TẤM LÒNG CỦA CỎ
Nguyễn Thị Minh Thủy
Bài tạp ghi sau đây, ký dưới bút hiệu Hạnh Viên, đã được bạn Nguyễn Thị Minh Thủy viết và đăng làm ba kỳ trong thời gian tác giả phụ trách mục “Cảm Niệm” trên một nhật báo ở Nam California. Hôm nay, với sự đồng ý của tác giả, ban biên tập đăng trọn một lần để giới thiệu và chia sẻ với quý thầy cô cùng các bạn cũng như những độc giả gần xa của trang mạng Ngô Quyền.
*
Kỳ 1
Cách đây vài tuần HV gửi thư thăm một chị bạn bên Pháp đã lâu không liên lạc và trong thư có viết cho chị cái địa chỉ email của HVđể dễ thư đi thư lại. Không đầy một tuần sau, HV mừng vui khôn tả khi thấy tên chị hiện ra trong “hộp thư" email với dòng chữ đầu tiên như sau, “Em thương, Đây là một bức thư mà chị chẳng chờ đợi...”
HV nhanh nhẩu bấm coi, ngấu nghiến đọc vội, “Bao nhiêu năm qua rồi, cái quá khứ mà chị đã quên lãng bỗng hiện về với tấm thiệp của em. Đọc xong, chị vừa vui mà cũng vừa buồn. Những người mà chị suốt mấy chục năm tại Secours Catholique, lao tâm, lao lực, nặng tình, để đưa tiễn họ đi tìm một chân trời mới, với hoài bão là nó sẽ tốt đẹp hơn những ngày tháng Paris, dường như rất ít người còn nhớ nghĩ đến chị…”
Đáng lẽ bị trách khéo như vậy (vì cũng có thể chị đã xếp HV tôi vào những người “vong ân bội nghĩa” đó) tôi phải buồn năm phút, xấu hổ sáu phút, vân vân,… thế nhưng nối lại được một nhịp cầu mà tôi từng lo sợ đã gẫy đổ với thời gian, điều đó đã là một niềm vui lớn khiến tôi không còn bận tâm chi cả. Chị có trách cứ, có rầy rà gì đi nữa thì chị cũng… còn sống, thư không bị trả về, là tôi vui rồi. Bởi vì trong quá khứ, đã có lần tôi gửi thư, cũng sang Pháp, cho một bà đầm mà tôi chịu ơn nhưng vì lười lĩnh tôi đã không viết thư liên lạc dễ đã năm sáu năm nay; vài tháng sau, tôi nhận được một phong thư mà tôi phải mất mấy giây mới nhận ra đó là thư của chính mình đã gửi đi nay bị trả về với chữ “décédée” (đã chết) nằm lạnh lẽo trên bì. Một niềm dày vò ân hận xen với ngạc nhiên chiếm lấy tâm tôi: bà lúc ấy đâu đã già, chỉ sáu mươi là cùng. Té ra ở tuổi nào người ta cũng có thể từ giã cõi đời hết, thật đúng như câu kệ trong kinh “Nhất Dạ Hiền Giả”: “Không ai điều đình được, với đại quân thần chết”.
Trở lại với chị bạn của tôi. Được thư chị, nghĩa là không có cảnh “lịch sử tái diễn” như tôi lo sợ. Hú vía. Tính tôi hay dở hơi, hay lo sợ vẩn vơ như vậy đó. Chắc bạn còn nhớ, cách đây hơn ba mươi năm, tôi có sinh sống ở Pháp hai năm, một thời gian không dài nhưng cũng đủ để có những mối giao thiệp gắn bó cho đến nhiều năm sau nữa. Một trong những mối giao tình ấy là chị Dã Thảo, người đã giúp chúng tôi trong vấn đề di dân từ Pháp sang Mỹ để tái định cư như thư chị đã đề cập ở trên. Khi sang tới Mỹ, tôi vẫn viết thư và gửi thiệp thăm chị. Hai chị em vẫn trao đổi thư từ như vậy trong nhiều năm rồi từ từ thưa dần, chỉ còn mỗi năm một lần, dưới hình thức thiệp chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới.
