Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Sáo lý luận Diệp Hoàng Mai - VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO BIÊN HÒA

03 Tháng Ba 201712:22 SA(Xem: 9509)
Sáo lý luận Diệp Hoàng Mai - VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO BIÊN HÒA


VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO

HƯỚNG ĐẠO BIÊN HÒA

 

Phong trào hướng đạo đến với tỉnh Biên Hòa năm 1956, ngay khi Bò lém Trần Văn Lược nhận chức vụ trưởng Ty Thanh niên Biên Hòa. Cùng với Gấu hì Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng Lược đã hình thành Toán tráng Bạch Đằng, gồm những tráng sinh đầu tiên mà hầu hết là nhà giáo: Lâm Xuân Dương, Lê Kim Lang, Trần Ngọc Sanh, Nguyễn Văn Thuyết,  Hồ Văn Vinh… Những tráng sinh Bạch Đằng chính là những hạt giống gây dựng phong trào hướng đạo Biên Hòa.

 

H1_Truong Tran Van LuocTrưởng Trần Văn Lược

 

Ngay trong năm 1956, Thiếu đoàn Nguyễn Thái Học đơn vị hướng đạo đầu tiên của tỉnh Biên Hòa chính thức chào đời. Lứa thiếu sinh đầu tiên gồm các anh: Nguyễn Ngọc Ánh, Trầm Quốc Bửu, Nguyễn Văn Chánh, Nguyễn Văn Đô, Nguyễn Thành Dũng, Lý Khánh Hồng, Phạm Phú Hòa, Phan Kim Lượng, Phạm Thanh Quan, Đào Văn Sáu, Trầm Hữu Tình, Đặng Ngọc Tới, Hồng Đức Võ…

Năm 1957 Gấu hì Nguyễn Văn Thuyết và thầy giáo Lê Kim Lang – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu – thành lập bầy sói con Nguyễn Khắc Hiếu. Chị Trần Ngọc Thảo (chị của anh Sáu Tô –  Nô) phụ trách bầy chim non, và cũng là người may trang phục cho các ấu sinh.

H2_Thieu doan Nguyen Thai HocThiếu đoàn Nguyễn Thái Học tại Trại Phục Hưng

Năm 1959 Thiếu đoàn Nguyễn Thái Học tham dự trại Phục Hưng, trại họp bạn hướng đạo (HĐ) toàn quốc với 2.500 trại sinh, được tổ chức tại Lâm viên quốc gia Trảng Bom (Biên Hòa). Hai đơn vị ấu sinh được huynh trưởng đưa đi thăm trại Phục Hưng, rồi trở về trong ngày.

Cũng trong năm 1959, lần đầu tiên Hội Hướng đạo Việt Nam (HĐVN) chính thức tham dự Trại họp bạn Hướng đạo thế giới (HĐTG). Đây là kỳ trại họp bạn HĐTG lần thứ 10, được tổ chức tại Makiling (Phi Luật Tân), sau khi Hội HĐVN trở thành thành viên của tổ chức phong trào HĐTG (World Organization of the Scout Movement, viết tắt là WOSM) vào năm 1957. Phái đoàn HĐVN tham dự trại họp bạn HĐTG lần thứ 10 gồm 8 huynh trưởng và 49 thiếu sinh, do Trưởng Huỳnh Văn Nhu làm trưởng đoàn.

 

Hướng đạo Biên Hòa vinh dự có hai thiếu sinh được Hội HĐVN chọn tham dự trại,  đó là hai thiếu sinh Huỳnh Văn Diệp và Trầm Hữu Tình của Thiếu đoàn Nguyễn Thái Học. Hãng hàng không Việt Nam lúc bấy giờ với sự đài thọ của chính phủ, đã vận chuyển khứ hồi miễn phí cho tất cả hướng đạo sinh Việt Nam dự trại.

Ngày tham dự trại họp bạn HĐTG, hai thiếu sinh Huỳnh Văn Diệp và Trầm Hữu Tình tóc hãy còn xanh.  Và 57 năm sau gặp lại, mái tóc của hai anh đã bồng bềnh bạc trắng…


H3_Dao Tran BienĐạo Trấn Biên

 

Đạo Trấn Biên chính thức được thành lập năm 1966 do Gấu hì Nguyễn Văn Thuyết làm đạo trưởng, Trưởng Trần Lựu làm đạo phó. Có thể nói, Trấn Biên là “người anh cả” của phong trào hướng đạo tỉnh Biên Hòa. Ngoài các đơn vị thành lập tại trung tâm tỉnh lỵ, những đơn vị độc lập tại các quận cũng lần lượt được hình thành và phát triển. Các huynh trưởng và tráng sinh Trấn Biên đã luân phiên tăng cường, hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu huấn luyện chuyên môn cho đoàn sinh.

