Lớp Đệ Tam B2 năm 64-65 không chỉ có học sinh của trường Ngô Quyền mà còn là nơi hội tụ của các học trò từ những trường của quận Long Thành và Tân Uyên chuyển về. Thời ấy hai quận Long Thành và Tân Uyên chưa có trường Trung Học Đệ Nhị Cấp, nên các học sinh sau khi tốt nghiệp bốn năm Đệ Nhất Cấp thì được chuyển về Ngô Quyền tại tỉnh lỵ Biên Hòa. Các trường ở Quận không có môn Anh Văn, vì thời ấy thiếu Giáo Sư Anh Văn, nên tuy chọn ban A, B, C thì phần đông học sinh đều tập trung vào các lớp ban Pháp Văn mà thôi. Không hiểu vì sao khi ấy học sinh thích chọn ban B nhiều quá. Để giới hạn bớt, Giám học chỉ chọn những học sinh nào có số điểm toán 16 trở lên mới được học ban B.
Vì sự tập hợp nầy mà lớp đệ Tam B2 năm đó có rất nhiều phe nhóm, nhiều bang như: Nhóm học sinh cũ có Ẩn E, Thanh Vân, Chương, Tâm… hiền lành, học giỏi thường đứng đầu lớp. Nhóm Thanh Phong, Lượng, Quyễn, Lương mập, Lương Bắc Kỳ thì chịu chơi hết cỡ và ăn mặc rất sành điệu. Nhóm la cà bàn bida Biên Hùng thì có “Tấn nạo” là xếp sòng. Nhóm thích văn nghệ thì có Thành Tiêu, Lộc Tiên, Đặng Hùng, Hồ Quang Liên và tôi thường đóng đô ở đầu dốc Cây Chàm. Nhóm học trò Long Thành có Tân, Thịnh, Trừ, Chiến… Nhóm Tân Uyên vào lớp nầy cũng gần mười trự trong đó có Đỗ Hữu Phương và Tôi là bạn chí thân nhau từ nhỏ.
Bởi có nhiều phe nhóm, bang phái như vậy mà chưa có cao thủ nào làm “minh chủ võ lâm” nên giang hồ cứ đại loạn mãi. Đã có lắm chuyện không đâu rất trẻ con vậy mà thành ra lắm trận thư hùng dưới hàng điệp già của dãy lầu sau. Các bạn đã hình dung ra lớp Đệ Tam B2 bát nháo như thế nào rồi chứ? Thật ra cũng không có gì lớn lao, chỉ những ngày đầu với các trò quê lên Tỉnh mà thôi. Các bạn có biết tâm trạng của học trò từ làng quê lên Tỉnh học như thế nào không? Có lẽ cũng tương tự như cậu bé ngày đầu tiên đến trường mà không có Mẹ đi theo. Tất cả đều mới lạ làm trò quê bỡ ngỡ, lòng vui như khai hội với mọi vật, xung quanh rộn rịp hơn ở quê nhà. Từ đường phố, xe cộ, nhà cửa, trường lớp, con người… cái gì cũng nhiều hơn, lớn hơn, đông hơn, khiến trò quê thấp thỏm lo âu và trò quê nầy phải tập làm quen với mọi thứ… Đầu tiên là phải tập làm quen với nơi ở trọ. Xóm Lò Heo, mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết xóm nầy thuộc về Phường Xã gì, nhưng đây là xóm lao động mà dân Biên Hòa đều biết tiếng… “dữ lắm”. Trò quê phải tập thích nghi với nhà vệ sinh công cộng trên ao rau muống rộng mấy mẫu. Đây là nơi mà các anh trốn quân dịch, đào ngũ cùng một số tay anh chị về lẫn trốn khi có cuộc hành quân tuần tiểu, bố ráp. Nơi mà ngày nào cũng có vài sòng bài lộ thiên lớn nhỏ, vài độ nhậu nhẹt, vài cuộc cãi vã đánh nhau xãy ra như cơm bữa.