Không biết ai thì sao, chứ với gia đình tôi thì mục gửi thiệp Giáng Sinh là một “truyền thống” được đặt ra từ lúc tôi đặt chân lên đất Pháp (có lẽ vì thấy thiệp vừa in đẹp vừa dễ thương mà lại giá rẻ nữa). “Truyền thống” ấy được mang theo qua Mỹ và cứ thế năm này tiếp năm nọ. Chúng tôi soạn một danh sách khá dài rồi cứ theo đó mà gửi, ưu tiên cho người ở xa trước. Ban đầu, mỗi cái thiệp là một bức thư dài vừa thăm hỏi nhau vừa kể lể chuyện đời sống nơi đất tạm cư. Rồi theo thời gian, trừ thư dành cho mấy người thuộc loại “nhân vật đặc biệt” cần hàn huyên han hỏi, phần đông các dòng trong thiệp ngắn dần cho đến lúc chỉ còn là những câu chúc mừng khách sáo. Đối lại, chúng tôi cũng nhận được một lô thiệp chúc mừng gửi lại với những lời lẽ vô hồn tương tự.
Đến một lúc, nhất là khi các phương tiện liên lạc khác đã trở nên rất tiện lợi như điện thoại (gọi viễn liên không còn tốn kém nhiều như xưa), email (rất tiện cho những ai không thích nói chuyện trực tiếp mà cũng không muốn viết thư theo kiểu “chính thống”), chúng tôi để ý thấy rằng những người nằm trong danh sách gửi thiệp “season’s greetings” lại là những người mà mình ít liên lạc nhất. Vì vậy, sau khi những “nhân vật đặc biệt” của chúng tôi lần lượt qua đời, chúng tôi bèn ngưng “truyền thống” ấy vì thấy không có lý do gì để phí phạm cây rừng nữa (vì theo mấy nhà vận động bảo vệ môi sinh, muốn làm ra thiệp cũng phải chặt cây chứ không phải thiệp tự trên trời rơi xuống cho mình).
Và hình như đó cũng là thời điểm mà tôi vô tình ngưng liên lạc với chị bạn dễ thương ngày nào của tôi. Thật ra thì tôi cũng đã từng nhủ lòng nên thỉnh thoảng gửi thư cho chị đó chứ, nhưng cái bệnh lười và tật hẹn cứ đeo dính tôi, khiến tôi vịn đủ lý do để khất lần khất lữa. Vèo một cái tôi mới nhớ ra cũng dễ gần mười năm rồi tôi không liên lạc với chị. Và thú thật, có thể tôi vẫn không coi việc gửi thư liên lạc với chị là một việc cần làm cho đến khi có một sự kiện nho nhỏ xảy ra.
Đó là lần vợ chồng chúng tôi đi viếng tu viện Lộc Uyển ở Escondido gần San Diego. Không hiểu sao hình ảnh cái tháp nhỏ đứng chơ vơ bên sườn núi thuộc khuôn viên chùa hấp dẫn chúng tôi một cách khó tả nên hai vợ chồng đều hăng hái tìm cách leo lên mặc dầu lúc đó chưa biết có lối khác dễ đi hơn. Lên tới nơi, nhìn vào trong tháp thì thấy trên tường treo tấm hình một vị tăng trẻ tuổi tươi cười mà tôi nhớ có lần được nghe kể rằng đó là một “sư em” của sư ông Nhất Hạnh. Lòng tháp không rộng lắm, chỉ đủ chỗ cho một chiếc bàn loại chân thấp cỡ nhỏ với vài ba bồ đoàn chung quanh, thế thôi. Vô tình hay cố ý, kiến trúc và sự sắp xếp ấy làm cho một người trần như tôi khi ngồi tại chốn này cũng muốn theo gương người quá cố học hạnh tu thân.
Ngoài bức ảnh ấy, mắt tôi bỗng chú ý tới một mẩu giấy được đặt ở bên dưới. Tôi không rõ đó là phương danh người cúng dường tháp miếu hay cũng chính là bài vị của vị thí chủ này nhưng tên họ đó làm tôi hơi bàng hoàng và liên tưởng tới chị bạn của mình. Nếu tôi nhớ không lầm, trong một lần chị sang Mỹ du lịch, chị có ghé thăm tôi và chị em chúng tôi cùng đi đến nhà một người bạn cũng có tên họ tương tự, người từng là bạn thân của chị từ lúc còn ở Huế.
Bước ra khỏi tháp, tôi tìm một chỗ để ngồi tận hưởng sự yên tĩnh hiếm có với bối cảnh núi đồi hãy còn hoang dã này. Tựa lưng vào tháp vắng nơi lưng chừng núi nhìn mông ra xa thiên nhiên u tịch trước mắt, chỉ còn nghe tiếng gió lá rì rào và chim rừng lao xao nơi những bụi cây lân cận, tôi như cảm được cái phù du của một kiếp người. Tôi bỗng nhớ lại lá thư (hình như là cái cuối cùng) chị gửi cho tôi, những lá thư luôn được nét chữ bay bướm của chị choáng đầy trong thiệp, leo qua cả mặt sau và lần nào cũng chấm dứt bằng hai chữ “Hôn em” nhỏ xíu vì không còn đủ chỗ.
Trong thư ấy chị kể chị đã qua một trận bệnh nặng, mạch bị nghẽn trầm trọng (tới bao nhiêu phần trăm tôi không nhớ rõ nhưng chắc chắn rất cao) đến nỗi bác sĩ bắt chị phải nhập viện ngay để giải phẫu gấp trong khi trước đó chị không hề lưu tâm đến sức khỏe và còn dự định đi Ấn Độ hành hương để viếng nơi Phật Đản Sanh và Nhập Diệt cho thỏa mãn tâm nguyện bấy lâu. Chị kể có lẽ nhờ nguyện lực ấy quá mạnh nên trong lúc chị giải phẫu thập tử nhất sanh, chị thấy rõ Phật Bà hiện ra với chị và dạy chị tu hành, vân vân… Thú thật, vì một lý do nào đó, khi ấy tôi đọc thư chị một cách vô tâm và cũng quên không hồi âm để “follow up” xem sức khỏe của chị sau đó ra sao nữa.
Có lẽ lúc ấy tôi lơ mơ cho rằng chị bị bệnh hoang tưởng, hay vì dạo đó tôi chưa đến với Phật Pháp nên không thể nào thông cảm với những gì chị chia sẻ với tôi chăng? Tôi thật không nhớ nổi. Chỉ biết vào một buổi trưa ngồi trên lưng núi cạnh một tháp nhỏ tịch liêu, tôi bỗng ân hận vô cùng về sự sơ xuất của mình. Phải viết thư cho chị ngay mới được, nhất là một khi tôi đã nghiệm ra rằng gặp được một bạn đồng tu, một thiện tri thức là một điều quý báu vô cùng.
Nghe kể đến đây thì hẳn bạn đã biết vì sao tôi “mừng hết lớn” khi nhận được bức thư mà tôi hằng chờ đợi rồi, đâu cần chi tôi phải dài dòng thêm nữa, phải không? Còn nếu bạn muốn biết nhiều hơn về giao tình giữa tôi với chị bạn này, xin đón đọc phần tiếp vào kỳ sau (có lẽ).
*
Kỳ 2
Ai sao thì HV tôi không biết, chứ với HV, thú thật việc mỗi tuần “đẻ” ra một bài Cảm Niệm như thế này cũng “trần ai khoai củ” không thua gì đẻ con thứ thiệt! “Ghét của nào trời trao của đó,” ngẫm lại ông bà mình nói đúng ghê, ít nhất là trong trường hợp của HV tôi đây nè. Số là hồi nhỏ đi học, môn mà HV ghét nhất là “làm luận” mặc dù điểm hạng cũng không phải tệ. Ngay từ tiểu học HV đã phải đánh vật, tốn rất nhiều thì giờ cho những bài luận văn. Chán nhất là lúc chép từ giấy nháp sang bài thật; dù đã gôm, dập, xóa, sửa, nát bấy trên giấy nháp rồi, vậy mà khi chép vào thế nào cũng phải sửa tới sửa lui mất thêm một hồi nữa mới (tạm) xong để ba chân bốn cẳng chạy lên nộp cho cô giáo cho kịp giờ. Mệt ơi là mệt!
Được cái là bây giờ thì không phải viết theo đề tài cô giáo (hay giáo sư) cho và, nhờ ơn nhân loại thời nay đã chế ra cái computer rất ư dễ thương, HV tôi tha hồ vừa viết vừa xóa, đảo tới đảo lui trộn xuôi trộn ngược và thậm chí, đôi khi còn vi vu cao hứng “change lane,” lái xe ra khỏi đề tài ban đầu mà mình định viết nữa. Chẳng hạn như bài “Trưa ngồi dựa tháp, nhớ bạn xa,” của kỳ vừa rồi, viết một hồi mà vẫn chưa đi tới cái ý mà tôi đã có trước khi khởi viết, đó là chia sẻ với bạn một ký ức mà bức thư của chị bạn đã khêu bùng lên bằng mấy dòng ngắn ngủi.
Cho nên bài này, HV xin viết tiếp về chị bạn bên trời Tây của mình đây. Vì mải bôn ba trong cuộc sống, dễ đã gần mười năm chúng tôi mới liên lạc lại với nhau. Và chị đã email ngay lập tức để trả lời bức thư bằng đường bưu điện của tôi với những lời lẽ làm tôi nhớ lại những ngày sôi nổi mà tôi đã trải qua trên đất Pháp với chị, thời của buổi hàn vi mà ấm cúng, cơ cực mà lý tưởng, hờn căm mà ngất cao hy vọng.
Hình như lúc đó là khoảng cuối năm 79 thì phải. Qua một người-quen-của-người-quen giới thiệu, chúng tôi gặp chị Dã Thảo để nhờ chị làm cái công việc mà chị đã mô tả trong thư, là “lao tâm, lao lực, nặng tình, để đưa tiễn họ đi tìm một chân trời mới, với hoài bão là nó sẽ tốt đẹp hơn những ngày tháng ở Paris.” Nói rõ hơn, sau khi từ trại tỵ nạn Thái Lan qua Pháp được độ hơn nửa năm, chúng tôi tìm tới chị, lúc đó đang làm việc trong một cơ quan thiện nguyện Công Giáo rất có uy thế là Secours Catholique, để làm hồ sơ xin tái định cư ở Hoa Kỳ.
Trong buổi sơ giao, vẻ nghiêm nghị đài các của chị làm tôi vừa ngán vừa nể, nhất là khi nghe chị nói lưu loát cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp trong khi mình dợt tới dợt lui có mỗi món tiếng Tây mà cũng chưa xong. Theo lời người giới thiệu, chị rất nổi tiếng trong cộng đồng Việt ở Pháp vì nhờ chị mà nhiều người đã được đi Mỹ. Nhiều năm sau này, khi sang Hoa Kỳ sinh sống rồi, tôi mới biết trong số những kẻ này có nhiều khuôn mặt tên tuổi như nhà báo Lê Đình Điểu, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (cả ba đều đã ra người thiên cổ), nữ ca sĩ Julie Quang (bây giờ là Julie), ca sĩ Elvis Phương, vân vân. Bởi vậy, mỗi lần chị sang Mỹ du lịch là được thân hữu đón đưa rất ư nồng nhiệt.
