Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Lê Dung - VÀI SUY NGHĨ VỀ SÁCH NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN-XUÂN HOÀNG

07 Tháng Bảy 20149:09 CH(Xem: 2575)
Lê Dung - VÀI SUY NGHĨ VỀ SÁCH NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN-XUÂN HOÀNG



VÀI SUY NGHĨ VỀ SÁCH NHÂN ĐỌC BÀI VIẾT ĐẦU NĂM CỌP NÓI CHUYỆN SÁCH BÁO

CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN-XUÂN HOÀNG


Ledung: Sinh năm 1958 tại Hà nội. Hiện dạy học tại Hà nội. Blog của Ledung là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
But_muc-large-content
Không ai có thể phủ nhận mặt tiện ích và kinh tế cúa báo và sách mạng, và chính điều này đã và đang làm suy giảm số lượng ấn hành của sách giấy, gây lao đao cho sự tồn tại của các nhà xuất bản và thiệt thòi tài chính rất nhiều cho các nhà văn. Bài viết của nxh khiến tôi liên tưởng đến bức tranh sách ảm đạm của Mỹ nửa đầu thế kỉ 19. Dù bối cảnh không hẳn giống nhau, nhưng nét buồn và sự u ám thì âu cũng là một.

Tuy nhiên nếu nhìn theo góc độ của người viết, một cách tích cực, thì có lẽ nguyện vọng tha thiết và lớn nhất của họ là sách được càng nhiều người đọc, hưởng ứng và truyền bá thì càng vui. Khi đưa sách lên mạng, các nhà văn đã góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và nuôi dưỡng tinh thần cho ngàn, vạn độc giả, đặc biệt là những người không có nhiều tiền nhưng lại yêu chữ nghĩa như giới học sinh, sinh viên, hay những người sẵn sàng bỏ tiền nhưng không thể kiếm được cuốn sách mình muốn đọc ở nơi mình ở, hay vì khi biết về cuốn sách thì nó đã không còn ở bất kì hiệu sách nào.

Xưa nay tôi vẫn hợm hĩnh cho rằng mình là người tương đối am hiểu về nền văn học Việt nam, rằng nói đến tên nhà văn nào mình cũng có thể phác thảo vài nét về con người đó… Vậy mà phải đợi đến năm 2007, có mặt trên đất Mỹ, tôi mới thực sự khám phá về một nền văn học lâu nay dường như nằm trong bóng tối: văn học Miền Nam trước năm 1975 và văn học Hải ngoại. Từ cái tên đầu tiên, tôi lần được sang cái thứ hai, thứ ba… rồi đến mười, mười lăm… Tôi đọc … và tôi biết đến Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Trần Mộng Tú, Uyên Thao, Trùng Dương, Ngô Thế Vinh, Kiệt Tấn, Hoàng Khởi Phong, Phạm Công Thiện, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thuỵ Long… Thì ra lâu nay tôi dạo bước trên con đường văn chương Việt nam như một kẻ chột, chỉ biết đến những bãi cát trắng dài và mênh mang biển rộng của bên con mắt lành, để rồi một ngày nào đó, quay lưng lại mới chợt nhận ra bên kia của biển xanh và cát trắng còn có rừng tràm rừng đước, còn có sông ngòi kênh rạch với tấp nập thuyền ghe… Tất cả những hiểu biết, dù còn nông cạn và có phần khiếm khuyết, tất cả niềm vui, trộn lẫn nỗi buồn, của sự khám phá này tôi có được là nhờ sách báo mạng.

Còn nhớ cách đây 3 năm tôi bất ngờ nhận được cùng lúc hơn một chuc emails của bạn bè thông báo The Project Gutenberg EBook đang cho download miễn phí sách. Tôi hăm hở vào trang web đó và sau một ngày trời say sưa miệt mài đọc và chọn tôi đã sở hữu một thư viện nhỏ với gần 70 đầu sách gốc tiếng Anh mà trước đó tôi không bao giờ dám ao ước là mình sẽ có. Rồi những cuốn sách đó , lâu hay mau, ít hay nhiều, đã trở thành tài sản quí của bao bạn bè, đồng nghiệp, sinh viên của tôi, những người tôi luôn có ao ước được chia sẻ những điều hay cái đẹp.

Trong những ý kiến của độc giả cho blog nxh, tôi nhớ vài dòng trao đổi ngắn ngủi của Lê Phương, Nguyễn Xuân Hoàng và K. Trần trong bài viết Tủ sách Trần Phong Giao. Lê Phương ngỏ ý muốn được đọc thêm chuyện của NXH, NXH nhắc đến khả năng đưa bài lên mạng, K. Trần cảnh báo tình trạng bản quyền và Lê Phương bày tỏ cảm giác có lỗi vì ý định ‘đọc chùa’. Những đối thoại đó, theo tôi, là bức tranh phản ánh phần nào thực trạng văn mạng hiện nay. Nhà văn nào không hạnh phúc khi tác phẩm của mình được độc giả đón nhận, tìm đọc, và có lẽ vì vậy mà NXH sẵn lòng tung chuyện mình viết lên mạng chăng? Lê Phương mừng đâu phải vì tiết kiệm được mấy đồng mà vì khả năng được đọc những cuốn sách mình thích mà không tìm đâu ra, trong khi lòng áy náy, day dứt với cảm giác mình đang ‘ăn lén’ công sức lao động của người khác. Còn K. Trần rất lí tính với những phản ứng mang tính chất ‘pháp lí’, trong đó không thể không nhận ra sự quan tâm, lo lắng cho quyền lợi người viết. Tôi trân trọng những suy nghĩ đó.

Cá nhân tôi, dù mỗi ngày đều vào mạng một vài giờ, vẫn không bao giờ lãng quên việc nuôi cho tủ sách gia đình ngày càng đông đúc. Sách giấy có cuộc sống, có hơi thở của riêng nó mà sách mạng không bao giờ có thể thay thế được. Nói đến tên một cuốn sách là tôi có thể hình dung được màu sắc của trang bìa, độ dày mỏng, kích thước to nhỏ, cũng như hoàn cảnh tôi đã mua cuốn sách đó. Sách cũng là món quà tôi thường nhận được từ bạn bè và sinh viên của tôi, những món quà tôi gìn giữ và trân trong nhất. Đôi khi, ngồi xếp dọn lại những cuốn sách, tôi bắt gặp lại trên trang đầu những dòng đề tặng và chữ kí của những người bạn đã lâu không gặp, và có người trong số họ đã ra đi mãi mãi… Người xa rồi nhưng cuốn sách còn đó, với chữ kí mềm mại và cái mốc thời gian dừng lại ở năm 2003. Một phần linh hồn bạn vẫn đang ở lại bên tôi, hiện hữu, rõ ràng, ấm áp… Với tôi, khi cầm một cuốn sách trong tay tôi có cảm giác gần gũi, thân thiết hơn với nhà văn hơn, dù không quen mặt. Và trên hết, cái lãng mạn của một buổi chiều ngồi đọc sách trên triền đê, cái ấm áp của một buổi tối mùa đông, ôm một cuốn sách, chui vào chăn ấm, nhẩn nha đọc… là điều mà sách mạng không bao giờ làm được. Tôi cũng tin, nhìn vào một tủ sách gia đình, tôi biết người chủ là ai.

Xin nhà văn NXH đừng lo. Xung quanh tôi, người yêu sách còn nhiều lắm.


Lê Dung
Hà nội 1/3/2010