NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 57, 58 & 59)
Kỳ 57
Tôi lấy gói thuốc, bốc một điếu chìa về phía Vinh.
“Không. Tôi không hút thuốc.”
“Không hút thuốc, không uống rượu. Ông là một chiến sĩ đầy thánh tính.”
“Sao ông không nói thêm rằng tôi còn là một người rất ghét cờ bạc và trai gái?”
“Cờ bạc thì tôi biết là ông không ưa từ lâu. Còn phụ nữ, tôi xin mở một dấu ngoặc!”
“Ông có thể bỏ cái dấu ngoặc ấy được!”
“Vậy thì ông là một vị thánh lạc loài giữa rừng gươm bể giáo!”
“Tôi không thích làm ông thánh. Tôi là một con người bình thường. Tôi có một tình yêu, ông biết. Nhưng tôi chưa muốn
tiến tới hôn nhân. Có rảnh rỗi, chiều mai ăn cơm với chúng tôi?”
“Ở đâu?”
“Gần đây. Quán Ngọc Hương ở đường Gia Long. Cơm Bắc Kỳ, không biết cô Uyên của ông có thích không?”
Vinh nhắc đến Uyên chừng như anh biết có một mối tình giữa hai chúng tôi.
“Trời đất! Sao lại có vụ cô Uyên trong đó vậy?”
“Cô ấy là người Nam phải không?
“Không. Ông Phan là người Trung nhưng bà Phan là người Bắc.”
“Người ta nói cô Uyên đẹp lắm, ông thấy có đúng không?”
“Xinh thì đúng. Nhưng..., thôi tôi không đính chính đâu. Tôi biết ông ghét giải thích.”
Vinh cười. Anh uống một hớp nước ngọt.
“Thăng. Không cần chúng nó nói mới biết. Tôi thấy ông thay đổi nhiều.”
“Thật sao? Tôi thay đổi gì?”
“Ông vẫn cười giòn nhưng không vui. Da mặt sạm đen, xấu hơn, khác với màu đen vạm vỡ mà ông vốn có. Ông hết tin đời và tin người rồi phải không?”
“Phải. Bây giờ tôi sống tạm bằng hoài nghi.”
“Hoài nghi mà sống có khá không?”
“...”
“Vậy thì tôi nói đúng nhé! Khao gì nào?”
Tôi vẫn không muốn trả lời các câu hỏi của Vinh.
“Bao giờ xong vụ ly dị?”
“Coi như là xong.”
“Nếu bỏ qua cái lý ở Tòa án, chỉ xét về tình thì phần lỗi về phần ai? Thăng giận mình không, nếu mình hỏi như vậy?”
Tôi không giận Vinh, nhưng câu hỏi ấy làm tôi bối rối. Lỗi về ai? Mọi người đâu cần suy nghĩ cũng thấy rõ là lỗi ấy về phần tôi. Tại sao? Cũng dễ hiểu thôi. Chị ta hiền lành như thế, nết na như thế, phúc hậu như thế. Còn tôi mặt mũi du côn, du kề, tính tình lang bạt, ngang chướng, bạn gái bạn trai thôi thì đủ loại. Một người như thế dẫn đến một tình trạng gia đình như thế. Sao lại là một kẻ vô tội được. Tôi nhìn chăm mắt Vinh. Từ lâu anh vẫn là người mà tôi tin cậy có thể nói hết những gì chân thật nhất mà đối với kẻ khác tôi vẫn giấu giếm. Vả lại, Vinh vốn có khả năng làm cho người đối diện anh bối rối ngay khi họ muốn che đậy sự thật. Tuy vậy tôi vẫn hỏi anh.
“Trước hết ông có tin tôi không đã?”
“Đừng hỏi tôi câu đó. Tôi tin ông.”
“Vậy thì lỗi ấy chắc chắn không ở về phía tôi!”
“Thế còn con cái?”
“Tất cả rắc rối là ở chỗ đó. Tôi muốn giáo dục con cái theo cách của tôi. Nhưng còn mẹ chúng nó? Có thể nào tách một
đứa còn quá nhỏ ra khỏi tay người mẹ không?”
