Giữ lời hứa, hôm nay tôi xin viết về chương trình văn nghệ ngày đại hội Ngô Quyền
Như các bạn đã biết, chương trình năm nay có 3 chủ đề lớn.
- Đại hội NQ toàn thế giới lần thứ 3
- Kỷ niệm 60 năm thành lập trường và 15 năm thành lập hội
- Đại lễ mừng thượng thọ quý thầy cô
Cho nên việc tổ chức một ngày đại hội quy mô như vậy đòi hỏi nhiều nhân lực và vật lực. Phải phân bổ công việc cho từng tiểu ban phụ trách.
Ban tổ chức sau buổi họp đầu tiên đã quyết định giao phần văn nghệ ngày đại hội chính thức cho Lam và Mai.
Có lẽ trong chúng ta không ai không biết hai em Lam &Mai. Đó là một đôi uyên ương có đôi chân vàng và hai giọng hát ngọt ngào đầy sức sống . Muốn tìm hiểu về chương trình văn nghệ, đương nhiên tôi phải đi tìm người đứng ra phụ trách.
Tiếp tôi trên điện thoại là giọng nói ngọt ngào và thân thiện của Mai và Lam. Hai em đã chân tình cho tôi những chi tiết về việc tổ chức văn nghệ ngày đại hội.
Là một người con của Biên Hòa, một học sinh NQ nên khi được BTC giao cho nhiệm vụ chịu trách nhiệm phần văn nghệ hai em nhận lời ngay, dù biết đó là một nhiệm vụ quan trọng và nhiều khó khăn.
"Mặc dầu bận rộn với công việc, nhưng niềm đam mê với âm nhạc, ca hát, khiêu vũ không bao giờ nguôi. Trong đáy lòng tụi em luôn nghĩ đến nơi mình sinh ra và lớn lên, nơi cưu mang và dạy dỗ khi mình còn trẻ. Trường trung học NQ, thành phố Biên Hòa và quê hương thứ hai là Mước Mỹ , đã đùm bọc tạo cơ hội cho mình chấp cánh như ngày hôm nay. Trong tận đáy lòng muốn có ngày được trả ơn và cống hiến một điều gì đó cho trường NQ và đồng hương Biên Hòa. Từ động cơ đó, khi nhận được sự tin tưởng từ BTC Ngô Quyền thực hiện chương trình văn nghệ NQ toàn thế giới kỳ ba, Lam và Mai đã sẵn lòng nhận lời ngay."
Đó là những dòng Email chân tình mà Lam & Mai đã gửi cho tôi khi tôi hỏi về chương trình này.
BTC đã giao cho Lam và Mai phụ trách phần văn nghệ có nghĩa là hai em phải chịu trách nhiệm từ A tới Z. Từ chương trình, ban nhạc, âm thanh , ca sĩ, dàn dựng các tiết mục và cả chi phí thực hiện.
Vì đây là một chương trình lớn và quy mô nên hai em đã quyết định phải làm mới hoàn toàn từ nội dung đến hình thức và chuẩn bị từ 4 tháng trước ngày đại hội.
- Tiết mục mở đầu phải là tiết mục khơi dậy niềm tự hào dân tộc.
- Để chương trình đặc sắc và đa dạng phải có những tiết mục hợp ca, tốp ca, đơn ca, múa nhạc cảnh...
- Để tạo tình đoàn kết cho người con dân Biên Hòa , hai em vận động các trường khác như Minh tân, Khiết Tâm, Tân Mai , Trần thượng Xuyên hợp tác.
- Phải tạo một khung cảnh nên thơ trước cổng trường như ghế đá, xe đạp , chậu hoa , những chiếc dù và múa minh họa để tăng thêm ý nghĩa của chủ đề bài hát.
Bây giờ mời các bạn hãy cùng tôi, chúng ta đi vào từng tiết mục trong chương trình. Trước tiên mình hãy đến thăm ban nhạc.
Tôi phải công nhận một điều là phần âm thanh và âm nhạc trong ngày Đại hội quá hay, đã góp một phần lớn vào kết quả đạt được.
