Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - EM BÉ ĐỨNG CHỜ XE Ở NGÃ TƯ

26 Tháng Sáu 201410:41 CH(Xem: 2880)
Nguyễn-Xuân Hoàng - EM BÉ ĐỨNG CHỜ XE Ở NGÃ TƯ

EM BÉ ĐỨNG CHỜ XE Ở NGÃ TƯ



blank


Mấy tháng sau cùng của năm học, sáng nào chở con tới trường tôi cũng nhìn thấy một bé gái đứng chờ xe ở ngã tư đường Washington và Oregon, thành phố Milpitas. Em chừng 13, 14 tuổi, da nâu, tóc đen, ngắn, khô và hơi xơ xác, quần áo của em như những đứa trẻ cùng lứa giống nhau, đơn sơ giản dị. Em gầy ốm, mắt nhỏ, sóng mũi thấp. Rõ ràng em có khuôn mặt của người Á châu. Nhưng tôi không rõ em là người Nhật hay người Hoa, người Đại Hàn hay người Thái Lan. Em cũng có thể là người Phi Luật Tân. Mà sao không phải là người Việt? Milpitas nhiều người gốc Á hơn là dân bản xứ. Đông nhất là dân Phi, Nhật và Ấn. Người Việt cũng đông, nhưng tôi không nghĩ là đông hơn ba sắc dân kia. Vậy mà đi đâu, nhìn đâu tôi cũng thấy người Việt. Mười ba năm ở Quận Cam, tôi bơi lội giữa người Việt. Nói năng đi đứng, suy nghĩ như một người đang sống ở Sài Gòn. Quán cà phê, tiệm ăn, nhà sách, tiệm chạp phô, quần áo, âm thanh, mùi vị,... chỗ nào cũng là Việt Nam. Sài Gòn trên mỗi bước chân. Trong từng hơi thở. Quận Cam không ai quá nghèo, cũng không ai quá giàu. Là tôi nghĩ thế. Cũng có thân tình và lạnh nhạt. Cũng có đố kỵ và tử tế. Cũng có đen và trắng. Cũng có bọn giả hình và người chân thật. Đâu mà chẳng vậy. Nhưng tôi biết những ngày buồn tôi sẽ đi đâu. Đến nhà một người bạn nào tôi sẽ được uống một tách trà, nghe những câu chuyện đáng nghe. Đến quán cà phê hay tiệm ăn nào tôi sẽ gặp được người tôi muốn gặp. Tôi thật là một người may mắn. Nhiều người ở tiểu bang khác đến chơi bảo tôi, tới Bolsa thăm bạn bè ở vài ngày thì được, chứ ở lại thì không bao giờ. Tôi hỏi tại sao? Người ta bảo: Bolsa bon chen quá. Người ở đó một là vái nhau hai là đổ rác vào đầu cổ nhau. Không thích.

Tôi đồng ý, nhưng tôi cũng nghĩ đâu mà chẳng thế. Bọn tưởng là quý tộc còn tệ hơn. Cái thế giới trưởng giả giàu sang có những quy luật của nó. Tôi không quen. Rồi tôi dọn lên San Jose, Bắc Cali. Vậy mà cũng đã gần ba năm. Nơi tôi làm việc có khoảng 1,500 người. Số nhân viên người Việt chừng hai chục. Tôi thấy có cả những người gốc Á khác: người Hoa, người Phi, người Nhật và người Ấn. Nhưng cũng chỉ là một tỉ lệ nhỏ thôi. Chúng tôi gặp nhau trên hành lang, chào hỏi nhau buổi sáng, buổi chiều, cuối tuần đầu tuần. Tôi đã học được cách cười, cách nói cách nghĩ trong một khung cảnh mới. Những người trẻ Việt nói tiếng bản xứ trôi chảy. Những người lớn tuổi nói tiếng Việt dễ dàng. Công việc của tôi cũng thường. Không có gì khó, cũng không hẳn là dễ. Chỉ là nghề nghiệp. Một thói quen mới làm dần, học dần, trở thành cái máy. Thì cũng là những người tốt và người xấu,. Những người chơi được và những người chơi không được. Cũng có bọn giả hình. Cũng có người lương thiện. Đâu mà chẳng thế!


