Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - HÀ NỘI, NĂM TÔI 16 TUỔI

Thursday, June 26, 20144:31 PM(View: 2759)
Nguyễn-Xuân Hoàng - HÀ NỘI, NĂM TÔI 16 TUỔI



HÀ NỘI, NĂM TÔI 16 TUỔI


blank


Chắc bạn sẽ nghĩ rằng tôi là người Hà Nội và tôi đang viết về những ngày tôi mười sáu tuổi ở Hà Nội? Không phải. Tôi không phải là người Hà Nội. Tôi chưa bao giờ là người Hà Nội. Tôi chỉ muốn nói Hà Nội đã để lại trong tôi vết thương “ngọt ngào” năm tôi vừa mười sáu tuổi.

Hồi đó tôi học lớp đệ tam trường trung học công lập Nhatrang. Cha mẹ tôi ở một làng quê, xa thành phố. Tôi sống nhờ nhà một người chú, nhưng gia đình chú thiếm tôi đông con, có thêm tôi trong nhà là thêm một miệng ăn. Do đó, tôi không ở nơi nào cố định. Trong một niên học, đôi khi tôi phải ở qua nhiều nhà. Khi thì ở nhà ông chú, khi thì ở nhà bà cô. Có thời gian không biết nương tựa vào đâu, tôi chạy theo Tôn, một người bạn cùng lớp. Tôn đưa tôi đến sống trong nhà mình. Dì của Tôn thương con, nên nhận tôi cho tôi ở như con. (Chính ra Tôn phải gọi Dì là mẹ mới phải vì bà là người sanh ra Tôn, nhưng tôi không hiểu tại sao Tôn gọi mẹ là Dì.) Bà chia xẻ cho tôi tất cả những gì bà dành cho Tôn: từ những đồng bạc quà sáng, sự chăm sóc trìu mến hơn cả thuốc men khi tôi bị ốm đau và hơn tất cả những thứ đó, tình thương của một bà mẹ và đứa con xa lạ từ đâu lạc vào nhà bà.

Nhà Tôn ở ngay mặt đường Hoàng Tử Cảnh. Chiếm trọn hai gian. Một gian làm quán ăn và một gian dùng để ở. Những sĩ quan, sinh viên sĩ quan, khóa sinh thuộc các binh chủng Không Quân, Hải Quân, Biệt Kích, Biệt Động …đang trấn đóng hay thụ huấn tại đây vẫn thường tới lui ăn uống ở quán của Dì. Có nhiều lý do để tôi nghĩ rằng họ thích cái quán này. Thứ nhất là vì nhà hàng tiếp đãi lịch sự và thức ăn đặc biệt ngon hơn các tiệm khác trong thành phố. Thứ hai nữa, theo tôi có lẽ là vì quán còn có Vân, một thiếu nữ Bắc kỳ, xinh đẹp, sắc sảo, và quyến rũ.

Không biết chị Vân quen Dì trong hoàn cảnh nào, chỉ biết một hôm đi học về Dì gọi Tôn và tôi qua nhà hàng ăn giới thiệu chị với chúng tôi và nói từ nay tiệm mình đã có người quản lý. Dì nói, chị Vân là người Hà Nội, và di cư vào Nam một mình từ hai năm nay. Chị sẽ tạm thời thay Dì lo tiệm ăn, vì Dì có nhiều việc phải làm. Vân trở thành thỏi nam châm của nhà hàng, nếu không muốn nói là thỏi nam châm của cả thành phố. Quán mỗi ngày một đông khách. Các sĩ quan và thanh niên trong cái thị trấn miền biển này là những mảnh sắt vụn nằm trong từ trường của chị.

Những tối, khi khách ăn đã về hết, quán đóng cửa, tôi và Tôn thường mang sách vở sang học bài ở một bàn ăn. Chị Vân đôi khi đến ngồi với chúng tôi. Chị thường kể chuyện Hà Nội của chị cho chúng tôi nghe. Chị kêu chị nhớ quay quắt Hà Nội, nhớ từng gốc cây phượng vĩ nghiêng đầu xuống mặt đường Quan Thánh, nhớ tiếng chuông tàu điện leng keng qua vườn hoa Hàng Đậu, nhớ cái màn sương trắng đục phủ kín chân cầu Long Biên, nhớ cái mặt đồng hồ lớn trên nóc ga Hàng Cỏ..., nhớ người anh trai đã ở lại ngoài đó không biết bây giờ sống chết ra sao, nhớ người cha đã biệt tích từ lâu không tin tức, nhớ khuôn mặt của mẹ lần cuối cùng xanh xao, khi người ta liệm bà trong quan tài.

