
Anh ta đọc cho tôi nghe hai câu thơ của anh đã làm anh khổ sở:
Khói bom lên trời thành một vòng đen
Trên mặt đất hiện bao nhiêu vòng trắng.
Cái thằng cha này coi bộ vậy mà hay. Mình đã lếch thếch kể từ khi cách mạng vô, nó là cách mạng thứ thiệt còn lếch thếch hơn mình.
“Này!” Vũ đập tay lên tay tôi, “Có lẽ tôi phải đi.” Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi tôi.
“Ngồi lại một tí nữa thôi. Tôi cũng sắp đi mà!”
“Còn anh, anh nghĩ sao?”
“Nghĩ cái gì?”
“Cái mà anh gọi là tự do...”
“Theo tôi,” tôi nhìn người khách-bạn nói, “chắc chắn là không có chuyện tự do dưới chế độ này. Tôi chỉ thấy bích chương tuyên truyền chứ không thấy họa phẩm. Chỉ có... những cuốn sách hô hào chống Mỹ-Ngụy chứ không thấy tác phẩm văn học...”
“Theo tôi,” Vũ nói, “cái chính không phải là điều anh vừa nói.” Có lẽ anh thấy không tiện trả lời tôi về cái vụ có hay không có văn chương. Rõ ràng là mắt anh không đồng ý cái suy nghĩ hàm hồ của tôi. Anh nói, “Ghê tởm là sự giả dối. Hôm trước ông tổng bí thư tuyên bố cởi trói văn nghệ sĩ, kêu gọi văn nghệ sĩ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng. Ông ta nói. Dù thế nào các đồng chí cũng không nên bẻ cong ngòi bút của mình. Ấy vậy mà hôm sau, vở kịch tôi bị cấm trình diễn. Lý do nêu ra hết sức đơn giản: chống lại dân tộc, chống lại chủ nghĩa xã hội, phá hoại hòa bình, phá hoại nhân phẩm.”
“Nhưng tôi thấy kịch anh vẫn có vở được trình diễn mà!”
“Ừ, thì cũng có vở được trình diễn chứ. Nhưng mà, anh không thấy sao, một tình trạng độc đoán về tư tưởng như vậy, văn học nghệ thuật chỉ có khô kiệt, chứ làm sao mà nảy nở được...” Trầm ngâm một lúc, Vũ tiếp:
“Ôi, chỉ cần một người suy nghĩ giùm cho mọi người, một cái đầu tối cao suy nghĩ cho mọi cái đầu khác, cũng đủ rồi!”
“Tôi muốn hỏi anh một câu...”
Vũ đặt ly cà phê xuống bàn, ngó vào mắt tôi, chờ đợi.
“Có bao giờ anh nghĩ tới chuyện vượt biên chưa?”
“Tôi có một số bạn quen đã vượt biên. Tôi không nghĩ đến chuyện đó. Tôi chọn ở lại đất nước này. Có người thân rủ tôi đi đường bộ qua cửa hữu nghị quan vào đất Trung Quốc. Tôi thấy mình không có lý gì để vượt biên. Còn anh thì sao?”
“Có phải anh muốn lên án những người vượt biên không?”
“Không. Hoàn toàn không! Tôi tin tưởng rằng những người bỏ nước ra đi đều có lý lẽ riêng của họ. Cũng như tôi, tôi tự hiểu tại sao tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện ra đi.”
“Tôi thì trái lại, tôi luôn luôn nghĩ đến chuyện phải ra đi. Vợ con tôi đã đi. Bạn bè tôi kẻ trong tù, kẻ đã chết, kẻ đã đi. Người ta không đi tìm một tình bạn khi đã quá cái tuổi bốn mươi.”
Vũ không tiếp lời tôi. Anh cúi xuống ly cà phê như đang soi tìm điều chi trong đáy cốc nước đen sánh.
