EM TÔI.
Nó là thằng út được yêu thương nhất nhà. Nó lùn lùn, hai má bầu bỉnh và nụ cười thật dễ thương. Nó lanh lẹ, không nhõng nhẽo, không vòi vĩnh nhưng bị cái tội hám ăn và hay đòi mẹ. Thằng Út Mười ai nhìn thấy cũng cưng, nhưng vì nhà đông con lại phải làm việc vất vả má không dành cho em tôi nhiều thời gian để yêu thương và chăm sóc. Em tôi hay đưa mắt nhìn mẹ, hai tay đưa ra mỗi khi mẹ đi ngang, miệng nó mếu xệch khi mẹ chẳng nhìn vì mãi mê làm việc. Thương em, tôi bồng nó ra sau vườn, trải một manh chiếu bên cạnh gốc dừa, bày đồ chơi và hai chị em quấn quít với nhau.
Nói ra cũng tội, Út Mười nhỏ nhất nhưng cũng là đứa bé sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ba đi làm về mỏi mệt lại tính ba không hay gần gũi, chăm sóc con cái. Mọi việc nội trợ lo lắng trong nhà đổ vào vai má tôi, một người đàn bà lam lũ, ít học chỉ biết lo làm để chống đỡ một gia đình. Bên nội, bên ngoại gì cũng một tay má tôi lo lắng, chăm sóc. Má buông cái này, bắt cái kia, xoay trở liên hồi để nuôi một đàn con đông đúc. Đứa học Sài Gòn, đứa học quận lỵ, đứa học trường làng và thằng Út Mười còn nhỏ xíu. Má thương nó lắm, khi được rãnh một chút là má ôm nó vào lòng hun chùn chụt trên đôi má bầu bỉnh. Má hít cái mùi thơm ngọt ngào của em tôi một cách say mê.
Có một dạo ba tôi bệnh nặng phải lên nhà thương Saint Paul mỗ ruột. Má đi theo ba để chăm sóc. Nhà cửa, heo gà giao cho chị Bé, cháu kêu má tôi bằng cô họ. Chị Bé đang tuổi dậy thì lại có bạn trai là anh Hồng xóm trên. Nên dù chị ở nhà nhưng đầu óc cứ nghĩ về những chuyện đâu đâu, không lo cho chị em tôi đàng hoàng. Có khi chị bỏ chị em tôi đói lả để đi hẹn hò. Em tôi nhớ má quá, chỉ biết ôm tôi vừa thút thít vừa hỏi:
-“Sao má không dìa hả chị?”. Tôi ôm em vào lòng. Khóc theo em
-“Giỏi! nín khóc chị thương. Má vài bữa nữa sẽ dìa”. Em ôm lấy tôi, dụi đầu vào ngực chị
-“Mười nhớ má! Út nhớ má!”
Nước mắt em tôi ràn rụa, em khóc, khóc hoài, khóc lớn, khóc ra tiếng, rồi không ra tiếng, rồi thút thít, sụt sùi. Cho đến một lúc mắt em tôi sưng lên, em dường như chẳng thấy đường, cũng ít khi mở mắt ra. Cả nhà cuống quít.
Má tôi về, em tôi nhìn má nghiêng một bên, mắt hi hí lèm nhèm. Má ôm em trong tay, run lên vì sợ. Má bồng em đi Bác Sĩ, nhỏ thuốc, chăm sóc tận tình mắt em tôi mới lành.
Em lớn hơn một chút má tôi ra quê chồng rước bà nội tôi vào Nam. Trước khi đi má ôm em vào lòng dặn dò:
- “Con ở nhà nhớ giỏi, không được khóc đòi má. Má về Bình Định rước bà nội về cho con. Bà nội sẽ xước mía cho con ăn, không cần chờ má róc. Út giỏi, má cưng.”
