Tình Phụ Tử và “Father's Day
Tháng Năm chúng ta có ngày “Từ Mẫu--Mother’s Day”, thì sang tháng Sáu lại có ngày “Từ Phụ--Father’s Day”. Chúng ta, ai cũng đều mang trong tim hình ảnh cha mình, người đã cùng Mẹ tạo nên hình hài các con. Nhân ngày, “Father's Day”, xin chia sẻ vài dòng cảm nghĩ về tình thương yêu và hình ảnh người cha kính yêu.
Ở Mỹ, ngày “Từ Phụ” “Father’s Day” thường tổ chức vào ngày Chủ Nhật của tuần Lễ thứ ba trong tháng Sáu. Năm nay “Father’s Day” rơi vào ngày Chủ Nhật 15-06-2014. Mục đích của ngày lễ là để con cái tỏ lòng biết ơn và vinh danh cha mình. Cha kết hợp cùng mẹ, tạo ra hình hài chúng ta. Cha cũng là người quan trọng nhất trong việc nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người. Nhờ cha, ta có cơm no, áo ấm. Cha lo bương trải, kiếm cơm, áo gạo tiền về lo gia đình. Cha tuy không ôm ấp, bồng ẵm ta thường xuyên như Mẹ, nhưng cha lại là người cần thiết nhất. Không có cha, mọi người sẽ vất vả, khó khăn như căn nhà siêu vẹo thiếu rường cột. Nếu Mẹ là người chịu đựng nhọc nhằn thì cha lại là người cho ta cơm no, áo ấm. Con cái thiếu cha thường hay hư hỏng. Đã có rất nhiều câu ca dao được dùng để ca tụng tình Phụ Tử:
Con có cha như nhà có nóc
Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha mất, gót con đen sì
Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng ChaHay
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công ChaCó rất nhiều thứ tình thương yêu được thể hiện, nhưng không tình thương yêu nào có thể sánh bằng tình thương của cha mẹ dành cho con cái. Đó là một thứ tình thiêng liêng, cao cả, mênh mông như biển rộng, non cao. Chẳng ngôn ngữ nào có thể diễn tả trọn vẹn, chỉ biết rằng tình yêu của cha mẹ thật mênh mông, bát ngát:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Núi có thể mòn, sông có thể cạn. Nhưng tình thương của cha mẹ thì không bao giờ thay đổi, dù theo thời gian, cha mẹ già yếu nhưng lòng thương con lúc nào cũng tràn ngập. Con đã trưởng thành, khôn lớn mà cha mẹ vẫn luôn luôn che chở các con. Tình yêu của cha dành cho các con mãi mãi là một bản tình ca bất diệt.
Cha thương con trong âm thầm lắng đọng, nghiêm khắc, răn đe, nhưng đằng sau những khắt khe đó, tình cảm của cha luôn luôn thể hiện một nét dịu dàng uẩn khuất, cha không như Mẹ bộc lộ rõ ràng từng cử chỉ âu yếm, vỗ về, với những ngôn ngữ nhẹ nhàng, trìu mến v.v… Mẹ luôn luôn chia xẻ với con những vui buồn, những nỗi niềm tâm sự, đáp ứng hầu hết những yêu cầu và ước muốn của con, đôi khi chiều chuộng thái quá, đến nỗi có khi: “Con hư tại Mẹ”.
Ở Cha, tuy không thể hiện yêu con như Me, nhưng cha đã chịu đựng hy sinh một cách âm thầm, có nhiều lúc cha còn bồn chồn, lo lắng hơn Mẹ khi các con đau yếu. Cha thương con kín đáo, ấm áp như vầng Thái dương. Cha uy nghi làm cây cột trụ đứng chắn ngang giông bão để bảo vệ một mái ấm gia đình. Tình cha sâu thăm thẳm, mênh mang, vời vợi không bút mực nào tả xiết.
Trong văn chương, thơ, nhạc, được sáng tác rất nhiều để ca ngợi và vinh danh thiên chức của Mẹ… Mẹ chiếm tất cả những lời thương yêu, ca tụng của thế gian mà bên cạnh đó thì hình ảnh cha bị lu mờ? Có ai hiểu được vai trò của Cha cũng không thua gì Mẹ? Nếu Mẹ gần gũi với con cái về cách chăm sóc, âu yếm tỉ mỉ thì cha cũng có một trái tim thương yêu vô bờ bến đối với con, một tình thương dạt dào bát ngát, bao la, nhưng cha ít khi biểu lộ rõ ràng mà chỉ trong âm thầm lặng lẽ. Chính sự âm thầm lặng lẽ này, đôi khi đã làm cho các con vô tình xa cách và quên sự hiện diện của cha trong gia đình, các con nào biết: nếu không có cha thì mái ấm gia đình cũng không được trọn vẹn.
Ngoài xã hội, Cha lo kiếm tiền, đương đầu với biết bao nhiêu gian lao cực nhọc, làm mệt mỏi thân thể và trí óc của cha, nhiều khi lại mang cả bực bội, phiền muộn từ ngoài về theo mà con nào có hiểu? Về nhà cha cần sự yên tĩnh, ngồi đọc báo, xem TV hay tính toán việc làm, v.v. và cứ thế mà từ từ khoảng cách giữa cha con càng ngày càng xa. Con cần gì? Chỉ xà vào lòng Mẹ là có ngay. Chính thế mà tình cha con ít đằm thắm, bóng cha bên các con nhạt nhòa núp sau bóng me, nhưng thật ra các con càng cảm thấy ấm cúng, vững tâm hơn khi có cha luôn luôn bên cạnh để cùng Mẹ chung lo mái ấm gia đình.
