Tôi còn nhớ một lần cô hướng dẫn lớp chúng tôi làm đơn xin việc làm. Nhìn các bạn chung quanh ai cũng chọn những địa điểm quen thuộc như Ty Giáo Dục, Ty Công Chánh, Ty Thủy Lợi... Buồn tình tôi nghuệch ngoạc vào tờ đơn của tôi: Maxim. Cô đi ngang liếc mắt xem bài của tôi và nhẹ nhàng nhắc nhở: "Maxim là của ông Hoàng Thi Thơ, ở đây chỉ tuyển nữ vũ công thôi em!”. Cả hai cô trò cùng cười, nụ cười của cô thật tươi tắn, dễ thương. |
|
|
CÔ HÀ BÍCH LOAN:
Cô cũng dạy môn Việt Văn. Dáng cô gầy, thanh thoát. Nhưng màu áo cô mặc thật trang nhã và chưa bao giờ tôi thấy cô mặc áo hoa sặc sỡ. Khi giảng bài, cô đứng trên bục gỗ hay cạnh bàn, luôn luôn vân vê viên phấn trắng trên tay. Với tôi, đó là một cử chỉ rất nữ tính, rất dễ thương mà tôi không bao giờ quên. Vừa giảng Kiều, cô vừa liếc mắt canh chừng bọn tôi -Ngũ quỷ- nghe dễ sợ nhưng thực sự chỉ ồn ào phá phách hơn đám con gái bình thường chút xíu thôi. Nhỏ Ba tinh nghịch hay tìm những mẫu chuyên vui cười để chọc ghẹo bạn bè. Nhỏ Lưu nổi tiếng quảng giao. Nó có tài gợi chuyện "kiến trong lỗ cũng phải bò ra". Vì vậy những chuyện bồ bịch thầm kín của ai nó đều biết. Cô Loan phải nhắc chừng và cảnh cáo thường xuyên: "Đừng nói chuyện nhiều nhá", "Đừng chọc ghẹo cái Lưu và cái Ba nhé -coi chừng chúng xin tí huyết đấy...". Cả lớp cười ồ! Cô hay chêm những từ ngữ giang hồ võ hiệp như "XIN TÍ HUYẾT", "XIN TÍ GÂN", '"LẠNH LÙNG NHƯ MỘ ĐỊA" để pha trò tạo bầu không khí hào hứng sôi nổi cho lớp học. Chúng tôi say mê nghe cô giảng truyện Kiều:Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong Thu đã nhuốm màu quan san.
...
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Nhờ nghe cô giảng, tôi đã làm hai bài thơ KHÓC THÚY
KIỀU và TRÁCH TỪ HẢI. Hai bài này đã đăng trong Đặc San lớp Tứ Ba
trường NQ do tôi làm trưởng Ban Báo Chí:
KHÓC THÚY KIỀU
Mười lăm năm sống giang hồ
Buôn hương bán phấn nhuốc nhơ tuổi nàng
Ai làm rẽ thúy chia loan?
Ai làm nát ngọc tan vàng đời hoa?
Bán mình chuộc tội cho cha
Quên tình vì hiếu trời già hay chăng?
Phận hồng nhan gặp gian truân
Mây trôi, bèo nổi muôn phần đau thương
Xót xa cho kiếp đoạn trường
Đây hàng nước mắt sầu thương khóc nàng.
TRÁCH TỪ HẢI
Cằm én, râu hàm oai lắm nhỉ
Tung hoành góc bể bấy nhiêu năm
Bốn phương nổi tiếng tài ngang dọc
Nghe gái xui nên chết chẳng nằm
Mang tiếng anh hùng sao quá dại
Thế gian mấy kẻ bảo rằng ưa?
Không tiếc - không thương mà tớ bảo
Chết vì gái đẹp - đáng đời chưa?
THẦY NGUYỄN PHI LONG:
Thầy đến lớp tôi trong một ngày đẹp trời. Với chiếc áo sơ mi màu trắng trông thầy giống sinh viên hơn là nhà mô phạm. Sau lời giới thiệu mở đầu, thầy nhấn mạnh: "Tôi chỉ muốn các em xem tôi như một người đi trước có kinh nghiệm chỉ dẫn các em thế thôi". Có tiếng xì xầm - miệng nhỏ Lưu to nhất “Ông này coi bộ lối nha tụi bây". Nhỏ Chẳn đồng tình: "Dĩ nhiên rồi, trẻ tuổi mà làm thầy không lối sao được mậy”. Cho dù lớp tôi có nhiều bạn rất giỏi Toán, tôi vẫn cho Nguyễn Kim Tiến là cô học trò giỏi và được thày chú ý nhất. Bằng chứng là thầy hay kêu Tiến lên bảng giảng những bài toán khó. Kim Tiến quê ở Tân Hạnh -tóc dài rất thùy mị- khuôn mặt có nét buồn xa vắng. Tôi gọi Tiến là "dáng buồn Tân Hạnh". Tiến cũng biết làm thơ. Bài thơ Tiến cho tôi xem rất hay. Vì xem qua có một lần nên tôi chỉ thuộc hai câu đầu:
Người đi trong buổi hoàng hôn lạnh,
Thắm ướt đôi mi ngấn lệ mờ.
