Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG MƯỜI, 2001

02 Tháng Bảy 20145:03 CH(Xem: 2408)
Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG MƯỜI, 2001

SỔ TAY THÁNG MƯỜI, 2001



Bóng tối

Có bao giờ bạn nhìn thấy trên bầu trời một đám mây đen khổng lồ bay ngang qua, mỗi lúc một tiến gần đến bạn và cả mặt đất nơi bạn đứng hoàn toàn chìm trong bóng đêm không?

Có bao giờ bạn bị một đám khói vĩ đại cuốn theo xi măng và sắt thép và...xác người đã thành tro bụi ùn ùn đuổi theo bạn trong một thành phố người người chen chúc nhau chạy trốn không?

Những cột khói gần giống hình quả nấm bốc lên ở New York ngày thứ Ba 11 tháng Chín, 2001 không chỉ mang đến cái cảm giác hãi sợ của một đám mây đen. Nó cũng không chỉ mang đến sự rùng rợn của một cảnh chạy trốn trong nỗi kinh hoàng của người New York. Nó mang đến trong tâm trí của toàn thể nhân loại - những ai được nhìn thấy nó tận mắt, và cả những ai chỉ nhìn thấy nó trên màn ả?h như một cuốn phim do Hollywood thực hiện - nỗi kinh hoàng của Ngày Tận Thế.

Trước đây, vào đêm giao thừa năm 2000, người ta run rẩy lo sợ Trái Đất sẽ tan tành. Cả thế giới sẽ sụp đổ. Và người ta thở phào vì Năm 2000 trôi qua trong sự bình an.

Thế nhưng, tiếng thở phào ấy chưa kịp tan trong không gian. Ngày thứ Ba, 11 tháng Chín, năm 2001 tới như một lời cảnh báo: Ngày Tận Thế đến chậm. Mặc dù Trái Đất đã không nổ tung và mặc dù loài người vẫn còn sinh sống, những suy nghĩ của con người về chiến tranh, về xã hội, về chính trị, nói chung về đời sống, từ nay đã khác. Chiến tranh quy ước không còn, khủng bố là một hình thái mới của chiến tranh thế kỷ 21. Có lẽ người ta không cần đặt ra câu hỏi ngày 11 tháng Chín ở New York là khủng bố hay chiến tranh. Khủng bố nay đã thành chiến tranh. Khủng bố là chiến tranh. Từ Khủng Bố có thêm một ý nghĩa mới. Nói theo nhà báo Đỗ Ngọc Yến, "đây là cuộc chiến tranh giữa nhà giầu và nhà nghèo, giữa bắc bán cầu và nam bán cầu, giữa một bên Có và một bên Không Có. Sự hòa hợp giữa con người trên trái đất không còn nữa."*

Nhà văn Ngọc, bút danh của nữ bác sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc, làm việc tại một bệnh viện ở New York, tác giả nhiều truyện ngắn đặc sắc trên tờ Văn, - một trong những người chứng kiến cảnh hãi hùng trong những giây phút lịch sử - qua hai lần email: Lần đầu đúng ngay sau ngày 11 tháng Chín, là những cảm xúc còn tươi rói, và đầy xúc động; giờ đây, lần thứ hai, vào Thứ Bảy 15 tháng Chín, đã bình tĩnh và tự trấn an, cô cho biết:

"Tôi nghĩ đến lời sấm truyền Nostradamus được nhắc nhở khắp nơi trước khi nhân loại bước vào năm 2000 về một cuộc đại chiến khủng khiếp giữa các lực lượng Trung Đông và phần còn lại của thế giới. Sấm Nostradamus thường rất bí hiểm, sử dụng nhiều mật mã và chỉ sau khi biến cố xảy ra, đối chiếu lại, người ta mới giật mình thấy ông tiên đoán chính xác thời điểm, thậm chí cả tên nhân vật và địa danh. Những ngày cuối năm 1999, tra cứu sấm Nostradamus, những người diễn giải tin rằng ông ám chỉ thành phố New York khi nói về "New City" với những tòa nhà chọc trời lát cửa kính bên cạnh hải cảng và biến cố châm ngòi đại chiến thế giới là cuộc tấn công từ trên không bầu trời thành phố, gây ra cảnh khói lửa kinh hoàng và vô số người thiệt mạng. Ông còn cho biết "những kẻ bạo động sử dụng chính phương tiện của nước bị tấn công" và tiên đoán khủng hoảng kinh tế trầm trọng cũng như khan hiếm thực phẩm. Không hiểu sao lúc ấy những người diễn giải lại cho rằng mục tiêu tấn công là Nữ Thần Tự Do. Tất cả những bản phiên dịch khác nhau, không ai nhắc đến World Trade Center mặc dù Nostradamus đã mô tả khá đặc thù.