“Cũng chẳng ai đi lính, học nghề, theo cách mạng... ở cái tuổi nhi bất hoặc này.”
Vũ ngước lên, hai con mắt buồn rầu của anh ngó chăm vào mắt tôi.
“Tôi vừa mới qua cái tuổi ba mươi. Tôi đoán chừng tôi thua anh đến dăm ba tuổi. Cũng như anh, tôi đã hai lần lập gia đình. Nhưng vào trong Nam này tôi mới biết tôi đang có trong tay quá nhiều cái đáng xem, đáng nghe, đáng nói và đáng viết. Nhưng xem vậy mà chả biết thế nào là đủ cho một người cầm bút.”
Tôi có kể cho Vũ nghe về tôi. Hai lần lập gia đình của đời tôi là hai lần thất bại. Người đàn bà đầu tiên đã đến với tôi bằng tình yêu và chia tay tôi trong thù hận. Những đứa con chung của chúng tôi trở thành cái thùng đựng những lời nguyền rủa của bà mẹ căm ghét người cha của chúng. Tôi không hiểu tại sao. Tôi tìm kiếm cho người đàn bà ấy lý do để căm thù tôi và tôi thấy có quá nhiều lý do để tôi khinh bỉ bà ta. Để tỏ ra mình cao thượng, tôi cố thấy mình có lỗi.
Người ta không thể buộc tội một người cha quá yêu con, người ta cũng không thể lên án một người đàn ông lúc nào cũng chăm sóc gia đình nhà cửa. Người ta càng không thể trách cứ một người chồng không hề biết ghen là gì. Tôi không nhìn ra rằng tôi có một tội rất lớn đó là sự không biết làm ra tiền trong một xã hội mà đồng tiền là thước đo của mọi giá trị. Mãi về sau này, khi tôi đã mất thêm người đàn bà thứ hai - cứ cho việc Quỳnh bỏ đi vượt biên như là một hình thức chạy trốn tôi - tôi còn nghiệm ra rằng thật ra tôi là một thứ người không biết yêu. Trong trái tim tôi, mọi thứ đều nhòa nhạt như thể tất cả đều chìm dưới một làn mưa. Cái nhìn của tôi bao giờ cũng phải lọc qua một tấm kính đục mờ.
Tôi không yêu nổi chính con người tôi, tôi còn có thể yêu nổi được ai. Và như vậy nếu không ai yêu tôi, không yêu nổi tôi, điều đó cũng chẳng có chi là lạ. Những biến cố chính trị và thời sự có tác động đến nếp sinh hoạt tôi, nhưng hình như vẫn không làm thay đổi con người tôi: Tôi dửng dưng với tôi.
Tôi nhàm chán tôi. Ngay cả trong tình bạn tôi cũng thiếu luôn cái nồng nhiệt và tận tụy. Tôi yêu một người bạn, không có nghĩa là tôi cứ phải gặp gỡ anh ta, cứ phải bênh vực những điều anh ta suy nghĩ, làm hay nói ra. Tôi yêu một người bạn có nghĩa là tôi giữ lòng quý trọng bạn, ngay cả trong khi tôi chống bạn. Tôi có đúng chăng, tôi không biết. Bạn bè tôi đã đi tản mạn. Người duy nhất tôi còn gặp là Tâm. Một người còm cõi, đen đúa. Hai con mắt sâu hoắm trên một khuôn mắt nhô xương. Một dáng tất bật. Một nụ cười rất buồn. Những ngón tay vàng khói thuốc...
Chính Vũ tìm đến Tâm và nói cho anh biết là Vũ thán phục bài viết của anh. Và Tâm cũng nhận ra rằng anh đang đối diện với một tài năng. Vũ kể người vợ trước của anh là một diễn viên điện ảnh. “Cô ta đẹp lồ lộ và yêu tinh lắm.” Họ có với nhau một đứa con trước ngày Vũ đi bộ đội. Khi được lệnh theo quân đi chiến dịch Hạ Lào, Vũ đào ngũ. “Không, người ta sinh ra không phải để chém giết nhau,” Vũ luôn luôn nghĩ như vậy.
