Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG TƯ, 2000

02 Tháng Bảy 20149:32 CH(Xem: 2533)
Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG TƯ, 2000


SỔ TAY THÁNG TƯ, 2000



Nguyễn Văn Sâm và Khói Sóng Trên Sông

Văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh vẫn luôn luôn lôi cuốn tôi. Truyện của Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Kiệt Tấn, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Vương Hồng Sển, Huỳnh Phan Anh, ... và trong những năm tháng sống xa quê hương, được đọc Cao Đông Khánh, Hồ Trường An, Nguyễn Văn Ba, Võ Kỳ Điền, Trần Long Hồ, Bùi Thanh Liêm, Nguyễn Tấn Hưng, Lương Thư Trung, Nguyễn Thị Long An... với tôi là một hạnh phúc.

Đó là những tác giả mang đến cho người đọc không khí của miền đất "hảo hớn", bầu trời của "bao dung và cởi mở", hơi thở nồng nàn của ruộng đồng , sự thơm tho của cây trái, cái dào dạt mênh mang của dòng sông Cửu Long...

Đó là chưa kể Tô Thùy Yên, mà tiếng thơ của ông đã bay trùm lên khắp miền đất nước như một cái bóng lớn trong thế giới thi ca Việt Nam... Có thể tôi còn thiếu sót một số tên tuổi khác trong những tác giả Nam Kỳ Lục Tỉnh, nhưng một tác giả tôi không thể quên, đó là Nguyễn Văn Sâm, người bạn từ năm 1969 đã viết Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam,; 1971 Văn Học Nam Hà; 1972 Văn Chương Nam Bộ; và những năm tháng tại Mỹ ông đã viết Câu Hò Vân Tiên (Texas, 1985); Ngày Tháng Bồng Bềnh (Texas, 1987). Mười ba năm sau khi in tập truyện Ngày Tháng Bồng Bềnh, Nguyễn Văn Sâm vùa gửi đến người đọc những sáng tác mới của ông: Khói Sóng Trên Sông. Trong một email, ông hỏi tôi "tao sẽ in tập truyện mới. Nhà xuất bản Văn đứng tên được không?" "Tại sao không?" Tôi đã trả lời ông như vậy. Chúng tôi quen nhau đã lâu. Cùng học chung trường Petrus Ký, cùng đi quân trường Quang Trung, từng cà phê cà pháo ở những quán nước Sài Gòn. Sâm là một người chân chất, và thẳng thắn -như đa số người miền Nam.. Ông quả là một người bạn tốt. Tuy vậy, về chuyện chữ nghĩa văn chương, ít ra là thời bấy giờ, những năm sáu mươi-bảy mươi ở Sài Gòn, ông và chúng tôi không cùng chung một quan điểm.. Nguyễn Văn Sâm lúc đó viết biên khảo hơn là sáng tác. Có vẻ công việc dạy học đã đặt ông vào cái thế một công đôi chuyện.

Hồi đó, bọn chúng tôi -Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Nhật Duật, Đặng Phùng Quân - vẫn thường lê la ở quán Cái Chùa mỗi sáng, nói đủ thứ chuyện giữa những ly cà phê trước khi đến sở làm. Trong khi chúng tôi, nói theo Huỳnh Phan Anh, 'đi tìm tiểu thuyết mới ở Việt Nam, dòng tiểu thuyết ly khai với truyền thống cũ,.thuộc Tự Lực Văn Đoàn, hoặïc nói rộng hơn, ly khai với tiểu thuyết giai đoạn tiền chiến" thì Nguyễn Văn Sâm hết Văn chương miền Nam, tới văn chương Nam bộ hết Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, tới Dương Tử Giang,... . Ông cứ đi ngược lại với bọn tôi.

Khi cuộc chiến kết thúc, chúng tôi mỗi người một ngã. Kẻ ở, người đi. Văn chương chữ nghĩa trong một thời đại hoài nghi trở thành trò chơi của tội lỗi. Sách vở từ trong tủ kính rủ nhau bước xuống chợ trời. Như những hạt bụi bị trận cuồng phong thổi tung, chúng tôi bay di mười phương tám hướng. Và sau cùng như những hạt bụi, chúng tôi lại gặp nhau.

Houston, nơi tôi đã đôi lần đến. Nhiều người bạn cũ đã gặp. Nhiều người bạn mới vừa quen. Cách đây mấy năm là Tường Vy & Cao Hữu Tích. Gần đây là Phương Hoa & Đăng Khánh. Bữa cơm gia đình nhà Duy Trác thân tình và đầy những nụ cười. Bữa cơm nhà anh chi Minh & Điệp Mỹ Linh tôi đã chạy đến theo cây kim đồng hồ. Gặp lại Đặng Phùng Quân, Hàn Song Tường, Ngu Yên, Trương Trọng Trác, Vũ Thanh Thủy & Dương Phục, vợ chồng Phạm Quang Tân, Nguyễn Vĩnh Châu. Và phải chờ đến trưa ngày hôm sau mới gặp lại người bạn già Nam Kỳ-Lục Tỉnh Nguyễn Văn Sâm..