 

H4_Lien doan Tran Thuong XuyenLiên đoàn Trần Thượng Xuyên

 

Liên đoàn Trần Thượng Xuyên gồm 4 đơn vị trực thuộc, do Trưởng Nguyễn Hoàng Phương làm liên đoàn trưởng:

- Toán tráng Bạch Đằng do Bò lém Trần Văn Lược chuyển giao cho Gấu hì Nguyễn Văn Thuyết.

-  Kha đoàn Sông Phố do Trưởng Nguyễn Hoàng Phương kiêm nhiệm kha trưởng. Lứa kha sinh đầu tiên của kha đoàn gồm các anh: Phạm Văn An, Lê Viết Chung (Học), Đinh Văn Khiếu, Bành Chí Kiện (Hùng), Mai Thành Thao, Trần Đại Thắng, Đỗ Quốc Tuyến, Giang Văn, Đoàn Vinh… Đội ngũ tiếp tục được bổ sung, khi lớp thiếu sinh Quang Trung đến tuổi sinh hoạt ngành Kha.

-  Thiếu đoàn Quang Trung do Thiếu trưởng Lý Khánh Hồng phụ trách, Trưởng Phạm Phú Hòa là thiếu phó. Anh Lê Văn Hiếu là người kế tục, giữ chức vụ thiếu trưởng Quang Trung , khi đàn anh gia nhập quân đội.

-  Ấu đoàn Nguyễn Du được thành lập, tập họp những thiếu niên nhỏ tuổi, là môi trường “dự bị” cho các em trở thành những hướng đạo sinh khi đủ tuổi. Những sói con lứa đầu tiên của bầy có thể kể: Phạm Kim Luân, Nguyễn Trần Hiệp, Nguyễn Trung Nghĩa, Đinh Thiên Tùng …

 

H5_Lien doan Lam Son Liên đoàn Lam Sơn

 

Liên đoàn Lam Sơn cũng xây dựng đủ 4 ngành, cho 4 lứa tuổi tham gia sinh hoạt: Ấu, Thiếu, Kha, Tráng. Bao gồm các đơn vị:

-  Toán tráng Thanh Hà, do Trâu lém Huỳnh Văn Diệp phụ trách.

-  Kha đoàn Đông Phố do Trâu hiền từ Nguyễn Văn Chánh phụ trách. Những kha sinh đầu tiên gồm các anh: Nguyễn Thanh Liêm, Huỳnh Quang Phước, Nguyễn Tấn Sỹ, Phan Văn Hoàng, Đinh Văn Quang, Đinh Văn Vượng …

 

H6_Thieu doan Lam SonThiếu đoàn Lam Sơn

 

-  Thiếu đoàn Lam Sơn do Hươu lưng lửng Phạm Thanh Quan làm Thiếu trưởng, sau chuyển lại cho Trưởng Trần Văn Tiến. Các thiếu sinh đầu tiên gồm các anh: Trần Hữu Phúc, Phạm Thanh Thừa, Nguyễn Háo Thoại, Hồ Thu Hùng, Huỳnh Xuân Hương, Lê Hữu Tài…

Trong năm 1966, huynh trưởng Phạm Ngọc Quýnh – GS môn Việt văn và là GS hướng dẫn lớp đệ thất Trung học Ngô Quyền –  bằng tinh thần hướng đạo, anh Quýnh đã “rủ” cả lớp… cùng đi hướng đạo. Đám học trò nhỏ “ào ào” nghe lời thầy, chủ nhật hàng tuần kéo nhau đến sân Trường Trịnh Hoài Đức sinh hoạt.

Cùng với huynh trưởng Nguyễn Thanh Sơn – hiệu trưởng Trường trung học bán công Trần Thượng Xuyên, trưởng Phạm Ngọc Quýnh bước đầu gầy dựng được phong trào hướng đạo trong trường học. Thế nhưng chưa kịp thời gian phát triển phong trào, GS. Phạm Ngọc Quýnh có quyết định thuyên chuyển về làm hiệu trưởng Trường trung học Công Thanh. Trưởng Nguyễn Thanh Sơn quá bận rộn với công việc quản lý,  không đủ thời gian duy trì hoạt động hướng đạo cho học sinh. Chính vì vậy hai anh quyết định bàn giao đơn vị lại cho Trưởng Nguyễn Văn Thuyết, sáp nhập với Thiếu đoàn Lam Sơn của Đạo Trấn Biên.

