
Hàng sách của Vĩnh có đủ loại Anh, Việt, Pháp, Tàu, sách, báo, tạp chí... từ những cuốn xưa cũ đến những cuốn mới nhất. Xưa như Nam Phong Tạp Chí, Tản Đà Vận Văn, gần nhất như tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Bách Khoa, Trình Bày, Văn... mới như các tờ Newsweek, Time, Paris Match, L'Express... có hàng tuần do những người dọn dẹp phi cơ trên Tân Sơn Nhất tuồn ra. Những tạp chí này chỉ cần cho người thuê trong vòng một tuần. Vĩnh đã lấy lại vốn.
Còn sách cũ khi gặp mối, do những người có giấy xuất cảnh đi ngoại quốc hoặc do những người chuẩn bị vượt biên, anh mua cả tủ sách gia đình của họ, giá rất rẻ. Và sau đó, Vĩnh giữ giá bán lời lên cả mấy chục lần. Vĩnh cũng mua sách “Lê nin toàn tập” xé ra lấy giấy bán kí lô, còn bìa đem bán cho các nhà đóng sách. Tôi quen Vĩnh qua Tâm Khô Khốc Thiền Sư. Tâm là khách hàng của Vĩnh, sau khi đã là bạn của Vĩnh. Một người đọc sách nhiều như Tâm dễ làm khách ngộp thở. Một lần vào chơi nhà bạn, tôi chỉ thấy sách và sách, báo và báo. Ở chỗ nào cũng có sách. Sau Bảy Lăm, khi chợ trời sách bắt đầu xuất hiện, trước tiên là sách Hà Nội loại hiếm, sau đó là sách Saigon, loại đã bị Sở Văn Hóa Thông Tin tịch thu vì gán cho cái nhãn hiệu phản động và đồi trụy. Tâm gặp Vĩnh, và anh trở thành người cung cấp hàng sách đầu tiên cho “ông chủ sạp” sách Vĩnh.
Bán hết sách, Tâm đâm ra thèm và nhớ sách. Ngày nào cũng một lần đi chợ trời sách ngắm nghía những cuốn sách của chính mình bán ra. Lật lại từng trang, sờ từng gáy sách. Cuốn nào Vĩnh bán được cũng làm Tâm đau xót. Có lúc Tâm đề nghị mua lại những cuốn mình đã bán. “Để làm chi? Mày bán rồi mà!” Vĩnh hỏi. “Chẳng để làm chi hết!” Có lần, tình cờ ra thăm Vĩnh, Tâm thấy một người khách đang săm soi cuốn L'Être et le Néant của Jean Paul Sartre, Tâm trả giá cao hơn người khách và lấy lại cuốn sách mà ngay trang đầu có chữ ký của anh kèm theo con số ghi rõ ngày tháng mua.
Từ chiếc ghế thấp sau sạp sách, vừa nhấp cà phê vừa nhìn những người qua lại mua bán sách, tôi chợt thấy một người đàn ông tròn và hơi thấp, mang dép da, mặc quần jean xanh, đang cúi xuống cuốn Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Một lúc sau anh ta cầm lên lật từng trang đọc rất nhanh.
“Tôi muốn mua cuốn này.” Người đàn ông nói, mặt hướng về phía tôi. Có lẽ anh ta nghĩ tôi là chủ sạp.
Tôi thấy một khuôn mặt vuông vức, cằm bạnh, nước da tái, hai con mắt buồn rầu, giọng nói rõ ràng không phải là dân Saigon.
“Vĩnh, có người mua sách!”
Tôi đặt ly cà phê xuống dưới đất. Vĩnh bước ra, liếc mắt nhìn tựa đề cuốn sách và chỉ thoáng liếc thấy mắt của người khách, Vĩnh nói một cái giá mà tôi vừa nghe đã đỏ lỗ tai. Chỉ mấy năm làm nghề bán sách chợ trời Vĩnh khám phá ra cái giá của cuốn sách tùy thuộc vào con mắt của người khách.
“Khi người ta kết cuốn sách rồi thì bất cứ giá nào họ cũng mua.” Đó là bí quyết của Vĩnh.
Người khách nói:
“Đắt quá! Tôi tưởng giá vừa phải thì tôi lấy quyển này!”
“Ông muốn bao nhiêu?” Vĩnh hỏi lại, rõ ràng là sẵn sàng hạ giá.
“Tôi chỉ còn có hai chục thôi.”
“Không được đâu ông. Giá chót là một trăm.” Vĩnh nói chắc như đinh đóng cột.
Người khách đặt cuốn sách trở lại chỗ cũ.
“Tiếc quá. Tôi không đủ tiền.” Anh ta vừa nói vừa bỏ đi.
“Thôi, để tôi bớt một tiếng chót. Tám chục.” Vĩnh lại ra giá.
Anh ta lắc đầu, khuôn mặt vuông tái lại, nụ cười buồn. Bỏ đi.
“Cám ơn. Để chừng nào mượn đủ tiền tôi sẽ quay lại.”
Hôm đó tôi có tiền, không nhiều, một số tiền tàm tạm nhờ bán bộ đồ vía sau cùng, kèm theo hai lố khăn mù soa Quỳnh đã mua tặng sinh nhật tôi năm Bảy Tư.
Tôi đứng dậy nói với Vĩnh:
“Ông để tôi mua cuốn đó.”
Và thật nhanh, tôi chộp cuốn Bếp Lửa chạy theo người đàn ông.