Thung lũng điện tử nhiều người giàu, nhưng thành phố Milpitas, khu tôi ở, không ai giàu như nhiều người ở xa vẫn nghĩ. Thê thảm hơn là gần nửa năm nay, thung lũng không vui, nhiều người mất việc, nhiều cửa tiệm ăn uống không còn cảnh xếp hàng rồng rắn như trước. Nhà treo bảng bán suốt mấy tuần vẫn còn nguyên. Trước kia người ta hay nói pay-off bây giờ người ta chỉ nói lay-off. Trước người ta nói "anh có biết mỗi ngày thung lũng có thêm mấy nhà triệu phú không", bây giờ người ta nói mỗi ngày có bao nhiêu người dọn nhà ra khỏi thành phố. Trước kia người ta nói tên những hiệu xe đắt tiền và những ngôi nhà trên núi. Bây giờ người ta đi mua xe cũ và bán nhà.


Tôi vẫn chưa khám phá ra vẻ đẹp của vùng đất này. Tôi chỉ nhìn thấy những dãy núi buổi chiều vàng óng một phía mặt trời. Tôi chỉ thấy những xa lộ không lớn lắm , bảng chỉ đường rắc rối và những lối ra lối vào hơi nguy hiểm. Tôi cũng đã chạm vào những người tưởng là mình vĩ đại nhưng thực chất cũng chỉ là những kẻ tầm thường. Cũng xoàng thôi. Thật không may cho tôi, sao tôi cứ gặp mãi những khuôn mặt rất ít nụ cười! Và em bé đứng đợi xe ở ngã tư đường làm tôi nghĩ ngợi. Mỗi sáng của năm ngày trong tuần, tôi luôn nhìn thấy em. Có phải ba của em vừa mất việc? Hay ba mẹ em sạt nghiệp vì stock? Có phải gia đình em gặp tai nạn. Tôi nghĩ là nhà em nghèo? Một người Phi Luật Tân nghèo. Tôi đã ở đảo Bataan bên Phi tám tháng. Tôi không biết người Phi nghèo ở Manila ra sao, nhưng tôi biết người Phi ở Bataan nghèo hơn những người tị nạn. Những người tị nạn vốn đã đồng nghĩa với sự "khố rách áo ôm", người Phi ở Bataan còn khố rách áo ôm hơn. Những người bán hột vịt lộn rong buổi tối đi len qua cửa sau của những căn trại của người tị nạn rao hàng giọng buồn thảm, những người bán rượu lậu trong những căn nhà lợp lá cây xác xơ. Những người Phi hiền lành chân chất và tử tế. Tôi thấy mình gần gũi với họ hơn là những con người lúc nào cũng sắc mắc về một cái cà vạt, một bộ quần áo đúng kiểu. Tôi là một người nhà quê. Cái thứ người tưởng là thành phố mà trời ơi sao nó cải lương đồng bóng [nói như thế là đã xâm phạm cải lương rồi!]. Tôi càng không phải và không bao giờ là một nhà trí thức. Mấy ngày nay tôi có tình cờ đọc được một đôi bài bàn về trí thức. Có bài đàng hoàng, nặng về học thuật. Có bài biểu lộ sự khoa bảng và sự đọc, nhưng cũng có bài nói như một chị đứng giữa chợ Đồng Xuân vén váy lên mà rủa sả vào mặt người khác. Tôi có học đôi ba chữ để đọc để viết. Mẹ tôi không học chữ nhiều. Cha tôi chỉ học ở đời sống. Tôi học được lòng nhân của mẹ. Tôi cũng học được cái triết lý của cha: không có gì lớn mà không bị một cái lớn vượt qua, không có gì đẹp mà không bị cái đẹp khác lấn át. Cái mình biết bao giờ cũng rất nhỏ. Cái mình tưởng là chân lý, đôi khi chỉ là một hạt bụi thôi. Cái bọn dởm cứ điệu đàng nhờ có đôi chút kiến thức sách vở tưởng rằng mặt trời đang ở trong tay. Tội nghiệp! Một lời nói nặng bị dọng vào tai, nghe không khỏi bực mình nhưng bài học cho biết phải quên đi ngay sau đó, để cái khoảng trống trong lỗ tai chứa những lời tử tế. Một chữ viết sai làm ta khó chịu rồi cũng phải để qua một bên còn lo viết cho đúng những chữ sắp tới. Hiền lành không bao giờ đồng nghĩa với sự ngu dốt. Làm thinh không phải là không biết nói. Bất bạo động không phải là không có khả năng tấn công. Tôi biết thế nào là một đứa trẻ bụi đời. Tôi từng là một đứa trẻ như thế.


