Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p8)
Kết quả Bản án Mật vụ/b>
Sau đó thì tòa tuyên án chỉ có 4 người đứng đầu. Tất cả nhân viên khác được tha bổng.
- Dương Văn Hiếu: chung thân khổ sai.
- Thái Đen tức Nguyễn Như Thái: Chung thân khổ sai. (Thật ra có hai Thái. Thái trắng, tức Lê văn Thái làm việc cho Trần Kim Tuyến).
- Nguyễn Thiện Dzai: Chung thân khổ sai.
- Phan Khanh: 10 năm khổ sai.
Theo sự tiết lộ sau này của Dương Văn Hiếu với luật sư Lâm Lễ Trinh, “bà quả phụ ông Đinh Xuân Quảng, vợ của một ông cựu Bộ Trưởng thời Bảo Đại thưa tôi đã tra khảo bà. Nhưng không có bằng chứng cụ thể.”
Cũng theo Dương Văn Hiếu, nếu tôi có giết ai thì sau này chắc chắn Mai Hữu Xuân đã “làm thịt” tôi rồi. Chính Mai Hữu Xuân cũng nới với Dương Văn Hiếu như thế. Tuy nhiên, tòa án Cách mạng do một thẩm phán dân sự chủ tọa. (Trong đó có đại tá Dương Hiếu Nghĩa làm thành viên.)
Nhưng chẳng bao lâu sau, năm 1964, chính phủ cho ba chiếc máy bay chở tất cả đám tù chính trị mật vụ, khoảng 40 người về đất liền. (Thật ra lệnh thả là do ông Trần Văn Hương ký giấy thả)
Việc kết án tù chung thân khổ sai rồi sau đó thả cho thấy đây hoàn toàn là một vụ án chính trị, không có căn bản pháp lý cũng như thủ tục tố tụng.
Ít lâu sau, Dương Văn Hiếu nhận được giấy của Phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo, tướng Nguyễn Khắc Bình, bến Bạch Đằng mời đến làm việc ở Phòng Nghiên cứu về tình báo.(Một cách cầm chân Dương Văn Hiếu giữ vai trò văn phòng, ngồi chơi xơi nước.)
Đó cũng là trường hợp của Đào Quang Hiển, từng là Giám đốc Nha Nội An Bộ Nội Vụ bị giam tù bảy tháng, sau cũng được điều về làm ở Phủ Đặc Ủy Trung Uơng tình báo với chức vụ Giám đốc Nha tổ chức dưới quyền của đại tá Lê văn Nhiêu, người của Nguyễn Khánh.
(Lâm Lễ Trinh, “Thức tỉnh. Quốc Gia & Cộng sản”, trang 425)
Những án tù khác
Xin tóm tắt vì những người này không nằm trong khuôn khổ Đoàn Mật Vụ Ngô Đình Cẩn. Trich lại nhan đề bài báo của Ký giả Nam Đình, báo Thần Chung như sau:
“Chúa Nhựt 18, Thứ hai 19-7-65. 13 nhân viên cao cấp trong Ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Phạm tội bắt giam trái phép và Thủ tiêu 13 Nhà Ái Quốc: 10-6-1964.”
13 nhà ái quốc có tên sau đây:
- Nguyễn Phan Châu, tự Tạ Chí Diệp
- Huỳnh Hữu Thiện, tự Dư
- Huỳnh Thiện Tứ
- Nguyễn văn Tập, tụ giáo Tập
- Nguyễn Văn Danh
- Lê Hoài Nam, tự Trương Văn Kinh
- Vũ Tam Anh
- Lâm Hoàng Bá
- Trần Chí Tài
- Lý Tâm Nghiệp
- Tôn Thất Dương
- Nguyễn Bảo Toàn
- Phan Xuân Gia
Cuối cùng cũng chỉ xử kết án 4 án chung thân khổ sai. Còn được tha bổng hết.