"Mày nói cho tao mấy lời trong buổi ra maắt sách của tao." Nguyễn Văn Sâm đã dặn như thế cả tháng trời trước khi tôi đến Houston. "Nói thì nói." Tôi trả lời như vậy, nhưng thực sự lòng chưa biết sẽ nói gì. Tôi được Sâm cho đọc bản thảo trước. "Viết cho cái tựa đi, cha nội." Sâm nói như ra lệnh. Sắp tới ngày ra mắt sách, tôi vẫn chưa gửi qua cho Sâm cái tựa. Còn hơn một tuần tôi email bài viết. Sâm trả lời "không convert được." Phải nhờ đến Nguyễn Vĩnh Châu. Và đâu cũng vào đấy. "Cái thằng, coi bộ vậy mà cũng công tử Bạc Liêu chớ!" Tôi đã nghĩ về Nguyễn Văn Sâm như vậy.

Tôi thú thật là đến Houston mấy lần mà chẳng biết gì về thành phố này. Từ phi trường về đến nhà Tường Vy, hoặc nhà Phương Hoa, hoặc khách sạn. Và một tiệm ăn nào đó. Là hết. Houston sau cùng chỉ là những trang sách. Lần trước cách đây mấy năm nghe một chương trình nhạc và vinh danh một số người. Lần sau nghe nhạc Đăng Khánh với Tuấn Ngọc, Thanh Hà, Thái Thảo. Lần này, đến với Nguyễn Văn Sâm được gặp những người quen cũ: Doãn Quốc Sỹ, Vũ Ngự Chiêu, Cao Đông Khánh, Lê Quỳnh Mai [cũng hơn mười năm rồi, khi ngày đầu tiên đến Montreal giới thiệu số ra mắt tạp chí Thế Kỷ 21 và cuốn truyện dài Sa Mạc] , gặp giáo sư Đàm Trung Pháp, và những người đã từng đóng góp bài vở cho Văn: Quan Dương, Phạm Ngũ Yên, Thu Thuyền, Kiều Mộng Hà, Phạm Quang Tân, Nguyễn Anh Tuấn...

Phải nói là bài của giáo sư Đàm Trung Pháp giới thiệu và phân tích về Nguyễn Văn Sâm rất hay. Ông cho thấy một Nguyễn Văn Sâm là nhà văn sử dụng nhuần nhuyễn về ngôn ngữ Đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho rằng tập truyện Khói Sóng Trên Sông của Nguyễn Văn Sâm "là một rừng thành ngữ bình dân, nghe lên thì khoái tai, mà đọc lên thì khoái mắt."

Tôi chia xẻ ý kiến của giáo sư Pháp: Toàn tập truyện của ông Nguyễn tràn đầy lời ăn tiếng nói dân gian của sông Tiền sông Hậu. Truyện của ông nặng chất ký mà nhẹ chất tiểu thuyết. Có thể nói Khói Sóng Trên Sông là bức tranh vẽ lại sự hình thành của đô thị Sài Gòn. Không phải một Sài Gòn bề mặt với những con đường "cây dài bóng mát", những quán cà phê đợt sóng mới, những vũ trường sang trọng trai thanhgái lịch và người hùng. Nguyễn Văn Sâm đã nhìn Sài Gòn từ cái phía trái của nó. Bóng tối và sự khốn khó. Sài Gòn của mồ hôi và nước mắt. Đó là Xóm Sáu Lèo, là đình Tân Kiểng, là khu Mã Lạng, là Xóm Chiếu, là Chánh Hưng, là Chợ Cầu Kho, là Bến Tắm Ngựa,...

Nguyễn Văn Sâm là một người kể chuyện hơi rề rà nhưng có duyên. Ông không vội vàng và người đọc ông cũng không có ý muốn ông phải gia tăng tốc độ. Ông cứ nhẩn nhơ nói, như một người đọc thơ Lục Vân Tiên, và người nghe có thể vừa nghe vừa uống rượu hoặc nhấp chén trà tàu.

Trong thế giới văn chương miệt vườn, Nguyễn Văn Sâm là người nắm khá vững ngôn ngữ Nam Kỳ-Lục Tỉnh nhất. Cũng dễ hiểu tại sao ông không sáng tác cùng thời với chúng tôi. Chính là những bài biên khảo về văn chương Nam bộ đã giúp ông sau đó - thay vì nghiên cứu - đã viết thẳng bằng trái tim.

Sài Gòn của Nguyễn Văn Sâm đích thực là Sài Gòn của những con người nào được nó nuôi dưỡng, dạy dỗ, và làm cho nó lớn lên.

Khói Sóng Trên Sông là một tác phẩm văn chương của một người cầm bút thực sự.

Nguyễn Nhật Duật đã ra đi

Nói về Nguyễn Văn Sâm tôi đã không thể không liên tưởng đến bọn chúng tôi. . Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật còn ở Việt Nam, Nguyễn Quốc Trụ ở Toronto, Canada; Đặng Phùng Quân ở Houston, Texas; Nguyễn Đình Toàn ở Long Beach, California. Điều đau buồn là "ông giáo" Nguyễn Nhật Duật vừa mới "đi xa". Duật là người nghiêm túc nhất, "thầy giáo" nhất, "khổng tử" nhất. Tuy vậy anh là người trong một ý nghĩa nào đó là người cỗ võ nhất cho cái mới trong tiểu thuyết. Nếu Huỳnh Phan Anh coi như "lý thuyết gia" của nhóm thì Nguyễn Nhật Duật chính là người cầm thắng và nhắc nhở cái mới trong văn chương.

Huỳnh Phan Anh năm đó cho xuất bản cuốn tiểu luận "Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô", một tác phẩm của một ngòi bút mới mẻ khiến những cây bút thời danh lúc đó ngẩn ngơ. Ai vậy? Tên này ở đâu ra thế? Bọn chúng nó có những ai? Một bài viết ngắn trong cuốn sách bày tỏ cách nhìn tiểu thuyết của nhóm: Đi Tìm Tiểu Tuyết Mới Ở Việt Nam.

Tháng Mười Một năm rồi gặp lại Huỳnh Phan Anh ở Pháp tôi quên hỏi "cái nhìn đó giờ đây đã thay đổi chưa hay vẫn còn nguyên?"

Nhân sự ra đi của Duật, sự gặp lại Huỳnh Phan Anh ở Pháp, Đặng Phùng Quân ở Houston và Nguyễn Quốc Trụ ở Canada vẫn trò chuyện qua email, tôi muốn ghi lại đây một trích đoạn bài của Huỳnh Phan Anh cho Sổ Tay kỳ này.

"Mỗi thời đại có tiếng nói riêng của nó. Tiểu thuyết mới trước hết là nỗ lực làm mới ngôn ngữ. Mỗi nhà văn thực hiện một cách thế sử dụng ngôn ngữ... Xa hơn ngôn ngữ, tiểu thuyết mới đánh dấu sự trưởng thành của kỹ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết không chỉ là câu chuyện kể một cách dung dị thi ngây. Đó là sự tìm kiếm một lối kể, một cách viết, một kỹ thuật. Đây là vấn đề nội dung và hình thức. Có người cho rằng trong hình thức có nội dung và ngược lại. Kafka nói: Văn chương chỉ là kỹ thuật.

Albéres đã đi đến một định nghĩa về tiểu thuyết hiện đại: một sáng tạo văn chương dùng một câu chuyện kể để diễn đạt cái khác (une création littéraire qui se sert d'un récit pour exprimer autre chose.) Cái khác ở đây có thể là một kinh nghiệm đời sống. Nó cũng có thể là một vũ trụ quan đượm chất siêu hình hay đạo đức. Nó cũng có thể không là cái gì khác trừ những thì thầm của ngôn ngữ, ngôn ngữ như một định mệnh đang thành hình, ngôn ngữ như một tìm kiếm vô vọng, ngôn ngữ như một hiện hữu chống lại chính tác giả... Cái khác có thể là cái ngôn ngữ đang đi tìm. Viết một cuốn tiểu thuyết không có ý nghĩa như một sự hoàn thành: nó chỉ mới là một sự bắt đầu.."

Theo Huỳnh Phan Anh thì thời gian đó Thanh Tâm Tuyền với cuốn Bếp Lửa và Nguyễn Đình Toàn với cuốn Con Đường là những nhà văn của tiểu thuyết mới Việt Nam.

Vẫn chuyện thầy tôi

Nhà văn Nguyễn Hữu Trí, tác giả Ăn Trưa Nghe Kể Chuyện Tình , tập truyện mới do nhà xuất bản Văn ấn hành, vừa cho tôi nghe cuộn băng phỏng vấn giáo sư - nhà văn Cung Giũ Nguyên ở Việt Nam. Trả lời câu hỏi trong các tác phẩm [viết bằng tiếng Pháp lẫn tiếngViệt của ông], tác phẩm nào ông ưng ý nhất, tại sao? Thầy tôi nói cái nghề viết văn và cái nghề dạy học của ông hình như đi song song. Từ khi ông bắt đầu đi dạy học thì ông đã bắt đầu viết văn rồi. Cho đến bây giờ [1999] ông vẫn còn đang dạy học và ông cũng vẫn còn cầm bút. Ông cho biết là năm 1932 ông có viết một cuốn tiểu thuyết tựa là "Nợ Văn Chương", cái nợ đó bây giờ ông vẫn còn tiếp tục phải trả.