Tôi nhớ tới em bé đứng chờ xe ở ngã tư đường. Những hôm trời nắng hay trời mưa, trời có sương mù lạnh hay trời trong và ấm, em đứng đó, chiếc cặp trên vai, yên lặng nhìn những chiếc xe đi qua. Xe tôi thường hay ngừng chỗ ngã tư, nhường xe đến trước đi trước. Tôi thấy em có đôi mắt buồn. Quá buồn. Da mặt em tái xanh. Có vẻ như em không còn mẹ. Bà mẹ nào mà chẳng lo cho con? Sao bà nỡ để cho em tóc tai như thế, quần áo em như thế? Khi bỏ con tôi xuống gần cổng trường, tôi đi tiếp chiều xe chạy đến sở làm chứ không quay về lối cũ. Tôi không biết em đi ngã nào? Nếu đi học, tôi nghĩ em chỉ cần đi vài "lốc" đường là đến. Ở khu đó có ba cấp trường: tiểu học, cấp hai và cả cấp ba. Vậy thì em chờ xe đi đâu? Ba em đâu? Mẹ em đâu? Trong chiếc cặp quàng vai của em có chứa sách vở không? Hay là thứ gì khác? Thứ gì khác? Tôi không nghĩ ra một đứa bé gái bằng tuổi em ở Mỹ mà không đến trường thì đi đâu? Nhiều bữa, hình ảnh em theo đuổi tôi suốt dọc đường đến sở làm. Tôi nghĩ đến con tôi. Nghĩ đến cái tuổi 14, 16 đẹp đẽ của nó và tôi bỗng nhận ra tất cả tình yêu mà tôi dành cho nó là một sự hiến dâng xót xa đầy thất vọng.


Hơn hai tuần nay, tôi không còn đi lại mỗi buổi sáng trên con đường đó nữa. Nhà trường đã nghỉ hè. Nhưng hình ảnh em bỗng hiện ra trong trí tôi sáng nay. Tôi đi ngược đường đến sở làm. Tôi muốn trở lại ngã tư Washington và Oregon. Mặc dù hôm qua trời nắng gắt cháy da, sáng nay trời bỗng mưa. Mưa không to nhưng khá lạnh. Tôi tấp xe vào một khu chợ gần đó, đi lững thững dọc theo con đường đến trạm chờ xe. Trạm đợi xe vắng, không thấy bóng em. Tôi nhớ đôi mắt buồn của em., nhớ cái dáng điệu thỉnh thoảng em xốc lên có lẽ vì chiếc cặp trên vai khá nặng trên đôi vai quá gầy của em. Tôi tự hỏi tôi tìm kiếm gì? Tôi sẽ nói gì khi gặp em? Và liệu em có muốn trả lời những câu vớ vẩn của tôi? Đứa con gái nhỏ của tôi mấy hôm nay đã bắt đầu đi làm mùa hè ở một tiệm trợt pa-tin trong thương xá của thành phố. Nó tìm cách chứng minh là nó có khả năng lao động, nhưng nó chưa biết giá trị mà nó thu nhập được từ mồ hôi của nó. Nó chưa biết giá trị của tình yêu mà tôi cho nó. Tôi không hiểu con tôi và có lẽ nó cũng chẳng cần hiểu tôi. Như tôi không hiểu thế nào là mùa hè ở Mỹ.


Tôi nhớ có nghe một ca khúc trong nước phổ từ bài thơ của Đỗ Trung Quân. Một bài thơ nói về mùa hè, chùm phượng vĩ, tuổi mười tám, cậu học trò ngu ngơ trước tình yêu mới lớn:


Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở ngây thơ thầm lặng mối tình đầu...

Ca khúc ấy tôi nghĩ rất hợp với Việt Nam, hợp với khí hậu thời tiết con người văn hóa Việt Nam. Ca khúc ấy hát lên ở đây , trên một nước Mỹ lạnh lẽo này sao mà xa lạ và lạc lõng. Nước Mỹ to lớn đang thiếu một cái gì đó để làm thành mùa hè cho những cô cậu học trò. Nước Mỹ đã mất ngây thơ ngay tại sân trường và lớp học. Không biết liệu mùa học tới, khi chở con đến trường, tôi có còn gặp lại em không?