-  Ấu đoàn Trịnh Hoài Đức do Trưởng Lý Văn Long là bầy trưởng, Nguyễn Thị Thanh là bầy phó. Những sói con đầu tiên của Bầy Trịnh Hoài Đức là: Lê Hoàng Duy, Lê Hoàng Diệp, Nguyễn Hồng Huệ, Nguyễn Hồng Ân …

 

Liên đoàn Nữ hướng đạo

 

-  Giai đoạn phát triển, Toán Tráng Đoàn Thị Ngoạn thành lập do chị Lê Thị Ánh Tuyết phụ trách. Bao gồm các nữ tráng đầu tiên, là các chị: Nguyễn Thị Chẩn, Nguyễn Thị Đáng, Trần Ngọc Điệp, Huỳnh Thị Gấm, Phạm Thị Hồng Liên, Phạm Thị Phương Lan, Nguyễn Thị Lục, Nguyễn Thị Nở, Nguyễn Thị Tất, Dương Khánh Vân…

-  Cùng thời gian này, Thiếu đoàn Nguyễn Thị Tồn cũng được hình thành. Ban đầu do chị Nguyễn Thị An làm thiếu trưởng. Khi chị An chuyển về Sài Gòn làm việc, Thiên nga hay hờn Phạm Thị Hoa nhận chức vụ thiếu trưởng. Những thiếu sinh đầu tiên của Thiếu đoàn Nguyễn Thị Tồn là các chị: Nguyễn Thị Hồng, Võ Thị Kim Khánh,Trang Thị Kim Nga, Huỳnh Thị Ngọc Thu, Phạm Thị Thanh Thu…

-  Năm 1968 Thiếu đoàn Triệu Thị Chinh được hình thành, tiếp nhận lứa chim non Bầy Bạch Phượng tới tuổi lên đoàn, do chị Nguyễn Thị Chẩn làm thiếu trưởng. Tháng 12.1970, Thiếu đoàn Triệu Thị Chinh tham dự Trại họp bạn toàn quốc Giữ vững được tổ chức tại Suối Tiên (Thủ Đức).

-  Bầy chim non Bạch Phượng được thành lập vào năm 1965, do chị Đỗ Thị Ba làm Hạc trắng, sau chuyển cho chị Nguyễn Thị Tất phụ trách Bầy. Lứa chim non đầu tiên của Bầy: Võ Thị Kim Cương, Tăng Kim Hương Ngô Kim Phụng), Võ Quế Hương, Diệp Hoàng Mai, Nguyễn Thị Tuyết Nhung, …

 

H7_Dao Buu LongĐạo Bửu Long

 

Để thuận lợi cho các huynh trưởng trong quân đội tham gia sinh hoạt hướng đạo, năm 1968 Đạo Bửu Long chính thức được thành lập. Với sự hỗ trợ tích cực của Trưởng Trần Văn Lược – lúc bấy giờ là tổng ủy viên Hội HĐVN – các huynh trưởng đã mời Sói hùng lang Trần Quang Ngọc làm đạo trưởng. Năm 1971 Trưởng Trần Quang Ngọc lìa rừng sau một cơn bạo bệnh.

Sau khi tiễn biệt Sói hùng lang, Hội đồng huynh trưởng Đạo Bửu Long đã họp, bầu chọn Gà nóng tính Trần Bá Khanh thay thế chức vụ đạo trưởng. Đạo Bửu Long bao gồm các đơn vị:

 - Liên đoàn Trần Quốc Toản: Do Gấu tận tâm Lê Cảnh Từ thành lập, ngay khi anh thuyên chuyển về Biên Hòa làm việc. Liên đoàn hình thành được 3 đơn vị, bao gồm: Kha đoàn Sông Cả; Thiếu đoàn Ba Đình, và một đơn vị ấu sinh.

- Liên đoàn Lam Sơn: Bao gồm các đơn vị: Kha đoàn Biên Giang do Trưởng Trần Bá Khanh kiêm nhiệm kha trưởng; Thiếu đoàn Lam Sơn do Nhím lang thang Nguyễn Hữu Hạnh làm thiếu trưởng; Ấu đoàn Lam Sơn do Hoàng oanh trầm tư Lê Thị Kim Hương phụ trách.

- Liên đoàn Phạm Phú Quốc: Do Gấu đơn độc Trần Trọng Tính làm liên đoàn trưởng, hai Liên đoàn phó là Trưởng Trần Sánh và Trần Ngươn. Liên đoàn có hai đơn vị là Ấu đoàn Phù Đổng và Thiếu đoàn Phi Long.