Lam tâm sự:
Một chương trình văn nghệ muốn được thành công thì phần ban nhạc và âm thanh phải được đặt hàng đầu. Do đó Lam &Mai đã quyết định mướn one man band " Nghĩa Sữa" và âm thanh professional "Dũng Hạ Trắng" có tiếng tại Orange County để hợp tác
Kinh phí cho phần này là $1.000. Số tiền này cũng không phải nhỏ nên BTC không thể đáp ứng cho em được. Tuy nhiên để đem đến cho đại hội những gì hay nhất nên Lam & Mai đã quyết định thực hiện và vận động mạnh thường quân hổ trợ.
Chúng em xin gửi lời chân thành cám ơn những mạnh thường quân như Nha sĩ Trần thị Oanh, nha sĩ Lê Phi Yến , Bác Sĩ Mai Bùi, BS Huỳnh Quang Minh, anh Thy Ân, anh Hoàng Duy Liệu, DS Thành, chị Mia Mỹ và nhóm chs Khiết Tâm vừa ủng hộ hiện kim vừa đến tham dự để ủng hộ về tinh thần.
Chương trình
Phần mở đầu chương trình là hát Quốc Ca và chào Quốc Kỳ. Ý tưởng được Lam và Mai nghĩ đến là làm sao để thầy, cô và các bạn đồng môn gợi nhớ những ngày cùng nghiêm trang đứng hát chào lá Quốc kỳ VNCH dưới sân trường NQ. Vì thế dàn dựng một tốp nam nữ học sinh Ngô Quyền mặc đồng phục ngày nào đứng dưới floor cất cao tiếng hát.
Bài Quốc ca vang lên hùng tráng, mời thầy cô, bạn hữu quay về một thời áo trắng dưới mái trường NQ thân yêu.
Chúng ta cùng hát, cùng tưởng nhớ những anh hùng dân tộc, cùng nghe thương quá VN và cùng trở lại những ngày đi học dưới mái trường NQ. Những hình ảnh xưa được gói ghém chỉ trong vài phút mà dư âm và sự xúc động lan tỏa khắp hội trường.
BTC lên giới thiệu phần chúc thọ và chào mừng thầy cô và trình bày về những thành quả đạt được trong năm qua. Những huy chương, những phần quà, những đóa hoa tươi được kính cẩn trao thầy cô bằng tất cả tấm lòng kính mến.
Các tà áo trắng lại quấn quít bên những người từng đứng trên bục giảng như thuở ngây thơ bé bỏng ngày xưa . Bây giờ và mãi mãi về sau, những người học trò đã qua hai thứ tóc, vẫn nhớ hoài thầy cô với hai bàn tay đầy bụi phấn.
Không khí lại được hâm nóng và dâng trào khi phần văn nghệ được mở đầu với bản hợp ca "Việt Nam Việt Nam".
Theo tôi đây là phần dàn dựng có chủ ý rất hay và đáng được khen thưởng. Bởi vì đất nước ta đang nằm trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng. Có nguy cơ sẽ bị đe dọa bởi ngoại xâm .
Bản hợp ca đã được cất lên hùng tráng với sự hưởng ứng đồng ca của toàn hội trường, Bản nhạc quen thuộc đã lay động lòng người, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của mỗi cựu học sinh cùng về tham dự nơi đây. Bản hợp ca "Việt Nam Việt Nam" như hướng về quê thương thân yêu với những lời nhắn nhủ" Chúng tôi vẫn ở bên các bạn, cùng sát cánh với các bạn để đòi hỏi một nước VN thực sự độc lập và tự do"
Bài hát " Trung Học Ngô Quyền, Bài ca Hội Ngộ" được viết bởi BS Huỳnh Quan Minh đã nói lên tấm lòng hướng về trường xưa của một chs Ngô Quyền. Những cánh chim non yếu ớt bay ra khỏi tổ. Bây giờ đã có đầy đủ lông cánh, tìm về lại tổ ấm xưa, nơi một thuở được bao bọc, chở che.