Dù sao, biến cố đau thương cũng đã xảy ra, sớm hơn người ta tưởng. Kể từ giây phút đó, nước Mỹ không còn như cũ nữa.

Gắn bó nhiều năm với thành phố New York, tôi đã yêu mến nó như quê hương thứ hai, sau Sài Gòn. Mỗi một tòa nhà, góc phố, cây cầu, dòng sông trở nên thân quen gần gũi. Hai ngọn tháp cao ngất bọc kính sáng lóa đương nhiên ngự trị sừng sững trong cuộc sống người dân thành phố. Một buổi sáng đẹp rực rỡ, trong phút chốc biểu tượng sự sung túc và thịnh trị của New York bùng nổ tan tành, chôn vùi hàng ngàn người dân. Khu downtown điêu tàn. Tấn thảm kịch bất ngờ làm mọi người bàng hoàng, rồi đau đớn, rồi phẫn nộ. Không biết bao nhiêu nước mắt đã đổ. Xung quanh tôi, hàng xóm, bạn bè, người quen - nhiều người có người thân bị thiệt mạng. Mục cáo phó trong các nhật báo xuất hiện ngày càng nhiều những tên người, mất ngày 11 tháng Chín, năm 2001 - nhân viên của World Trade Center, lính cứu hỏa, cảnh sát . Hy vọng tắt dần theo mỗi ngày qua, lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và dân tình nguyện làm việc nỗ lực không kể ngày đêm trong đống đổ nát mà chỉ thấy những xác người cùng vô số mảnh thi thể tan tành. Từng đoàn người tự nguyện mang thực phẩm, quần áo, vật dụng đến ủng hộ lực lượng làm việc trên hiện trường. Thành phố rực màu cờ xanh-trắng-đỏ - trước nhà, trên xe, mỗi góc phố ngả đường. Cờ cắm trên từng cột điện chạy dài suốt xa lộ. Người dân mặc ba màu xanh-trắng-đỏ nhan nhản khắp nơi. Cờ trên nón, trên áo, trên tay. Hàng đêm, người người kéo đến đốt nến cầu nguyện, hát quốc ca ở mọi địa điểm. Mỗi góc phố có từng nhóm thanh niên phất cờ, xe cộ chạy ngang đều dừng lại bấm còi ủng hộ, vang động, nhiều người hô to "USA ! USA ! USA !" "God Bless America !". Không khí tang tóc đau thương lẫn với căm thù. Người ta có thể linh cảm hơi hướm chiến tranh đang đến gần. Động viện lực lượng trừ bị. Nhiều tân binh tình nguyện nhập ngũ. Các sĩ quan hồi hưu và lính giải ngũ tình nguyện tái ngũ.

Chỉ là mới khởi đầu. Rồi cuộc chiến sẽ đi đến đâu?

Tôi chỉ mới 4 tuổi khi cuộc chiến ở Việt Nam chấm dứt. Tuy đọc nhiều sách báo về chiến tranh, đến bây giờ tận mắt chứng kiến thảm cảnh, tôi mới bàng hoàng cảm nhận phần nào sự tang thương mất mát ghê gớm của con người hủy diệt con người. Phải chăng đó cũng là tâm lý chung của đa số người Mỹ - một dân tộc an vui trong xứ sở hòa bình? Đồng bào tôi suốt một thế kỷ chinh chiến liên miên, hàng chục triệu gia đình mang khăn tang trên đầu. Phải chăng những thảm cảnh tương tự diễn ra hàng ngày?