* Liên đoàn Trưng Vương:

 - Thiếu đoàn Trưng Trắc: Được thành lập năm 1970 do Thiên nga hay hờn Phạm Thị Hoa làm thiếu trưởng. Sau kỳ Trại họp bạn toàn quốc Giữ Vững, năm 1971 chị Hoa chuyển giao thiếu đoàn cho Thiên nga siêng năng Bùi Thị Lợi.

- Ấu đoàn Trưng Nhị: Hình thành năm 1972, do chị Huỳnh Thị Mộng Hoàn phụ trách Bầy. 

- Liên đoàn Trưng Vương: Ra đời năm 1973, do Thiên Nga siêng năng Bùi Thị Lợi nhận chức vụ liên đoàn trưởng; Sáo lý luận Diệp Hoàng Mai nhận tua vai thiếu trưởng, phụ trách Thiếu đoàn Trưng Trắc.

 - Cùng năm này, Toán tráng nữ Tương Phố cũng được hình thành. Lớp tráng sinh đầu tiên tham gia sinh hoạt, gồm các chị: Nguyễn Thị Thu Hà, Phạm Thị Hạnh, Nguyễn Thị Lệ Khanh, Trần Thị Hải Nam, Nguyễn Thị Kim Oanh, Đỗ Thị Yên Trinh…

 

H8_Dao Bien HoaĐạo Biên Hòa

 

Do đặc điểm “nghề nghiệp” của huynh trưởng – hầu hết đều là quân nhân – nên các đơn vị hướng đạo Bửu Long “hồn nhiên” tham gia các chương trình do quân đội tổ chức khi cần. Tất cả sinh hoạt đều cùng mục đích rèn luyện kỹ năng “mưu sinh thoát hiểm” cho hướng đạo sinh.

Trong thực tế, từ năm 1969 Chồn hảo ngọt Vũ Duy Ty đã là huynh trưởng phụ trách hướng đạo quân đội. Nhưng do các đơn vị Đạo Bửu Long vẫn đều đặn nộp nguyệt liễm về Hội HĐVN, cho nên có chút trở ngại trong sinh hoạt của những huynh trưởng là quân nhân.

Đầu năm 1974, huynh trưởng tham gia quân đội phải đứng trước chọn lựa. Hoặc các anh sinh hoạt theo tôn chỉ mục đích của phong trào Hướng đạo Việt Nam, hoặc tham gia tổ chức hướng đạo theo những mục tiêu riêng của quân đội. Đạo Biên Hòa được hình thành, do Chồn hảo ngọt Vũ Duy Ty làm đạo trưởng.

 

Các đơn vị độc lập

 

Song song với hoạt động của Đạo Trấn Biên, các liên đoàn độc lập cũng phát triển khắp nơi trên địa bàn tỉnh Biên Hòa.

 

Trưởng Nguyễn Tuấn Cảnh là người bền bỉ gầy dựng phong trào hướng đạo ở khu vực Chợ Đồn, Tân Vạn, Long Thành, và mở rộng đến một số quận thuộc tỉnh Phước Tuy. Liên Đoàn Thanh Lương do Trưởng Tuấn Cảnh thành lập, hoạt động khá sôi nổi. Anh chú trọng nhiều đến thanh thiếu niên nông thôn, giúp các em rèn luyện  khả năng tự lập, theo phương pháp hàng đội tự trị và các kỹ năng “mưu sinh thoát hiểm” trong chương trình huấn luyện dành cho các hướng đạo sinh.

 

Tinh thần hướng đạo ngày nào vẫn cháy bỏng trong trái tim nhân hậu của Trưởng Nguyễn Tuấn Cảnh hiện giờ. Anh chia đều thời gian để chẩn trị, châm cứu và bốc thuốc nam miễn phí tại hai phòng khám từ thiện: Tịnh xá Ngọc Uyển (Cầu Hang) và đình Phước Lư (hãng Dầu). Cận kề tuổi tám mươi, anh vẫn miệt mài những chuyến đi khám bệnh từ thiện cho người nghèo.

 

H9_Truong Nguyen Tuan CanhTrưởng Nguyễn Tuấn Cảnh

 

Hai liên đoàn hướng đạo do Trưởng Nguyễn Tuấn Cảnh gầy dựng, bao gồm:

- Liên đoàn Thanh Lương: Nguyễn Tuấn Sơn, Lý Văn Hùng, Nguyễn Tâm Lý, Nguyễn Ngọc Sa…

- Liên đoàn Phước Tuy: Bao gồm các đơn vị hướng đạo thuộc huyện Long Thành và Bà Rịa.