Để tưởng nhớ đến Hồ Minh Nguyệt, khóa 14 NQ đã từng đóng góp cho trường. Tiết mục "Ngày xưa Hoàng Thị" được trình bày với Võ Hà Thông. Bản nhạc được minh họa với video điệu múa Ngày Xưa Hoàng Thị , được dàn dựng công phu bởi Lam & Mai đã làm nhiều người rơi lệ. Võ Hà Thông đã xuất sắc thể hiện bài hát trong niềm xúc cảm thật tuyệt vời. Võ Hà Thông là một giọng nam hàng đầu của Biên Hòa thời còn là học sinh. Giọng hát của Thông đã làm rung động bao trái tim của nữ sinh NQ thời ấy.
Bản nhạc "Hoa Soan bên thềm cũ" do anh Thy Ân khóa 4 NQ đến từ Utah trình bày. Bản nhạc dìu dặt như nhớ lại một thời mơ mộng yêu thương.
Anh Thy Ân học Ngô Quyền khóa 4 nghĩa là tuổi đã bước vào Thất thập cổ lai hy, nhưng trên sân khấu khi cất tiếng hát anh như một thanh niên đầy sức sống say đắm trong từng nốt nhạc, từng lời ca. Anh đã cho thấy âm nhạc không giới hạn tuổi tác, âm nhạc đi vào lòng người, khơi dậy sự thổn thức của trái tim và làm người ta trẻ lại, yêu đời.
Theo lời Lam Mai tâm sự. Anh Thiên Ân cũng đã gợi ý cho MC lời giới thiệu cho một số bài hát trong chương trình. Ngưỡng mộ và cám ơn anh.
Tiếp theo là anh Lâm Kim Sơn với bài "Quán nửa khuya" Anh Sơn Đen được giới thiệu là "Tiếng hát vượt thời gian " quả thật không ngoa. Giọng hát anh vẫn còn phong độ và ngọt ngào lắm.
Viết tới đây tôi lại nhớ tới Thu Mai. Cô bạn Tam C khóa 6 NQ ngày nào. Khi Mai đọc bài tôi viết "Niềm vui ngày Đại hội". Mai Email cho tôi và kể rằng anh Sơn ngày xưa là ca sĩ nổi cộm của NQ thời đó. Năm trường ta tổ chức "Cây mùa Xuân " ở rạp hát Biên Hùng anh Sơn ca bài "Kiếp Tha Hương" hay lắm. Chính lớp Mai đã góp mặt trong màn múa. Và một trong những màn hợp ca thật hay được thầy Dương văn A huấn luyện. Thu Mai (đóng vai cô gái Huế áo dài tím, đeo kiền ngày xưa) Minh Nguyệt (phu nhân của CHS Đỗ Cao Phước vừa mất tại VN) hóa trang thành cô gái Bắc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ làm biểu tượng ba cô gái Bắc Trung Nam. Cô gái miền Nam thì Mai quên tên rồi.
Có lẽ phần trình diễn của Mia Mỹ làm mọi người xúc động nhất. Mia Mỹ là một cựu học sinh NQ năng nổ trong mọi công tác của trường. Mỹ còn sở hữu một giọng hát và lối diễn tả rất lôi cuốn người nghe. Mia Mỹ, Hữu Hạnh và rất nhiều cựu học sinh NQ thời đó rất thân thiết với thi sĩ Nguyễn tất Nhiên. Thể hiện bài hát là trở về kỷ niệm và thương tiếc một người bạn tài hoa đã vĩnh viễn ra đi.
Bài hát "Thà như giọt mưa" thơ của Nguyễn Tất Nhiên được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Người thi sĩ đoản mệnh của NQ đã để lại cho thế gian những vần thơ tuyệt tác. Những người bạn ngày xưa đã đem hết trái tim mình thể hiện bài hát này. Mia Mỹ làm cả hội trường lặng yên, xúc động theo dõi từng lời ca, điệu nhạc.
Màn phu diễn minh họa với hình ảnh những nữ sinh với áo dài trắng, nón lá che nghiêng, cặp trên tay và xe đạp dạo quanh sân trường, đã làm bản nhạc thành công rất lớn.