Ngồi gần bàn chúng tôi nên Tiến rất khổ sở, đôi khi phải quay đầu xuống nhắc nhở: "Đừng nói chuyện nữa -nghe thầy giảng đi- sắp tới ngày thi rồi đó". Hết chọc đứa này, đến ghẹo đứa khác, ngay cả các bạn ở dãy bàn bên kia chúng cũng không tha. Một hôm, trong lúc thầy đang giảng bài, sực nhớ đến điều gì, nhỏ Ba chồm lên khều vai cô bạn Đồng Thị Sáng: "Ê mậy! Hôm nay kép nào chở mày đi học vậy?". Sáng là cô Bắc kỳ nho nhỏ mà Phạm Thị Minh đã giới thiệu trong sớ Táo Quân:
Đồng thì có tối bao giờ
Thế mà tên Sáng lại mang họ Đồng!
không thể nào làm ngơ với nhỏ Ba đành phải quay lại trả lời: "Quỷ ơi, kép nào đâu, ba tao đó.”.“Cái gì?” nhỏ Ba giật nẩy lên: “Trời ơi! Ba mày trẻ và đẹp trai quá vậy? Tao chấm ổng rồi đó!”. Các bạn ngồi ở dãy bàn cuối lớp đều cười theo nhỏ Ba. Tuy giảng bài nhưng mắt thầy Long vẫn không bỏ sót một cử chỉ nào… Thầy bỏ ra ngoài. Vài phút sau thầy mới trở vào giảng bài tiếp.
Lớp tôi có bạn nào để mắt xanh đến thầy Long? Không ai biết. Có điều chúng tôi biết chắc chắn thầy được nhiều chị lớp lớn ái mộ. Các chị vẫn đến lớp tôi tìm thầy. Đang giảng bài thầy phải bỏ ngang nửa chừng để ra ngoài nói chuyện. Chỉ vài phút thôi, không có gì đáng ầm ĩ… nhưng các bạn ngồi ở bàn trên vốn hiền lành, hiếu học cũng cảm thấy khó chịu, bực bội. Lời ra tiếng vào làm lớp tôi như một chợ trời. Có lẽ thầy cũng nghe được những lời xầm xì nên có vẻ tức giận lắm. Chưa bao giờ tôi thấy thầy nổi nóng như lúc này. Thầy ném viên phấn xuống sàn đưa ngón tay như chỉ vào mặt chúng tôi, nói gằn từng chữ một: "XIN ĐỪNG LÁI XE VẬN TẢI VÀO ĐỜI TƯ NGƯỜI KHÁC”. Nói xong, thầy bỏ đi xuống lầu. Từ đó câu nói của thầy trở thành bất tử. Cuối năm, khi mãn khóa học, thầy yêu cầu chúng tôi cho ý kiến về môn Toán của thầy. Dĩ nhiên thầy dạy giỏi, học trò mến yêu thầy. Nhưng khi nhìn các bạn viết cảm nghĩ, tôi băn khoăn tự hỏi: “Có bao nhiêu cô học trò tinh nghịch đã viết lại câu danh ngôn độc đáo của thầy?”.
THẦY LÊ HOÀNG SANG:
Thầy dạy Pháp Văn, rất hiền -từ nụ cười đến lời nói- lúc nào thầy cũng từ tốn, nhẹ nhàng. Điều làm tôi nhớ nhất về thầy là có nhiều lần thầy khuyên tôi nên ráng học: "Một mai khi vào đời em sẽ nuối tiếc vì đã bỏ lỡ mất cơ hội". Những lời thầy không bao giờ tôi quên.
