Nhớ một dòng sông
Bút ký Huỳnh Công Ân
Tặng các em học sinh trung học Ngô Quyền, Biên Hòa
và các chiến hữu ĐĐ 3/463 ĐPQ, tiểu khu Biên Hòa
Sông Đồng Nai nước trong lại mát,
Đường Hiệp Hòa lắm cát dễ đi
(Ca dao)
Tôi từng đi qua những con sông của miền Nam dầy đặc sông rạch. Tôi đã bao lần ngồi trên phà Mỹ Thuận ngắm những dề lục bình trôi lãng đãng trên mặt nước Tiền Giang, mà nhớ giọng ca buồn não ruột của Út Trà Ôn trong vở tuồng cải lương Tuyệt Tình Ca, trong những lần xuôi ngược con đường Sài Gòn-Trà Vinh khi còn dạy học ở tỉnh Vĩnh Bình. Tôi cũng từng ngồi phà Cần Thơ, phà Vàm Cống qua dòng Hậu Giang bát ngát, mà từ bờ bên này chỉ thấy lờ mờ bờ bên kia. Sau 75, tôi cũng đã đi ngang những nhánh sông Tiền Giang khi qua cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, phà Cổ Chiên trong những chuyến về thăm Trà Vinh. Nhưng chỉ có một dòng sông gắn bó thật nhiều với tôi trong suốt 6 năm từ 1969 đến 1975: đó là sông Đồng Nai.
Không những tôi đã từng đi qua những cây cầu bắc qua sông Đồng Nai như cầu Gành, cầu Mới (hay cầu Hóa An), cầu Đồng Nai nhiều lần, mà tôi đã sống hai năm bên cạnh dòng sông Đồng Nai trong một đơn vị địa phương quân, để giữ an ninh cho cây cầu chiến lược trên xa lộ Sài Gòn-Biên Hòa. Vì vậy dòng sông Đồng Nai để lại trong tôi nhiều kỷ niệm .
Mùa thu năm 1969, cầm sự vụ lệnh thuyên chuyển về trường trung học Ngô Quyền-Biên Hòa, tôi bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đặt chân lên thủ phủ miền Đông dù ở đây chỉ cách Sài Gòn 30 km. Dần dần, những chuyến lên xuống giữa Sài Gòn và Biên Hòa, khi bằng xe lambretta hai bánh, khi bằng xe lửa qua chiếc cầu Gành lót ván, hình ảnh sông Đồng Nai trở nên quen thuộc. Những lần đi xe hai bánh đến cầu Gành đúng lúc cổng lên cầu đóng lại để nhường xe lửa ưu tiên qua cầu, dù bồn chồn lo sợ trễ giờ dạy nhưng tôi cũng giết thời gian chờ đợi bằng cách quan sát cây cầu sắt lâu đời nhứt của thành phố Biên Hòa, hết nhìn những anh lính địa phương quân gác cầu, lại nhìn xuống Cù lao Phố phía dưới. Có ngờ đâu, vài năm sau tôi cũng là một người lính gác cầu Đồng Nai .
Sau 3 năm dạy ở trung học Ngô Quyền, vì là một sĩ quan biệt phái, một lần vi phạm quân kỷ tôi bị trả về quân đội. Khi được gọi lên Bộ Tổng Tham Mưu để chọn đơn vị, tôi xin về tiểu khu Biên Hòa. Ông hiệu trưởng Phạm Đức Bảo đã dẫn tôi đến gặp trung tá Nguyễn Long Thành, tham mưu trưởng tiểu khu nhờ ông này giúp đỡ. Thế là tôi được đưa về đại đội 3/463 để giữ cầu Đồng Nai với chức vụ đại đội phó.
Từ đó trường Ngô Quyền mất đi một giáo sư nhưng tiểu khu Biên Hòa có thêm một sĩ quan và tôi thực sự gắn bó với dòng sông định mệnh: Đồng Nai. Tôi được đại úy đại đội trưởng cho ở một căn phòng trên đồi gần nhà của ông và đài truyền tin. Đó là căn phòng trước đây dành cho cố vấn Mỹ của đại đội, nay ông ta đã về nước theo kế hoạch giảm quân của Hoa Kỳ. Căn phòng tuy nhỏ nhưng gọn gàng và đầy đủ tiện nghi: giường ngủ, bàn viết, đèn trần néon và máy lạnh.