Anh sống chui rúc từ nhà người bạn này đến nhà người quen khác. Những căn “hộ” vốn chật hẹp, không tới chín thước vuông mà chứa đến bốn năm con người, chỗ nằm cũng là phòng khách, là bàn viết, là bếp núc, là thứ gì cũng được. Sau cùng Vũ chui vào hội Nghệ thuật Sâu khấu. Anh viết một kịch bản. Tác phẩm như một tấm giấy tùy thân, như cái nón che đầu. Vũ tìm được một chỗ để thở là một góc trong căn phòng làm việc của hội để đêm đêm có chỗ trải chiếc chiếu, giăng cái màn.
Người đàn bà thứ hai Vũ yêu và rất yêu anh là một phụ nữ bình thường. Chị mồ côi từ lúc còn rất bé. Chị sống gian khổ và lập gia đình với một đảng viên cao cấp. Đó là một người chồng giả dối. Y húc vào đời chị như một con heo húc mõm vào chậu cám. Y nói chuyện đạo lý trong khi y đi đến đâu để con rơi con rớt đến đấy. Y luôn mồm đăng đàn diễn thuyết nói về người phụ nữ đã được giải phóng, trong khi chính chị là nạn nhân của những hành vi thô bỉ của y. Y sống trong một căn nhà khá rộng so với nhiều cán bộ đảng viên ở Hà Nội. Y hưởng chế độ đặc biệt: mua bán ở những quầy hàng đặc biệt với hàng hóa thực phẩm có phẩm chất cao với giá rẻ. Và chị chỉ là con vật phục vụ cho hắn từ nhà bếp đến cái giường. Chị làm quen với Vũ khi lần đầu tiên xem kịch anh ở Hà Hát Lớn. Chị là một phụ nữ đặc biệt. Chị thắm thía những lời nói và suy nghĩ của nhân vật trong kịch của Vũ. Chị nói anh nghe những điều chị nghĩ về kịch của anh. Và họ yêu nhau. Người chồng đảng viên cao cấp của chị biết. Y đưa nội vụ ra “tổ chức.” Vũ bị công an “hỏi thăm.” Chị tiếp tục bị y hành hạ. Y nhốt chị trong nhà như người ta nhốt một con chó. Các vở kịch của Vũ bị soi mói từng dòng, từng chữ. Các nhân vật của Vũ bị giải thích là ám chỉ “các đồng chí lãnh đạo kính mến,” phỉ báng lãnh tụ, coi thường những thành quả to lớn của cách mạng, đi chệch hướng, tư tưởng lệch lạc, văn chương theo “chủ nghĩa hiện đại...”
Nhưng tình yêu họ mạnh hơn mọi sự áp chế. Hai người được bạn bè bao che, gỡ bỏ dần những sợi dây trói buộc họ về mặt chính trị. Họ sống với nhau như thể hai người trẻ tuổi lần đầu tiên gặp nhau và yêu nhau.
“Vả lại,” trầm ngâm một lúc lâu, Vũ tiếp, “cũng như anh, tôi không thể nào đi học một cái nghề vào cái tuổi đã không còn trẻ nữa. Ngay như ở đây, tại Sài Gòn này, mà tôi còn thấy mình sống còn khó huống gì là đến một nước Tây phương... Nhưng mà, anh Thăng này, tôi có điều muốn hỏi anh...”
Vũ ngập ngừng, lấy cái thìa ra khỏi ly cà phê, đặt xuống thành dĩa:
“Anh nghĩ gì về tôi khi anh rủ tôi vượt biên? Anh không sợ sao?”
“Anh có nghĩ rằng anh là người đáng cho tôi sợ vì anh có can đảm bán đứng một người bạn không?”
(Còn tiếp)