Người Bạn Thân Cũ, Mùa Hè


Suốt một tháng nay tôi bồi hồi vì được nối lại liên lạc với một người bạn thân cũ. Tôi không biết chúng tôi bặt tin nhau đã bao nhiêu năm, nhưng nếu lấy tháng Tư 1975 làm mốc thì chúng tôi xa nhau có đến 40 năm hơn. Hồi đó chúng tôi còn ở tuổi thiếu niên. Thành phố Nha trang với những ngôi trường đầy những cây phượng vĩ, tiếng ve kêu râm ran chào đón mùa hè, và biển xanh, những cây dừa, những lùm dương, cát và gió, và một bầu trời không mây.


Bạn tôi là một thiếu niên không chỉ đẹp trai mà còn học giỏi. Toán và sinh ngữ anh luôn đứng đầu lớp. Anh có nước da màu nâu như cô bé đón xe ở ngã tư Washington và Oregon. Và anh có mái tóc rất đẹp, vàng mịn và xoăn. Mà anh đẹp là phải. Anh rất giống mẹ anh. Người mẹ mà anh vẫn gọi là Dì. Bà giống như một phụ nữ Tây phương hơn là Á đông. Ít nói nhưng dịu dàng, nghiêm mà bao dung. Bà là chủ một tiệm ăn, khá sang, ít chỗ ngồi nhưng toàn khách chọn lọc. Thỉnh thoảng tới thăm bạn, tôi luôn luôn được Dì cho ăn, không phải như một người khách mà như một đứa con. Và tôi đã ăn theo kiểu "ăn cho bõ những ngày cơ cực" như cách nói của Bùi Bảo Trúc. Cái làm cho Dì ít giống như Tây phương nhất đó là Dì hút thuốc lá cẩm lệ như những phụ nữ Huế.


Hơn 40 năm tôi chưa gặp lại bạn, cho nên hình ảnh bạn còn trong trí nhớ tôi là một Tôn Thất L. thời Trung Học. Một thời với Đoàn Lân, Trần Lâm Cao, Lê Văn Quyền, Thái Hồng Ngọc, Vĩnh Tiễn, Lê Quang An, Võ Văn Trưng, Dương Đức Quảng, Sao Trên Rừng-Nguyễn Đức Sơn, Duy Năng- Nguyễn Văn Trí, Hoàng Thị Ngọc Táo, Nguyễn Thị Hoàng, Tôn Nữ Nha Trang, Cao Hoành Nhân, và các bà chị xinh đẹp hoa khôi một thời thuở đó như Túy Hoa, Tôn Nữ Dạ Khê, Như Phú, Bích Hường Bích Ngôâ... Thành phố biển. Và những mối tình của tôi: Bích, Bạch Mai, Bouquet Odette. Mãi về sau này, khi đọc Métisse Blanche tôi mới biết tác giả Kim Lefèvre chính là Lâm Kim Yến, một trong mấy bà chị xinh đẹp của thành phố mà mối tình của chị (cũng như mối tình của Nguyễn Thị Hoàng trước khi viết Vòng Tay Học Trò) đã làm sóng biển Nha Trang trở thành bão tố. Dù sao thuở đó, tôi vẫn thấy Dì tôi là người đàn bà đẹp nhất. L. nói Dì không ở Montréal mà ở với một người con khác bên Mỹ. Tôi gọi dây nói thăm Dì. Tôi nói với Dì là "con đã già", Dì bảo Dì cũng không còn khỏe như ngày xưa. Dì đọc kinh và niệm Phật suốt ngày. Dì gọi tôi là "anh" như Dì vẫn gọi con trai của Dì, bạn L. của tôi là "anh" khi chúng tôi còn nhỏ.


40 năm sau, tôi chỉ gặp lại L. bằng điện thoại. Tôi vẫn chưa nhìn tận mặt anh. Chúng tôi biết là chúng tôi đã già. Mùa hè năm Đệ Nhị, sau khi lấy được cái Tú Tài I, chúng tôi chia tay nhau. Cả hai chúng tôi đều vào Sài Gòn và điều kỳ lạ là chúng tôi lạc nhau trong cái thành phố Sài Gòn nhỏ bé kia. L . vào Quốc gia Hành chánh. Mấy năm sau tôi nhận được cái bưu thiếp từ Tokyo, L. viết mấy dòng ngắn về nơi anh đến. Và đó có lẽ là những dòng chữ duy nhất mà chúng tôi trao đổi với nhau trong suốt 40 năm.