Thực ra, nếu chỉ làm công việc thuần túy giúp người ta được đi Mỹ không thôi, chắc chị Dã Thảo không để lại dấu ấn sâu đậm như chị từng tạo được trong lòng mọi người. Trút bỏ cái vỏ nghiêm nghị khô khan mà mọi người nhìn thấy ở văn phòng làm việc, người phụ nữ xinh đẹp tuổi ngoài ba mươi ấy là một kẻ rất sính văn nghệ, mê văn thơ và thương dân, yêu nước hết lòng.
Thật vậy, sau lần được chị ưu ái mời tới tư thất, một ngôi nhà nho nhỏ xinh xắn ở ngoại ô Paris, tôi mới biết chị là một phụ nữ Huế lãng mạn và nhiều nghệ sĩ tính. Trong phòng khách đơn sơ với bàn thấp và nhiều gối ngồi rất mỹ thuật theo kiểu Nhật Bản, nổi bật nhất là bức tranh vẽ chân dung của chị trên đó có kèm theo một câu thơ do thi sĩ Hoàng Anh Tuấn đề tặng. Khi được hỏi, chị cho biết họa sĩ gì đó đã vẽ tặng chị nhưng nay tôi đã quên mất tên ông ta rồi, chỉ nhớ đấy là một bức họa truyền thần rất đẹp và có hồn. Độc đáo nhất là họa sĩ đã lột tả được cái ánh mắt thật đặc biệt của chị, nó vừa như mệt mỏi muộn phiền lại vừa lung linh đắm đuối chết người.
Với chất giọng ấm áp, chị hát khá hay và truyền cảm. Bên cạnh đó chị cũng làm thơ nữa. (Sau này chị có tặng tôi một tập thơ với tựa đề rất lãng mạn: “Tình Của Cỏ”). Tôi phác họa nhiều nét về chị như vậy chẳng qua để đi đến kết luận này: Cụ Nguyễn Du quả không sai khi nói “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay ít nhất cũng là “Có đâu thiên vị người nào. Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai”.
Đúng thế, từ từ quen thân với chị, tôi biết thêm là chị ly thân đã lâu, sống cô đơn với hai đứa con gái nhỏ từ nhiều năm nay trong khi người chồng làm việc, và gần như ở luôn, tận “Xứ Đen” (tức Côte d’Ivoire, Bãi Ngà, một cựu thuộc địa của Pháp ở Phi Châu). Cuộc hôn nhân kể như thất bại ấy tuy vậy vẫn kéo dài năm này qua năm khác vì gia đình cả hai bên đều theo quan niệm xưa trong đó hai chữ “ly dị” là điều vô cùng cấm kỵ. Bởi vậy, bên cạnh việc chu toàn bổn phận làm con, làm mẹ, niềm vui của chị là tập họp các thân hữu cùng yêu thích văn nghệ để ca hát phục vụ cho cộng đồng người Việt ở Paris cũng như các tỉnh lân cận.
“Nhớ lại ngày xưa thật là êm đềm và vui nhộn. Đời sống tất bật, vậy mà cuối tuần các anh em vẫn cố gắng gặp gỡ nhau…”, chị đã mơ màng nhắc về quá khứ như thế trong thư email. Vâng, chính thế, sau khi “gia nhập ban văn nghệ” của chị, mỗi cuối tuần, hoặc thứ bảy hoặc chủ nhật, chúng tôi vẫn đều đặn đáp xe lửa tới nhà chị để họp mặt ca hát, dợt nhạc, ăn uống, hàn huyên… Nhóm thân hữu không đông nhưng rất hài hòa, hợp tính, cùng trình độ cũng như lý tưởng nên sinh hoạt thật thoải mái.
Hầu như lúc nào trong nhóm cũng có vài ba người đang được chị lo giấy tờ để đi Mỹ và cứ thế, họ sẽ lần lượt từ giã anh em để lên đường để rồi lại có những hội viên mới, thay thế nhau nối tiếp dòng đời. Cứ thế, mỗi cuối tuần ngôi nhà dễ thương của chị lúc nào cũng đầy ắp không khí cởi mở, vui tươi, rộn rã tiếng cười và chứa chan hy vọng lồng trong những lời ca tiếng hát (tài tử lẫn chuyên nghiệp) yêu nước thương dân, mơ mộng một ngày mai trở về phục quốc.
Bạn ơi, những ngày hoạt động “văn nghệ nghiệp dư” ấy dễ thương lắm, dễ thương đến đỗi không thể kể vắn tắt trong vài dòng; vì thế, HV xin hẹn sẽ viết tiếp trong bài sau, mong bạn chịu khó chờ cho nhé.
*
Kỳ 3
Trong bài trước, HV đã (lỡ) mô tả không khí họp mặt văn nghệ mỗi cuối tuần nơi nhà chị bạn ở trời Tây của mình vào những năm 79, 80 là “dễ thương lắm, dễ thương đến đỗi không thể kể vắn tắt trong vài dòng.” Viết xong, “nộp bài” rồi, “nằm đêm nghĩ lại” mới giật mình. Chả là, thiên hạ có câu “Đẹp xấu tùy người đối diện” (như trong mục “Kết bạn thư tín” ấy mà). Dễ thương với mình nhưng với người khác thì sao, có chắc không? Còn cái vế sau, “Không thể kể vắn tắt trong vài dòng,” bây giờ mới thấy khổ tới nơi rồi, vì biết lấy gì để kể cho bạn nghe đây?
Thôi thì đã trót thì phải trét, để HV kể sơ qua cho bạn nghe cái bối cảnh mà HV đã sống vào thời đó để bạn dễ thông cảm nha. Phải nói đó là lúc mà làn sóng tị nạn Đông Dương đã và đang ồ ạt mạnh mẽ đập vào bờ bến của các xứ tự do qua đường vượt biển. Riêng tại Pháp, hằng tuần, các trung tâm tiếp nhận đều đặn có thêm từng đợt người tị nạn Việt Miên Lào mà nhiều nhất là Việt Nam chúng ta. Hầu như ai mới rời bỏ quê hương – một quê hương đang bị chà đạp dày vò đến không thể ở nổi dù có yêu thương cách mấy đi nữa – đều mang nặng lòng hoài cảm, mong một ngày về khi đất nước được tự do no ấm, sạch bóng cường quyền.
Bởi vậy nhu cầu gởi gấm tâm sự hay bộc lộ nỗi niềm qua lời ca tiếng hát luôn âm ỉ trong lòng những con người xa xứ. Từ những bài “nhạc vàng” rạt rào tình cảm từng bị cấm đoán dưới bạo lực của kẻ thắng cuộc cho đến những lưu vong khúc thật xuất thần được sáng tác sau 1975, tất cả đều được hưởng ứng mạnh mẽ, chào đón tận tình trong những buổi họp mặt văn nghệ cũng như tại các sân khấu trình diễn chính thức.
Không biết vì bài nhạc quá tuyệt, hay vì là lần đầu tiên tôi được thấy, được nghe ca sĩ nổi tiếng hát “sống” ngay trước mắt, mà mỗi khi tiếng hát cất lên là tôi lâng lâng xúc cảm như bị hớp hồn. Còn nhớ trong một “Đêm Không Ngủ” (ở một nơi mà người Việt ta vẫn quen gọi là “rạp Maubert” trong khi tên chính thức của nó là Maison de la Mutualité), trái tim tôi như có ai bóp lại khi nghe Elvis Phương cao giọng:
“Có
phải tôi là người quê hương ruồng bỏ
Có phải tôi là người giống nòi khinh…
…
Quê
hương tôi ơi, tôi sinh ra ở đấy
Tôi lớn lên cùng với phận cỏ cây”
và,
“Một
ngày 54, cha bỏ quê hương,
Lánh Bắc vô Nam cha muốn xa bạo cường
Một ngày 75, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương”
Và tôi thực sự rơi lệ khi nghe Julie Quang với “Thư Quê Hương” (thơ Cao Tần, nhạc Phạm Duy) trong đó người chồng xa quê nhắn nhủ vợ nhà:
“Gửi
cho anh một sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trong hiên nhà hiu quạnh
Nuôi một đàn con cuối đời vắng lạnh
Cho anh ôm hôn ơn nặng một thời xa
…
“Gửi
cho anh một viên sỏi bên đường
Anh sẽ đọc ra muôn ngàn lối cũ
Gửi cho anh một nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc ra đất trời ta thở…”
Một lần khác, hình như là đêm văn nghệ Dạ Vũ Tất Niên, ngoài các ca sĩ ở ngay tại Pháp lúc đó, chương trình còn mời cả được một giọng ca vàng từ Mỹ sang là ca sĩ Khánh Ly. Dù đã khuya, khán giả đêm đó vẫn nán lại để thưởng thức cho bằng được tiếng hát của cô trước khi kết thúc chương trình văn nghệ và bước qua phần dạ vũ (mà phần đông chỉ có giới trẻ hưởng ứng). Sau khi được giới thiệu, Khánh Ly ra nói đôi lời chào mừng khán giả và cất giọng. Mọi người im phắc chờ đợi thưởng thức. Ôi, chưa bao giờ tôi nghe một cái gì não nùng đến thế, “Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm tôi, người ấy ở trong tù…”
Đó cũng là giai đoạn mà những ca khúc mới của một nhạc sĩ cũng mới là Việt Dzũng (ở Mỹ) được phổ biến rộng rãi và làm thổn thức bao trái tim người, như: “Em gửi về cho anh dăm bao thuốc lá. Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay” hay “Tôi muốn mời em về, nhưng quê tôi quá xa, bên kia bờ Thái Bình bao la…”
Cũng từ Mỹ “nhập cảng” vào, các bài hát của nữ nhạc sĩ Nguyệt Ánh cũng được mọi người ở Pháp nồng nhiệt ủng hộ, trong đó có một bài mà nhóm tụi tôi đã từng tập hát để trình làng. Tựa bài tôi không nhớ rõ nhưng còn nhớ những câu nhạc rộn ràng phơi phới tin yêu như “Anh vẫn mơ, mơ một ngày nào. Non nước ta chung một nhịp cầu. Quê hương thanh bình, con thơ đến trường, ê a đánh vần, vê anh nờ là Việt Nam kiêu hùng…”
Từ sân khấu “chính thống” hầu hết những bài hát ấy đã được nhóm văn nghệ (bỏ túi) của chị Dã Thảo mang ra hát hò tập dượt ráo riết để trình diễn tại các sân khấu (cũng bỏ túi), hoặc ở các tỉnh lân cận, hoặc các trung tâm đón tiếp người tị nạn tại vùng ven Paris, thể theo lời mời của những người phụ trách quen biết với chị. Một trong những kỷ niệm khó quên trong “đời ca hát” của tôi là lần đi “lưu diễn” ở tỉnh gì đó tôi không nhớ tên, chỉ nhớ lần đó phái đoàn hân hạnh được anh Elvis Phương tháp tùng.
Ngoài tiết mục đơn ca, anh Elvis Phương sẽ yểm trợ chúng tôi trong một bài hợp ca về Mẹ (nếu tôi nhớ không lầm là của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9). Như thường lệ, chúng tôi gặp nhau là có màn ăn uống nhậu nhẹt sơ sơ rồi mới bắt tay vào việc. Đàn ông thì lai rai vài ly rượu vang, phụ nữ thì không vang cũng nước ngọt, chỉ có mình anh Elvis Phương là dùng nước lọc. Ý chừng quý ông muốn có thêm bạn nhậu nên cứ rủ rê anh Phương “phá giới” hoài; anh Cảnh (vua tếu) còn nói đùa, “Tui nhờ làm một ly như vậy mới nóng máy hát được đó anh.” Anh Elvis Phương không nói gì, chỉ cười cười nhã nhặn. Anh cũng lễ độ nhường cho quý vị nghiệp dư amateur tập dượt trước vì anh đã biết qua bài này rồi. Khi tổng dợt lần cuối trước khi ra quân, anh Elvis mới có mặt. Và cũng tới chừng đó mới thực sự “biết đá biết vàng” bạn ạ. Giọng anh Elvis Phương khỏe quá, nhất là ở phần hùng ca, cả bọn chúng tôi cùng xúm lại léo nhéo mà không bằng một mình anh cất tiếng: “Nhưng mẹ ơi mẹ đừng than khóc nữa, vì các con của mẹ vẫn còn đây…” Trước “kết cục bi thảm” đó, anh vua tếu của chúng tôi âu sầu, “Uổng quá, lỡ rồi. Mẹ Việt Nam của mình than khóc hoài cũng phải, các con của mẹ vẫn còn đây mà nhậu nhẹt hoài thì làm ăn gì được. Nếu từ trước tới giờ tui đừng đụng tới giọt rượu nào thì giọng tui cũng về nhì, chỉ kém giọng anh Phương chút xíu thôi…” làm cả đám lại được dịp cười lăn vui vẻ.
Thế đó. Khi người ta một sớm một chiều bị bứt rời khỏi một quê hương trong đó người thân của mình đang oằn người trong đói khổ, kềm kẹp và đủ thứ đòn thù, một thân một mình làm thân lữ thứ nơi góc biển chân trời (dân tị nạn vượt biên hiếm khi đi cả gia đình lắm) chưa biết ngày nào mới được trở về với tổ quốc thân yêu và cũng chưa biết bao giờ đất nước có được một ngày mai tươi sáng. Trong tình cảnh đó, nuôi giấc mơ quang phục quê hương, hay chí ít, cố gắng mang lại cơm no áo ấm cho người thân ở nhà, đã là những cái phao cứu mạng để mỗi người lưu vong bám lấy hầu sống còn trên đất khách mà các sinh hoạt văn nghệ chính là những làn hơi thổi vào để giữ cho cái phao nhỏ bé đó mãi được căng phồng.
Có lẽ bởi vậy HV mới thấy nó dễ thương, dễ thương lắm. Không hiểu sao, mỗi lần nhớ đến không khí buồn vui sôi nổi một thời ở Paris, HV lại nhớ đến một câu trên trang đầu của cuốn truyện mà HV rất thích. Nếu nhớ không lầm, đó là quyển “Chiến Hữu” (Les Camarades) của nhà văn Đức E.M. Remarques do Tâm Nguyên dịch sang Việt ngữ. Câu ấy đại ý như sau: “Đừng than phiền những giấc mộng đã không còn. Hãy cứu vớt niềm tin, những giấc mộng tự nó sẽ hồi sinh.”
“Cứu vớt niềm tin”. Ngẫm nghĩ lại, phải chăng chị Dã Thảo của tôi cũng từng một thời làm công việc đó cho chúng tôi, cho những đồng bào thân thương của chị, với tất cả tấm lòng mà hôm nay HV tôi bỗng cao hứng muốn ví von đó là “Tấm Lòng Của Cỏ”.
Westminster, ngày 21-11-2013
Hạnh Viên (Nguyễn Thị Minh Thủy)