“Sách đây ông! Người ta chịu bán giá hai chục rồi!”
Người đàn ông nhìn thẳng vào mặt tôi, thoáng một cái tôi có cảm tưởng như anh ta biết là tôi nói dối.
“Đây, sách của ông đây!” Tôi dúi cuốn sách vào tay anh ta.
Đúng như tôi nhận thấy cái thoáng mắt ấy, sau này Vũ nhắc lại chuyện cũ hỏi tôi, “Sao anh tặng sách cho tôi, khi mà mình chưa quen nhau?”
“Không biết. Lúc đó tôi nghĩ là tôi thích anh vì anh cũng thích cuốn sách mà tôi thích.”
Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi gặp lại người khách mua sách tại một quán cà phê với Tâm Khô Khốc Thiền Sư.
“Đây là anh Vũ. Lâm Quốc Vũ. Nhà viết kịch. Và đây là Thăng, bạn tôi.”
Tôi bắt tay Vũ nhớ ra lần gặp gỡ ở sạp sách của Vĩnh. Vũ cũng vậy, anh nhìn ra tôi ngay.
“Quen nhau rồi à?” Tâm hơi ngạc nhiên.
“Không. Chỉ mới biết nhau thôi.” Vũ nói, “Nhưng cũng nhờ ông Thăng này mà tôi biết ông Tâm.”
“Tại sao?” Lần này tôi ngạc nhiên.
“Bởi vì, tôi đọc cuốn Bếp Lửa, in lần thứ hai có lời tựa của ông Tâm này. Nhờ đó mà tôi quen. Chẳng phải sao?”
“Trời ơi! Sao mà rắc rối!” Tôi đập tay lên trán.
Và như thế chúng tôi quen nhau.
Vũ nói: “Tôi sắp về Hà Nội. Người ta đang dựng một vở kịch mới của tôi. Tôi không biết vở này có được trình diễn không. Dù sao...”
Vũ không nói hết câu. Vở trước bị cấm sau khi diễn phúc khảo, chỉ vì Vũ đã để cho một nhân vật câu cá ở Hồ Tây khi bị công an bắt đã nói rằng: “Ông bắt được tôi chỉ vì tôi ngủ gục chứ nếu tôi tỉnh táo thì...”
Vũ không phải gốc người Hà Nội, nhưng cung cách của anh rất là Hà Nội xưa. Điềm đạm, từ tốn. Người ta nói quê anh ở Đà Nẵng theo cha tập kết ra Hà Nội. Tại đây anh đi học rồi đi bộ đội. Đào ngũ khi theo “quân giải phóng” đánh trận Hạ Lào. Trở lại Hà Nội, Vũ sống lêu bêu không “hộ khẩu.”
Người vợ trước của Vũ là một nữ diễn viên điện ảnh, sống ngay với một người khác khi anh vừa đi bộ đội.
Trong thời gian sống chui rúc, Vũ làm thơ viết văn. Sau khi tập thơ đầu tay ra đời, in chung với một người bạn khác, Vũ bắt đầu viết kịch. Trong tình hình sân khấu thiếu kịch bản, hai vở kịch của Vũ gửi đến tạp chí Sân Khấu trở thành bùa hộ mệnh của anh. Hội Nghệ Thuật Sân Khấu bắt được một tay có cỡ đi theo ngành này, nên đứng ra che chở anh, cho anh một chỗ ở tạm tại cơ quan tờ báo. Thế nhưng trong hai năm trời, Vũ sáng tác sáu vở, và gần như vở nào cũng có vấn đề đối với đảng và nhà nước.
“Hôm qua tôi vừa đi họp một hội nghị về sân khấu.” Vũ uống một hớp cà phê, “Người ta nói tự do sáng tác là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ, để phát triển tài năng. Tôi có nêu trường hợp mấy vở kịch của tôi bị kiểm duyệt quá kỹ, cắt xén nhiều đối thoại, thậm chí đổi cả tính cách nhân vật. Và tệ nhất là sau cùng còn cấm không cho trình diễn nữa.”
“Như vậy theo anh có tự do trong nghệ thuật dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hay không?”
Vũ ngồi im không trả lời. Hai con mắt anh nhắm lại. Hai bàn tay mở ra. Anh ngó chăm vào những đường chỉ tay như săm soi tìm kiếm điều gì đó. Tôi đốt thuốc. Thuốc Vàm Cỏ khét nghẹt. Tôi nhớ hình như vang vọng đâu đây bài hát đang ăn khách Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây:
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông.
Mẹ, quê hương ai mà chả có dòng sông.
Rồi tôi nhớ tới cái anh chàng bộ đội làm thơ mà tôi đã gặp trong một quán cà phê trước ngày tôi ngồi tù. Cũng Tây, cũng Đông. Mà không phải Vàm Cỏ. Chỉ là Trường Sơn. Anh ta nói anh ta mê tiếng hát Khánh Ly. Khi mới đặt chân tới Sài Gòn, trong cái ngổn ngang của một thành phố bị chiếm đóng, trên vai vẫn còn mang ba lô anh ta đi hỏi thăm Khánh Ly và khi biết người nữ ca sĩ mà mình ưa thích đã bỏ đi, anh ta làm một bài thơ. Câu duy nhất mà tôi còn nhớ trong bài thơ đó là: Đã khánh tận đâu mà em ly biệt. Anh ta đã kể lại như vậy và chỉ vài năm sau, anh thấy câu thơ của mình sai. Đã khánh tận rồi nên em biệt ly...
(Còn tiếp)