Tôi phải tập làm quen với con đường vào xóm thường bị ngập nước đến quá gối mỗi mùa mưa. Thật khủng khiếp khi mọi người phải sống chung với mọi thứ vứt đi đã theo con nước mang mùi khó ngửi lềnh bềnh ngao du khắp xóm. Lúc ban đầu thấy ớn lạnh không dám lội qua, nhưng mãi rồi cũng quen, mọi việc rồi đâu cũng vào đấy. Mọi người sống được, thì mình cũng phải sống được thôi. Vài tay “anh chị” trong xóm thấy thương thằng học trò quê nầy đã bảo: Nếu có ai hỏi ở đâu thì nên cẩn thận khi trả lời vì xóm Lò Heo có nhiều ân oán giang hồ nên có khi bị vạ từ trên trời rơi xuống. Mấy năm ở trọ tại xóm Lò Heo để đi học là cả một trường đời mà tôi đã trải qua với nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống cho mãi đến bây giờ.
Đấy là chuyện xóm, giờ quay lại chuyện trường. Các bạn biết không, ngày khai trường, vừa bước vào cổng trường tôi đã muốn ngộp thở vì trường lớn quá, nào lầu trước, lầu sau với sân cờ rộng thêng thang, còn có sân bóng rổ nữa chứ. Học sinh thì rất đông, thầy cô cũng nhiều hơn, người người ăn mặc lịch sự, đẹp hơn ở trường quê. Trước giờ khai giảng, các bạn đã chỉ cho tôi biết thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo. Thầy rất oai nghiêm với cặp kính gọng vàng mang tác phong của một nhà giáo, nhưng Thầy có bộ dáng rất “xì bo” như một võ sĩ hạng nặng đúng như tôi đã nghe là Thầy có nghề võ đến mấy đẳng lận. Tuy nhiên, suốt thời gian học tại Ngô Quyền tôi chưa hề thấy Thầy đánh hay quật ngã học sinh nào. Vậy mà trong lòng tôi lúc nào cũng hơi ớn ớn và chính trò quê nầy đã một lần điêu đứng với Thầy. Nội quy trường Ngô Quyền lúc đó thì ngày Thứ Hai nam sinh phải mặc quần trắng, áo trắng. Nữ sinh thì mặc áo dài xanh. Không may cho tôi, ngày hôm đó, lúc vượt qua con hẻm ngập nước, cái quần tây trắng bị lấm lem. Bí quá, tôi bèn mặc đại cái quần xanh đến trường. Ngang qua văn phòng, tôi cố đi thật nhanh, bất ngờ thầy Hiệu Trưởng từ trong phòng bước ra. Tôi muốn chết điếng khi bị Thầy ngoắc lại. Hoảng quá, tôi vội chạy ngược ra cổng và làm một cuộc “Marathon” đổ dốc Kỷ niệm… Đến lúc chạy ngang qua quán Huỳnh Của, nghe có tiếng kêu của ai đó, tôi tưởng Thầy cho người đuổi theo nên tôi chạy nước rút một mạch xuống gần đến Biên Hùng mới dám dừng lại, mệt gần chết! Và kết quả là hôm đó tôi nghỉ học, phải nhờ Dì tôi đến trường xin phép nghỉ học với lý do: bị sốt.
Tôi không bao giờ quên một hôm chính tôi thấy một thầy đã cho “Tấn nạo” một cái bạt tay nẩy lửa vào ngày khai trường. Tôi không biết Tấn nạo đã làm gì, nhưng một tay lì lợm, nghịch phá như Tấn nạo thì không ai thắc mắc gì cả, chỉ thấy Tấn nạo ôm một bên má lủi thủi vào lớp ngồi im thin thít. Nhắc đến Tấn nạo, lòng tôi đau xót và rưng rưng nước mắt vì bạn đã bị bắn chết tại xã Tân Ba, trên đường về nhà, mà ngày mai là lễ thành hôn của mình. Cô dâu trong ngày cưới phải đội khăn tang đứng bên cạnh quan tài của chồng. Cha mẹ, bà con, bạn bè khóc thương Tấn nạo. Cũng như các bạn Huỳnh Kim Quang, Trần Nguyên Lương, Võ Bá Vạn đã hy sinh cho Quốc Gia Việt Nam với tuổi đời vừa hai mươi.