Công việc hàng ngày của tôi thật nhàn hạ. Buổi sáng, sau khi trung sĩ Thêm, thường vụ đại đội tập họp các binh sĩ trước văn phòng đại đội, tôi đứng trước hàng quân chỉ thị các công tác trong ngày cho các trung đội. Đại đội trưởng ủy quyền cho tôi làm công việc đó thay ông mỗi ngày, trừ phi hôm nào có công tác quan trọng ông mới có mặt. Thật ra công việc của một đại đội giữ cầu cũng chẳng có gì nhiều. Ngoài việc đôn đốc các trung đội trưởng kiểm soát các vọng gác trong phạm vi trách nhiệm của trung đội mình, chung quanh hàng rào phòng thủ hay ở các chân cầu, tôi còn ra lệnh xử phạt những binh sĩ “dù” về nhà trái phép. Thỉnh thoảng đại đội nhận công điện của tiểu khu, cho quân đi hộ tống các đoàn quân xa đi qua lãnh thổ của tiểu khu, tôi cắt cử sĩ quan trực đem trung đội của mình đi làm công tác đó. Quanh quẩn cũng chỉ là hộ tống chở tân binh đi thụ huấn ở quân trường Vạn Kiếp, lấy đạn pháo binh ở căn cứ Long Bình hay ở thành Tuy Hạ, hoặc tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược cho các chi khu Tân Uyên, Nhơn Trạch, Long Thành... Mỗi lần đi hộ tống như vậy, ngoài một xe GMC chở lính của tôi, tiểu khu còn tăng cường hai xe commando. Thỉnh thoảng tôi đích thân tham gia công tác này. Mỗi lần như vậy, tôi nai nịt đàng hoàng: đầu đội mũ sắt, vai mang dây ba chạc, lưng đeo khẩu colt 45, tay cầm gậy sẵn sàng đập vào đầu anh lính nào lè phè đội mũ vải. Tôi quen tác phong sĩ quan tác chiến như khi còn ở sư đoàn 9 bộ binh, nên các binh sĩ trong đại đội “ớn” tôi không kém gì đại đội trưởng.
Thời gian còn lại của ban ngày, khi thì tôi xuống câu lạc bộ đánh bi da, khi thì đi với các sĩ quan cùng đơn vị ra thành phố Biên Hòa chơi hoặc ghé Chợ Đồn ăn món đầu cá lóc hấp nổi tiếng. Thỉnh thoảng, tôi lấy ca nô chạy qua Bến Gỗ mua tôm càng về đơn vị nhậu.
Ban đêm, tôi thường bất ngờ đi kiểm soát các vọng gác. Đến nơi nào mà không nghe tiếng hô mật khẩu thì tôi biết anh lính đang canh gác đã ngủ. Thế là anh đó bị tôi cho ăn đòn. Người bị ăn đòn nhiều nhất là thằng Năm. Đêm nào tôi đi tuần mà nhằm ca gác của nó thì lần nào cũng vậy, tôi bắt gặp nó ngủ khò vì đã nhậu say bí tỉ. Tuy bị đòn hoài mà nó không oán tôi. Ban ngày, nó xuống các chân cầu câu tôm càng và đem bán cho tôi để tôi sai lính nướng nhậu bia với các bạn đồng ngũ. Nhưng cái tật uống rượu trước khi lên ca của nó đã làm nó mất mạng.
Một đêm, đang ngủ tôi choàng tỉnh dậy vì một tiếng nổ long trời lở đất phía dưới cầu. Phản ứng tự nhiên của tôi là chụp nón sắt lên đầu và lấy cây colt để dưới gối rồi mở cửa chạy xuống sân cờ. Tôi tưởng rằng đặc công VC đặt mìn phá cầu. Khi ra khỏi phòng, nhìn xuống dạ cầu tôi thấy khói còn mù mịt. Tiếng lính tráng la ơi ới. Đại úy đại đội trưởng ra lệnh thằng Bính lấy ca nô chạy ra phía chân cầu nơi phát ra tiếng nổ xem chuyện gì xảy ra. Ngay lúc đó, hạ sĩ Lý từ trên đài truyền tin chạy xuống cho chúng tôi biết lính dưới cầu gọi máy báo cáo thằng Năm đã sẩy tay làm nổ lựu đạn.
Một lát sau, ca nô chở vào xác thằng Năm bị nát bấy hạ bộ và một thằng lính khác mà tôi nhìn ra là thằng Chẫy (gốc người Hoa) bị nát hai chân bất tỉnh. Đại úy cho thằng Ba tài xế lấy xe Dodge 4 của đại đội chở xác thằng Năm và thằng Chẫy lên bệnh viện tiểu khu, sau khi ông báo cáo tình hình lên tiểu khu và y tá đại đội đã băng bó cho thằng Chẫy.
Chúng tôi nghe lính kể lại rằng hồi đầu hôm thằng Năm uống rượu say mèm, nửa đêm nó thức dậy rút chốt trái lựu đạn MK3 định đi ra sát sông ném xuống nước, để đề phòng người nhái, đặc công VC men vào chân cầu đặt mìn. Khi nó bước ngang võng của thằng Chẫy thì bị vấp ngã, trái lựu đạn phát nổ khiến nó chết tại chỗ và thằng Chẫy bị thương nặng.Tôi trách mình không sửa đổi được tật nghiện rượu của thằng Năm để thảm cảnh này xảy ra. Tội nghiệp tuổi đời của nó mới vừa đúng đôi mươi.
May mắn cho tôi trong hai năm trời ở cầu Đồng Nai, không có biến cố lớn nào xảy ra. Đại đội trưởng thông cảm trường hợp trở lại quân đội bất đắc dĩ của tôi, nên cũng làm ngơ để tôi thỉnh thoảng về Sài Gòn dạy một số giờ ở một vài trường tư.