THẦY ĐÀO VĂN VƯỢNG:
So với các thầy khác thì thầy thấp và ăn vận rất lè phè. Trán thầy cao, vồ, bóng lưỡng biểu lộ sự thông minh, bướng bỉnh. Thầy dạy môn Quang Học. Chúng tôi gọi thầy là “gương cầu lồi”… Chẳng có gì đặc biệt để nhớ nếu không có một ngày thầy dồn lớp tôi và lớp con trai học chung. Đến lớp lạ là một điều chúng tôi không thích. Một tên không phải là trưởng lớp nhưng tự ý xung phong đứng ra điểm danh. Anh chàng này biết nhỏ Ba quậy và dữ nên muốn chọc quê cho bẻ mặt Nguyễn thị Ba. Hắn dõng dạc gọi to. Tưởng điểm danh bình thường nhỏ Ba giơ tay "Có mặt". Vài phút sau bị gọi tên lần nữa, biết gặp tên xấc láo, nhỏ Ba gằn giọng hỏi lại: “Ê, sao gọi tên tao hoài vậy?". Tên kia trân tráo trả lời: "Bộ tên xấu quá rồi quê hả?", Ba giơ ngón tay hăm dọa: “Gọi một lần nữa biết tay bà". Lúc này, lớp học cũng chưa được ổn định. Tôi lặng lẽ quan sát mọi người. Các anh ở bàn trên hiền lành, lịch sự hơn đang lúng túng nhường chỗ cho các cô bạn lớp tôi. Cả hai đều bỡ ngỡ thẹn thùng. Thầy Vượng đã có mặt. Thầy khoanh tay đứng bên cạnh bàn, hai chân tréo vào nhau và gương mặt vẫn gàn gàn như thủa nào: "Xong chưa, sao lâu thế ?". Các anh bàn trên gải đầu lí nhí không rõ. Tình hình giữa nhỏ Ba và tên kia vẫn gay cấn. Hắn chọc quê nhỏ Ba lần nữa. Nhỏ Ba chồm lên giận dữ : "Bà nội đây con". Lưu phải kéo nhỏ Ba ngồi xuống và tên kia cũng được một người bạn kềm lại.
Từ đó, mỗi lần thầy dồn hai lớp học chung là chúng tôi vắng mặt. Bao năm qua rồi tôi vẫn nhớ ánh mắt và lời thầy.
THẦY NGUYỄN THẾ VĂN:
Theo tôi, các thầy cô dạy môn Việt Văn thường gần gũi với các học trò hơn các thầy cô dạy những môn học khô khan khác. Có lẽ một phần vì môn dạy và một phần vì bản tánh phóng khoáng của họ. Thầy Văn ngoài "tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt, dân hữu tứ sĩ vi chi tiên" ra, thầy còn chia sẻ những quan niệm sống mới với các học trò. Khi nói về môn khiêu vũ, thầy cũng nhẹ nhàng cổ vũ chứ không tỏ ý chê bai. Điều này làm bọn tôi thích thú. Nhỏ Lưu và nhỏ Ba bô bô: “Ô, cái này hợp gu quá!”. Vào lúc đó văn học báo chí đang xôn xao về truyện Mối Tình Cao Thượng của Nguyễn Mạnh Côn, thầy Văn có hỏi ý kiến lớp tôi về tác phẩm đó. Trong lớp, chỉ có tôi và Phạm Thị Minh đọc qua MTCT… Quan điểm về tình yêu và tình dục của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn quá mới mẻ chưa hợp với lứa tuổi chúng tôi lúc bấy giờ. Riêng với tôi, thầy Văn có nhã ý khuyến khích tôi viết hồi ký, nhất là viết về thời quậy phá của tuổi học trò. Ngày đó, tôi chỉ cười và lắc đầu "cái tôi là cái đáng ghét thầy ạ!". Tuy nhiên, bây giờ tôi nghĩ lời khuyên của thầy rất có lý.
THẦY NGUYỄN VĂN LỤC:
Không phải chỉ riêng mình tôi mà hầu hết các bạn bước vào năm Đệ Nhất đều mang tâm trạng như thế nầy: có một niềm vui lâng lâng như vừa nhấp một chút rượu nồng. Cho mắt sáng hơn và môi cười rạng rỡ hơn, Thầy Lục và môn Triết Học đến như một luồng gió mới. Giã từ những bài thơ và tư tưởng cũ của cụ Nguyễn Công Trứ để đón nhận một tư tưởng hiện đại thật lạ và thật quyến rũ. Trong ba môn Đạo Đức học, Luân lý học và Tâm Lý học, tôi thích Tâm Lý học nhất. Lời thầy giảng và những dẫn chứng thật dễ hiểu làm chúng tôi say mê.
Năng mưa thì giếng năng đầy
Em năng qua lại mẹ thầy năng thương.
Tình yêu vẫn là đề tài muôn đời của các văn thi sĩ. Thầy Lục đã khéo léo đưa bài thơ Cô Hàng Xóm của Nguyễn Bính để phân tích tình cảm cho chúng tôi nghe:
Nhớ con bướm trắng lạ lùng
Nhớ tơ vàng nữa... nhưng không nhớ nàng.