Tôi thấy cái vô lý của đời sống.

Một buổi sáng đẹp trời, người ta lên máy bay chuẩn bị chuyến hành trình qua một thành phố khác, giở tờ báo ra đọc, nghĩ đến những gì sẽ làm, những nơi sẽ đến, những người sẽ gặp. Cũng cùng một buổi sáng đẹp trời, người người tấp nập đến sở làm, ly cà phê trên tay, bàn tán sôi nổi về thời tiết, về giải football sắp khai mạc, về những trận baseball cuối mùa đang hồi quyết liệt, về mùa cưới, về những chuyến du lịch. Thị trường chứng khoán Wall Street ồn ào mua bán trao đổi. Thành phố hào nhoáng trong nắng vàng rực rỡ.

Tất cả thay đổi hoàn toàn trong 18 phút.

Và New York, nước Mỹ cũng như thế giới không bao giờ còn như cũ."

Thu Thuyền, một nhà văn nữ trẻ, qua điện thoại cho biết từ bao lâu nay sống trên nước Mỹ, cô chưa bao giờ thấy nước Mỹ là quê hương của mình. Trong lòng cô Việt Nam vẫn là nỗi nhớ thương, lo lắng và xúc cảm. Nhưng bây giờ cô nhận ra cô yêu nước Mỹ và cô nói, đây mới là tổ quốc của cô. Cô khóc và đau xót cho những mất mát của tổ quốc mình. Và hôm nay lòng trùng xuống, cô nói: chỉ có trái tim vẫn còn quá nặng trong lồng ngực.

Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, Canada, viết: "Chia buồn với các bạn Việt Nam ở Mỹ. Chia buồn với nước Mỹ. Tôi (Nguyễn Đức Tùng) xin thêm: Đó là cái giá phải trả cho Tự do và cho chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ (và Bắc Mỹ)."

Nóng hơn cả là bài thơ của Xuyên Trà. Bài thơ đầu tiên nhận được chiều ngày 11 tháng Chín, từ Atlanta, qua email. Một bài thơ đầy ứ cảm xúc và phẫn nộ. Dưới tựa đề Ngày, Tháng Để Đời, ông viết:

11 . 9 . 2001
Ngày tháng để đời
Cho những ai
Muốn nhớ hay không muốn nhớ
Giờ phút kinh hoàng man rợ
Nỗi đau chung cho kẻ làm người
Vỡ ngang trời ngàn giọt máu tươi
Bao nhiêu thây vùi trong biển lửa

Ta biết chắc
Sẽ không còn nữa
Những giọng cười ngạ quỷ, bên kia
Từ tro tàn sẽ dựng thành bia
Ngày tháng để đời
Khắc trên mộ chí
Cái đau chung của đầu thế kỷ
Nhắc nhở người không có trái tim


Bài thơ trên đây chưa chắc là một bài thơ hay, nhưng tôi chắc đó là một trong số ít bài thơ Việt Nam được viết trong một biến cố dữ dội của đất nước mà mình đang sống.

Nhà văn Cổ Ngư, ở Paris, Pháp, qua email, cho biết vào khoảng 5 giờ chiều (giờ Paris), các đồng nghiệp của anh bắt đầu xôn xao với những tin nhận được từ internet và điện thoại về việc máy bay của khủng bố đâm xuống New York và Washington. Mọi người lo lắng. Và đến sáu giờ thì các phòng làm việc đều vắng tanh. Nhân viên bỏ sở về sớm hơn thường lệ... Trong lối vào métro, các cửa nhỏ đều mở toang, mọi người có thể ra vào mà không cần qua máy soát vé. Suốt buổi tối và đêm hôm sau, các đài truyền hình và truyền thanh Pháp liên tục phát hình ảnh tin tức từ Mỹ gửi về. Tổng thống Jacques Chirac và Thủ tướng Lionel Jospin đều lên tiếng chia buồn với dân tộc Mỹ, nhất trí cùng chính phủ Hoa Kỳ trong việc chống khủng bố, gay gắt lên án những kẻ bao che các tổ chức khủng bố đồng thời kêu gọi dân Pháp thậ? trọng, tránh gây hố sâu chia rẽ giữa các nước phương Tây và các dân tộc thuộc khối Ả Rập. Đài truyền thanh France-Inter truyền đi cuộ? phỏng vấn của một người Pháp thoát nạn trước khi hai cao ốc ở Wall Street sụp đổ. Ông nghẹn ngào khi nhắc đến những người lính cứu hỏa đã chạy ngược hướng với ông, về phía những cao ốc, và nhiều người trong số họ đã mất tích trong đống đổ nát.. Nước Pháp có 86 nhân viên thuộ? nhà băng Crédit Agricole ghi nhận mất tích. Nước Anh có khoảng 100 người làm việc trong hai cao ốc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới bị mất tích. Mặc dù từ trước tới nay, người Pháp vẫn chỉ trích và bài bác lối sống kiểu Mỹ, dân Pháp đã bày tỏ mối cảm thông và tình đoàn kết với dân Mỹ.