Ngoài ra còn một số liên đoàn độc lập ở các nơi khác như:

1. Liên đoàn Công Thanh: Ngành Kha do Trưởng Phạm Ngọc Quýnh phụ trách; ngành Thiếu do chị Huỳnh Thị Gấm hỗ trợ sinh hoạt; ngành Ấu do chị Nguyễn Thị Thanh phụ trách.

2. Liên đoàn Công ty Đường Biên Hòa: Do Trưởng Huỳnh Văn Sáng phụ trách.

3. Liên đoàn Dĩ An: Do các anh Lý Văn Long, Lê Viết Chung và Đỗ Quốc Tuyến thường xuyên hỗ trợ sinh hoạt. Trong lúc chờ đợi giấy phép in ấn tập kỷ yếu cựu hđs Biên Hòa, tôi tình cờ  được anh Bùi Văn Hùng cung cấp thêm danh sách một số cựu HĐS. của Dĩ An, gồm các anh chị: Phạm Thị Minh Châu, Võ Thị Kim Cúc, Ngô Thị Bạch Cúc, Lê Thị Thu Dung, Võ Thị Kim Huệ, Bùi Văn Hùng, Lương Thị Lệ Oanh, Lương Thị Kim Phượng, Lê Thị Phượng, Lê Văn Tân…

 

H10_Nu thieu sinh Di AnNữ thiếu sinh quận Dĩ An

 

Hầu hết các liên đoàn đều xây dựng được ba ngành Ấu, Thiếu, Kha… Tuy là đơn vị độc lập, nhưng hoạt động các liên đoàn lại khá gắn bó với Đạo Trấn Biên, là “người anh cả” của phong trào hướng đạo Biên Hòa.

Có thể nói, đây là thời kỳ “hoàng kim” của phong trào hướng đạo tỉnh Biên Hòa. Điều đáng tiếc, là những tư liệu hoạt động của các đơn vị hầu hết bị thời gian hủy hoại. Người viết chỉ ghi chép và hệ thống lại quá trình hình thành – phát triển phong trào hướng đạo Biên Hòa, từ những lời kể theo trí nhớ của những cựu hướng đạo sinh.

 

Bài lược sử này ắt hẳn sẽ có những chi tiết chưa đầy đủ, hoặc chưa chính xác. Nhưng chính những khiếm khuyết trong phác họa phong trào hướng đạo Biên Hòa nêu trên, nếu được tiếp sức từ các cựu HĐS.BH am hiểu phong trào, chúng tôi nghĩ sẽ còn nhiều điều bổ sung thú vị cho gia đình hướng đạo Biên Hòa, trong những lần hội ngộ bây giờ, mai sau, và mãi mãi…

 

Tháng 02/2017

Sáo lý luận Diệp Hoàng Mai

 

 

18 Tháng Ba 2024(Xem: 740)
Hát Rong được gọi là Troubadour, tên của một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn vào thời kỳ trung cổ ở Âu Châu. Người phụ nữ hát rong được gọi là Troubairitz.
22 Tháng Tám 2022(Xem: 2484)
Trên đây là tựa bài đăng trên trang 6 tờ nhật báo Công Luận, số ra ngày 23 tháng 4 năm 1936 được phát hành tại Sài Gòn, của tác giả TÂM THẬP LỤC Biênhòa
22 Tháng Bảy 2013(Xem: 86975)
Đó là cái đẹp của tình thương yêu. Luật tự nhiên của cái đẹp là sự truyền bá. Truyền bá tình thương yêu là ảnh đích của tinh thần Hướng Đạo.
20 Tháng Sáu 2013(Xem: 21181)
bấy lâu nay thú rừng Trấn Biên – Bửu Long được nước sổ lồng bay xa. Hoàng Mai mà giăng bẫy, cào lưới để lùa được “bầy thú đi hoang” trở lại với Rừng, anh chắc chắn Mai sẽ được giải thưởng rất cao….”
27 Tháng Mười Hai 2012(Xem: 112441)
nhận thấy có các em nhỏ đi theo anh mình, và các em tỏ ra thích thú các trò chơi trong sinh hoạt Hướng Ðạo. BP liền thành lập thêm một ngành dành cho các em nhỏ từ 7 đến 10 tuổi
25 Tháng Tư 2012(Xem: 16491)
Tên rừng là tên gọi đặt biệt, dành riêng cho huynh trưởng và tráng sinh của Hướng đạo Việt Nam.