Chiếc lá lạc đường.
Hôm nay cuối tuần, gió thổi rất mạnh ở Riverside. Những hàng cây trước đường uốn cong, lắc lư như những nàng vũ nữ.
Gió đẩy lá khô tấp vào ngạch cửa. Những chiếc lá xanh, chưa vàng của mùa thu mà bị gió đánh tả tơi lăn lóc bên đường. Và lá dừng lại bên thềm như một người lỡ bước đầy bất trắc, muốn gỏ cửa vào nhà tôi xin tá túc.
Ơ hay sao tôi lại vẫn vơ nói về một chiếc lá không tên, hãy dùng chổi quét đi hay hốt bỏ vào thùng rác. Chiếc lá sao lại như nhìn tôi ngậm ngùi. Sao như muốn kể chuyện mình.
Có phải tại vì tôi đã đọc bài "Con tôi đi nhận xác chồng" của hội AHBH vừa gửi vào mà tâm hồn man mác.
Có thể lắm chứ. Một bài viết của người cha có con gái lên đường đi nhận xác chồng sắp cưới vừa tử thương ở chiến trường Afghanistan đã làm tôi xúc động.
Tâm tình của người cha thương con. Của người con gái tràn đầy niềm tin và hy vọng. Của người lính chiến yêu quê hương, trái tim đầy nhiệt huyết tuổi trẻ. Một con người sẽ có những bước hành trình ngập tràn hoa thơm cỏ lạ của một mái ấm tương lai. Tôi đọc xong bài. Cảm xúc thật sự, cứ miên man nghĩ về người lính. Người chiến sĩ có tên là Liam J Nevin (1981-2013)
Vâng! Đời người tội nghiệp như vậy. Có những chiếc lá xanh tươi tốt, đã bị một biến cố xa cành tan tác trong cơn gió lốc. Tôi lại nghĩ đến hơn 40 năm trước, tôi đã đưa xác người em họ của chồng về miền Trung. Chú ấy đã hiên ngang gục ngã ở chiến trường An Lộc. Tôi chưa một lần gặp chú, cũng chưa nghe tên bao giờ. Thế mà tôi lại đưa xác chú về gia đình ở Đà Nẳng, một nơi tôi chưa từng đặt chân tới.
Đó là mùa hè 1972 tôi đi đám ma người quen, sẵn dịp ghé thăm mẹ chồng ở Biên Hòa. Má chồng tôi nói:
- Thằng Hanh đã chết, hậu cứ liên lạc để để đem xác hắn về nhà. Hắn không có ai ở bên ni. Mi đưa hắn về dùm. Gia đình hắn ngoài làng đã chạy vào Sơn Trà. Mọi thủ tục đã có hậu cứ lo. Theo hắn chỉ có người em chú bác đang đi tu. Chú không biết gì nên mi thế mạ lo cho hai anh em hắn. Có thể mi ra ngoài nớ sẽ gặp thằng T. Hắn (chồng tôi) nghe đâu cũng đóng quân ở Đà Nẵng.
Thế là không kịp về LT để lấy áo quần. Tui vơ vài bộ đồ cô em chồng, mặc chiếc áo dài trắng lên xe vào... Tôi không nhớ nơi đó gọi là gì. Chỉ thấy hòm tiếp nối những hòm. Máy bay trực thăng gầm rú để đáp xuống tải xác người. Một không khí lạnh lẽo tang tóc, thê lương. Theo người ta chỉ tôi đến nơi để linh cữu Thiếu Úy Hanh (Tên của chú ấy) Bên cạnh chiếc hòm bọc kín bằng thiếc hay kẻm gì đó, một chú tiểu đang ngồi, mặt buồn so, miện lâm râm tụng kinh.
Lần đầu tiên tôi đối diện với cái chết của người lính ngoài mặt trận. Mặc dù đã nghe rất nhiều, đọc rất nhiều sách nói về cái chết bi hùng này. Nhưng lần đầu tiên đối diện, tôi thấy mình chùn xuống, xúc động dâng lên thở không được. Hình chú Hanh trên cái bàn nhỏ, một lọ hoa nhỏ và bát hương. Tôi đứng tần ngần, không sợ mà thật buồn. Cái buồn của sự biệt ly và thương cảm. Tối đến, ban Lễ nghi quân cách đến làm lễ truy điệu và truy phong. Cũng kèn, cũng chào, cũng đầy đủ nghi thức mà sao ngậm ngùi. Bởi dường như là thông lệ, hết chỗ này lại qua chỗ khác. Chết cứng, chai lì không còn cảm giác. Hay sự đau thương làm tê liệt mọi dây thần kinh xúc cảm.
