi tại sao lại không nghe thấy? Xe của Đặng Sỹ đậu cách đài phát thanh khoảng 50 chục thước và trong trường hợp ấy có thể không nghe thấy. Chính ông Tỉnh trưởng cũng chỉ đoán là Đặng Sỹ có đứng chỉ huy trên xe ấy qua cái dáng thôi.
Ít ra về điểm này cho chúng ta thấy hai con đường đi tìm sự thật: Hiện trường là mấy nhân chứng đứng bên ngoài đài phát thanh vả có thấy súng nổ, lựu đạn nổ.
Mặc dù ông Tỉnh trưởng là cấp chỉ huy trực tiếp của Đặng Sỹ, ông cũng chỉ ra hầu toà với tư cách nhân chứng thôi.
Như vậy chỉ có mình Đặng Sỹ là tội phạm.
Nhưng qua hai lời nhân chứng vừa kể, người ta thấy trước khi vụ nổ đài phát thanh, Đặng Sỹ có trình cấp thẩm quyền, có ngồi lại bàn thảo, có nhận lệnh miệng, có được cung cấp phương tiện cùng với Chỉ huy Cảnh Sát và Công an cũng như tiểu khu phó. Nhưng trước sau, chỉ có mình Đặng Sỹ lãnh án. Trong một vụ việc quan trọng như thế này, có sự điều động nhân sự, có nhận lệnh lạc theo hệ thống quân giai, có hằng trăm vừa sĩ quan, vừa binh sĩ.
Vậy mà chỉ có một người lãnh án?
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline