TÔI CỦA TRƯỜNG XƯA
Từ lúc mái trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa thay hình đổi dạng, tôi cảm thấy nao lòng mỗi khi bất chợt nhìn lại hình ảnh trường xưa. Không biết tự lúc nào, tôi chắt chiu nhặt nhạnh từng tấm ảnh cũ kỹ nay đã xỉn màu. Mượn cũng có, được tặng cho cũng có, tôi gom góp chép lại để dành. Mỗi tấm ảnh đều gói ghém một kỷ niệm về thầy cô, về bạn bè chung lớp chung ngôi trường yêu dấu ngày xưa.
Đầu năm 2015 tôi nhận được những files hình từ cựu hđs.NQBH Trần Tấn Mỹ, nguyên trưởng khối thể thao BĐH học sinh Ngô Quyền NK 1973 – 1974. Đó là những tấm hình ghi lại hoạt động văn nghệ thể thao của trường Ngô Quyền niên học 1972 – 1973. Hỏi anh Tấn Mỹ xuất xứ những tấm ảnh, anh cho tôi biết người lưu giữ bản gốc là anh Hà Văn Minh, nguyên trưởng khối văn nghệ BĐH học sinh Ngô Quyền cùng niên khóa với anh Mỹ.
Ngay buổi sáng chủ nhật tuần lễ kế tiếp, bốn anh em: Trần Tấn Mỹ, Hà Văn Minh, Lôi Liên Minh và tôi hẹn nhau café. Tôi cần các anh giúp tôi nhận diện chân dung những “anh tài”, cùng những câu chuyện buồn vui qua hình ảnh các anh cung cấp. Các anh cho tôi biết, từ công lao dẫn dắt của thầy Lê Quí Thể, thầy Nguyễn Hữu Lợi – cùng những trọng tài tâm huyết với phong trào thể thao tỉnh nhà như thầy Lương Minh Nhan, Đinh Quốc Hưng ( võ sư Mã Thanh Hoàng) – một lớp cầu thủ đã thành danh từ đội tuyển bóng đá trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.
Nổi đình nổi đám một thời trong làng bóng đá Việt Nam là danh thủ Đinh Công Hoàng – biệt danh “Hoàng Cá Lóc” – từng giữ vị trí trung phong đội tuyển bóng đá học sinh trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Đang học năm nhất đại học Văn Khoa, anh Hoàng lọt vào mắt xanh của vị giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín, cũng đồng thời là ông bầu đội tuyển bóng đá ngân hàng. Tháng 11/1974 anh Hoàng trở thành nhân viên ngân hàng Việt Nam Thương Tín, nhưng nhiệm vụ chính là … đá banh. Sau năm 1975 anh Hoàng tiếp tục chơi vị trí trung phong cho đội tuyển ngân hàng nhà nước, cho đến năm 1979 anh chuyển sang đá cho đội tuyển Công Nghiệp Thực Phẩm, trước khi được chọn vào đội tuyển quốc gia năm 1980. Từ đó anh Đinh Công Hoàng miệt mài với trái bóng lăn trên các sân cỏ trong và ngoài nước, cho đến lúc bước qua tuổi đỉnh cao của nghề cầu thủ bóng đá, anh Hoàng giải nghệ và chuyên tâm với công việc kinh doanh. Hiện nay vợ chồng anh Đinh Công Hoàng – cùng ba đứa con của anh chị – đã chọn nước Úc làm quê hương thứ hai của cả gia đình.
Các “danh thủ học trò ” khác của trường trung học Ngô Quyền còn có anh Hồ Ngọc Sỹ, Đoàn Văn Mười chơi cho đội tuyển Tiểu Khu Biên Hòa. Riêng anh Mười về sau được tuyển vào đội bóng đá Hải Quan, một đơn vị khá nổi tiếng trong làng bóng đá Việt Nam thời bấy giờ. Đội bóng học trò Ngô Quyền còn có ba cặp cầu thủ sinh đôi, gồm các anh: Nguyễn Ngọc Hải – Nguyễn Ngọc Long; Nguyễn Văn Vinh – Nguyễn Văn Quang; Phạm Kinh Châu – Phạm Kinh Kỳ. Đúng là “ hậu sinh khả úy”, bởi cả ba người em đều chơi bóng trội hơn mấy ông anh. Anh Nguyễn Ngọc Hải hiện định cư ở Hoa Kỳ, còn anh Nguyễn Ngọc Long thì ở Na Uy, cả hai anh em trước đây đều theo nghề giáo. Có bốn cầu thủ là anh em ruột, cùng đá banh rất giỏi, đó là các cựu tuyển thủ: Hồ Ngọc Sỹ, Hồ Ngọc Hiệp, Hồ Ngọc Thành, Hồ Ngọc Công. Hiện gia đình các anh đều định cư ở Australia.