4 án khổ sai gồm: Nguyễn Văn Y, Nguyễn văn Hay, Khưu Văn Hai và Trần Bửu Liêm. Còn tha bổng: Huỳnh Phước Bang, Lê Văn Thảo, Nguyễn văn Ngời, Nguyễn Thanh Huân, Nguyễn văn Hiếu, Võ Văn Chẻ và Võ Văn Dưỡng.”
Trong vụ án này, nó có một chi tiết đáng phải nói. Trước hết, xin trích lại bài báo của ký giả Nam Đình trên tờ Thần Chung như sau:
“Sau 4 tiếng đồng hồ nghị án, ông chánh thẩm Trần Minh Tiết và các ông phụ thẩm nhân dân và quân nhân phải trả lời nhiều câu hỏi để rồi đồng ý khép về tội “cố sát không dự mưu” nên cả 4 người mới khỏi chết.”
Lời bàn
Một đứa trẻ con cũng biết rằng vụ ám sát chính trị phải có lệnh từ trên và để thực hiện, phải có kế hoạch hẳn hoi.. Vậy mà tòa án cách Mạng đã bẻ quẹo đây là một vụ “cố sát không dự mưu” để tránh bản án tử hình cho các bị can?
Ai có thể tin được quyết định của ông Chánh Thẩm Trần Minh Tiết là xử đúng pháp luật?
Lại còn trường hợp Thiếu tá Đào Quang Hiển chẳng hiểu vì lý do gì được tha bổng? Bởi vì ra trước tòa, Khưu Văn Hai khai rằng, ông chỉ làm theo lệnh của Thiếu tá Đào Quang Hiển?
Kết Luận
Tôi đã sống trọn vẹn tuổi trẻ và tuổi trưởng thành của tôi giữa hai nền Đệ Nhất và nền Đệ Nhị Công Hòa. Tôi hiểu được phần nào những thành tựu cũng như những thất bại của cả hai. Tôi yêu mến và hãnh diện về nền Đệ Nhất Cộng Hòa và không thể nói khác được. Tôi để những lời thù hận chế độ ra bên ngoài tai vì tôi nhận ra càng ngày xu hướng chính trị nói chung cả người Mỹ lẫn người Việt đều nhận thức được đâu là sự thật và cái chết oan nghiệt của họ.
Nhưng có một điểm khác biệt sâu xa giữa hai chế độ ấy là: Lãnh đạo nền Đệ Nhất Cộng Hòa tuy non trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm, nhưng lý tưởng quốc giả, lòng yêu nước và lý tưởng phục vụ cao nơi những người như ông Diệm. Bên cạnh ông Ngô Đình Diệm là những người công chức gương mẫu, sống thanh bạch, đạo đức nghề nghiệp như cụ Quách Tòng Đức, ông Võ Văn Hải, ông Đoàn Thêm và những người cán bộ Mật vụ.
Đặc biệt, tôi nghĩ rằng phải trả lại công đạo cho những cán bộ cốt cán của nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã bị xử oan sai cần được đánh giá lại. Công của họ thì nhiều mà tội thì không chứng cớ rõ ràng.
Chỉ cần so sánh hệ thống điệp báo giữa hai thời kỳ đủ rõ. Sau 1963, Phủ Đặc Ủy Trung ương tình báo do tướng Nguyễn Khắc Bình, với số nhân viên đông đảo, tiền bạc đầy đủ nào đã có những công trạng gì? Hay chỉ thấy, cán bộ cộng sản xâm nhập gần như công khai trong các trường học, trong một số chùa chiền và trong các cơ quan chính phủ! Việc khui ra ổ gián điệp Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng trong Dinh Độc Lập đăng tải công khai trên báo chí là do CIA, nào phải công trạng của Phủ Đặc Ủy.
Nhìn lại những năm đầu của nền Đệ I Cộng Hòa, ít lắm thì đó là một xã hội có kỷ cương, có nề nếp, có trật tự. Nếu có điều gì phải hối tiếc nơi cá nhân tôi là đã có lúc tôi đã đánh giá cao Trần Kim Tuyến cả về nghiệp vụ cũng như về lòng trung thành của ông ta mà sau này tôi biết là mình đã lầm lẫn. Điều ấy cũng đúng cả trong trường hợp Dương Văn Minh nữa.