Không dừng lại ở đó, khi Mia Mỹ vừa chấm dứt bài hát,Nguyễn Hữu Hạnh (Út Trà Ôn của NQ) đã cảm hứng xuống một câu Vọng cổ mùi tận mạng. Nếu thật sự linh thiêng, thi sĩ sẽ cảm nhận được tấm lòng yêu thương của những người bạn cũ và mọi người tham dự trong hội trường này.
Bản nhạc tiếp theo là "Mùa Thu và con gái Việt Nam" do anh Võ Đình trình bày để tặng cho những nữ sinh Ngô Quyền.
Sân khấu được bừng sáng với sự tham gia của nhóm cựu học sinh Khiết Tâm bằng tiết mục tốp ca "Trường Làng Tôi". Các bạn Khiết Tâm may áo dài đồng bộ và đã đầu tư vào tiết mục này rất kỷ lưỡng. Đó là những gì các bạn muốn tỏ lòng tôn trọng thầy cô và đồng môn NQ.
Lam & Mai đến từ SanDiego, Thiên Trang đến từ Úc Châu, một số bạn đến từ VN, San Jose cùng các bạn ở Orange County. Đã cùng nhau tập dượt thật kỹ càng cho bài hát "Trường Làng Tôi"
Thú thật, bản "Trường Làng Tôi" là một bản nhạc mà học sinh nào cũng thích. Với âm điệu nhẹ nhàng, lời ca thật tượng hình một ngôi trường tuổi thơ trong ký ức. Bài hát đã đưa tôi trở lại ngôi trường làng ngày xưa với ông giáo già khó tính, những chiếc roi mây và mẹ tôi chơn chất bên mảnh vườn cây trái xanh tươi quê nhà. Cám ơn các bạn trường Khiết Tâm đã cống hiến cho đại hội một nhạc phẩm đặc sắc.
Sau màn trình diễn của ban hợp ca trường Khiết Tâm, cô Nguyễn thị Trí đại diện thầy cô NQ lên phát biểu cảm tưởng. Cô đã dạy NQ suốt 12 năm với biết bao tình cảm. Qua xứ người, cô cũng là người hướng dẫn và gắn bó với NQ ngay từ những ngày đầu lập hội. Cám ơn cô nhiều lắm. Chúc cô luôn mạnh khỏe và thân tâm thường lạc.
Phần chương trình tiếp theo là bản nhạc "Phượng Buồn" do hai Cựu học sinh Ngô Quyền, Bác Sĩ Huỳnh Quan Minh và Ngọc Dung trình bày. Bản nhạc với hai giọng hát ngọt ngào hòa quyện vào nhau, gợi nhớ những kỷ niệm đẹp của những mối tình học trò thơ mộng..
Bản nhạc "Họp mặt lần cuối" do Minh Nguyệt trình bày. Bản nhạc làm người ta nhớ những ngày hè, bạn bè phải chia tay nhau ly biệt. Trong thời buổi chiến tranh của những ngày xưa cũ, lần họp mặt cũng có thể là lần cuối trong đời nên mang nhiều xúc cảm lẫn ngậm ngùi.
Tôi nghĩ không biết đây có phải là phần dàn dựng có sắp xếp hay chỉ là tình cờ. Bản nhạc "Họp mặt lần cuối" được Minh Nguyệt trình bày vừa dứt, Ban tổ chức cho quây lại đoạn ghi hình thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo nói vài lời chúc mừng đại hội.
Năm năm tới biết thầy còn hay mất.
Luật tử sinh không thiên vị một ai.
Tuổi thời gian đang dày xéo hình hài.
Lời thăm hỏi làm bao người xúc động
Họp mặt lần này, có phải là lần cuối.
Lời hát thật hay, cảm xúc thật nhiều
Em nhìn thầy, thương quá đi thôi.
Mong sức khỏe để còn ngày gặp lại.
Trên màn hình thầy nói ít nhưng sao mọi người như thấy thầy gói ghém bao nhiêu là lời nhắn nhủ lẫn từ biệt. Màn hình tắt, Nguyễn Tất Ứng thay mặt BCH tặng quà cho hai người có công thực hiện và phát triển trang Web NQ và AHBH. Đó là Ngọc Dung và Nguyễn Hữu Hạnh.
