Thư Gởi Bạn
Bạn thân mến,
Lâu lắm rồi, mình không còn có dịp gặp lại nhau, mọi liên lạc bằng thư từ hay điện thoại cũng không có. Nhưng tôi biết chắc chắn bạn vẫn nhớ đến tôi, cô bạn thân từ trường Nữ Tiểu học lên Trung học Ngô Quyền. Cũng như tôi luôn liên tưởng đến bạn, nhất là dạo sau này khi trang web của Hội cựu học sinh Ngô Quyền phát triển, việc nối lại liên lạc không khó, nhưng sao mình chưa làm được?
Giống như từ thời thơ dại, tôi vẫn thường giao tiếp với các anh chị lớn hơn, chắc là vì tụi mình đọc khá nhiều sách nên đã già từ hồi còn nhỏ phải không bạn? Nên phải chơi với người lớn hơn để được nghe nhiều chuyện mà tụi bạn cùng lớp chưa hề biết đến. Hồi đó mình luôn có mặt bên nhau từ giờ học đến những sinh hoạt hiệu đoàn.
Tháng 4 năm 75, mọi thứ đều thay đổi, TL, NQ phiêu bạt quê người; BC,YN yên nghỉ ngàn đời ở một góc Biên Hòa có đầy kỷ niệm của cả lớp; tôi trôi dạt về Nha Trang, lơ ngơ, tội nghiệp một mình giữa biển trời bao la, giữa một lớp chuyên toán đa số là con trai, con gái rất hiếm hoi. Chuyện tìm được một người như bạn giống như chuyện tìm kim ở đáy biển. Bạn ở lại trường xưa với màu sắc mới, với gần một nửa bạn bè thân quen , mà vẫn không quên tôi, nên tôi vẫn nhận được đều đặn hàng tuần những lá thư viết trên giấy học trò kẻ ô vuông gởi qua đường bưu điện.
Bạn kể cho tôi nghe chuyện các cô đi dạy không còn mặc áo dài; các thầy giảng bài đôi khi không dám nhìn vào mắt học trò vì phải nói những điều nghe ra không đủ sức thuyết phục chính mình thì làm sao giảng cho học trò được? Điều đó tôi cũng nhận thấy ở trường mới. Nhiều buổi trưa tan học, đi ngang phòng giáo sư ngày trước (sau này gọi là phòng giáo viên) vẫn nghe đau lòng vì có tiếng một thầy cô nào đó, chắc mới đổi về từ phía bên kia vĩ tuyến 17, đang phàn nàn vì chuyện chia chát mấy miếng thịt tem phiếu, tiêu chuẩn của cán bộ. Nghe đến lạ tai, và chợt nhớ một lời khuyên của ông bà ngày xưa "miếng ăn là miếng nhục"! Đâu có giống thầy cô ở Ngô Quyền của mình hồi trước, phải không bạn?
Bạn có nhiều diễm phúc hơn tôi, không bị cuốn đi sau cơn "bão táp cách mạng" tháng 4 năm 1975. Bạn học hành cũng giỏi và sau khi tốt nghiệp Đại học, "hoạn lộ" thênh thang nhờ nhiều lý do. Đường học vấn của tôi bị cắt ngang ở lớp mười hai. Vả từ đó mình xa dần, xa dần nhau, rồi mất hẳn liên lạc mặc dù tôi biết ngày nào mình còn hoài niệm về Ngô Quyền và những năm đầu trung học, ngày đó mình vẫn còn nhớ đến nhau .
Hơn ba mươi năm trôi qua, nhanh hơn người ta tưởng, nhiều Thầy Cô trẻ trung năm xưa đã lần lượt về cõi vĩnh hằng. Thời gian tôi lưu lạc quê người dài hơn thời gian ở quê nhà. Nếp nghĩ không ít thì nhiều cũng bị ảnh hưởng. Ở quê nhà, bao nhiêu năm trôi qua, ngôn ngữ mới, suy nghĩ "thời mở cửa" chắc cũng đã thấm nhập vào bạn tự bao giờ. Tụi mình như một con sông tẻ thành hai nhánh.
Bây giờ có gặp lại nhau, cũng không còn được tâm trạng như chim liền cánh, như cây liền cành của ngày xưa. Lớn lên, khôn ra, tôi hiểu mình không thể giữ lại tất cả mọi thứ, mọi quan hệ như thời mười ba, mười bốn. Nhưng tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó, mình gặp lại nhau, để thấy lại trong mắt nhau những cô học trò Ngô Quyền ngây thơ, bé bỏng chăm học năm nào. Ở khoảnh khắc đó, mình vẫn là bạn thân như xưa, vẫn còn ở một góc Biên Hỏa yêu dấu ngày nào, như dòng sông chưa chia thành hai nhánh.
Thêm vào đó, dù đã thật sự "nghìn trùng xa cách", cả bạn và tôi đều giống nhau ở chỗ mình muốn được thấy các em học sinh trung học bây giờ hiếu học, biết kính thầy yêu bạn như thế hệ các đàn anh, đàn chị, như thế hệ của tụi mình ngày xưa. Dù đang ở bất cứ một góc nào của địa cầu, mình vẫn mong đất nước Việt Nam của mình giàu mạnh, tự do. Chỉ cần một vài điểm tương đồng đó thôi, những dị biệt khác sẽ không ngăn mình thân nhau như xưa, như tụi mình đã không gián đoạn liên lạc trong ba mươi năm qua phải không bạn thân mến?
Nguyễn Đông Tường
Thư Trả Lời
một bức thư nhà trọn niềm thương
nhắn người viễn xứ sống tha hương
gửi chút hương lòng cho mây gió
góp lại tâm tình của bốn phương
dâu bể nhân sinh như giấc mộng
hợp tan kim cổ vẫn vô thường
xin hãy đừng nguôi niềm hy vọng
mai về trong nắng đẹp quê hương
Vương Trọng Thúy