Và hơn tất cả những nổi nhớ nhung đó là tình yêu của chị dành cho anh Thạc. Chị nhắc mãi tên anh Thạc, người đã hẹn thề cùng chị dắt nhau vào Nam. Thế nhưng, trong cuộc di cư hỗn loạn, chị và anh đã thất lạc nhau. Năm 1954, khi vừa đặt chân xuống Nha trang cùng với đoàn người di cư, chị tìm anh khắp nơi nhưng không thấy anh đâu. Chị nói gần hai năm nay chị không được một tin tức gì về anh. Có người nói anh vẫn còn ở Hà Nội. Cũng có người nói anh hiện đang ở Sài Gòn. Có người nói anh đã vào lính. Nhưng cũng có tin đồn là anh đã chết. Chị Vân không tin chuyện anh Thạc chết. Chị nói: “Không, anh Thạc không bao giờ chết. Anh ấy vẫn còn sống.” Hình như càng buồn chị Vân càng đẹp. Tôi thấy được nỗi khắc khoải của chị, nhưng tôi không biết làm sao an ủi chị. Những tối tôi mang sách qua tiệm ăn nói là học bài, nhưng thật ra chỉ là để nhìn chị. Tôi kể cho chị nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, những câu chuyện cười trong lớp, những trò quấy phá mà lũ bạn của tôi đã gây ra cho nhà trường và các giám thị. Nhưng tôi biết mình vụng về và giọng nói ngắn ngủn cộc cằn của tôi đã không làm bay đi được chút bụi phấn buồn bã nào trên mặt chị. Tôi không bao giờ thấy chị cười.

Hồi đó tôi không hiểu tại sao mình cần chị đến thế. Tôi muốn mỗi ngày phải được nhìn thấy chị. Tôi không muốn xa chị. Tôi sợ phải xa chị. Những buổi học của tôi từ khi có mặt của chị Vân bỗng như dài ra, trong khi những giây phút ngồi bên chị thì thời gian sao mà cứ ngắn lại. Tôi là học sinh khá toán nhưng điểm toán của tôi bắt đầu xuống dốc thảm hại. Nhà trường gửi giấy báo về cho gia đình và mẹ tôi vội vã biên thư cho chú tôi, nhờ ông nhắc nhở chuyện học hành của tôi.

Nhưng tôi làm gì được? Tôi chìm trong một cơn mê không tên. Nhiều lúc, tôi trốn học, xuống biển, nằm trên cát, ngửa mặt nhìn trời và tự hỏi thế giới này có trái tim ai như trái tim tôi, luôn đập một nhịp bất thường kỳ lạ…Tôi nộp đơn vào lính, nhưng 16 tuổi, đơn xin nhập ngũ của tôi bị từ chối. Tôi muốn vào binh chủng Không quân. Tưởng tượng mình là phi công, bay trên trời cao. Tôi cũng muốn vào binh chủng Hải Quân, suốt đời trên biển cả. Cuộc sống tôi hoàn toàn xáo trộn từ khi chị Vân có mặt trong đời tôi. Khuôn mặt chị, đôi mắt chị, mái tóc chị, bàn tay chị,… lúc nào như cũng vờn trước mặt tôi.

Hình ảnh chị Vân đứng ở quầy hàng, nhắc nhà bếp làm thức ăn, biên giấy tính tiền, hơi nghiêng đầu chào một thực khách quen, hay vào những lúc nhà hàng vắng người, chị cúi nhìn chăm chú vào một quyển vở chép tay mà tôi không bao giờ biết được những dòng chữ trong tập vở ấy viết điều gì… luôn ở trong trí nhớ tôi. Chị hay nói đến tên những tác giả TTKh, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, ... Chị thuộc nhiều thơ và nói trong quyển sổ tay này chị chép đầy những bài thơ của những tác giả mà chị yêu thích.