Để tạo một không khí sống động và tươi vui cho đại hội, đôi uyên ương Lam &Mai đã lên sân khấu trình bày nhạc cảnh "Con đường tình ta đi" và điệu nhảy sôi động "Nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Được sự phụ họa của các học sinh liên trường , các em đã khiến hội trường vở tung trong ánh đèn chụp hình và quay phim tới tấp. Những bước nhảy đều đặn, nhịp nhàng, những tà áo dài được cột lại một bên đã nói lên những hình ảnh nghịch ngợm, vui nhộn của lứa tuổi học trò. Tình yêu đôi lứa, sự ngây thơ trong trắng, những bước chân mạnh dạn đi vào tương lai, dường như cô đọng lại trong bài hát và điệu nhảy rất hot này.
Thật ra đi dàn dựng màn phụ họa của các bạn liên trường, hai em Lam & Mai cũng gặp nhiều khó khăn. Các bạn ở xa, từ VN qua, ở tiểu bang khác tới chỉ gặp nhau vào một ngày cuối cùng trước khi show trình diễn. Nhiều bạn chưa bao giờ biết nhảy và trình diễn sân khấu, mà thời gian tập dượt chỉ có một ngày thứ sáu duy nhất.Nhưng các bạn cũng đã cố gắng hết mình làm thật tốt, nhảy thật đẹp cho buổi trình diễn thật sống động. Hy vọng các bạn cũng sẽ có những bước nhảy đẹp cho những kỳ đại hội về sau.
Tiếp tục chương trình là bản nhạc "Cho tôi lại từ đầu" do Mỹ Huệ trình bày. Khi tôi hỏi thăm Lam & Mai về cô ca sĩ dễ thương này thì mới được biết Mỹ Huệ cũng từng là ca sĩ tại Việt Nam và hai em đã quen Mỹ Huệ từ 40 năm nay. Trong thời gian cần có địa điểm để tập trung dợt văn nghệ. Mỹ Huệ đã đồng ý để các cho nhóm cựu học sinh Khiết Tâm ăn ở tại nhà như một "Căn nhà ngoại ô thứ ba". Cám ơn Mỹ Huệ.
Phần văn nghệ được tiếp nối với bài "Phượng Vỹ" do anh Phú (trường Minh Tân) và Chị Thủy song ca. Dù ở tận xứ cao bồi Texas xa xôi, hai người cũng book vé máy bay về cùng tham dự. Hoan hô sự nhiệt tình và tinh thần của anh chị.
"Hai Mươi Năm Bến Lạ" do Dạ Thảo hát đã làm nhạc nền cho phần cắt bánh sinh nhật chúc thượng thọ Thầy Phan Thanh Hoài và sinh nhật thầy Phạm Gia Hưng.
Trong phần nhạc đệm và tiếng hát ngọt mềm, hai thầy đã cùng nhau cắt bánh với sự chứng kiến của các đồng môn và học sinh.
Kính chúc thượng thọ thầy Hoài và các thầy cô. Chúc mừng sinh nhật thầy Phạm Gia Hưng.
Bài "Trả lại em Yêu" được trình bày tiếp theo bởi đôi song ca Duy Minh và Tyty, cặp vợ chồng xuất thân từ Tân Mai Biên Hòa.. Tyty ngoài tài ca hát, còn là một MC rất nổi tiếng và nhiệt tình, tham gia nhiều hoạt động trong cộng đồng người Việt tại SanDiego. Tyty và Phu quân Duy Minh đã không quản ngại thời gian cũng như đường xá xa xôi từ SanDiego đến chung vui và tham gia trong phần văn nghệ.
Thời gian không còn nhiều cho buổi đại hội, giờ chia tay cũng đã gần kề. Một bản nhạc thật quen thuộc được cất lên diễn tả tâm sự một người học trò về thăm lại trường xưa. Kevin đã diễn tả tâm trạng ấy qua bài "Trường cũ tình xưa" đầy cảm xúc.
Toàn thể ban hợp ca từ từ lên sân khấu trình bày bản nhạc "Rồi Mai đây" để gửi những lời chia tay mọi người. Ban tổ chức và BCH trường NQ cũng đi lên vẫy tay chào từ giã.
