Ngô Đình Cẩn. Ông là ai? (p2)
Ghi lại quang cảnh ngày ông Ngô Đình Cẩn ra pháp trường do các nhà báo ghi lại tại chỗ.
Sau đây, chúng tôi xin trích nguyên văn quang cảnh pháp trường trong vụ xử ông Cẩn. Có lẽ chính trong cái bầu khí đượm chết chóc và thê lương ấy cho thấy cái không khí ấy rùng rợn như thế nào. Và chính cái chết ấy có thể để lại cho mỗi người chúng ta một bài học!!
Nhà báo Lý Quý Chung.
Một nhà báo trẻ tuổi Lý Quý Chung lúc bấy giờ, hẳn là không có mối hận oán gì với chế độ Đệ Nhất cộng hòa đã ghi lại tóm tắt như sau.
“Tôi vẫn nhớ thái độ ông Cẩn trước tòa án rất ngạo mạn, ông chẳng quan tâm gì đến diễn tiến phiên tòa. Chẳng chú ý tới các lời buộc tội ông. Ông mặc bộ đồ bà ba lụa mầu trắng, mắt nhắm nghiền như ngủ qua suốt các phiên xử. Nhiều lúc còn có cử chỉ tỏ vẻ khinh miệt khi các tướng tá đang ngồi xử mình.”
Và lúc bị đưa ra hành quyết, Lý Quý Chung viết:
“Ông bị trói chặt vào cột hành quyết và lúc sắp sửa bị bịt mắt, muốn được nhìn tận mắt cuộc hành quyết mình. Nhưng người thi hành án giải thich với ông rằng luật lệ không được phép cho họ làm khác. Người ta vẫn bịt mắt ông và một loạt súng kết liễu mạng sống của người thứ ba và là em út trong dòng họ Ngô từ sau cuộc đảo chính 1-11-1963.
Bài tường thuật của tôi nhấn mạnh hai điểm: Ông Cẩn không sợ cái chết và tỏ vẻ khinh khi những người xử ông ta tại tòa.”
(Nguyễn Văn Lục, Đọc Nhật ký của im lặng của Lý Quý Chung, DCVOnline)
Theo tôi, bài báo tuy tóm tắt. Nhưng ý nghĩa phiên tòa xử cũng như ý nghĩa cái chết đã nói lên đủ về con người ông Cẩn. Dư luận có thể coi thường ông, coi ông là lãnh chúa độc ác, là hung thần! Nhưng trước lúc đối diện với cái chết can đảm của ông buộc mọi người phải nghĩ lại về ông.
Tin và bình luận trên báo Chính Luận ngày 12-5-1964, “Báo chí Thủ đô và hai vụ hành quyết Cẩn, Đông”
“Khoảng 18 giờ 27 phút, im lặng đến tức tưởi, đòi hỏi sự phựt đứt ngay trong khoảng 1,2 tích tắc.
10 Quân Cảnh ( QC) ngắm vào cái đích là tử tội. 10 QC đều biến thành 10 cái tượng, không nhúc nhích. Lần đầu tiên trong đời, tôi nghe được sự im lặng lạ lùng ma quái. Sân banh sắp chuyển theo một cái chớp mắt của thời gian để chính thức biến thành một Pháp trường. Vẻ nhợt nhạt của kiếp sống lởn vởn trong không khí. Khẩu lệnh “bắn” được phát ra, những tiếng nổ giòn mang ý nghĩa của những tiếng giải thoát che lấp một phần nào sự trống phẳng.
Tử tội ngoẹo đầu sang phía tay mặt, gục xuống, bàn tay trái có máu, cả thân hình sụm đổ, nhưng bị giữ lại nửa vời thân trên tách khỏi cái cột nhô về trước. Máu túa ra nhiễu ở ống quần chân mặt, đỏ tươi. Hai chân tử tội gập khúc nơi đầu gối, xoạng ra, cong vòng.
Sự im lặng biến thành ghê rợn, nghe rõ tiếng quần áo của tử tội phất theo gió thổi. Người chỉ huy 10 quân cảnh, chạy tới bên tử tội – bây giờ là một tử thi – dùng súng ngắn bắn phát thi ân vào đầu. Bác sĩ khám nghiệm và xác nhận một cái chết, chiếc cáng trắng mới rồi đưa tử tội từ khung cửa sổ có song sắt lại được mang ra.