“Có thể. Nếu người mẹ ý thức được sự bất lực của mình trong việc giáo dục đứa trẻ. Trong hai người, bà mẹ dễ làm hỏng đứa con hơn người cha. Nhưng trong hai người thì cha chăm sóc con dở hơn bà mẹ. Thăng, tôi tin ông. Ngày mai tôi ra tòa. Nếu không có gì trục trặc, ngày kia tôi trở về đơn vị.”
“Cám ơn Vinh!”
Tôi đứng dậy cầm tay anh. Sự hiểu biết của anh làm tôi cảm động. Anh không cần tôi giải thích những đổ vỡ và lỗi lầm.
Anh cũng chẳng cần xoi mói vào đời sống tôi. Nhưng tôi tin là anh hiểu tôi, mặc dù chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng hai chúng tôi là đôi bạn thân tình. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau uống một ly nước, họa hoằn lắm mới ăn với nhau một bữa cơm. Hoàn toàn là riêng rẽ, hai người với nhau. Tôi tin cậy Vinh như tin cậy một người lớn tuổi; nhưng tôi rõ là Vinh ít tuổi hơn tôi. Tính bộc trực của anh dễ làm tan những lớp sơn giả dối của kẻ khác.
Kỳ 58
Tôi hỏi Vinh về vụ án bài báo.
“Ông buồn hay vui khi ra hầu tòa?”
“Ngạc nhiên thì đúng hơn!”
“Muốn một bản án như thế nào?”
“Khó nói quá! Nhưng tôi muốn nói ngay tại tòa rằng Mặt trận ở Sài gòn khó chiến đấu hơn mặt trận ở Cao nguyên mà tôi đang hành quân. Dẹp được mặt trận Sài gòn quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ chiến thắng mặt trận Cao nguyên.”
“Thôi, tôi chúc ông như ý!”
“À, đừng quên tối mai ở quán Ngọc Hương nhé!”
“Xong rồi!”
Tôi mở cửa kính bước ra ngoài.
Nắng Sài gòn vẫn chói chang.
Sinh hoạt trong thành phố có vẻ như đang lấy lại phong độ. Con đường chính đã đầy kẻ mua người bán. Từ chợ Bến Thành đi ngược về tòa nhà Quốc Hội, dọc theo đường Lê Lợi là vô số hàng Mỹ bày trên lề đường hay trên các sáp gỗ. Người đi bộ chen nhau qua lối nhỏ, đôi khi giẫm lên cả những cuốn sách bán “xôn” rải đống trên mặt đất. Những tạp chí Playboy, Penthouse số mới nhất in hình phụ nữ lõa thể màu sắc rực rỡ, bên cạnh những tác phẩm văn học dịch từ tiếng nước ngoài như Đỉnh Gió Hú, Cuốn Theo Chiều Gió, Hãy Khóc Đi, Hỡi Quê Hương Yêu Dấu!... Sạp vải vóc bên sạp quần áo cũ. Thuốc tây và dụng cụ y khoa bày la liệt giữa trời chịu nắng và hứng bụi đường...
Tôi dừng lại ở một hàng sách cũ. Chủ quán là một người Hoa quen. Tôi đã mua sách ở đây nhiều lần. Ông ta không đọc được tiểu thuyết bằng tiếng Việt, nhưng ông ta bán sách theo cái cách riêng của ông.
Ông cho tôi biết là ông định giá sách theo đôi mắt của khách. Nếu khách mua sách mắt sáng lên về một cuốn đang cầm tay, điều đó có nghĩa là ông có thể bán được giá cao. Còn ngược lại, thì cứ thế mà bán. Tôi luôn luôn được ông dành cho quyền ưu tiên xem trước những cuốn mới nhất - và hưởng giá rẻ đặc biệt. Tôi đưa tay ra dấu chào ông. Và ông mở thùng giấy lục cho tôi một cuốn sách mới.
“Thuyền của Quỳnh Giao?”
‘Không!”
“Song Ngoại?”
Tôi lắc đầu.