Đời trai trong thời chiến thật thảm thương. Chú Hanh chưa lập gia đình lại là con trai một. Cái chết của chú chắc sẽ là vết chém hằn sâu nhất trong gia đình. Tôi bảo chú Cảm "Thôi em đi ngủ đi, chị trực cho". Chú tiểu tên Cảm dựa vào một góc nhà mệt mõi đi vào giấc ngủ. Tôi thế chú ngồi niệm kinh, đốt nhang và thầm thì trò chuyện với người khuất mặt. Tôi đi lòng vòng hết nhìn tên người này đến hình người khác. Thời kỳ đó chiến trường sôi động, lính tử thương liên tục đưa về. Không khí ảm đạm, gió lạnh và dường như những hồn thiêng tử sĩ lẫn khuất mọi nơi.
Buổi sáng hôm sau, quan tài được đưa lên máy bay đem về phi trường Đà Nẳng. Trên chuyến bay có thêm hai quan tài nữa. Càng lên cao do áp suất không khí, những chiếc hòm căng tròn lên, lớp thiếc bọc xung quanh như bong bóng được thổi căng lên trông rất tội nghiệp và dễ sợ.
Xe hậu cứ chuyễn chị em tôi và quan tài về trước sân nhà của gia đình chú Hanh. Cả nhà đang ở trong trại tạm cư. Người ta túa ra khóc lóc, gào thét. Chị Bưởi, (chị của Hanh) khóc suýt ngất, người ta phải vực chị ấy vào nhà xoa dầu và để chị cách ly với cái hòm.
Bởi vì cả làng Câu Nhi ở Quảng Trị chạy CS nên được bố trí tạm cư về đây, mọi người ai cũng bà con, họ hàng quen biết. Chỉ có tôi, một người lạ mặt, dân Saigon lạc lõng ôm cái túi đồ lẫn vào một góc nhà đứng đó tần ngần.
Mãi mãi một lúc thật lâu, gia đình mới được chú Cảm báo là tôi đã đưa xác chú Hanh về. Họ túa đi tìm và bắt gặp tôi đang đứng khóc một mình. Má chú Hanh ôm tôi cũng khóc theo. Họ đâu biết tôi khóc vì tủi thân, vì không biết tối nay, ngày mai, và kế tiếp tôi phải làm gì, và chừng nào tôi mới về lại Biên Hòa. Hôm sau chồng tôi được tin anh vội vã đi về tìm. Chúng tôi gặp nhau nghẹn ngào trong cái buồn đứt ruột của một cái đám ma.
Hôm sau tôi được tin Anh Phú, anh rễ của chồng tôi cũng cùng thời điểm đó đem xác anh Phúc (Anh em cô cậu với chồng tôi) , một người lính BĐQ tử thương ở chiến trường Khe Sanh cũng về Đà Nẳng. (Tôi xin ghi chú ở đây là hai người bà con một người chết ở Khe Sanh, một người ở An Lộc tôi không nhớ chính xác. Xin thông cảm) Do đó chúng tôi 3 người: Anh Phú, tôi và chồng tôi đã có dịp gặp nhau tại Đà Nẳng đi dự một lượt hai đám tang. Đưa xác người lính trẻ về nhà, ngồi suốt một đêm trong giang sơn của người chết trận. Tôi mới thấm thía nỗi lo sợ của người vợ lính. Tôi mới xác định rõ chỗ đứng của mình bên bờ vực của sự biệt ly. Chồng tôi cũng đang ngoài mặt trận. Một ngày nào đó, tôi cũng sẽ ngồi đây, nhưng hình hài người nằm trong kia là anh ấy. Tôi lạnh người khi nghĩ đến điều này và căm ghét chiến tranh. Chiến tranh thật tàn khốc và thế giới không ngày nào không có chiến tranh, giết chóc, tàn sát lẫn nhau. Người ta đã đem sự sống chết đùa giởn và ra tay không chút nhân nhượng. Biết rằng đời người rồi một lúc nào đó cũng chết. Nhưng nhìn những người trẻ tuổi, giỏi giang, tương lai sáng rực đi vào thiên thu ai không khỏi đau lòng.
Ôi chao! Một chiếc lá xanh tấp vào ngạch cửa mà tôi đã lôi theo bao nhiêu nỗi ưu tư. Thì ra tôi đã già rồi. Già thật rồi nên cứ loay hoay nhìn về quá khứ. Hãy cho tôi một nụ cười.
Nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ để an vui xóa đi những hình ảnh không vui của những ngày xưa cũ.
Thêm