Một buổi tối, Tôn phải chở Dì đi công việc, và như thường lệ tôi một mình mang sách sang quán ăn học bài. Tôi ngồi ở chiếc bàn quen, mở tập ra, đọc lại bài toán thầy cho làm ở nhà, nhưng không hiểu gì. Tôi chờ chị Vân, nhưng chờ mãi không thấy chị bước ra. Cửa buồng chị đóng kín, ánh đèn sáng chui qua khe cửa. Tôi ra sân trước, ngồi trên bậc cấp, buồn bã nhìn những ngôi sao trên trời và nghe thấm lạnh những ngọn gió biển thổi lùa qua thành phố. Không biết tôi ngồi đó được bao lâu, chỉ biết khi tôi nghe thấy mùi hương tóc của chị phả xuống và cái mát rượi của bàn tay chị chụp lên mắt tôi, tôi mới sực tỉnh.

“Sao lại ngồi đây?” Chị hỏi.

Thấy tôi không trả lời, chị lại hỏi:

“Chờ ai vậy?”

“Chờ chị.”

“Chờ chị? Tại sao?”

“Hôm nay chị làm sao thế?”

“Có làm sao đâu. Nhưng mà…”, chị tiếp, “hôm nay cậu thế nào ấy. Lạ quá!”

“Không, chị mới là lạ đấy!”

“Lạ cái gì chứ?”

“Thật mà. Chị không thấy vậy sao?”

“Không. Chị không thấy gì hết! Nhưng chị biết là cậu buồn. Đúng không?”

“Sao chị biết?”

“Nhìn mặt thì biết chứ! Thôi vào nhà đi!”

“Chị vào trước đi.”

“Vào nhà, chị kể cho cậu nghe chuyện này! Bí mật nhé!”

Chị nắm tay tôi. Chúng tôi bước vào quán.

“Vào đây!” Chị đưa thẳng tôi vào buồng riêng của chị, nơi tôi chưa từng một lần đặt chân vào kể từ khi chị ở đây. Chị cúi xuống, đánh diêm châm một ngọn nến cắm trên một chiếc bánh sinh nhật và với tay tắt ngọn điện trên trần nhà. Tôi nghe hơi thở chị thơm ngọt, hai bàn tay chị đặt trên vai tôi. Chị nói:

“Hôm nay là sinh nhật chị. Thế là chị đúng hai mươi tuổi rồi đấy.”

“Sinh nhật chị? Hai mươi tuổi? Thật không? Sao không nghe chị nói?”

“Thì bây giờ nói rồi đấy!”

“Rồi sao?”

“Cậu ngồi xuống đi. Cuối tháng này chị sẽ không còn ở đây nữa.”

“Tại sao?” Tôi nghe nhói ở tim.

Tôi như ngửi thấy một mùi cháy khét toả ra trong căn phòng, toát ra từ mái tóc chị, từ chiếc khăn quàng màu tím quấn trên ghế, từ mấy cái kẹp tóc và thỏi son trên mặt bàn, từ bức ảnh chụp cảnh Chùa Một Cột treo trên vách... Khuôn mặt chị chìm trong bóng đêm. Nhưng đôi mắt chị sáng long lanh như hai ngôi sao nhỏ lấp lánh liêu trai trong một bầu trời đầy mây xám.

“Tại sao?” Tôi lập lại.

“Chị vừa được tin anh Thạc. Có người nói anh ấy đang ở Sài Gòn và đang sống với một người đàn bà.”

“Một người đàn bà?”

“Một người đàn bà khác!”

“Nhưng có chắc người đó là anh Thạc không?”

“Không có gì là chắc. Nhưng chị cần gặp anh ấy. Chị phải tìm cho ra anh Thạc.”

Tôi thấy mắt chị sáng lên khi nhắc đến tên anh. Bỗng nhiên tôi bật cười thành tiếng.

Chị ngơ ngác nhìn tôi. Hình như tôi có giọng cười bất bình thường. Một tiếng cười mất dạy. Chị rót rượu ra hai chiếc cốc, cúi xuống thổi tắt ngọn nến. Căn buồng chìm ngập trong bóng đêm. Và tôi cảm được vòng tay chị quấn lấy cổ tôi. Tôi run rẩy ôm chị. Tôi cảm được mùi da mặt mịn màng của chị áp vào mặt tôi. Tôi run rẩy đặt môi lên môi chị. Và răng chị cắn nát môi tôi. Đột nhiên trái tim tôi như một lò thuốc súng nổ tung, bốc lửa, cháy bùng lên. Tưởng là thiên thu, nhưng chỉ là một khoảnh khắc

Thuở đó, tôi yêu chị bằng tất cả trái tim vừa mới lớn của mình.

Tôi gọi Vân là Hà Nội của tôi: Hà Nội năm tôi mười sáu tuổi.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG