NHỮNG MÀU KỶ NIỆM
Nầy những người bạn thân yêu!
Bạn có còn nhớ những “ngày nào tan trường về chung lối” và có còn nhớ những cặp “mắt huyền xưa” chỉ cần nghiêng nón là đã đủ làm cho bạn “ngất ngây đời”? Có còn nhớ những tà áo trắng tung bay trong những chiều lộng gió? Những cơn gió từ giòng sông Đồng Nai đã thương tình len lén thổi những hương trinh vào gương mặt ngây ngô của bạn thuở nào, mà những kỷ niệm của nó mãi đến bây giờ chắc vẫn còn là một chút gì khó quên.
Bạn có còn nhớ những chiếc xe đạp đơn sơ mà duyên dáng đã đưa ai về vào những buổi trưa có nắng hanh làm má ai hồng? Và luôn cả những buổi chiều có lắm kẻ âm thầm “đưa em về dưới mưa”? Những chuyến xe Lam đưa những người bạn học ở xa tận Tân Ba, Tân Uyên hay gần hơn là vùng Tân Lại, nơi mà người ta cung cấp hoa màu rau cải cho cả chợ Biên Hòa. Thương lắm những người bạn học từ vùng nông thôn đã cần cù lặn lội ra Tỉnh hoàn tất chương trình Trung Học của mình, dù rất là tốn kém nhưng gia đình họ vẫn đã hy sinh cho con ăn học. Có những tuyến xe rẽ ngược lên vùng Tân Mai, Tam Hiệp hay Hố Nai, đưa những “cô em Bắc kỳ nho nhỏ” về nhà. Những bạn “dân Di Cư” học hành rất giỏi. Sao con đường lên dốc Kỷ Niệm quá nhiều kỷ niệm! Sao con đường Trịnh Hoài Đức có quá nhiều “công nương” yêu kiều cho lắm kẻ phải đi lang thang dù đêm đã “khuya lắc khuya lơ” rồi? Sao con đường Hưng Đạo Vương từ dốc Ngã Ba Thành đổ xuống rạp hát Biên Hùng cho đến Ga xe lửa làm chi để cho ai đón ai đưa người về Dĩ An mà lòng thêm vương vấn? Con đường Đất Mới đưa bạn qua vùng Tiệm Rượu Hãng Dầu rồi qua cầu Gành để về nhà cũng được vậy! Sao có người cũng muốn băng qua Công Lý, khu cư ngụ của thầy Hai Chinh, thân sinh của các bạn Đông, bạn Châu; của bác Ba Hòa, chủ cây xăng Biên Hùng, chủ của những con trai học giỏi, chủ của những người con gái thanh lịch; của bác Sáu Nhơn, Hội Trưởng “muôn năm” của Hội Phụ Huynh Học Sinh Ngô Quyền mà gương đức độ cùng lòng nhiệt huyết cho đến bây giờ vẫn còn làm ấm lòng nhiều người; của bác Bảy Lộ, bác Tám Mộng, những Mạnh Thường Quân rộng rãi và không mỏi mệt trong những sinh hoạt xã hội và học đường của Tỉnh nhà; của cả bác Kinh Lý Vệ, thân sinh của người tôi yêu Võ Trí Nhẫn cho mãi tận ngày nay. Ôi sao mà nhiều kỷ niệm quá chừng vậy?
Còn con đường Hàm Nghi dọc theo mé sông Đồng Nai nữa. Phải nói đây là “con đường tình ta đi”, bởi lẽ không một người bạn nào mà không từng trải bước trên nó từ những ngày còn thơ cho đến lúc biết yêu đương. Ngôi trường Tiểu Học Nguyễn Du vẫn còn đó. Cái dấu vết của những lớp người dân Biên Hòa được may mắn cắp sách đến trường vẫn còn đó. Lớp người hiện nay còn tiếp tục chia sẻ tri thức của mình cho những kẻ đi sau, mà bạn Hà Xuân Sơn, bạn Đỗ Hữu Tài là vài cá nhân điển hình. Ôi thương biết mấy cho vừa.