Người ta tháo dây trói cho tử tội, thật lúng túng, sau nhờ bàn tay chuyên môn của ông Phối mới xong. Thây tử tội được đặt trên cáng, đưa trở vào khung cửa sổ có song sắt, đóng lại.”
Và ông (Chu Tử) kết:
“Người đã chết, không còn là “người” nữa nên hết là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta, đều muốn gạt họ qua một bên, gửi vào quên lãng, nhưng cần phải có một thời gian và một thực tế đẹp đẽ để niềm vui xóa nhòa những nghẹn ngào bi thảm hôm qua.”
Một vài nhận xét của báo Chính Luận ngày 12-4-64.
Không hiểu nhà văn Chu Tử có vạch đầu gối ra để nói chuyện hay không. Chỉ biết ông công nhận cho Cẩn một điểm là Cẩn đã biết chết tương đối đàng hoàng. Ông cho rằng
“trong lúc sắp bắn Cẩn giữ sự im lặng hoàn toàn đến nỗi các ký giả ngồi cách xa hơn 10 thước còn nghe thấy hơi thở, mồ hôi của Cẩn và tiếng gió thổi phành phạch vào ống quần trắng của Cẩn.”
Cảm tưởng chung của ông là:
“Cẩn chết là đáng vô cùng, nhưng án tử hình là một án không nên tồn tại trên thế gian. Trên thế gian này, không ai nên nhân danh công lý hoặc nhân danh cách mạng, hoặc nhân danh nền văn minh nhân loại để tỗ chức “lễ” bắn một người khác dù là một kẻ trọng tội chồng chất trăm nghìn tội ác trên đầu như Cẩn.”
Tôi không thấy cần thiết phải có thêm ý kiến gì nữa, vì tờ Chính Luận khi đăng lại bài viết của Chu Tử, họ đã có ý kiến rồi.
Bài viết của Ký giả Nam Đình, báo Thần Chung
Sau đây là bài viết của ký giả kỳ cựu Nam Đinh, báo Thần Chung. Một tờ báo bị ông Diệm đóng cửa ngay giai doạn 1954, vì nghi ngờ là tờ báo thiên Cộng. Ông viết:
“Tưởng chừng mình đau khổ vì tinh thần hơn ai hết, khi phải chịu đựng 9 năm trời: từ 1954, Diệm hạ lệnh đóng cửa Thần Chung. Tội gì?”
Ông đã tham dự các phiên tòa xử 42 trí thức bị mật vụ tra tấn và khảo của, ngày 23-6-64. Vụ 13 nhân viên cao cấp trong ngành Cảnh sát Quốc gia, Chúa nhật 18, thứ hai 19-7-65.
Và dĩ nhiên, trong đó có vụ xử Ngô Đình Cẩn mà nhà báo Nam Đình đã đặt ra với rất nhiều tiêu đề như: Cả ba anh em Diệm Cẩm, Nhu chết hụt nhiều lần. Diệm thoát chết hồi 1945. Ai cho Cẩn hay giờ hành quyết. 12 giờ trưa mà Cẩn không đói. Khi hay tin không được ân xá. 10 phút riêng với cha Thí. Tên Thánh của Cẩn. Tại sao bịt mắt tôi. Những chi tiết. Ngô Đình Cẩn trối trước giờ chết.
Với một giọng văn có sự miệt thị và hận oán không cần thiết đối với một tử tội. Tôi không phục tư cách hành nghề của ký giả Nam Đình. Ông thiếu hẳn một tấm lòng cũng như thiếu hẳn tư cách của một ký giả chuyên nghiệp trước một tử tội. Tôi xin trích dẫn:
“Trong vụ xử bắn Ngô Đình Cẩn, ngoài những người có trách nhiệm như ông Chưởng lý Nguyễn Văn Đức, Thừa phát lại Lâm Văn Sáu, bác sĩ Phúc, đại tá Bùi, Quân vụ Thị trấn ngoài ra còn có ông Lục Sự, Cha Thí (Linh mục của Trung tâm cải huấn Chí Hòa) Và ông Trung tá Quản đốc Trung tâm cải huấn và hai hiến binh. Tất cả đám người này đã lên lầu ba, nơi Cẩn bị giam giữ. Ông Cẩn đã nằm nghe ông Lục sự đọc bản án tử hình, có lẽ đến hơn 10 phút. Sau bản án tử hình, tới sắc luật Quốc Trưởng bác đơn ân xá.
