HẠNH PHÚC CỦA HỌC TRÒ XƯA
Hơn nửa thế kỷ đời người trôi qua, mái đầu xanh của học trò xưa ngày nào giờ pha nhiều sắc bạc. Ấy vậy mà mỗi bận được gặp lại thầy cô giáo cũ trung học Ngô Quyền xưa, nhịp đập trái tim của “ học trò … già” vẫn rộn ràng tươi mới.
Những lúc ấy anh chị em tôi sung sướng hệt… cô trò nhỏ, lần đầu tiên trong đời được mặc chiếc áo dài tinh tươm màu trắng đến trường. Những học trò xưa lúc ấy – gần như quên bẵng số tuổi đang mang – đã hồn nhiên vui bên cạnh thầy cô giáo cũ của mình, dù cho vòng đời của thầy cô bây giờ đã trôi vào hàng thất thập…
Họp mặt với lớp đàn anh 11B4 (NK.1971 – 1972)
Hay tin thầy Trần Thái Hùng xuất viện, tôi rủ Dung Phùng cùng đến thăm thầy. Thật ra tôi rủ cả nhóm bạn “café 12B3” cùng đi, nhưng tôi không còn thời gian “book lịch hẹn” trước, nên các bạn của tôi không kịp “chạy” theo bà bạn vừa già vừa “ngẫu hứng” bất tử. Là nhóm bạn thân xưa của tôi hay nói vui như vậy, bởi tôi không thể nào sắp xếp “kế hoạch” trước sau gì ráo trọi ...
Suốt mười ngày điều trị tại bệnh viện, một học trò xưa của thầy Trần Thái Hùng – hiện là tiến sĩ IT ở Đức, đang làm việc cho một tập đoàn quốc tế tại quê nhà – đã lấy ngày nghỉ phép, túc trực trong bệnh viện để chăm sóc thầy. Trái tim già nua của thầy tôi bất ngờ làm nũng, phải nhập viện cấp cứu. May quá! Thầy tôi đã khỏe lại, sau ca phẩu thuật tận tình của những học trò xưa … Hiện thầy tôi đang tập tễnh những bài thể dục nhẹ nhàng, để sức khỏe của thầy mau chóng phục hồi sau cơn thập tử nhất sinh …
Thầy Trần Thái Hùng sau ca phẩu thuật
Thầy Lê Hoàng Long không đến được với ngày Nhà Giáo, nên những ngày sau đó tôi đến thăm thầy. Thầy Long vui nhiều lắm – nhưng để có những chuổi cười dòn – hai thầy trò đều cần cô Hoàng, phu nhân của thầy làm … phiên dịch. Thầy Long năm nay đã 88 tuổi, “cõng” trên thân nhiều bệnh tật từ lâu, nhưng thầy vẫn lạc quan vui vẻ yêu đời. Lần này thầy giáo – nhạc sĩ Lê Hoàng Long không sôi nổi nhắc đến “nhân vật” chính trong “Gợi giấc mơ xưa” – tác phẩm để đời và duy nhất của thầy như những lần trước – Mà thầy quan tâm và hỏi thăm tôi khá nhiều về những đồng nghiệp cũ trường Ngô Quyền: Thầy Phạm Đức Bảo, thầy Đoàn Viết Biên, thầy Hoàng Đức Bào, cô Đinh Thị Hòa … và nhiều thầy cô giáo khác.
Thầy Lê Hoàng Long và phu nhân.
Tôi không được học với cô Võ Thu Thủy thời trung học, nhưng đến gần 50 năm sau, những câu chuyện đời đã dẫn dắt hai cô trò tôi gần gũi nhau hơn. Những ngày tôi dưỡng bệnh, cô Thủy đã nhờ “người vận chuyển” gửi tôi món quà chan chứa ân tình. Những dòng chữ nho nhỏ cô Thủy nhắn nhủ, tôi vẫn lưu giữ và xem như kỷ vật quí giá của cô giáo trường Ngô Quyền năm cũ dành cho tôi. Còn bây giờ gần như không phút giây nào cô Thủy rời xa thầy, người bạn thân yêu cô Thủy đã gắn bó cả đời và luôn ân cần chăm sóc…
Cô Võ Thu Thủy nhận hoa Ngày Nhà giáo
Những lần xong việc sớm ở Sài Gòn, tôi thường ghé nhà thăm thầy hiệu trưởng. Và không ít lần tôi lặng lẽ ra về, khi chứng kiến hình ảnh thầy hiệu trưởng quấn tấm chăn mỏng say giấc ngủ trưa. Còn cô Tồn – phu nhân của thầy – thì ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế sofa bên cạnh. Sức nghe và tầm nhìn của thầy hiệu trưởng bây giờ giảm nhiều theo tuổi tác, cho nên tôi phải nhắc to nhiều lần thầy mới nhớ ra:
- À, cái Mai ở Biên Hòa đấy phải không?...
