Jane Lưu
Jane Lưu | |
---|---|
|
|
Sinh | 1963 (51–52 tuổi) Sài Gòn, Việt Nam |
Nơi cư trú | Lexington, Massachusetts |
Ngành | Thiên văn học, Vật lý thiên văn |
Alma mater | Viện Đại học Stanford, Viện Đại học California-Berkeley, Viện Công nghệ Massachusetts |
Nổi tiếng vì | Phát hiện ra vành đai Kuiper |
Giải thưởng | Annie J. Cannon Award in Astronomy [1991], Shaw Prize về Thiên văn học [2012], Kavli Prize về Vật lý thiên văn [2012] |
Jane Lưu (tên tiếng Anh Jane X. Luu, tên tiếng Việt Lưu Lệ Hằng[1][2]) là một nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt sinh năm 1963[2]. Năm 1992, sau nhiều năm tìm kiếm, bà cùng đồng nghiệp và là thầy hướng dẫn David Jewitt đã phát hiện ra vật thể đầu tiên trong vành đai Kuiper.[2] Nhờ những phát hiện và nghiên cứu sau đó về vành đai Kuiper mà hai người cùng với Michael E. Brown đã được trao giải thưởng Kavli năm 2012 của Na Uy trong lĩnh vực thiên văn vật lý.[3] Hai người cũng được trao giải Shaw năm 2012 về lĩnh vực thiên văn học. Từ năm 1994, bà là giáo sư khoa thiên văn học tại Viện Đại học Harvard, là một đại học danh tiếng ở Hoa Kỳ và hiện làm việc tại Phòng thí nghiệm Lincoln tại Viện Công nghệ Massachusetts, một viện đại học danh tiếng khác.
Mục lục
Tuổi trẻ
Lưu Lệ Hằng sinh năm 1963 ở miền nam Việt Nam, lớn lên tại Sài Gòn. Cha bà là một thông dịch viên làm việc cho quân đội Hoa Kỳ. Ông đã dạy bà học tiếng Pháp khi còn nhỏ và nó trở thành nền tảng cho quá trình học tiếng Anh của bà sau này.[2]
Trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Lưu cùng gia đình di tản ra khỏi Việt Nam và tị nạn vào Hoa Kỳ. Sau khi ở trại tị nạn khoảng một tháng rưỡi, bà cùng gia đình đã đến tiểu bang Kentucky do họ có một vài người họ hàng ở đó. Trong chuyến thăm Jet Propulsion Laboratory đã thúc đẩy bà quyết định chọn ngành thiên văn học cho nghề nghiệp của mình.[4] bà thi đậu vào Viện Đại học Stanford và tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1984.[5]
Đồng phát hiện ra thiên thể trong vành đai Kuiper
Khi làm nghiên cứu sinh tại Viện Đại học California-Berkeley[6] và Viện Công nghệ Massachusetts, bà làm việc dưới sự hướng dẫn của David C. Jewitt.[4] Năm 1992, sau 5 năm quan sát, họ đã tìm thấy thiên thể đầu tiên trong vành đai Kuiper nhờ sử dụng kính thiên văn 2,2 mét của Viện Đại học Hawaii nằm ở Đài quan sát Mauna Kea, và nhờ đó đã phát hiện ra vành đai này với khoảng 70 ngàn thiên thạch (Kuiper Belt object, viết tắt KBO, hay còn gọi là Thiên thể ngoài Hải Vương Tinh)[7] Ký hiệu của thiên thể này là (15760) 1992 QB1, mà bà và Jewitt đặt cho nó là "Smiley".[5] Phát hiện này là một bước tiến lớn trong việc tìm hiểu lịch sử hình thành Hệ Mặt Trời.[3]
Về các thiên thạch trong vành đai Kuiper, giáo sư Lưu phát biểu:
"Chúng tôi đã phát hiện có hàng triệu thiên thạch ngoài đó, bên mép rìa Thái Dương Hệ, trong vành đai Kuiper giống như hành tinh Diêm Vương Tinh vậy.... Khám phá này làm hoàn toàn thay đổi quan niệm của chúng ta về định nghĩa hành tinh là gì."[8][9]
Năm 1991, Lưu nhận Giải thưởng Annie J. Cannon trong Thiên văn học từ Hội thiên văn học Hoa Kỳ. Năm 1992, bà nhận bằng tiến sĩ tại Viện công nghệ Massachusetts, và nhận học bổng Hubble của Viện Đại học California-Berkeley. Tiểu hành tinh 5430 Luu được đặt theo tên của bà để vinh danh.[10][11][12]
Sự nghiệp
Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Lưu làm giáo sư tại Viện Đại học Harvard.[5] bà cũng từng làm giáo sư tại Viện Đại học Leiden ở Hà Lan.[4] Sau khi làm việc ở châu Âu, Lưu trở lại Hoa Kỳ và làm thành viên kỹ thuật thiết bị ở Phòng thí nghiệm Lincoln tại MIT.
Tháng 12 năm 2004, Luu và Jewitt thông báo họ phát hiện ra tinh thể băng nước trên tiểu hành tinh Quaoar, vật thể lớn nhất trong vành đai Kuiper được biết đến tại thời điểm đó. Họ cũng phát hiện thấy sự có mặt của amôniắc hydrat. Trong công bố, họ giả thuyết rằng những tinh thể băng được hình thành bên dưới bề mặt, sau đó chúng bị hất xới lên bề mặt sau những va chạm với các vật thể khác trong vành đai Kuiper trong thời gian một vài triệu năm.[13]
Cuộc sống cá nhân
Bà thích đi du lịch và từng làm việc cho tổ chức Hỗ trợ trẻ em ở Nepal. bà cũng thích các hoạt động ngoài trời và chơi cello. Bà đã gặp chồng, Ronnie Hoogerwerf, cũng là một nhà thiên văn học, khi họ còn ở Leiden.[4]