“Hải Âu Phi Xứ?”
Tôi xua tay.
“Lưỡi Dao Cạo?”
Tôi ra dấu cho ông ta gói sách. Tôi trả tiền, kẹp sách vào nách và đi ngược đường đến quán nước. Nắng chói và hơi người làm tôi khó chịu. Tự nhiên tôi thấy mệt, hơi thở nặng, chân đi không vững nữa.
Quán nước đông khách, nhưng không có Nhật, Tâm, Phùng. Tôi trở lại Nguyễn Huệ, đi qua những kiosque gỗ bán hoa. Tôi thấy tôi đứng trước một cao ốc nơi Quỳnh làm việc. Tôi đẩy cửa kính bước vào.
Quỳnh đã nhìn thấy tôi và tôi nghe tiếng nàng kêu hốt hoảng.
“Trời. Anh làm sao thế nảy?”
“Tôi đến thăm em mà!” Tôi hơi ngạc nhiên về tiếng kêu của Quỳnh.
“Sao mặt anh tái xanh thế?”
“Đâu? Tôi có gì đâu!”
“Anh ngồi xuống đây đi!”
Quỳnh đẩy tôi ngồi xuống ghế của khách hàng trước bàn, lấy khăn thấm mồ hôi trên trán tôi.
“Trời ơi, anh ốm thật rồi đây này! Người nóng như lửa thế kia mà không sao. Anh chờ em!”
Quỳnh bước vào bàn trong. Cô nói gì đó với một ông lớn tuổi đeo kính cận. Sau cùng Quỳnh trở lại bàn giấy thu xếp hồ sơ và quàng sắc lên vai.
“Đi anh. Em đưa anh về!”
“Về đâu?”
“Anh muốn về đâu?” Quỳnh khựng lại.
“Về đằng em đi!”
Kỳ 59
Ngồi trên taxi, Quỳnh đan những ngón tay cô lên tay tôi. Đôi mắt cô không vui. Cô quay cửa kính lên và thúc xe chạy nhanh hơn. Nỗi lo âu của Quỳnh làm tôi thấy mình nhỏ lại.
Tôi là đứa bé sớm xa gia đình. Năm lên sáu tuổi đã chạy giặc Pháp, lạc trong rừng sâu. Cha tôi thì bặt vô âm tín, còn mẹ tôi thì tay xách nách mang hai đứa em tôi. Hồi đó tôi đã tự tìm cách sống giữa lũ trẻ chăn trâu dưới chân ngọn núi Hòn Bò. Người chủ trại, ông Năm Ngũ, có căn nhà tranh bên bờ suối và người giúp việc tên Thằng Được - anh khoảng mười lăm, mười sáu tuổi và là người Thượng. Bà Năm Ngũ đã lượm được trong rừng khi bà theo ông Năm đi rẫy, vì thế bà đặt anh tên Được. Tôi sống ở đây không bao lâu thì được một tiểu đoàn Biệt Động Lê Dương hành quân qua đây, và một người lính già lượm tôi đem về nuôi. Tôi đã sống như một đứa con hoang tự tìm lấy miếng ăn. Khi người lính lê dương già trả tôi về với gia đình, tôi trở thành một đứa bé có trách nhiệm với hai đứa em. Tôi phải chăm sóc chúng mọi thứ và nhất là không để cho chúng khóc. Mẹ tôi ghét nghe tiếng khóc. Bà có một hàng chạp phô nhỏ, buôn bán đổi chác với đám người từ các làng quê gần đó xuống thị trấn mỗi sáng.
Chưa đầy mười tuổi tôi đã trở thành một “cậu nội trợ” bất đắc dĩ. Khi việc buôn bán của mẹ tôi bắt đầu kha khá, bà thuê người làm và cho tôi đi học trở lại. Tôi là đứa học sinh lớn tuổi nhất và to xác nhất trong lớp. Nhưng nhờ các vốn chữ nghĩa vơ được từ những ngày theo người cha nuôi tôi học nhanh, đổi lớp giữa niên học, được thầy giáo khen giỏi và bị tụi bạn ghen tị. Thị trấn tôi sống lúc bấy giờ là một quận nhỏ nằm trên ngã ba của trục quốc lộ số một và mười ba.