Mùa hè, năm lên Đệ nhị, chúng tôi bắt đầu chơi boxing và nói chuyện sẽ đi Sài Gòn học. Tôi muốn làm một người có thể chịu đựng những cú đấm, vì ngày nào đi tắm biển cũng bị những thằng to con đuổi đánh. Tôi muốn có sức chịu đựng của những thỏi thép. Tôi đã làm được điều đó và không lâu, khi cha tôi biết tôi chơi quyền Anh, ông bảo quả đấm của mày thì làm được gì. Liệu mày có đủ sức đấm trả Huỳnh Tiền không? [một tay võ sĩ lừng danh thuở đó]. Tôi hỏi, vậy con phải làm sao. Mày chơi súng đi! Tôi đã ăn cắp khẩu súng của anh tôi, khi anh từ Ban Mê Thuột trở về thăm gia đình. Khẩu súng ngắn Beretta rất đẹp, gọn và nhẹ, như một đồ chơi và tôi đã có dịp sử dụng nó trong một buổi tối ở biển. Viên đạn bắn trượt không giết chết ai, nhưng quả thật nó đã cứu tôi khỏi những thằng lục lâm ở biển. Mấy ngày sau cha tôi hỏi súng làm được gì? Tôi nói mấy thằng lâu la ở biển hết dám đụng con. Cha tôi cười, súng ống thì nhằm nhò gì! Có thứ còn hơn súng nữa kia. Tôi hỏi thứ gì? Cha cười "cái đầu của mày. Đi học đi, cái đầu còn hơn cái súng." Tôi trả cây Beretta lại cho anh tôi, tôi không chơi boxing nữa. Tôi chơi trò chơi văn chương. Qua đường dây viễn liên L. hỏi tôi tại sao viết văn? Viết hồi nào vậy? Tôi có đọc đâu đó những bài của ông, nhưng tôi cứ muốn hỏi tại sao? Hồi tụi mình chơi với nhau, ông đâu có thích chuyện này, phải không?


L. gửi cho tôi ba cuốn sách của Thích Nữ Trí Hải trong đó có hai cuốn dịch của W. Rahula (Phật Dạy Những Gì - Con Đường Thoát Khổ với Lời Tựa của Hòa Thượng Thích Minh Châu, 1966) và cuốn của Geshe Kelsang Gyatso (Phật Giáo Truyền Thống Đại Thừa). Tôi dừng lại ở cuốn Lấp Lánh Sao Trời. Cuốn sách mỏng hơn 100 trang gồm những bài viết ngắn, gọn súc tích. Tôi đã đạc rất nhiều lần bài thứ 27: Sống Chết Và Thời Gian của Thích Nữ Trí Hải. Tôi đọc trước hết vì sách do L. gửi cho tôi. Và tôi đọc nhiều lần bài viết ngắn này vì nó trả lời tôi những câu hỏi tôi đi tìm.


"..........đời sống chúng ta quả không khác gì một đốm lửa nhỏ chợt lóe lên trong đêm tối mênh mông rồi vụt tắt. Trước ta và sau ta là những gì, ta hoàn toàn mù tịt:


Tiền tế vô cùng

Hậu tế ninh khắc
Đường trước mênh mang
Nẻo sau nào biết
(Qui sơn cảnh cách)


Ấy thế mà, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của đốm sáng nổi (lên) giữa biển tối bao la đó, mấy ai đã tận dụng đời sống của mình một cách vẹn toàn hạnh phúc? Chúng ta hay than cuộc đời ngắn, nhưng nếu dài hơn ta sẽ làm gì? Làm gì nếu không phải là tiếp tục thở than và bất mãn? Càng theo đuổi những dục vọng, ta càng thêm khát khao, càng thấy không bao giờ đủ. Đã đành là có những ý dục thanh cao hơn vật dục, như lòng ham muốn hiểu biết chẳng hạn, nhưng phải chăng đó cũng là đau khổ trá hình, còn vi tế sâu xa hơn cả lòng ham vật dục? Bởi vì cái hữu hình, vật chất, dù sao vẫn có hạn, chứ cái vô hình - hiểu biết - thì thật vô cùng. Do đó con người càng nhiều tri thức càng lắm khổ đau, vì sống chưa chắc được đến trăm năm mà cứ toan tính những kế hoạch ngàn năm thì chỉ luống công nhọc sức."