Những người cầm bút trẻ tuổi đã viết trên mạng như thế. Rồi đây trên những trang sách sắp tới của họ, liệu biến cố hãi hùng ngày 11 tháng Chín, 2001 sẽ ảnh hưởng ra sao?

Nhà văn Vũ Huy Quang, tác giả tập truyện Tân Liêu Trai cho rằng vụ tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác Đài sẽ là dịp tốt cho những người cầm bút đọc lại lịch sử - lịch sử là người Thầy vĩ đại nhất, ông nhấn mạnh. Ông muốn nói người cầm bút sẽ phải viết khác đi. Khác như thế nào là một vấn đề khác. Ông bảo cần phân biệt hai hạng người: mạt nhân và siêu nhân. Mạt nhân theo ông là những kẻ đang sống nhưng coi như đã chết rồi.

Tôi muốn trở lại cái bóng tối đang bay trên đầu chúng ta, đang bay trên mặt đất, đang bao phủ tận ngõ ngách tâm hồn những con người mà sự ghê tởm của nó còn làm ta lợm giọng hơn cả cảnh hoang tàn đổ nát của New York và Washington D.C. trong ngày thứ Ba 11 tháng Chín, 2001.

Có bao giờ bạn nhìn thấy trên bầu trời một đám mây đen khổng lồ bay ngang qua, mỗi lúc một tiến gần đến bạn và cả mặt đất nơi bạn đứng hoàn toàn chìm trong bóng đêm không?

Có bao giờ bạn bị một đám khói vĩ đại cuốn theo xi măng và sắt thép và...xác người đã thành tro bụi ùn ùn đuổi theo bạn trong một thành phố người người chen chúc nhau chạy trốn không?

Có bao giờ trong tâm hồn bạn bị một bóng tối như thế bao vây không?

Chúc bình an cho mọi người.**

Về Mai Chửng

Tôi không có cái hân hạnh quen biết Mai Chửng. Năm tôi làm ở nhật báo Người Việt, một lần gặp nhà thơ Phù Hư, tôi hỏi anh đi đâu mà lâu quá không gặp. Phù Hư bảo đi Hawaii, làm nghề lái taxi. Tôi không tin. Phù Hư người gầy yếu, xanh xao. Sức khỏe như thế làm sao lái nổi taxi. Anh cười, xe nó chở chứ tôi có chở đâu mà cần sức khỏe. Nhưng anh nói thêm: Tôi bỏ rồi, cũng mệt lắm chứ không giỡn đâu. "Này ở trong ngành taxi có nhiều người quen ông lắm đó." Tôi hỏi ai, anh kể vài người và anh nhắc đến Mai Chửng với những lời quý mến và trân trọng. Tôi nói tôi biết tiếng anh Mai Chửng, nhưng tôi không thân với anh ấy. Hồi ở Sài Gòn tôi cứ đàn đúm với đám nhà văn nhà báo hơn là các bạn chơi màu sắc. Phù Hư nói vậy bây giờ ông có dịp thì nên đi chơi với ông ấy đi. "Một người dễ thương cách gì!"