Những chiếc áo dài trắng thật đẹp trên sân khấu, các bạn đã cất lên những lời ca thắm thiết chia tay , Những bàn tay lưu luyến vẫy chào như không muốn rời xa, đã kết thúc chương trình văn nghệ .
Mọi người đứng lên chào nhau trong sự luyến tiếc mến thương. Tạm biệt hôm nay rồi hy vọng sang năm mình gặp lại. Đời như một khúc phim buồn. Không biết ngày mai sẽ ra sao. Chưa biết sang năm có ai trong hôm nay nằm xuống. Bắt tay nhau, ôm hôn nhau trong ngậm ngùi lẫn luyến thương làm tình NQ thêm keo sơn gắn bó.
Phần văn nghệ được kết thúc trong phần dạ vũ sôi động. Chương trình được sự trình diễn xuất sắc của các cựu học sinh trường NQ và các trường bạn. Đôi song ca Quốc Khiêm và Quế Anh , Sĩ Cư, Micheal, Thiên Trang, Tracy Nguyễn, Tú Trang. Những giọng ca rất hay của những thuở còn đi học. Các bạn ra sàn nhảy thật vui , những đôi chân tới lui, những bước nhảy lã lướt làm không khí thật gần gũi và rộn ràng.
Tôi bước tới bắt tay từ giả những người bạn thân quen Tường Vi, Hồng, Hạnh, Hoàng , Tuyết... chúng tôi không ra sàn nhảy nhưng cũng nắm tay nhau lắc lư cho vui cửa vui nhà.
Một buổi họp mặt thật ý nghĩa và nhiều cảm xúc. Những lời ca tiếng hát vẫn còn vang vang như chưa muốn rời xa. Tôi chia tay bạn bè ra về trong lưu luyến.
Trong chương trình văn nghệ hôm nay, một người không hề xuất hiện trên sân khấu nhưng cũng đã đóng góp thật nhiều. Đó là chị Võ thị Tuyết. Chị đã thực hiện những live show rất công phu minh họa cho các bài hát được chiếu trên tường. Trong đó có phần tham gia đóng góp của Tô Anh Tuấn và Duy Minh
Cũng không quên nhắc đến anh Lý Lương. Anh là con trai của bác Lương Văn Lựu. Anh là một tay văn nghệ nỗi tiếng từng chơi nhạc tại các phòng trà trước năm 1975. Anh đã hổ trợ rất nhiều trong phần tập dượt văn nghệ. Ngoài ra còn có rất nhiều người tuy không được nhắc tên, nhưng đã đóng góp cho phần văn nghệ đầy màu sắc và thành công này. Xin cám ơn tất cả các bạn.
Dù cố gắng đến thế nào chăng nữa, việc thực hiện vẫn không thể nào hoàn thành như mong ước. Thay lời hai em Lam & Mai, kính mong thầy, cô, các anh chị và các bạn hữu tha thứ những lỗi lầm hay sai sót nếu có. Hai em Lam & Mai sẵn sàng nhận những đóng góp xây dựng để có thể làm tốt hơn cho những lần sau.
Thưa các bạn,
Tôi đã chấm dứt bài viết về chương trình văn nghệ trong ngày Đại hội Ngô Quyền. Nhưng trong tôi vẫn có một điều gì chưa cảm thấy hài lòng. Tôi muốn tâm sự, muốn chia sẻ với thầy cô và các bạn một điều tôi muốn nói .
Cũng có thể các bạn nghĩ tôi quá lời khen tặng Lam và Mai. Thực ra những điều tôi nói ở trên chưa đủ đâu các bạn. Tôi thật lòng rất ngưỡng mộ hai em, những người trẻ Biên Hòa đã rất thành công trên đất nước Hoa kỳ.
Chúng ta, những con người bỏ tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng. Bỏ lại quê hương, gia đình, những người thương yêu để tìm hai chữ tự do và làm lại từ đầu. Cuộc sống nơi xứ người không phải là toàn là gấm vóc, chúng ta đã vất vả biết bao nhiêu để có được như ngày nay. Con cái chúng ta có đứa thành công cũng có đứa không được như ý. Nhưng tất cả đều phải dùng hết sức mình để có thể vươn lên.