Thích Nữ Trí Hải viết: "Đức Phật chỉ thẳng nguyên nhân của mọi nỗi khổ và khuyên ta trở về tìm ngay trong thân tâm này, xem cái gì là cái ta chủ chốt của mọi sự sống chết, ham muốn, yêu ghét, quan niệm, khổ vui, hiểu biết.... ấy. Tìm cho ra cái ta ấy đã, rồi hẳn xét đến những cái phụ thuộc vào nó như vui khổ, trí ngu, sống chết, nắn dài. Nếu tìm không có cái ta nào cả, thì những thuộc tính kia, do cái ta mà có, đương nhiên vô nghĩa, như sừng thỏ, lông rùa, hiện hữu còn không có, huống nữa là có ngắn có dài. Đức Phật dạy: "Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không phải của ngươi, ngươi nên từ bỏ." Ở đây hành chính là những quan niệm, ký ức, tư tưởng, ước muốn âm thầm hoặc lộ liễu trong ta, cái ý thức sai lầm về một cái tôi và về tương tục tính mà kinh Kim Cương gọi là thọ giả tướng (cái tôi trên phương diện thời gian). Chỉ khi nào con người hiểu rõ cơ cấu cái ta, chủ tể của sự sống chết, khi ấy họa may mới hiểu được sống chết là gì,và khi ấy có thể sẽ không còn chuyện tham sống ghét chết, phát sinh do mù tịt về thời gian, về sống chết và cái ta." Cám ơn bạn. Mùa hè đã trở lại. Bốn mươi năm có là bao. Già thì đã sao. Vấn đề là những năm tháng ấy bạn có hạnh phúc không? Bạn thấy chưa, tôi đã đọc cuốn sách bạn gửi. Tôi đã tìm được một cách lý giải đời sống. Liệu tôi có đủ khả năng nắm bắt được điều đó không? Tôi biết cái ta có gì đâu. Tại sao cứ nghĩ tưởng cái ta của mình là lớn lắm, lớn đến nỗi sân si cả một chữ vô tình, một lời không hàm ý? Nhưng tình yêu thì sao? Có phải là thọ giả tướng không?


Nhớ một tiếng nói, tương tư một khuôn mặt, thèm một đôi môi, quen một mùi hương của da thịt, ....có phải là thọ giả tướng không?


Cơn Gió Sau Một Cái Chết


Sau cái chết là gì? Là không gì hết. Có chăng là những ngọn gió. Ngọn gió thổi những lời bay đi. Ngọn gió thổi trả những lời trở lại. Cây cải về trời, rau răm ở lại. Tất nhiên cây cải rau răm ở đây không cùng nội dung với câu ca dao. Nhưng dù sao thì cũng là cây cải, rau răm. Trịnh Cung đã nói về Trịnh Công Sơn sau cái chết của người nhạc sĩ tài hoa. Hoàng Phủ Ngọc Tường được nhắc tới.


Trịnh Cung nói vào thời điểm 1975, Trịnh Công Sơn phải làm kiểm điểm nộp cho Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tường không bằng lòng và ra lệnh cho Trịnh Công Sơn phải đi học tập cải tạo. Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thư thanh minh nói "Đây là chuyện hoàn toàn bịa đặt." Và Trịnh Công Sơn cũng như nhiều người khác, kể cả công nhân viên nhà nước, đã đi "thâm nhập thực tế" làm "nghĩa vụ lao động theo xã hội chủ nghĩa" theo danh từ hồi đó." Ông cũng cho biết ông là người viết văn làm báo, suốt đời chưa bao giờ có chút quyền hành gì, thì làm sao ra lệnh được cho ai?" Ông cũng cho biết "không hề có việc Trịnh Công Sơn phản ứng lạnh nhạt với ông, bằng cách đóng cửa không thèm tiếp ông trong một thời gian dài, bằng chứng là Trịnh CôngSơn đã nhờ ông đề tựa tập nhạc Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên." Người ta biết cả hai ông Trịnh Cung và Hoàng Phủ Ngọc Tường đều là bạn thân của Trịnh Công Sơn.


Nguyễn Xuân Hoàng