Khi nghe ông Lục sự đọc tới đây, Ông Cẩn đưa tay lên kệ, lấy sâu chuỗi mà người Thiên Chúa giáo thường có.
Ông Cẩn đọc kinh lần chuỗi
Ông Lục sự hỏi:
Ông có tuyên bố gì không?
Cẩn nói:
Tôi cầu nguyện cho Quốc Gia Việt Nam… Tôi sẵn sàng chết.”
“Súng nổ đúng 6 giờ 20 phút. Chùa Bửu Liên? Sự ngẫu nhiên là Hòa thượng đọc kinh lúc Ba Cụt Lê Quang Vinh lên gươm máy Cần Thơ, lại là Hòa thượng ở chùa Bửu Liên. Một sự tình cờ khác là Ngô Đình Cẩn day mặt về hướng chùa Bửu Liên lúc thọ hình. Cũng như Diệm Nhu được đưa xác vào nhà thương St Paul gần chùa Xá Lợi!”
(Trích Ký giả Nam Đinh, Báo Thần Chung, 9-5-64)
Linh mục Thí làm lễ rửa tội cho Ngô Đình Cẩn trước giờ ra pháp trường. Nguồn: http://kienthuc.net.vn
Gớm thay tâm địa con người và nghề làm chính trị thật nhiều nỗi oan khiên!
Ngoài ra còn có khoảng có 200 người đến tham dự như gia đình bị can, đại diện báo chí, đại diện cho đủ mọi thành phần xã hội, cho cả người xấu lẫn kẻ tốt, đại diện cho công lý của giới quan tòa, thẩm phán, luật sư. Đại diện cho dư luận báo chí cũng có. Như Chu Tử ở trên, như Nam Đình, như Lý Quý Chung. Đại diện cho giới Phật tử cũng có, giới tu sĩ công giáo cũng không thiếu.
200 người này có thể còn đại diện cho những người không có mặt, đang ngồi ở nhà theo dõi trên báo chí truyền thanh như trường họp Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh và cả Trí Quang.
Ai là người cảm thấy mình vô tội? Chu Tử ở trên cũng nhận xét là Ngô Đình Cẩn chết đàng hoàng? Thế nào là chết đàng hoàng? Sống không đàng hòang mà chết lại đàng hoàng? Rồi một lần nữa vừa kết án, vừa quân tử tàu khuyên: “không ai nên nhân danh công lý hay cách mạng … để rồi tổ chức “lễ” bắn một người khác như Ngô Đình Cẩn.”
Đọc bài tường thuật trực tiếp trên báo chí thời 1964, tôi liên tưởng đến câu chuyện Chém treo ngành của nhà văn Nguyễn Tuân, ghi lại khung cảnh xử chém những người tử tù của chính quyền thực đân Pháp.
Mặc dầu sự liên tưởng này không nhất thiết có cùng một nội dung và hoàn cảnh. Nhưng bầu khí tử thần lảng vảng đâu đó thì ở đâu cũng vậy, thời nào cũng thế.
Chết trở thành một thông điệp của người chết để lại cho người còn sống.
Nhưng nó đều giống nhau ở cái không khí lành lạnh, mùi tử khí luẩn quẩn đâu đây với sự thê lương và im lặng ma quái.
Và trong cái giờ phút ấy, những kẻ gây ra “tội ác” ấy nghĩ gì? Ai là người đưa Ngô Đình Cẩn đến chỗ chết? Câu hỏi ấy chỉ quan trọng đối với người còn sống, nhưng lại trở thành vô nghĩa đối với người chết.
Tôi là người còn sống nên tôi có dịp dở lại đọc tờ báo Lập Trường, cơ quan tranh đấu của Hội Đồng Nhân dân cứu quốc ngoài Huế có bài viết sặc mùi sắt máu: Đồng bào Huế và Trung Việt nghĩ sao? Đặng Sỹ ra tòa tại Sài gòn? Theo bài báo: Lúc xử ông Ngô Đình Cẩn, tất cả các báo Sài Gòn đều viết rằng nhân dân đã xử ông Cẩn trước khi tòa án xử. Đối với Đặng Sĩ cũng vậy, nhân dân đã xử rồi chứ đâu có tòa án cách mạng? (Báo Lập Trường, tháng 6, 1964)
Như vậy cái chết của Ngô Đình Cẩn là do Nhân dân xử mà những vị như ông Thẩm Phán Lê Văn Thụ chỉ là người thừa hành ý của nhân đân? Rồi luật sư biện hộ như Võ Văn Quan hẳn là biết rõ công việc mình làm và đã làm một cách hết mình, cô đơn trong những ngày xử án?
Chính cái Hội Đồng ấy gián tiếp giết Phan Quang Đông, rồi Ngô Đình Cẩn. .
Sức mạnh của Hội đồng ấy sau trở thành như một chính phủ “ma”. Chính Hội đồng ấy phủ nhận chính phủ Tam đầu chế (ông Minh- ông Khánh-ông Khiêm). Và rồi ông Minh và ông Oánh phải lục tục kéo nhau ra Huế để thỉnh ý Hội Đồng. Hội Đồng với quyền lực thương thuyết tay đôi với chính phủ. Tại nhiều tỉnh miền Trung, nhiều Hội Đồng đã được thiết lập và người ta đã chứng kiến cái tấn bi hài kịch của những người dư đảng Cần lao ra trình diện ông Tỉnh trưởng. Ông Tỉnh trưởng lại chuyển qua Hội Đồng xét xử.
Cho nên, cái chết của Ngô Đình Cẩn chung cuộc là để thỏa mãn lòng hận thù được ngụy trang đưới cái được gọi là Nhân Dân? Nhưng Nhân dân là ai mới được?
Trong lời khởi đầu bài biện hộ, luật sư Quan đã nói:
“Tôi khởi đầu với một giọng trầm trầm: “ Bên ngoài là cả một biển hận thù. Hận thù đối với chế độ đã bị lật đổ, hận thù đối với bị can Ngô Đình Cẩn, đã thành là biểu tượng của Ngô triều. Tòa chưa xử, nhưng đã có nhiều người nhứt quyết đòi cho được một bản án tử hình, đòi mạng phải đền mạng, nợ máu phải trả bàng máu.”
(Võ Văn Quan, Ibid. Ngay Nay, số 108, tháng 2-3-93)
Theo tôi, giết ông Ngô Đình cẩn là một cái chêt vô ích cho mọi phía. Cùng lắm chỉ thỏa mang lòng hận thù của một thiểu số người
Tuy nhiên, theo tôi giữa cái chết của anh em ông Ngô Đình Diệm-Ngô Đình Nhu và cái chết của ông Ngô Đình Cẩn có những sự khác biệt nên nói ra.
Trong vụ thảm sát anh em ông Diệm-ông Nhu. Cho đến giờ này, mọi người trong cuộc đều không nhìn nhận là kẻ trực tiếp ra lệnh giết ông Diệm. Để tránh né, hay chạy tội, không một tướng lãnh nào đã nhận giết ông Diệm, ngay cả cái người được coi là chủ mưu với nhiều bằng cớ như Dương Văn Minh. Dương Văn Minh đã tìm cách đổ lên đầu Nguyễn Văn Thiệu! Nguyễn Văn Thiệu đã phản ừng một cách quyết liệt và chê trách Dương Văn Minh hèn. Phần đông, cách hay nhất là cứ đổ thừa cho ông Cabot Lodge hay người Mỹ đã chủ mưu giết anh em ông Ngô Đình Diệm.
Dương Văn Minh là một Pilate của thời đại, rửa tay để như thể không dính vào máu cho đến lúc ông chết.
Theo tôi, ông Diệm và ông Nhu bị giết chết không phải vì căm thù mà vì cái tai họa phát xuất từ chính họ, bởi vì họ còn quá mạnh. Tướng lãnh quá sợ hãi hai người họ, nhất là ông Nhu. Vì thế cách tốt nhất là trừ hậu họa để tránh một sự lật ngược thế cờ như hồi 1960 thì số phận họ sẽ ra sao?
Cái chết của hai anh em ông Diệm là để trừ hậu họa mà người Mỹ có thể bất lực không can thiệp được hoặc gián tiếp chấp nhận!