Cô Tồn thì thuộc từng thói quen nhỏ của thầy, và những câu chuyện xưa nay thầy đã lập đi lập lại cô nghe không biết bao lần. Thầy hiệu trưởng trường tôi năm nay 97 tuổi, nhiều hơn số tuổi thầy trên giấy tờ của thầy. Biết được tuổi thật của thầy, nhóm bạn 12B3 lớp tôi đã tổ chức mừng “Thượng thọ” và mừng “Đại thọ” cho thầy hiệu trưởng …
Thăm lại thầy Hoàng Đức Bào, tôi nao lòng muốn khóc… Sức khỏe của thầy Bào giảm sút rất nhiều, mặc dù cô chăm sóc thầy vô cùng chu đáo. Các con của thầy Bào đều định cư ở nước ngoài, bận rộn lắm nhưng các em vẫn cố gắng thu xếp công việc, thay phiên nhau bay về lo lắng cho cha. Chuyển qua hai chặng xe buýt Biên Hòa – Sài Gòn, tôi đến với người thầy trường Ngô Quyền năm cũ … Cô vẫn nhớ tôi sau những lần tôi ghé thăm thầy, và tôi vô cùng xúc động khi cô bày tỏ:
- Không học với thầy, vậy mà lúc nào cũng quan tâm và nhớ đến thầy … Có lẽ chỉ có học trò xưa của trường Ngô Quyền, mới nặng tình thầy trò đậm nghĩa ân sư đến thế…
Với thầy cô giáo cũ trường tôi do bận việc riêng – hoặc do sức khỏe mà không đến được với Ngày Nhà Giáo – thì đám học trò già chúng tôi sẽ thu xếp đến thăm thầy cô. Hai lần Dung Phùng chở tôi đến nhà thầy Nguyễn Minh Lý, nhưng cả hai lần thầy cô đều đi vắng. Chúng tôi đành nhờ gia đình bên cạnh, giúp chúng tôi biếu thầy món quà nho nhỏ tri ân. Dung Phùng cũng chuyển quà tặng của học trò xưa đến cô Nguyễn Thị Luông và thầy Nguyễn Văn Có – không chỉ riêng trong ngày Nhà giáo – mà trong những lần thường xuyên khác nữa…
Thăm thầy Trần Văn Lộc, Dung Phùng và tôi phải chịu khó xoay đến ba “tua”, bởi tôi rất cần gặp thầy Lộc để nhờ thầy xem lại câu chuyện kể “Cây vĩ cầm và viên phấn trắng”, trước khi tôi chia sẻ bài viết ấy trên trang nhà. Dung Phùng cũng đưa tôi đến thăm thầy Nguyễn Viết Long, trong ngôi nhà mới toanh gia đình thầy tôi vừa chuyển đến. Tôi cũng được nhiều lần gặp lại thầy Long, trong những buổi họp mặt hàng năm với lớp “Bê Bốn” đàn anh của tôi nữa …
Thầy Nguyễn Thành Dũng đang bận dạy lớp luyện thi, nên tôi chỉ kịp gửi lời chúc đến thầy giáo cũ. Nhưng tôi đã được dịp thưởng thức những tách café thơm lừng tại cơ ngơi của thầy, một ngôi biệt thự xinh xắn và thơ mộng bên sông Đồng Nai. Hai đứa đến thăm thầy Ngô Văn Sơn, trong ngôi nhà ấm cúng tam đại đồng đường. Thầy Sơn đang tận hưởng tuổi già, bằng niềm vui đưa gia đình của thầy đi du lịch trong và ngoài nước…
Tôi cũng đến thăm thầy Thân Trọng Hưng, đốt nén nhang tưởng nhớ thầy xưa. Và trong dự tính, tôi còn đến thăm thầy Lê Vân Giáp… và những thầy cô giáo cũ khác của ngôi trường, mà anh chị em tôi hồn nhiên gắn bó suốt bảy năm trung học …
Khi thầy Tống Văn Quang và thầy Trần Văn An đứng trên bục giảng trường Ngô, cũng là lúc lứa học trò đệ nhị cấp chúng tôi chuẩn bị rời trường. Chính vì vậy, mà tôi chỉ được biết thầy cô giáo cũ của lớp đàn em, trong quá trình tổ chức buối họp mặt “Nửa thế kỷ tri ân thầy cô giáo cũ” … Hai thầy giáo cũ Tống Văn Quang và Trần Văn An – cũng đồng thời là cựu học sinh khóa 2 trung học Ngô Quyền Biên Hòa – xem chúng tôi như những đàn em thân thiết chung trường … Cũng nhờ thầy Tống Văn Quang cung cấp thông tin, tôi mới có địa chỉ và số phone tìm thăm lại thầy giám thị Ngô Văn Huỳnh, sau gần nửa thế kỷ thầy trò nổi trôi biền biệt …
Trong câu chuyện trên phone đường dài, chị Tưởng Dung nhè nhẹ nhắc tôi:
- Bộ em không đi thăm thầy cô nữa hay sao, chị không thấy em viết bài?...
Tôi vẫn thường ghé thăm thầy cô giáo cũ, dù tôi ngưng nghỉ viết bài. Hạnh phúc biết bao cho những học trò già, có được cơ hội thăm lại thầy xưa. Tôi – và rất nhiều học trò xưa khác – vẫn hằng mong, trong trái tim mình sẽ luôn đong đầy hạnh phúc…
Nhưng chừng như công việc chung riêng, vẫn chực chờ “nuốt chững” lấy tôi. Không khác chi cây khô bị bật rễ chùm sau tai nạn – và hồi sinh trong giai đoạn … xế chiều – nên tôi trở nên chậm chạp. Việc đi lại của tôi cả năm qua luôn bị phụ thuộc, nên tôi không thể làm ngay những điều mình dự tính. Thế nhưng bất cứ lúc nào và bất kể nơi đâu, nếu có thời gian và cơ hội – dù chỉ một chút xíu thôi – tôi không ngần ngại “đại diện những học trò già”, luôn sẵn sàng đến thăm thầy cô giáo cũ, của ngôi trường trung học Ngô Quyền – Biên Hòa yêu dấu ngày xưa…
Diệp Hoàng Mai
Tháng 06/2016