Tóm lại, cha Mẹ là điểm tựa, là nguồn sống của con cái. Mẹ hiền hòa chăm sóc các con, Mẹ là vòng tay cho các con nương tựa khi nóng đầu, đau ốm lúc tuổi thơ. Đến khi trưởng thành thì các con cần đến những lời khuyên, những kinh nghiệm ngoài đời của cha để răn dạy các con hướng về tương lai. Cha nhìn xa, hiểu rộng sẽ dìu dắt các con trên đường học vấn và sự nghiệp. Đó là cảm nghĩ của tôi về vai trò của người cha. Với tôi, cả Cha lẫn Mẹ đều rất quan trọng nhất trong đời, tôi thương qúy Mẹ nhưng lại thật gần gũi với Ba tôi. Ngày Ba mất là một ngày đau buồn nhất trong đời tôi. Nhân ngày Từ Phụ, xin mượn vài dòng ngắn ngủi gửi về Ba tôi hiện đang ở một phương trời vô định như một lời thăm hỏi thương kính về người cha qúa cố.
Ba kính yêu!
Một lần nữa ngày “Từ Phụ” lại đến, nhìn thiên hạ nô nức sắm sửa quà tặng cho Cha vào ngày “Father’s Day” khiến con rất buồn, con không còn Cha để được đón mừng ngày Lễ này. Mẹ mất hơn 3 năm, và Ba đã rời xa chúng con hơn 40 năm rồi, mà hình bóng ba vẫn không phai nhòa trong tâm trí con, cứ tưởng như Ba Mẹ vẫn còn quanh đâu đây, thấp thoáng bên cạnh chúng con.
Con nhớ mãi ngày Ba mất, đó là một ngày chớm Xuân, khi cả nhà vừa ăn xong một cái Tết vui vẻ, thì ngay ngày mùng 6 Tết Ba đột ngột ra đi. Me hụt hẫng, chúng con bơ vơ... Ba mất đi, để lại cho Mẹ một gánh nặng--5 đứa con khờ, còn trong tuổi cắp sách đến trường. Chị con phải bôn ba ra phụ Mẹ buôn bán lo cho chúng con đủ cơm no, áo ấm. Mẹ phải thay ba lo kế sinh nhai cho gia đình, bao nhiêu khó nhọc đều trút lên đôi vài gầy của Mẹ, có lẽ nhờ Ba phù hộ nên Mẹ cũng tần tảo thay Ba lo cho chúng con học hành đẩy đủ. Tuy nhiên, vì thiếu bóng dáng hiền hòa của Ba trong nhà nên căn nhà của 6 Mẹ con trống vắng lắm Ba ạ.
Con nhớ những buổi chiều tan học, Ba không quản nhọc nhằn sau một ngày làm việc mệt mỏi, mà vẫn chịu khó đạp xe đến trước cổng trường đón con về. Ngồi sau xe để ba chở lên con dốc thật cao, con áy náy đòi xuống xe cho nhẹ bớt mà Ba không chịu Ba vẫn cứ cong lưng đạp qua khỏi con dốc phi trường. Có hôm Ba còn chở con vào hàng quán mua cho con vài cái bánh ngọt hoặc một ly kem đậu xanh ăn cho mát bụng.
Ngày tháng dần trôi, tóc Ba bạc trắng nhưng vóc dáng Ba vẫn thanh thản an nhàn, không có một dấu vết bịnh tật gì cả, có ngờ đâu, bỗng dưng Ba ra đi đột ngột, để mẹ và chúng con lạc lõng, cô đơn.
Ba ơi! Đã bao năm rồi mà con vẫn không thể nào quên được hình ảnh thương yêu của Ba. Con nhớ Ba vô vàn. Đứa con gái bé bỏng ngày xưa thường được Ba chăm sóc nâng niu, nay cũng đang bước vào ngưỡng cửa xế chiều mà trong thâm tâm, con vẫn thèm được trở lại những ngày ấu thơ sống trong vòng tay che chở của Ba-Mẹ, được Ba nuông chiều chăm sóc, được theo ba đi chơi khắp nơi và được ăn những món quà mà con thích. Dù tuổi đời chồng chất, con vẫn luôn luôn nhớ mãi những ngày thơ dại cùng sống êm ấm dưới mái gia đình nho nhỏ có Ba Mẹ và chị em chúng con lúc nào cũng quây quần bên nhau dưới sự săn sóc dạy dỗ của Ba và chăm lo của Mẹ.
Thời gian trôi mau, mà con vẫn nhớ hoài, nhớ mãi. Hôm nay còn xin mượn vài dòng thương kính gửi về Ba, người cha thân quý của chúng con. Con kính mong Ba Mẹ luôn luôn bình an, thâm tâm ăn lạc, an nghỉ ở một nơi thanh tịnh hiền hòa. Xin kính dâng lên Ba Mẹ đóa hoa hồng trắng để tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục và lời kính nguyện thương yêu của con gái gửi đến ba nhân ngày “Từ Phụ”.
Thương kính
Viết tặng Ba tôi đã mất nhân ngày “Father's Day” June 2014
Kiều Oanh, Virginia
Bấm vào ô vuông ở cuối khung góc phải (Full screen) để mở lớn màn ảnh