Mới đây, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Ngọc Linh vừa mới qua đời, tờ Người Việt đã cho phát lại 6 buổi phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Linh. Trong đó ông Nguyễn Ngọc Linh cũng nhìn nhận tướng tá VNCH chẳng ra cái gì cả, vừa không có uy, vừa không có kiến thức nên bắt buộc vì sợ anh em ông Diệm mà họ phải trừ khử. Và sau đó, họ kéo VNCH xuống hố.
Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, cá nhân ông thương ông Diệm lắm. Ông Diệm nói tiếng Anh lưu loát, nhưng khi phải tiếp xúc với giới chức Mỹ cao cấp, bao giờ ông Diệm cung sai ông Võ Văn Hải kêu ông Nguyễn Ngọc Linh vào làm thông dịch viên.
Cái chết của ông Ngô Đình Cẩn khác hẳn. Nó là một vụ án chính trị, có khuôn khổ nằm trong luật 4-64, ký ngày 18 tháng 2, năm 1964 dưới thời Nguyễn Khánh, cho thiết lập tòa án Cách mạng. Luật này có hiệu lực hồi tố. Số phận của ông Cẩn nằm trong tay Nguyễn Khánh và cái được gọi là Nhân dân. Mà nhân đân ở đây cụ thể là Hội Đồng Nhân dân cách mạng ngoài Huế và một số tỉnh miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Trị, Quảng Ngãi. rồi cái Hội Đồng ấy đổi ra cứu quốc do Trí Quang và một số giáo sư đại học Huế chủ trì.
Sở dĩ, tôi có thể nói như thế, vì sau này, trong vụ Biến Động miền Trung, TT Trí Quang đích thân đị gặp Ls Vũ Văn Quan để nhờ ông biện hộ cho gà nhà như trường họp bác sĩ Mẫn, Thị trưởng Đà Nẵng.
Cái chết của hai anh em ông Diệm-Nhu, thú thực tôi không học được nhiều điều và nó cũng chẳng ám ảnh tôi bao nhiêu. Cùng lắm là sự coi thường về sự bất tài của một số tướng lãnh vì họ làm đảo chánh xong mà không biết họ phải làm gì, ngoài chuyện ngoan ngoãn vâng lời người Mỹ.
Cái chết của ông Ngô Đình Cẩn trái lại dạy cho tôi nhiều điều về chính trị đảo điên, về tình đời, về thái độ ứng xử trong hoàn cảnh cay nghiệt. Và điều quan trọng hơn cả, nếu ông không chịu án tử hình thì thái độ của tôi đối với ông không mấy tốt đẹp cũng như thiếu sự trân trọng. Chính cái chết ấy làm cho ông trở thành cao cả và cho thấy cái nhỏ nhen và tầm thường của nhiều người.
Thái độ của ông cũng như phong cách của ông trước tòa án cúng như khi đối diện với cái chết làm cho ông lớn lên và cho những kẻ thù ông ngồi đó nhỏ đi, ti tiện hơn.
Luật sư Quan viết lại trong lần gặp gỡ cuối cùng trước khi ông Cẩn bị hành quyết ở sân phía sau khám Chí Hòa. Ông Cẩn và luật sư đã nói chuyện với nhau trong ba tiếng đồng hồ và ông Cẫn đã tâm sự rất nhiều. Và lần đầu tiên, ông tiết lộ bí mật ông giữ kín từ trước. Ông cho biết rằng bà Trần Trung Dung có thuật lại với ông là trước khi ông bị đem ra xét xử, “người ta” (ông vẫn còn dấu không tiết lộ đích danh) hứa nếu ông bằng lòng chuyển cho “người ta” số tiền mấy triệu đô la trong trương mục của ông ta tại Thụy Sĩ, ông sẽ được phi cơ lén đưa qua Singapore sống tự do. Nhưng ông ta biết người đó là kẻ lật lọng, nếu ông lầm tin chuyển tiền cho họ thì sẽ bị cảnh “tiền mất tật còn” nên ông cương quyết từ chối. Về sau, nhân dịp một linh mục tới khám Chí Hòa cùng với ông làm lễ, ông ký giấy ủy quyền cho dòng tu của linh mục ấy lãnh số tiền kể trên, tờ ủy quyền được giấu trong một quyển kinh sách của vị linh mục. Ông tâm sự: “Tôi thà dâng cho Chúa chứ không chịu làm giầu thêm cho họ!”