Tôi chỉ biết qua Lam & Mai với hình ảnh một cặp vợ chồng trẻ trung, đẹp đôi, hát hay và nhảy giỏi. Chỉ có thế và tôi mến hai em mỗi khi tiếp xúc vì hai em rất vui và thân thiện.
Nhưng khi thực hiện bài viết này, tôi phát hiện ra ngoài những điều tôi biết ở trên hai em còn là một tấm gương cho giới trẻ và niềm tự hào cho người Biên Hòa và Ngô Quyền. Hai em đã được truyền thông SanDiego phỏng vấn và làm một CD lưu giữ tại thư viện thành phố San Diego. Tiêu biểu cho một trong những người thành đạt và điển hình của những người tị nạn thành công.
Lam là con của Sĩ Quan quân lực VNCH, nên sau 1975 cũng giống như con cái chúng ta, Lam cũng là một nạn nhân của chính quyền mới. Những người thua cuộc bị trả thù với nhiều hình thức để không còn lối đi và ngóc đầu lên không nỗi.
Lam không được vào đại học mà phải vào rừng làm Thanh Niên Xung Phong rồi sau đó phải làm đủ mọi nghề để kiếm miếng ăn và sinh sống.
Năm 1990 Lam được định cư ở Mỹ. Sau 15 năm không đụng tới cây viết, tiếng Anh thì lỏm bỏm và số tuổi không cũng không còn trẻ (34 tuổi). Lam quay trở lại trường học và vừa học vừa làm để thích ứng với hoàn cảnh mới. Mai đang mang thai đứa con đầu lòng nhưng vẫn cố gắng đi làm để giúp chồng tiếp tục học và lo cho con nhỏ.
Mai đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho Lam tiếp tục con đường học vấn, đã thúc đẩy Lam cố gắng hết sức mình. Ròng rã 10 năm học Lam đã xong bằng Master of Engineer và nộp đơn làm cho bộ Quốc Phòng Navy. Công việc tiến triển thuận lợi nên Lam làm việc cho đến bây giờ.
Khi Lam đã ổn định trong công việc thì đến phiên Mai quay lại trường lớp. Em đã tốt nghiệp Bác Sĩ thần kinh cột sống (Doctor of Chiropractor). Hiện nay Mai đang có hai phòng khám bệnh tại thành phố SanDiego.
Đứa con trai mang bầu những ngày mới đến Mỹ bây giờ đang học Medical doctor. Một thế hệ tương lai tiếp nối.
Các bạn có thấy mình nên khen tặng hai em không? Những người con Biên Hòa sau cuộc đổi đời phải đối diện với bao nhiêu nghịch cảnh. Đến đất nước tạm dung bằng hai bằng tay trắng. Nhưng với óc cầu tiến và quyết vươn lên vợ đã hy sinh lo cho chồng tiếp tục việc học, rồi bản thân mình cũng vượt bao trở ngại để được thành công.
Tôi biết cũng có rất nhiều người thành đạt hơn, giỏi giang hơn hai em. Nhưng dưới mắt tôi, hai em Lam và Mai là những người tôi rất mến phục. Hai em lúc nào cũng rất khiêm nhường và hợp tác. Không có buổi họp mặt NQ nào không có hai em nhiệt tình tham gia đóng góp phần văn nghệ. Lần này hai em đã hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc.
Cám ơn Lam và Mai. Cám ơn những gì các em đã đóng góp cho đời, cho xã hội và cho đồng hương Biên Hòa. Chúc hai em luôn giữ mãi ngọn lửa yêu văn nghệ và luôn thành công trong công việc. Hãy yêu đất nước đã chấp cánh cho hai em bay cao và hãy yêu quê hương VN nhiều hơn nữa. Một quê hương ở thật xa nhưng có quá nhiều bất trắc, thương đau.
Chúc thầy cô và các bạn một cuối tuần vui vẻ, bình an và nhiều hạnh phúc.
Nguyễn thị Thêm.
20/7/2016