Bạn có còn nhớ khu chợ sầm uất Biên Hòa mình không? Khu chợ không bao giờ tan. Hết đợt buôn sáng thì đến lớp buôn chiều, hết lớp buôn chiều thì đến lớp buôn tối, rồi buôn khuya rồi lại buôn sáng. Không ngừng, không ngừng như vòng quay luân hồi của một kiếp nhân sinh không có sau và cũng không có trước. Như cuộc đời vẫn quay đều. Bạn còn có nhớ những quán cà phê khuya bên hông chợ mà chuyện đời cũng không dứt mỗi khi ghé quán vào khuya, không kể đến những hàng nhậu bình dân dành cho người ít tiền muốn tìm vui trong vài ly rượu dế với vài con khô. Hạnh phúc nhỏ nhoi và đơn sơ. Cuộc đời cũng nhiều khi đơn giản lắm.
Những thằng bạn học con nhà giàu xóm chợ cũng dễ chịu, kể cả Việt
Bạn còn nhớ bến đò Hóa An không? Ngày hai chuyến qua lại cho cuộc đời học trò không phải là điều dễ dàng. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi” mà khó vì “nhà nghèo chỉ có một bộ đồng phục” mà thôi, lỡ hôm nào mưa gió trên sông bất thường thì hết vô lớp luôn, dù em đi về chẳng có “cầu mưa ướt áo”.
Thương không chỉ một thời mang áo trắng
Em qua sông mà chắng phải sang sông
Em đến trường để thêm một vài chữ
Khi sang sông biết hiếu với bên chồng.
Bạn còn nhớ khu Sân Banh chỗ dốc Cây Chàm đổ xuống xóm Lò Heo không? Khu xóm đình Tân Lân đó! Không có xóm đó thì Tết đến Biên Hòa mất vui. Đội Lân của xóm nầy quả là một niềm vui cho công chúng và không có một nơi nào trong Tỉnh có thể sánh bằng. Đây cũng cũng là một nghề công phu cần luyện tập kỹ lưỡng lắm. Ngoài việc biết võ thuật, bạn còn phải biết nghệ thuật múa đầu Lân nữa. Theo chỗ tôi biết, thì thông thường đội Lân phải luyện tập nhiều tháng trước Tết để phục vụ đồng bào, luôn với việc tập luyện võ chung với bạn đồng diễn, nếu không thì rất nguy hiểm. Cách đây hơn bốn mươi năm, anh Hai Một, một cao thủ trong làng múa Lân của xóm Lò Heo, đã bị cây giáo đâm vào mắt phải đi mổ lấy mắt ra chỉ vì thiếu luyện tập.
Thực ra còn rất nhiều điều phải đề cập tới khi nhắc đến trường Ngô Quyền hay những trường Trung Học khác của tỉnh Biên Hòa của chúng ta. Một khoảng đời thơ ấu cho đến tuổi thanh niên mà tôi đã trải qua với những kỷ niệm vui buồn cùng bạn bè trang lứa làm sao nhớ hết? Họa chăng chỉ có thể giữ nổi những kỷ niệm tình cảm của vài mối tình học trò đã xảy ra trong đời tôi dù “song phương” hay “đơn phương” cũng vẫn là một mối dây liên lạc rất chặt chẽ buộc vào lòng tôi như những vết hằn trên đá mà ngàn năm khó phôi pha. Tôi không phải nghệ sĩ hoặc nhạc sĩ để làm nên những tác phẩm nghệ thuật hầu diễn tả những mối cảm xúc bằng lời văn hay ý nhạc một cách văn hoa. Những gì tôi nghĩ ra thì tôi viết lên không hề thông qua bản thảo nào. Với chân tình đó, xin các bạn đọc bài viết nầy trong tình thần khoan dung để có thể tìm lại được “chút gì để nhớ để quên” của một thời như tôi dẫu có rất nhiều thiếu sót. Hy vọng các anh và các bạn của hai gia đình lớn Đỗ Cao và Đỗ Hữu của tỉnh nhà chúng ta mà nhiều người đã thành danh từ trước năm 1975 sẽ bổ túc thêm cho chúng ta nhiều chi tiết hay khác trong những dịp khác nhất là khu vực Cù Lao Phố, một địa danh lớn nơi người Hoa định cư đầu tiên trước khi di trú đến Sài Côn, sau nầy gọi là Sài Gòn, một thời là Thủ Đô của Việt Nam Cộng Hòa; hoặc khu vực núi Bửu Long và núi Châu Thới nữa.
Tôi xin chấm dứt nửa chừng nầy như một lời hẹn cho một bài viết khác nếu có dịp tiện viết thêm. Xin thân ái gởi đến các bạn những yêu thương nồng nàn nhất.