Sau đó, luật sư kết luận:
“Ra về, tôi không khỏi thầm phục con người can trường, biết cái chết thê thảm đang kề trong gang tấc mà vẫn giữ được phong thái thản nhiên, ung dung suốt mấy tiếng đồng hồ ngồi trò chuyện với tôi.”
(Võ Văn Quan, ibid., Báo Ngày Nay, số 110, tháng 5-93)
Thật vậy, trong những phiên tòa biện hộ. Ls Quan tiết lộ là ông Cẩn chỉ nhờ ông có một điều- một điều mà ông Quan không muốn nói. Đó là:
“Những nhân chứng này là những người tráo trở, lật lọng, quý tòa không thể tin vào lời nói của họ được. Họ đã từng khúm núm xưng con với những người của chế độ cũ. Họ đã từng nịnh bợ đủ cách để xin xỏ ân huệ. Ngày xưa, họ lòn cúi bao nhiêu thì sau cuộc đảo chánh, họ càng a dua, mạt sát, chà đạp những người cũ để khỏa lấp quá khứ gian nịnh và lập công với chế độ mới.”
(Võ Văn Quan, ibid., Báo Ngày Nay, số 110, tháng 5-93)
Luật sư Võ Văn Quan cũng liên hệ trường hợp của ông Ngô Đình Cẩn về những kẻ lật lọng giúp liên tưởng đến trường hợp César thời cổ La Mã. Brutus vốn là một tướng thân cận của César được coi như một đứa con nuôi và được César nâng đỡ hết mình. Nhưng đến ngày phe nghịch làm phảm mưu sát và đâm túi bụi César, ông chống đỡ mãnh liệt. Nhưng khi nhìn thấy Brutus cũng có mật trong đám sás nhân. César than: Cho đến con mà cũng phản cha nữa sao? Ròi láy vạt áo bào che mặt, mặc cho những tên sát nhân chém giết!
Trong số những tướng lãnh của nền Đệ Nhất cộng Hòa, đã có bao nhiêu Brutus?
Nhưng mặt khác, có một nhận xét không thể thiếu được là chính thái độ đối diện với cái chết bên bờ tử sinh là một thái độ của Ngô Đình Cẩn mà ít ai sánh bằng theo như lời kể lại của luật sư Vũ Văn Quan!
Và luật sư Võ Văn Quan, người nhận công việc bẽ bàng là biện hộ cho bị can đã viết trong vụ Đặng Sĩ như sau về việc TT Trí Quang không ra làm chứng trước tòa:
“Trong thơ, TT tuyên bố sẵn sàng ra tòa khai rõ về những việc đã xảy ra tại miền Trung, vì chính ông lãnh đạo cuộc tranh đấu ấy. Dĩ nhiên, tòa không mời TT Trí Quang ra tòa làm nhân chứng để ông không dùng phiên tòa làm dĩễn đàn chính trị. Còn truy tố ông, “ họ” dám thì đã làm từ lâu. Chưa kể đằng sau tòa án, còn có” những sách nhiễu tiền bạc bỉ ổi, những thủ đoạn lừa lọc gian manh.”
(Võ Văn Quan, Luật sư Nghề hay Nghiệp, số 100, tháng 5-92)
Đây là tâm sự trao đổi giữa ông Ngô Đình Cẩn và luật sự Quan sau khi Tòa tuyên án tử hình:
“Trước khi vô phòng để nghị án, Tòa cho ông Cẩn nói lời chót. Ông điềm nhiên chậm rãi nói rằng mình vô tội, không có quyền hành, không ra lệnh cho các công an viên làm sự phi pháp. Ông không van xin cầu khẩn gì hết.
Ông biết cái luật chơi tàn nhẫn của chính trị và ông có vẻ điềm tĩnh chấp nhận, mặc dầu đối tượng cuộc chơi là chính sinh mạng của mình.
Sau khi nghị án tới khya. (Tôi đoán rằng họ kéo dài thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống) Tòa trở ra tuyên xử tử hình.
Ông Cẩn lặng thinh.
Tôi vịn vai ông an ủi.
Hai quân cảnh bước tới kéo ông đi, khi đến gần tới cửa, bất thần ông ngoái lại nhìn tôi, đôi mắt bỗng nhiên bi thiết sau cặp kính trắng. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhứt, tôi bắt gặp cái nhìn chới với, bi thiết như vậy nơi ông Cẩn.