Những nhân vật “ấn tượng” khác của đội bóng còn có anh Hòa ( Méo), chuyên đá bóng bằng chân trái; Anh Hồng có cú đá nổ tung sân, được đồng đội tặng biệt danh “Hồng lựu đạn”; Anh Hà Văn Minh luôn giữ vị trí trung vệ, và anh Trần Tấn Mỹ là tiền vệ cánh trái. Riêng anh Nguyễn Văn Hiệp “ Bầu” dù sát cánh với đội bóng trường nhà trên từng cây số, nhưng anh chưa được chơi một trận bóng đá nào. Anh giải thích biệt danh “ Hiệp Bầu” của anh như sau:
- Không biết đá banh, nhưng anh mê đội tuyển bóng đá trường mình quá! Trận nào anh cũng đi theo để lo “nước nôi, xôi chè” phục vụ đội tuyển. Anh chết danh “ Hiệp Bầu” là vậy, nhưng anh rất thích…
Tiêu tốn thời gian của mấy anh em tôi nhiều nhất, là những tấm ảnh chụp đội tuyển bóng đá học sinh tỉnh Biên Hòa dự đại hội thể thao học sinh quân khu III vào tháng 10 năm 1973. Ngoài các tuyển thủ học sinh Ngô Quyền, đội tuyển học sinh tỉnh Biên Hòa có cả tuyển thủ các trường bạn nữa. Anh Lôi Liên Minh cho tôi biết:
- Có những hình ảnh quí giá này, là nhờ hai “tay máy” Huỳnh Văn Thơm và Đinh Tâm Điệp. Sau năm 1975 Thơm đã xuôi về Tiền Giang lập nghiệp, còn Điệp là bác sĩ nhãn khoa ở Hoa Kỳ…
Cả một quá khứ hồn nhiên tuổi học trò, chừng như sống lại với anh em của chúng tôi. Chợt nhớ câu ví von “tư liệu quí hơn vàng…”, tôi càng thấm thía khi nghĩ đến mớ tư liệu trường xưa tôi cất công sưu tầm, đã bị tên cướp giật hồi tháng trước nhẫn tâm hủy hoại. Nên không chần chừ thêm chi nữa, tôi xin sớm được chia sẻ những hình ảnh “trường xưa, thầy xưa, trò xưa” với tất cả mọi người. Để mỗi chs.NQBH sẽ có cơ hội “ tôi tìm thấy tôi” trong ký ức trường xưa? Đó có thể là ánh mắt trong veo, một nụ cười thơ trẻ, là nét đẹp thuần khiết của học trò lứa tuổi ô – mai… Cũng có thể đó là khuôn mặt… ngáo, nhìn “quê một cục” nhưng hết sức dễ thương của những cô cậu trò xưa…
Tôi hằng mong ước mong “kho tư liệu trường xưa” này ngày càng phong phú hơn, đong đầy hơn với muôn vàn “kỷ niệm học trò” do các cựu học sinh NgôQuyền Biên Hòa cùng chung tay vun vén …
Tháng 01/2015
Diệp Hoàng Mai
Hình ảnh được cung cấp bởi:
- Quí thầy cô: Võ Thu Thủy, Nguyễn Thành Dũng.
- Và các chs.NQBH: Đỗ Thanh Thủy, Nguyễn Thị Chẩn, Lê Thị Kim Kết, Hoàng Thúy Liễu, Lê Thị Kim Hương, Nguyễn Thị Thanh, Lâm Túy Huệ, Lê Phong Quan, Hoàng Kim Oanh, Trần Tấn Mỹ, Hà Văn Minh, Phạm Kim Luân, Phùng Ngọc Thảo, Phạm Thị Kim Hoa, Trần Minh Tâm…