Dân Ban B không giỏi về văn chương, nhưng sau hai năm học Việt văn với thầy Thân Trọng Hưng, tôi đã có thêm nhiều kiến thức về văn chương, thi hoạ. Tôi bắt đầu thích văn thơ, nhất là cổ văn với các điển tích, chuyện cổ được dùng vào văn học. Rồi tôi yêu môn văn từ lúc nào, cho đến thời gian trong quân ngũ, lang thang trên hải đảo Trường Sa thân yêu của chúng ta; tôi thường hay làm thơ, viết văn. Mãi đến giờ đã hơn bốn mươi năm sau, mặc dù chưa có lần gặp lại Thầy, nhưng mỗi khi cầm bút viết một sáng tác nào thì trò quê nầy vẫn nhớ về Thầy với dáng dấp nhỏ, gương mặt hiền từ, phúc hậu với nốt ruồi bên má, với mái tóc chải rẽ đường ngôi chỉnh tề và những lời giảng bài mang âm hưởng Huế…
Trở lại chuyện lớp Đệ Tam B2 ngày ấy. Lớp học êm xuôi vài tháng thì bắt đầu có chuyện… Một hôm, người bạn thân tôi đến bảo tôi: “Thành, tụi thằng Chiến (nhóm Long Thành) bảo tụi mình là “Vixi”, là dân chiến khu Đ, sao không thấy mang mã tấu?”. Chuyện chỉ là câu nói đùa bình thường, nhưng sao bỗng dưng lúc ấy tôi giận dữ. Kết quả là đến giờ ra chơi, trong vòng vây cổ vũ nhiệt liệt của khán giả học sinh nhiều lớp, hai võ sĩ Tân Uyên và Long Thành thượng đài… Tôi đã đấm như mưa vào Chiến. Tuy Chiến không bị “nốc ao” nhưng một bên mặt bị sưng đỏ. Từ đó không còn ai dám gọi là “đám chiến khu” hay “Vixi” gì nữa. Lúc tan học về, nhóm Thành Tiêu chọc quê tôi: Thằng Thành ra trận mà sợ địch lấm quần áo hay sao mà trước khi đánh nó còn bỏ “đôi hoa” ra, đá bằng chân không? Hùng Đặng thì nói: Người lịch sự đánh nhau cũng phải lịch sự, hẹn ra sân, bỏ hoa, hỏi tội rồi mới đánh. Và sao lúc đó mầy không rút mã tấu ra cho nó ngán? Cả bọn cười rộ lên, nhưng cũng từ đó bỗng dưng tôi lại có thêm cái hổn danh trên chốn giang hồ: “Thành mã tấu”. Sau trận đánh nầy, tôi cứ suy nghĩ mãi về hành động của mình và tôi đã chủ động tìm đến Chiến xin lỗi về sự nóng giận vô lối, xuẩn ngốc của mình. Rồi thì tất cả cũng qua đi, Chiến và tôi trở thành đôi bạn thân thiết cùng chung học tập với nhau suốt hai năm. Và sau đó, chúng tôi xa nhau trong ngậm ngùi thương mến, để bây giờ mãi hoài nhớ nhau. Đây chính là bài học nhớ đời mà tôi vẫn thường đối chiếu với những sự việc mà tôi gặp trong suốt chặng đời sau nầy. Mãi về sau, tôi đã tìm ra nguyên nhân của sự nóng giận, dữ dội nầy: Tôi đánh Chiến không vì lý do tự ái mà vì một bi phần bị đè nén đã lâu, giờ nó bùng nổ vì sự châm ngòi của Chiến. Tìm ra nguyên nhân không phải để tự bào chữa cho chính mình mà đây chính là sự thật tận đáy lòng...