Em tôi cố nín khóc gật đầu cho má đi. Má tôi đi độ một tuần đem bà nội tôi vào. Bà nội sống ở vùng gần núi nên nước da đen sậm, bà lại vận đồ đen, mắt bà bị đau nên mang một khăn đen cột xéo, che một bên mắt. Bà tới nhà, em tôi mừng rỡ chạy vào mừng nội. Nhìn thấy nội, em cứ đi thụt lùi, đôi mắt mở to sợ sệt. Bà nội giọng nói miền Trung khó nghe, lại dùng toàn những từ địa phương khó hiểu, nên nội tới nhà mà chị em chúng tôi không dám gần gũi. Một ngày, nội kêu em tôi lại và dùng răng xước mía cho em như lời hứa. Bà nội nhuộm răng ăn trầu. Răng bà đen rưng rức, mía bà xước ra có màu đo đỏ của nước bả trầu trông thật dễ ghê. Em sợ quá tay cầm miếng mía, nước mắt cứ chực tuôn ra, không dám ăn. Cuối cùng em bỏ chạy ra sau nhà. Bà nội gọi với theo:
-“Mừ! Mừ quơi! đi mô, đi mô con hử?''
Sau một thời gian nghỉ dưỡng sức, má tôi lại đem bà nội tôi lên Sài Gòn để mỗ cái bướu to tướng che kín mắt của bà. Em tôi nhớ má, không dám khóc vì má đã dặn. Em làm thinh, không nói gì với ai. Dụ cách nào em cũng không mở miệng, chỉ đưa tay làm dấu. Em hay kéo tay tôi ra gốc dừa sau nhà, đứng một chỗ nhìn ra đường nhựa, mặt em buồn thiu. Em trông má tôi về. Cả xóm đều thì thầm:
-“Tội nghiệp thằng Mười, nó nhớ mẹ quá, không nói chuyện, coi chừng bị câm!”
Cho đến một ngày, xe chở má tôi về tới ngõ, má tôi bước xuống xe, em tôi chạy ra kêu một tiếng “MÁ” tiếng kêu thảng thốt, tuôn ra như bị nén lâu ngày, òa vỡ tội nghiệp. Thương em tôi biết bao nhiêu!
Em tôi lớn lên đi học. Em là đứa con trai ngoan hiền, học giỏi, đẹp trai và rất thương mẹ. Má tôi ở nhà làm bánh cam, bánh chuối chiên bảo hai chị em tôi đi bán phụ. Tôi không có duyên buôn bán nên đi về mâm vẫn cứ còn đầy. Em tôi thật lanh lợi, biết cách nói, biết tìm những chỗ đến bán được nên lần nào về mâm cũng hết. Em sợ má la tôi nên dặn
-”Chị đi theo em, em bán hết hai chị em mình về chung”.
Vậy đó, thằng Út Mười, em của tôi thương chị như vậy. Những ngày nghỉ hè, em đi theo những người dân vào lô bôi dầu kích thích cho cây cao su. Em còn nhỏ, lại lùn, đi làm người ta đâu có mướn. Vậy là em trao đổi với cô Thành ở kế nhà, để em bôi dầu ở miệng cạo dưới thấp, Thành bôi ở miệng cạo trên cao hơn. Tiền kiếm được em đưa hết cho má. Lớn hơn em lại đi chặt củi cao su để bán cho thầu. Em gom góp may cho má tôi bộ đồ mỹ a thật đẹp trong kỳ nghỉ hè năm đệ ngũ. Thằng em tôi sao mà nó ngoan hiền và thật dễ thương vậy không biết.
Em tôi mang mộng hải hồ, lúc nào cũng mê sông nước. Cho nên em bỏ học dở dang tình nguyện đăng tên vào hải quân. Ngày nhận được hình em gửi về từ quân trường má tôi khóc sướt mướt, thương thằng Út cưng, má nói trong nước mắt:
-“Dòm thằng Mười nè! Nó ốm nhom, đen thùi lùi. Chắc là nó cực khổ lắm, không biết nó có ăn no không?''
Thế là, em tôi ra trường, em lênh đênh trên những con tàu, trải dài sông nước, biển khơi. Mỗi bến ghé là một bến tình thơ mộng để viết thư về cho chị. Mỗi lần Tết đến là em lại viết thư về cho má, cho chị, kể lể những vui buồn và chúc má khỏe mạnh, bình an. Mỗi lần tàu cập bến là em vội về nhà để được nghe má nói, má cười mừng rỡ, được má cho ăn những món thật dân dã mà em ưa thích. Có một lần em đem về cho má tôi một bộ ống ngoái trầu thật đẹp. Em nói do tự tay em làm. Má tôi quý lắm dùng ngay, ai tới chơi cũng khoe là thằng Mười nó làm cho tui đó. Thương má tôi chưa quá già mà răng xệu xạo, rụng rất nhiều phải ăn trầu ngoáy.
