QUA LÀNG TIÊN ĐIỀN NHỚ CỤ NGUYỄN DU
(Nhân đọc bài viết “NGÀY XUÂN RỈ RẢ CÂU KIỀU” của GS. Nguyễn Văn Phú)
Hồi còn nhỏ xíu xiu, tôi đã thuộc nằm lòng nhiều câu lục bát, mà ba của tôi thường nghêu ngao đọc đi đọc lại có đến … ngàn lần:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trãi qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
Cho đến lúc vào trường trung học, được học thơ Kiều và có nhiều cơ hội chiêm nghiệm thơ Kiều, tôi mới hiểu vì sao tuyệt tác Truyện Kiều lại ảnh hưởng sâu sắc đời sống nhân sinh đến vậy. Với ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu lục bát, Kiều của cụ Nguyễn Du mô tả gần như trọn vẹn mọi cảnh đời, mọi kiểu người trong xã hội xưa nay. Từ những người dân quê chơn chất, cho đến tầng lớp trí thức trung lưu … ai ai cũng có thể dễ dàng tìm được một vài câu Kiều, một đoạn thơ Kiều để bình giải cho từng hoàn cảnh, từng số phận của chính mình.
Bằng vốn hiểu biết sâu sắc và một tâm hồn nhạy cảm, cả đời cụ Nguyễn Du luôn ưu tư với biết bao nhiêu thân phận con người. Cảm thương thân phận nàng Tiểu Thanh ở Hàng Châu ba trăm năm trước, thi nhân khắc khoải bày tỏ tiếng lòng với phận bạc đời người ba trăm năm sau:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp tố như?
(Chẳng biết ba trăm năm lẽ nữa
Người đời ai khóc Tố như chăng?)
Cụ Nguyễn Du đâu ngờ rằng gần ba trăm năm sau, vẫn còn đó hàng triệu triệu người thổn thức cảm thương số phận nàng Kiều. Và cũng hàng triệu triệu người đam mê Kiều, đến đỗi họ lần giở từng trang Kiều bói toán vận mệnh cuộc đời mình. Với kiệt tác Truyện Kiều, tên tuổi và sự nghiệp của cụ Nguyễn Du không chỉ quen thuộc với mọi tầng lớp nhân dân trong nước, mà còn được cả thế giới ca ngợi và tôn vinh.
Tôi cũng đâu ngờ rằng hai trăm năm mươi năm sau ngày sinh cụ Nguyễn Du, tôi có được duyên may thăm khu di tích thi nhân. Vào một ngày không định trước, tôi được người bạn thời đại học đưa đến thăm làng Tiên Điền (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Vẫn tọa lạc trên khuôn viên dinh thự xưa của dòng họ Nguyễn, khu di tích Nguyễn Du ngày nay không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật còn lại của thi nhân, mà còn là một quần thể các di tích khác gắn liền với sự hình thành và phát triển của dòng họ Nguyễn – Tiên Điền. Vùng đất này theo thuyết phong thủy của người xưa, là một vùng đất thuộc "địa linh nhân kiệt"...
Từ khu di tích theo con đường làng chừng cây số rưỡi, tôi đã đến cánh đồng Cùng thênh thang cát trắng, nơi đặt mộ phần của cụ Nguyễn Du. Thắp nén nhang tỏ lòng ngưỡng mộ bậc kỳ tài văn chương đất Việt, trong lòng tôi lẫn lộn biết bao nhiêu cảm xúc buồn vui… Bởi “trăm năm trong cõi người ta”, đâu chỉ riêng nàng Kiều mới có mười lăm năm truân chuyên lưu lạc, mà cuộc đời thi nhân cũng ngần ấy năm chìm nổi phong ba.


Phải chăng từ nỗi đau tận cùng của chính bản thân, mà đại thi hào Nguyễn Du đã để lại cho đời một kiệt tác văn chương bất hủ? Tôi hằng tin ba trăm năm sau và thêm nhiều lần ba trăm năm nữa, thi phẩm Kiều của cụ Nguyễn Du vẫn tìm thấy tiếng lòng đồng điệu với nhân gian…
Diệp Hoàng Mai
Tháng 03/2015