Tôi sinh trưởng tại Sài Gòn. Gia đình hồi cư về Tân Uyên lúc tôi sáu tuổi. Tôi đã trải qua thời thơ ấu bên dòng sông Đồng Nai, với vườn cây bưởi, với mía lau, ruộng lúa xanh tươi và tính thật thà của người miền Đông Nam Bộ. Năm lớp Nhất, tôi học chung với Nguyễn Hoàng Nam và Bích Loan. Hai anh em nầy là con của ông Quận Trưởng Quận Tân Uyên lúc bấy giờ: Đại Úy Lời và gia đình ông rất hiền lành, tử tế và rất hòa đồng với mọi người. Trường Tiểu Học Uyên Hưng ở sát bên dinh Quận. Lúc ấy học sinh phải học cả ngày, nên các bạn ở trên xã Tân Hòa, Tân Tịch, hoặc bên kia sông vùng Bình Long đi học phải mang cơm để ăn trưa tại trường. Tôi và Nam lại khoái ăn cơm gói mo cau hoặc ém chặt trong lá chuối như đòn bánh tét ăn với mắm nêm, khô khoai… nên thường lén gia đình “ăn chực” với các bạn nhiều lần. Một hôm ông bà Quận sang trường tìm Nam đã gặp tôi và Nam đang “ăn chực”, ông bà trở về Quận mang thêm cơm và nhiều thức ăn cho chúng tôi. Những ngày sau nầy thỉnh thoảng ông bà bảo Nam mang sang trường nhiều thức ăn hoặc quần áo hay giấy viết cho các bạn. Ông cũng từng tặng thưởng cho tôi về giọng hát hay trong đêm văn nghệ mừng Xuân. Nam, Bích Loan và tôi rất thân nhau, chúng tôi thường học tập, cùng chơi đùa, Chủ nhật hay ngày lễ, anh em Nam thường theo tôi vào vườn cao su chơi hoặc vào vườn cây ăn trái của gia đình tôi.
Cuộc sống mọi người đang êm ả, bỗng một ngày ông Quận Lời bị phục kích chết khi vào thăm từ giả đồng bào trong khu trù mật Khánh Vân trước khi ông được chuyển về Vĩnh Bình. Lần đầu tiên tôi đã thấy cái tang thương của chiến tranh. Tôi thấy lòng trĩu nặng một nỗi buồn khôn tả như bị mất đi một người thân thuộc. Nhìn bà Quận như người vô hồn, rũ rượi dưới bộ tang phục, trông bà như tàu lá chuối sau cơn bão tố. Anh em Nam khóc tức tưởi bên quan tài của cha. Lòng tôi bỗng dấy lên nỗi căm hờn vô cớ. Rồi tiếp theo vào giữa năm học lớp Đệ Thất, tôi nghe tin Thầy Phê, Thầy dạy tôi năm lớp Nhất và Thầy Hy cùng vài thầy cô khác đã bị bắn chết khi Canô chở Thầy Cô lên xã Lạc An trong công tác xóa nạn mù chữ. Đám học trò con nít chúng tôi đã khóc ngất bên xác người Thầy kính yêu. Gia đình tôi lại tiếp tục nhận một hung tin cậu Tâm của tôi đã tử trận trên vùng Đồng Tháp. Đây là người cậu mà tôi rất thương yêu, kính trọng. Trên dòng sông Đồng Nai thỉnh thoảng có xác người trôi từ thượng nguồn về. Cầu Rạch Tre, cầu Tổng Bân, cầu Bà Kiên cứ bị giật mìn sập liên miên. Những trận đánh tại dốc Bà Nghĩa, ở Bình Cơ, Bình Mỹ cắt đứt đường đi lên Phú Giáo… Tất cả những đồng bào thương vong, chết chóc, khổ đau xãy ra quanh tôi. Ngay chính gia đình tôi và mọi người đã làm cho trí óc non nớt của tôi bỗng nghiệm ra rằng những người kính yêu của tôi đã chết vì những con thú dữ trong rừng…! Trong lá thư tôi viết gửi Nam lúc ấy: “Tụi mình phải ráng học để sau nầy làm một cái bẩy bắt hết mấy con thú đó trả thù cho ba Nam, Cậu tôi và quý Thầy Cô”. Lá thư làm Ba Má tôi phì cười và Ông Bà lại hơi lo vì sợ “tai vách mạch rừng”. Những ấn tượng nầy theo tôi suốt bao năm, nó cứ âm ỉ nung nấu trong lòng, khi chuộc chiến vừa châm ngòi thì cả một kho bom bùng nổ…
Mới đó mà đã hơn 40 năm, dòng đời với nhiều ngả rẽ mang theo quá khứ về phía cuối trời. Dù rằng bây giờ con dốc Kỷ niệm trên đường đến trường Ngô Quyền hoặc dốc Cây Chàm đã bị bào mòn, không còn cao như xưa, nhưng trong từng ngăn ký ức đời mình thì “những kỷ niệm một thời học sinh Ngô Quyền” đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất và mãi hoài ở đỉnh cao trong lòng tôi: NGƯỜI HỌC TRÒ QUÊ.
BỌT BIỂN