Những giờ phút rãnh rỗi, ngồi trong phòng nhìn qua cửa sổ, thấy dòng Đồng Nai êm đềm chảy qua dưới cầu, lòng tôi bâng khuâng không biết số phận mình, đất nước mình đi về đâu và cuộc chiến này sẽ kéo dài bao lâu?
Cuối năm 1973, tôi làm đơn xin tái biệt phái về bộ Giáo Dục và được bộ Quốc Phòng chấp thuận.Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu khi biến cố 30 tháng tư 75 xảy ra, mà tôi vẫn còn là người lính giữ cầu Đồng Nai. Chắc tôi sẽ đau lòng vô cùng khi thấy cây cầu chiến lược, cái nút chặn của thủ đô Sài Gòn thất thủ trong ngày định mệnh đó.
Sau ngày trở lại dạy học ở trường Ngô Quyền tôi vẫn liên lạc với các sĩ quan bạn đồng ngũ: đại úy Nhuận, đại đội trưởng, đại úy Phong, đại đội phó tiền nhiệm đã đổi về phòng 3 tiểu khu, trung úy Hoàng sau về Không Quân, thiếu úy Ngọc, chuẩn úy Lộc… Tôi được biết sau khi tôi rời đại đội, có lần cầu Đồng Nai bị đặc công tấn công. Một trận đánh đã xảy ra dữ dội giữa đại đội tôi và bọn VC, cuối cùng đại đội tôi đã tiêu diệt gọn bọn chúng. Tôi tiếc mình không có vinh dự góp phần trong chiến công đó.
Tuy đã về dạy học, tôi vẫn giữ căn phòng của mình ở đại đội và thường xuyên về đó ở. Sau này, tiểu khu có kế hoạch hoán chuyển 3 đại đội ở 3 cầu Đồng Nai, Gành và Hóa An với nhau. Đại đội 3/463 về cầu Gành thay đại đội 3/363 của đại úy Tốt. Lúc này, đai úy Nhuận đã đi làm phân chi khu trưởng Tân Vạn nên đại đội trưởng mới là trung úy Thức. Tôi phải dọn đồ đạc trong căn phòng ở cầu Đồng Nai về nhà tôi ở Sài Gòn. Tuy vậy, thỉnh thoảng sau khi hết giờ dạy ở Ngô Quyền, tôi ghé cầu Gành nhậu với các bạn cùng đơn vị cũ.
Tôi trở lại với bảng đen, phấn trắng chưa đầy hai năm thì miền Nam mất. Cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan, viên chức Việt Nam Cộng Hòa khác, tôi bị đưa vào trại tập trung được mang tên là trại học tập cải tạo nhiều năm. Khi được thả về, một phần lo việc mưu sinh rất chật vật trong xã hội mới, một phần tìm cách vượt thoát khỏi chế độ cộng sản, tôi ít có dịp trở lại thăm thành phố Biên Hòa, trường Ngô Quyền và dòng sông Đồng Nai thân yêu. Nhưng chính dòng sông Đồng Nai trong một đêm tối trời mùa thu năm 1986 đã đưa tôi xuôi ra biển cả để đến bến bờ tự do.
Hơn 20 năm sau, trong một lần về Việt Nam tôi có lên Biên Hòa thăm một người chị họ. Những đổi thay từ một thành phố êm đềm ngày nào dù trong hoàn cảnh chiến tranh trở thành một thành phố ồn ào, không trật tự của một thời bình nhưng không an hiện nay, làm tôi nuối tiếc những ngày tháng cũ ở trường Ngô Quyền làm thầy giáo, hay bên dòng Đồng Nai làm lính gác cầu. Tôi cảm thấy lạc lõng ở một nơi mà hơn 30 năm trước rất là thân thương. Tôi không biết trong số những người đi ngược chiều với tôi, có ai là học trò cũ của tôi ở trường Ngô Quyền hay là một người lính cùng ở đại đội 3/463 giữ cầu Đồng Nai.
Mãi đến năm 2009, tôi liên lạc được với một người học trò cũ là một bác sĩ ở Việt Nam. Anh này lấy xe hơi đưa tôi lên Biên Hòa và gọi một số bạn cũ có học với tôi ở Ngô Quyền, cùng đến họp mặt và ăn uống ở nhà hàng Hoài Cổ ven sông Đồng Nai và gần cầu Gành. Trong khi mọi người nhắc lại những kỷ niệm cũ, tôi nhìn ra sông Đồng Nai, dòng sông hiền hòa từng gắn liền với tôi trong những năm cuối cùng của miền Nam tự do. Cuộc đời ngắn ngủi và có những thứ mà mình không thể nào quên được. Tôi nhớ mãi dòng sông Đồng Nai, một dòng sông đánh dấu quảng đời dấn thân với những hoài bão tốt đẹp và những nông nỗi của tuổi trẻ.
Ước gì tôi có phép thần thông đi ngược thời gian, để sống lại một ngày của quảng đời đó bên cạnh dòng Đồng Nai.
Canada cuối Thu 2012
Huỳnh Công Ân