Sau này, cũng gần đây thôi, chị Q.H. một người bạn thân của chúng tôi nhắc tôi viết gì về Mai Chửng, anh ấy sắp có cuộc triển lãm. Tôi lấy điện thoại, gọi anh mấy lần, nhưng đều không được gặp. Cho đến ngày anh về Việt Nam triển lãm chung với các họa sĩ khác.

Khi tôi muốn liên lạc lại với anh để viết về những tác phẩm mới của anh thì nghe tin anh mất.

Ở Sài Gòn trong chuyến về thăm mộ cha tôi, thầy tôi, mẹ tôi và anh tôi, tôi có dịp gặp Trịnh Cung và anh Văn Quang. Mấy người quen cũ đều nhắc Mai Chửng mới về đây nhưng hôm khai mạc phòng triển lãm tranh tượng của những nghệ sĩ Sài Gòn cũ, anh bị bệnh nên không có mặt. Sau đó anh trở lại Mỹ và anh ra đi vào ngày 1 tháng Chín vừa qua.

Từ Việt Nam, Trịnh Cung và Văn Quang viết bài về Mai Chửng. Cả hai bài viết đều rất cảm động. Bài của Đinh Cường trong số Văn kỳ này cũng chứa chan một tình cảm tốt đẹp với con người tài hoa cùng thời. Nhưng ở đây tôi muốn xin trích một đoạn trong bài viết của một nhà điêu khắc - ông Nguyễn Văn Nam viết về ông thầy của mình .

".... tôi đã học ở ông rất nhiều về nhân cách của ông (điều này đã chứng minh trong quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội), về cách làm việc, ý hướng sáng tác, đến chuyên môn trong kỹ thuật điêu khắc."Tôi làm điêu khắc như khi rỗi rảnh mang chiếc xe đạp ra sửa lại." "Tôi làm tượng rất đơn giản chỉ cần đất sét, một cây đập đất, một con dao làm bếp, đơn giản thế thôi! (vế trên tôi đọc được trong một vựng tập của hội họa sĩ trẻ Sài Gòn, vế sau là khi gặp ông sau này khi ông về VN thăm.)

Cái chính là ý tưởng trong sáng tác, rồi sau đó mới đến những trãi nghiệm về nghề." Lời ông nói như một thiền sư."

Mai Chửng xin vĩnh biệt anh.

Hợp Lưu thập nhị chu niên

Không ngờ Hợp Lưu mới đó mà đã 12 năm. Nhớ ngày nào trong căn nhà nhỏ chật chội ở thành phố Garden Grove, cả bọn chúng tôi ngồi nghe kể chuyện "chàng" Khánh Trường làm tờ Hợp Lưu bị đấm đá tưng bừng. Nhưng đấm đá thì đấm đá, "chàng" cứ ngó đàng trước mà đi. Mà đi như vậy đã hơn 4,000 ngày. Hợp Lưu số 62 tới đây của "chàng" sẽ là số Xuân Nhâm Ngọ? đồng thời cũng sẽ là số kỷ niệm Hợp Lưu tròn 12 tuổi. Nghe đâu sẽ có một chương trình họp mặt vĩ đại lắm vào ngày 8 tháng Mười Hai, 2001 tại Trung tâm Văn hóa Nguyễn Bá Học, 4072, Chesnut thành phố Westminster cùng với 40 tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Khánh Trường.

Khánh Trường bảo, đó là một buổi họp mặt mang chủ đề Hợp Lưu với văn hữu & độc giả. Không những "chàng" triển lãm tranh mà "chàng" còn có phần ca nhạc thính phòng trong buổi khai mạc. "Chàng" nói phòng tranh sẽ kéo dài một tuần lễ, và sau đó sẽ bán với giá thật thân hữu, nghĩa là từ 400 đến 600 Mỹ Kim "nhằm tích vốn nuôi dưỡng Hợp Lưu cho năm tới."

Làm chủ bút một tạp chí văn chương mà lại còn là một họa sĩ nữa, Khánh Trường thật không thua ai. Nghe đâu ông Nguyễn Xuân Hoàng đang gạ "chàng" Khánh Trường dạy cho cách pha màu. Ông ta cười bí mật: Biết đâu!!!!!!!!!! ?

NGUYỄN XUÂN HOÀNG