...
Hôm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc quả tôi yêu nàng.
Sau này khi nghe một nhạc sĩ đã phổ bài thơ này thành nhạc, tôi đã giận ông thật nhiều vì người nhạc sĩ đã không diễn tả hết cái ý của thi sĩ và khi nghe bài nhạc không có cảm xúc dạt dào như thầy Lục giảng năm xưa.
THẦY HIỆU TRƯỞNG PHẠM ĐỨC BẢO:
Thầy là nhân vật đáng nể nhất trường. Ai ai cũng khiếp sợ thầy. Dáng dấp thể thao, trẻ trung. Thầy thường hay mặc áo ngắn tay để lộ cánh tay rắn chắc, khỏe mạnh. Có nhiều truyền thuyết về thầy và nhỏ Lưu cũng là người kể cho chúng tôi nghe nhiều nhất. Nào là thầy có võ Judo, võ Karate… Những tên học trò ba gai, ngỗ nghịch chỉ cần một tay thôi là thầy tóm cổ chúng thật dễ dàng. Chúng tôi rất ngán và luôn luôn tránh mặt thầy.
Vậy mà một ngày nọ cả bọn được giấy mời xuống Văn Phòng gặp thầy Hiệu Trưởng. "Chết mẹ! Sao vậy?”, nhỏ Lưu giơ hai tay như phân bua: “mình có làm gì đâu”. Ba đứa nhìn nhau - phù hiệu đeo đàng hoàng - áo quần giày dép tươm tất. Chẳng lẽ thầy Tổng Giám Thị mét lại những chuyện phá phách hồi xưa? Khuôn mặt thầy HT nghiêm trang, suy tư càng làm ba đứa lo âu hơn. "Ngồi đó đi chờ thầy TGT đến rồi sẽ biết". Chúng tôi khép nép ngồi trong góc phòng. Nhỏ Lưu luôn miệng than thở: "điệu này ba tao cạo đầu tao tụi bây ơi!". Một lát sau thầy TGT đến. Cả hai thầy nói chuyện với nhau. Tôi nghe loáng thoáng về lá Quốc Kỳ và cột cờ. Thầy Quân nhìn chúng tôi lắc đầu: “Không phải tụi này”. Bấy giờ khuôn mặt thầy HT nhẹ nhàng hơn và chúng tôi cảm thấy như trút được gánh nặng. “Về lớp học cho đàng hoàng nghe chưa?". Tôi chưa kịp cười đã bị thầy phất cho một roi, không đau nhưng làm tôi ngạc nhiên, "Con bé này, nhớ không mặc áo kiểu bà Ngô Đình Nhu nữa nhé!". Nhỏ Lưu và Ba phá lên cười và kéo tôi ra khỏi phòng. Lời thầy tôi vẫn nhớ nhưng không làm theo vì tôi thấy các chị lớp lớn mặc kiểu bà Nhu dễ thương quá nên bắt chước mà thôi. Do đó mỗi lần đi ngang qua văn phòng tôi phải đi thật nhanh.
Hơn 40 năm ... Cuộc đời trôi qua như một giấc mộng. Dù có nhiều biến đổi, tôi vẫn còn muôn vàn kỷ niệm để nâng niu. Vẫn còn trường NQ để nhớ, vẫn còn hình ảnh các thầy cô để kính yêu, vẫn còn các bạn để gần gũi, thân thương... để thường xuyên gọi cho nhau nhắc nhở về thời quá khứ...
Bây giờ viết những dòng chữ này, tôi nhớ từng khuôn mặt các bạn mà tôi đã gặp lại sau những năm dài xa cách...T. T. Lưu, V. T. Phụng, P. T. Hà, N. T. Chẳn, P. T. Thanh Thu, T. K. Mỹ, M.H. Huệ, T. T. Diệu, Ngô N. Hương, H. B. Tuyết, T. T. Mai, C. T. Huệ, N. T. P. Lan, Đ. T. N. Hoa...
Tất cả đều mang trái tim nồng nàn, chân tình của người nữ sinh trường NGÔ QUYỀN. Rất tiếc là tôi chưa có dịp gặp lại Nguyễn Thị Kim Tiến và Phạm Thị Minh để được nhìn lại “dáng buồn Tân Hạnh” ngày xưa và có dịp cùng cười ha hả với Big Minh như thủa nào.
Ơi! Thầy Cô và bạn bè yêu dấu của tôi...
KỶ NIỆM VẪN CÒN XANH
DÙ MÁI ĐẦU ĐÃ BẠC
THY LỆ TRANG
MASSACHUSETTS