Tháng 4 năm 1975, tàu em tôi về cảng ở Vũng tàu. Vì tình hình biến động em không thể liên lạc với gia đình. Ba má tôi hoảng loạn vì em tôi bặt vô âm tín. Em ra khơi trong chuyến cuối cùng của con tàu định mệnh. Ba má tôi đã không hề biết tin tức của hai chị em tôi. Năm 1977, tôi từ Quảng Trị tìm cách về nhà. Còn em tôi mọi người cầm bằng em đã chết. Mấy lần má tôi tính làm bàn thờ và rước thầy về làm lễ cầu siêu. Nhưng từ trong thương yêu má tôi hy vọng, Niềm hy vọng mong manh xuất phát từ trái tim của một người mẹ. Một ngày thật bất ngờ có một bà trung niên lạ mặt tìm đến nhà và cho biết tin em tôi đang ở Mỹ. Bà tự xưng là má nuôi của em tôi. Bà đưa tấm hình đám cưới em để ba má tôi nhận dạng. Má tôi mừng suýt ngất. Vậy là thằng út Mười đang ở Mỹ và có vợ rồi. Từ đó má tôi như được sống lại, bà luôn nhắc về em với những nụ cười và giọng nói thương yêu. Những món quà thỉnh thoảng em gửi về cho ba má luôn kèm theo lời nhắn:
” Sữa này má nhớ uống cho khỏe, vải con gửi về má phải may để mặc không được bán. Con nhớ má lắm. Thằng Út Mười của má”
Hôm má tôi mất, em tôi ở Mỹ. Đêm em nằm mơ thấy má về gọi em. Em bừng tỉnh gọi về VN thì quả thật má tôi đã qua đời. Em tôi khóc vật vã như chưa bao giờ được khóc. Trong em một niềm hối hận dày vò. Từ ngày xuống tàu ra khỏi nước, em chưa về một lần. Em ân hận đã làm đứa con bất hiếu.
Ngày tôi đặt chân đến Mỹ, một gia đình HO lếch thếch 7 người cả già lẫn trẻ. Em đón tôi ở phi trường với đứa con gái. Nhìn những thùng đồ mang theo và gương mặt xơ xác từng người, em tôi không dằn được nước mắt. Bước vào căn nhà em đã mướn sẵn cho chị với 3 phòng ngủ đầy đủ giường gối, mền và mọi thứ tiện nghi cần dùng tôi thật bất ngờ và cám ơn em vô cùng. Em đã giúp chúng tôi đủ mọi thủ tục để hòa nhập vào cuộc sống mới. Nhà gần chợ cho tôi có thể đi bộ, gần thư viện để mượn sách và nhất là trường Tiểu học cũng như Trung học cho các cháu chỉ đi bộ vài phút là tới. Em lúc nào cũng chăm chút lo lắng cho cả nhà tôi không ngại khó khăn hay tổn phí thời gian. Từng bước, từng bước các con tôi trưởng thành và lập gia thất đều có bàn tay giúp đỡ, dạy dỗ và sự thương yêu tận tụy của cậu.
Tôi thương em tôi lắm, không chỉ vì nó là Út mà bởi lẽ nó và tôi hai chị em luôn gắn bó, yêu thương và bảo bọc lẫn nhau. Em tôi là một người đặc biệt, rất hiền lành, thẳng thắn, không hút thuốc, không uống rượu, không bài bạc, không chửi thề. Cho tới bây giờ em tôi đã quá lục tuần, đã làm ông ngoại mà trong đôi mắt tôi em vẫn là thằng Mười dễ thương ngày nào.
Giả thử có ai hỏi, ai là người tôi yêu thương và tin tưởng nhất? Không ngại ngần tôi sẽ nói là em tôi. Cậu Mười của mấy đứa con tôi. Ông Cậu number one của bầy cháu tôi. Em tôi ngoài là em út, còn là người bạn chân thành, chung thủy đã gắn bó suốt trong quảng đời thơ dại của tôi cho đến bây giờ.
Nguyễn thị Thêm
26/11/12