Một hôm mẹ tôi gọi tôi ra ngoài cửa hàng, nói với tôi bằng một giọng đầy nước mắt là đã đến lúc tôi phải tự lo liệu lấy đời sống của tôi, bởi vì mẹ còn phải nuôi mấy em nhỏ, cha tôi thì say sưa tối ngày, không đưa tiền mua rượu cho ông thì ông chửi, nhưng nếu mua rượu cho ông rồi ông uống xong ông cũng chửi. Bà nói, “Nếu con giúp mẹ một tay để nuôi các em càng tốt, nhưng con còn nhỏ quá, con phải đi học để có chút chữ nghĩa trong bụng làm vốn mà sống chớ bắt con ở nhà thì mẹ không đành.”
Sau đó, với một số tiền nhỏ dắt túi, bà mang tôi vào Nha Trang, quê hương của cha tôi, gởi tôi cho ông chú bà thím và bỏ tôi ở đó. Chú tôi là một công chức có địa vị lão làng ở tỉnh. Nhà chú đông con, thím tôi thì bệnh tật rề rề, một mình chú nuôi đàn con đã khốn khổ lại phải gánh thêm một miệng ăn là tôi, càng làm chú thím tôi vất vả thêm. Cho nên tôi tiếp tục đóng vai đứa bé vừa đi vừa hôn lên vết thương trên bả vai mình vì biết rằng chẳng ai thương ta. Và bãi cát trắng, những cây dừa, biển xanh luôn luôn là bạn trung thành nhất đời tôi. Có những trưa trốn học tôi ngồi ở biển nghe tiếng sóng vỗ vào bờ như những tiếng thì thầm vô tận của một người đàn bà đang yêu. Từ nhà Bưu điện, tôi lội trên cát đi mãi xuống qua Hotel Beau Rivage. Gió biển mát làm no buồng phổi nhưng dạ dày tôi thường là lép kẹp. Tôi chui vào những bụi dương nằm ngủ quên trên những tờ báo. Tôi đọc tiểu thuyết Nhất Linh, Khái Hưng, tùy bút Nguyễn Tuân... Tôi mê thơ Huy Cận, Đinh Hùng... Những bài thơ thời kháng chiến chống Pháp của Quang Dũng, Hữu Loan, Yên Thao, Hoàng Cầm... cũng làm tôi ngất ngư. Văn chương ấy, thiên nhiên ấy nuôi tôi bằng mơ mộng. Tôi lớn lên bằng những thực phẩm là gió biển, là truyện và thơ. Tôi thụ động tiếp nhận thứ món ăn vốn không làm no ai...
Và như thế, tôi tiếp tục lớn lên cho đến khi vào đại học, tới một thành phố xa hơn, lớn hơn, học những môn học phức tạp hơn, gặp nhiều điều xằng bậy hơn, tôi vẫn đi một mình, đến một mình, tự lo lấy quần áo mà mặc, tự lo lấy sách vở mà học, tự tìm lấy cách sống mà sống. Tôi là con thú hoang, tự chiến đấu để sinh tồn, tự liếm vết thương trên thân thể mình do kẻ khác gây ra để chữa trị. Cho đến khi tôi gặp Lan. Tôi nhìn thấy cái phúc hậu bên ngoài của chị ta, tôi nhận thấy được sự chăm sóc có phần quá đáng của chị cộng với cái khí hậu lạnh lẽo của một thành phố miền núi, tôi hiểu thế nào là nỗi cô đơn và sự cần thiết phải có một người khác phái bên cạnh mà từ lâu tôi thiếu. Chúng tôi đi lại với nhau, lén lút như hai kẻ ngoại tình, mặc dù chúng tôi còn đang ở năm thứ ba đại học và chưa ai có một cuộc sống gia đình. Tôi sợ bạn bè biết, sợ giáo sư biết. Tôi sợ tất cả các con mắt dòm ngó của mọi người lên đời sống của chúng tôi.
(còn tiếp)