"Tại sao tôi viết văn? Thì cũng giống như hỏi tại sao tôi đi dạy học? Cũng chỉ với ý nghĩ là san xẻ những gì điều mình biết, trao gửi tâm sự cho những người có thể nghe được hiểu được mình." Ông không nói ra, nhưng viết theo ôn g chính là phá vỡ cái cô đơn của mình. Ông bảo có những cuốn sách giờ đọc lại thấy thú vị, thú vị như khi gặp lại những học sinh cũ của mình. Những học sinh đã từng học với ông cách đây bốn mươi năm . Có người còn lâu hơn nữa. Có người từ thế hệ lúc ông còn dạy ở bậc tiểu học. Ông cho biết quyển sách [tiếng Pháp] mà ông có thể nhắc lại là cuốn Le Fils De La Baleine [nhà xuất bản Artheme Fayard, Paris, 1956, bản dịch tiếng Việt của cuốn này vừa được xuất bản ở Hà Nội dưới tên Kẻ Thừa Tự Của Ông Nam Hải, do một người học trò cũ của thầy dịch.] Theo ông, cuốn Le Fils De La Baleine là tác phẩm ông ưng ý nhất. Cuốn sách đã được phê bình rộng rãi ở các nước phương Tây. Hai năm, sau khi được xuất bản tại Paris, cuốn sách được dịch ra tiếng Đức, và được xếp vào sách bán chạy nhất thời bấy giờ.

Phân tích tựa đề cuốn sách, nhà văn Cung Giũ Nguyên cho rằng người nào học tiếng Pháp, mới đọc qua cái tựa có thể nói là "tác giả dốt biết bao nhiêu." Bởi khi người ta nói baleine, con cá ông, thì làm sao con cá ông lại có con trai? Người ta sẽ nói Le Petit De La Baleine chứ người ta không nói Le Fils De La Baleine. Thế thì, một là nó "dốt" hai là nó có cái gì đây! Cho nên theo ông, cái tựa tiếng Việt đã lộ ra điều này trong khi cái tựa tiếng Pháp còn gây cho người đọc bối rối. Kẻ thừa tự không phải của con cá ong, mà là mà là của ông Nam Hải, một cái chức do nhà vua đặt cho một con vật. Con cá ông là một con vật đã từng cứu người và thuyền bè khi gặp sóng to gió lớn trên biển. Nhà vănCung Giũ Nguyên kể lại một đoạn trong cuốn sách một nhân vật bị chìm tàu, đầu ông ta va vô một tảng đá, sau đó ông mắc bệnh "quên" không nhớ gì hết, không biết mình là ai, không biết dĩ vãng mình ra sao. Tuy nhiên có đôi lúc ông nhớ lại cuộc đời mình, và đó là lúc ông cần phải gửi lại cho một người nào đó , để họ giúp ông làm lại trí nhớ, và ông kể chuyện.: Này ông, nhớ nhe, nhớ giùm tôi nhe. Tôi là thế này, thế kia, nhớ giùm nhe! Và ông kể tất cả tâm sự đời ông. Ông đi trên một chiếc tàu từ Pháp trở về quê hương, tàu bị chìm. Ông cũng là người có học hành thế này, thế kia,... Nhưng sau khi kể hết cuộc đời mình ông mới biết người nghe ông nói là một người điếc. Nhà văn Cung Giũ Nguyên cho rằng viết là trao đổi tâm sự ý nghĩ của mình cho một người khác, không phải để khoe khoang mà muốn cho người khác làm giùm cái trí nhớ của mình...

Chúng ta viết là để cho người đọc. Và khi người đọc không "đọc được" những dòng chữ của ta có nghĩa là ta thất bại.

"Lịch sử của văn chương là lịch sử của những tác phẩm. Tác phẩm không nói, nó là tiếng nói, và hơn thế, nó là chân lý, cội nguồn, bản thể của tiếng nói. Tác phẩm trước hết là kinh nghiệm của một người trong tư cách một vật thể. Đọc và hiểu một tác phẩm tức là một cách nào đó chia xẻ với tác giả kinh nghiệm đó."

Liệu những ghi nhận trên đây của Huỳnh Phan Anh có chia xẻ cùng nhà văn Cung Giũ Nguyên mối tương quan giữa người đọc và người viết?

NGUYỄN XUÂN HOÀNG