Nhưng sau này tôi đã không thể tìm thấy những điều tối thiểu ấy nơi các nhà lãnh đạo sau 1963 như các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh, v.v..
Tôi còn nhớ như in là sau cuộc cách mạng thành công, các tướng lãnh cho phép mở phòng trà, cho nhảy đầm. Bỏ bê Ấp Chiến lược mà không có một giải pháp chính sách nào thay thế.
Sự nhốn nháo và bất bình trong đám tướng lãnh của Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ngay từ dầu mỗi ngày mỗi lộ ra không cần dấu diếm.
Cái chết của hai ông Diệm và Nhu thay vì giúp họ an tâm, đoàn kết lại với nhau lại là mầm mống chia rẽ họ. Sự chia rẽ ấy, người Mỹ biết hết mà không can thiệp. Mỹ lỏng tay cho Nguyễn Khánh làm chỉnh lý.
Rồi sự chia rẽ trở nên trầm trọng hơn khi Dương Văn Minh loại bỏ không có tướng Nguyễn Khánh và tướng Đỗ Cao Trí trong Hội Đồng Quân Nhân. Sau này nó sẽ là nguyên nhân của các cuộc chỉnh lý.
Đặc biệt, nhìn lại những việc làm của Dương Văn Minh đều là những việc làm tiêu cực cả. Cuộc đời làm chính trị của ông là vai trò bù nhìn trong nhiều trường hợp.
Lấy một thí dụ. Báo Chính Luận, ngày 8-5-1964 đưa tin như sau:
“Sắc lệnh bác đơn xin ân xá của Đông và Cẩn. Saigòn (VTX). Sáng 5-5-64, Trung tướng Dương Văn Minh, Quốc Trưởng VNCH đã ký một ngày hai sắc lệnh số 0006-QT/SL và số 0007-QT/SL bác đơn xin ân xá của Phan Quang Đông (đề ngày 28-3-64 và của Ngô Đình Cẩn đề ngày 23-4-64.”
Giết người Quốc Gia, nhưng lại thả tất cả các cán bộ cộng sản bị bắt trước 1963. Điều này không hiểu tại sao, dư luận báo chí không lên tiếng! Hành động này có khác chi một hành động “phản quốc”?
Hãy nghe Mười Hương nhận xét:
“Lực lượng đảo chánh của Dương Văn Minh lo thanh trừng phe phái của Diệm, không quan tâm số tù chính trị cũ, nên cho thả rất đông và rất dễ. Nguyễn Tư Thái (phụ tá Đoàn công tác đặc biệt miền Trung) sau này có nói, năm 1965, nghe Trần văn Hai — chủ sự phòng Thẩm vấn khối Cảnh sát đặc biệt — chửi bọn đảo chính chẳng làm ăn được gì cả, còn ăn đút lót để thả cán bộ cộng sản, và đã thả nhầm một cán bộ tình báo cấp quan trọng là Mười Hương. Hồ sơ của ông có nhận xét ở phiếu tóm lược:
“Đương sự ngưng hoạt động năm 1955, hơn nữa không gia nhập đảng cộng sản và đã bị giam giữ 6 năm.””
(Nguyễn Thị Ngọc Hải “Trần Quốc Hương, Người chỉ huy tình báo”, trang 155)
Tôi không hiểu ai là người đã làm hồ sơ giả như trên để có cớ thả Mười Hương?
Mười Hương đã được thả ngày 18 tháng 5-1964. Nghĩa là 6 tháng sau cuộc cách mạng lật đổ chế dộ Đệ Nhất Cộng Hòa. Khi được thả ra, Mười Hương còn cười vào mặt những kẻ đã thả ông bằng cách bịa chuyện như sau: “Tụi địch còn đùa: Nay, tụi này thả ông anh ra về kịp ăn sinh nhật cụ Hồ.”
Tôi thấy nhục thay cho Dương Văn Minh. Nhục thêm nữa khi nhin bức hình ông ta cúi gằm mặt như một tên tội đồ đến đài phát thanh để đọc lệnh đầu hàng.
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline