Nguyễn Thị Minh Thủy
Tựu Trường Và Tuổi Nhỏ
Thời gian qua nhanh như gió thoảng, như tên bay; càng “già” càng thấy câu ví von này thật đúng, bạn ạ. Mới ngày nào bầy cháu nhỏ của tôi rộn ràng với mục nghỉ hè mà nay mùa tựu trường đã lừ lừ trở lại tự bao giờ. Các cấp học sinh lớn nhỏ, tùy theo học khu, đã lục tục cắp sách đến trường độ trong ngoài thượng tuần tháng 9 tức vào khoảng cuối hè theo lịch bốn mùa, nghĩa là giữa lúc trời hãy còn nóng nực oi nồng.
Tới nay, tiết trời bỗng chợt thay đổi với lãng đãng sương sa và chút gió heo may. Có lẽ chính vì thế nên buổi sáng này khi trông thấy mấy em bé trong khu xóm nhanh nhảu trèo lên chiếc xe buýt vàng để được chở tới trường trước cặp mắt trìu mến hân hoan của các bà mẹ, câu văn bất hủ sau đây chợt ngân nga trong hồn tôi: “Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi quên làm sao được buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã đi lại lắm lần nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học…”
Được trích ra từ tập truyện “Quê Mẹ” và đưa vào chương trình giáo khoa, đoạn văn trên của Thanh Tịnh đã được bao nhiêu thế hệ học sinh (trong đó có tôi) thuộc lòng và yêu thích. Nó như một nhịp võng du dương đi kèm với những lời ru là những hình ảnh thật đẹp, có lá vàng, có sương thu và gió lạnh, có con đường làng và có bóng dáng mẹ hiền.
Tận bên trời Âu, một hình ảnh đi học cũng đươc nhiều độc giả Việt Nam ngưỡng mộ. Đó là đoạn văn trích dịch từ quyển “Le Livre de Mon Ami” (Cuốn Sách Của Bạn Tôi) của Anatole France: “Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì gợi cho tôi nhớ lại hàng năm bầu trời chập chùng của mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn và những chiếc lá đang úa vàng dần trong những chòm cây run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe mình đã nhìn thấy gì khi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khi phong cảnh hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng chiếc một trên bờ vai trăng trắng của các pho tượng… Điều tôi nhìn thấy lúc đó, trong vườn ấy, là một chú bé con, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, đang bước tới trường, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé, vì đó chỉ là một bóng hình. Đó là bóng hình tôi cách đây hăm lăm năm…”
Hình ảnh trong hồi ức của hai vị nhà văn trên về ngày tựu trường tuổi nhỏ sao mà êm đềm và đẹp quá hả bạn. Không biết ngày khai trường của bạn thì sao chứ trong thời tuổi nhỏ của tôi, thú thật, không được êm đềm như vậy. Mỗi lần tựu trường tôi… sợ đủ thứ, mà nhất là sợ gặp cô giáo dữ. (Hình như ở tuổi đó, chuyện “ngồi lê đôi mách” duy nhất của bọn con nít tụi tôi là những chuyện đại loại như, “Cô Hồng dữ lắm, không thuộc cửu chương là bị quất đòn,” hay “Cô Sương đánh đít bằng roi mây, khẻ tay bằng thước gỗ; đứa nào lì quá còn bị cô giáo bắt chụm tay lại khẻ trên đầu ngón tay nữa đó,” hoặc “Lớp cô Nga hay bị phạt quỳ gối…” vân vân.) Thật ra, chắc tại tôi thuộc loại “lo xa quá đáng” chứ nào tôi có bị đòn bao giờ đâu. Thế mà cứ mỗi mùa khai trường, sắp có cô giáo mới thì nỗi sợ cũ lại hiện về, vô duyên chưa.
Có lẽ cũng vì ám ảnh bởi nỗi sợ đó, mấy chục năm sau, mỗi khi trông thấy con thơ tung bước đến trường trong vui vẻ, hồn nhiên vào mỗi mùa khai giảng, tôi không khỏi vui mừng thầm cám ơn nước Mỹ không cho phép cô thầy sửa trị con nít bằng đòn roi. Có làm cha làm mẹ, tôi càng biết quý trọng, mang ơn và thông cảm những nỗi khó khăn của những người đã ra công dạy dỗ mình và giờ đây là con cái mình, từ truyền trao kiến thức cho tới uốn nắn tính tình. Càng vui mừng cảm động hơn nếu thấy con cháu mình may mắn gặp được một cô giáo dịu dàng thương trẻ. Thí dụ như trong mùa tựu học năm nay, khi đứa cháu nhỏ kêu bằng “bà dì” mang mớ giấy tờ “home work cho bố mẹ” từ trường về để bố mẹ cháu điền vào sau ngày học đầu tiên, tôi tò mò chú ý tới một cái bao plastic trong đó có nhiều món đồ lỉnh kỉnh và một tờ giấy màu hồng rất nổi. Để mặc cho bố mẹ cháu “vật lộn” với các mẫu khai cần điền (như mấy chục năm trước tôi đã làm cho các con tôi), tôi “enjoy” với những chuyện bên lề theo kiểu người ta hay nói “Happiness is being a grandparent” (bởi vì ông bà thì không còn phải nhọc tay nhọc chân đầu tắt mặt tối chăm lo con mọn mà chỉ “hưởng thụ” sự ngây thơ hồn nhiên của lũ cháu thôi).
Tò mò, tôi đọc thử xem tờ giấy đó viết những gì mà con bé vừa lên lớp Một ấy cứ nằng nặc đòi mẹ nó đọc cho nó nghe vì “cô giáo muốn như vậy.” Bạn có muốn biết tờ giấy đó nói gì không? Thì ra cô giáo viết, đại khái như sau: “Chào các em học sinh lớp Một của cô. Đây là một cái túi chứa sự ngạc nhiên. Trong túi đựng các món đồ mà mỗi món đều có ý nghĩa đặc biệt. Các em cố đọc hay nhờ bố mẹ đọc các câu nói lên ý nghĩa của từng món rồi các em thử tìm món đồ đó trong túi. Nên nhớ, lớp học là nơi các em lớn lên, học hỏi và vui đùa… Đây là ý nghĩa của các món đồ:
- Miếng bông gòn êm thật êm, và nó nhắc các em nhớ rằng lớp học luôn đầy những cảm giác và lời nói êm, ấm.
- Viên kẹo “Lifesaver” (kẹo “Phao”) để nhắc các em nhớ rằng các em có thể tới với cô bất cứ lúc nào các em cần giúp đỡ hoặc chỉ cần để nói chuyện.
- Kẹo sô cô la “Kiss” (kẹo “Nụ Hôn”) để nhắc các em rằng các em được yêu thương.
- Kẹo sô cô la “Hug” (kẹo “Ôm”) cho các em biết rằng tất cả chúng ta đều là bạn và nếu các em có lúc cảm thấy cần được ôm thì cứ nói cho cô biết.
- Cục tẩy để nhắc các em biết rằng nếu các em lỡ làm lỗi thì cũng OK. Thật vậy, đó là cách hay nhất để chúng ta học hỏi.
- Miếng băng keo (bandage) để nhắc các em biết tập làm lành những cảm giác thương tổn của chính mình và các bạn chung quanh.
- Đồng xu (penny) để nhắc các em rằng các em có giá trị.
- Ngôi sao sáng (một loại sticker để dán) để nhắc các em luôn cố gắng tự chiếu sáng mình bằng cách học hành chăm chỉ và cố gắng tối đa.
- Kẹo “Smarties” (kẹo “Thông Minh”) để nhắc các em biết các em thông minh dường nào.
- Cái vỏ sò để nhắc các em biết mỗi em là duy nhất. Không ai khác trên đời này giống y như em được!”
Tôi không biết một đứa trẻ 6 tuổi, mới lên lớp Một, có hiểu nổi những ý nghĩa “cao siêu” này chăng. Thế nhưng, như đã nói, làm cha mẹ (và nay là làm ông bà), biết con cháu mình có được một cô giáo hết lòng thương yêu học sinh theo một cách thức đầy hiểu biết như cô giáo trên đây, thật không gì vui sướng hơn. Đọc xong bức “tâm thư” của cô giáo, tôi nhắm mắt lại, mường tượng cô cháu nhỏ của tôi hai, ba chục năm sau, khi đã thành một nhà văn tên tuổi lẫy lừng, biết đâu cũng sẽ hạ bút viết những dòng hồi tưởng thật êm đềm như Anatole, như Thanh Tịnh đã làm, nhờ cô giáo lớp Một của cháu ngày nào, phải không bạn?
Nguyễn Thị Minh Thủy