Cho tới bây giờ cái nhìn đó vẫn còn ám ảnh tôi mỗi khi nhớ lại vụ án.”
(Võ Văn Quan, Luật sư Nghề hay Nghiệp, ibid., số 110, tháng 5, 1992)
Kết luận
Nếu cần thiết phải nói thêm điều gì về cái án tử hình của ông Ngô Đình Cẩn thi tôi chỉ có vài dòng: đây là cái chết của một con dê thế thần. Ông chết cho gia đinh ông. Cho sự đạo đức thánh thiện dễ tin người của anh ông Ngô Đình Diệm. Cho sự lú lẫn không phân biệt đạo với đời của một Ngô Đình Thục, của thói lăng loàn của bà Ngô Đình Nhu.
Và hẳn là ông cũng chết cho nhưng kẻ ám hại ông như Dương Văn Minh- Trần Thiện Khiêm- Đỗ Mậu- Nguyễn Khánh- Tôn Thất Đính vốn chỉ là bọn tướng thiếu đức, thiếu tài.
Tôi mượn lời Chúa như một lối giãi bày biểu tuọng trong ngày chịu nạn thay cho ông Diệm và chế độ của ông:
“Pópulé méus, quid fécit tibi? Aut in quo contristávit te? Respónde mihi.”
(Dân ta hỡi, Ta đã làm gì cho ngươi điều gi? Hãy trả lời cho Ta hay.)
“Quia edúxi te de térra Aegýpti: Parasti Crúcem Salvatsritúo.”
(Phải chăng vì ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập. Nên vì thế Thập ác ngươi đã dành cho Đấng cứu ngươi).
Tôi rung động khi viết những dòng này.
Và chúng ta đừng quên, ngay một kẻ đã làm theo lệnh của bọn tướng lãnh trên, số phận anh ta cũng không hơn gi: Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung được coi là người đã ra tay trực tiếp giết hai hai anh em tt. Diệm.
Cuối cùng ông cũng bị chết thảm – thêm một con dê thế thần- ngay khi Nguyễn Khánh làm chỉnh lý. Đây là cảnh giết người để bịt miệng!!!
Xin mượn lời sách Thánh như sau:
Hôm nay trong nhà thờ đạo công giáo của tuần thánh, người ta nghe tiếng thày sáu đọc sách Thánh như sau:
“Khi ấy Chúa bảo hai ông MaiSen và Aaron ở Ai Cập rằng, tháng này là tháng thứ nhất trong năm, tháng thứ nhất trong mọi tháng. Hãy bảo cho toàn dân biết rằng: Ngày thứ 10 trong tháng này, mỗi họ và mỗi nhà phải chọn một con chiên. Nếu trong nhà không có đủ người để ăn, thì hãy mời thêm những người lân cận nhất, đủ để ăn. Phảỉ chọn con chiên đực, trong sạch được một năm. Các người cũng có thể thay thế bằng một con dê đủ điều kiện như thế. Hãy giữ nó cho đến ngày 14 tháng này và tất cả dân chúng Israel sẽ hiến dâng nó vào buổi chiều. Hãy lấy máu nó bôi lên hai cánh cửa và xà ngang của nhà có người ăn. Trong đêm ấy, hãy ăn thịt nướng với bánh không men và rau rừng. Đừng ăn sống hoặc luộc, nhưng nướng. Hãy ăn tất cả đầu, chân và bộ lòng. Không được để thừa đến sáng mai. Nếu còn thừa thì hãy đốt đi. Đây là cách thức phải giữ trong khi ăn: Hãy thắt lưng, chân xỏ giầy, và tay cầm gậy. Hãy ăn vội vã vì là ngày vượt qua, ngày Chúa vượt qua.”
(Theo Cựu ước, lễ ăn thịt chiên là để kỷ niệm ngày giải phóng dân tộc Israel ra khỏi ách nô lệ Ai cập. Đằng khác, việc hiến dâng còn mang ý nghĩa như một sự cứu chuộc.: Mọi tội ác của người ta sẽ đổ lên đầu con chiên đực trong sạch kia và khi con vật được thiêu hủy đi, nó mang theo luôn tất cả những vết tích nhơ bẩn đó)
(Còn tiếp)
Nguyễn Văn Lục
Nguồn: DCVOnline