Chị Gấm và thằng Cu Lửa
Vợ tui bảo :
- Hôm nay tới phiên ông rửa chén !
Tuy là không hứng thú chi
mấy nhưng tui cũng miễn cưỡng đứng lên lê chân vô nhà bếp. Mấy năm nay rồi, từ
khi không còn phải đi làm ăn xa nữa thì tui cưa đôi cái nhiệm vụ này với thằng
con. Quy luật cũng công bằng, bả nấu, hai cha con tui thay phiên nhau dọn dẹp,
sau khi vừa nhơi vừa chê bai đủ thứ.
Cái tài nấu ăn của vợ tui có thể tóm lại qua câu chuyện nhỏ này. Khi thằng con được chừng vài tuổi chạy vô nhà bếp đứng coi Mama nấu cơm, chẳng biết là món gì nhưng bả đút cho nó một miếng, cu cậu đớp lia lịa rồi há miệng xin miếng nữa, làm cho vợ tui mếu máo ngồi bệt xuống sàn nhà ôm con khóc rống lên :
- Cuối cùng rồi thì cũng có được
một người thích ăn đồ tui nấu.
Tui lắc đầu thương cho cái tuổi dại khờ của thằng
con, chưa tới ngàn ngày trần thế mà đã bị đàn bà con gái dụ dỗ.
Một vật lạ trên bàn bếp làm tui buồn cười. Không biết ở đâu ra mà bả có được cái chày và cối bằng đá xanh. Ngày xưa tui đã từng ngồi chồm hổm giả tỏi ớt trong cái cối như thế này cho má tui pha nước mắm. Một góc tuổi thơ lại hiện về...
o0o
Thấy tui từ
ngoài cửa sau chạy vô bếp chị Gấm chụp lấy hai cây đủa bếp dài thòn xuống tấn
giơ lên thủ thế y hệt như Cô gái Đồ Long trong thế Kim kê độc lập hét to
lên:
- Ê! Nhà ngươi
đi đâu từ trưa đến giờ? Bả hỏi hoài đó.
Rút cây cà rem đậu nành vàng tươi ra khỏi miệng tui
chọt nhẹ vô bụng chị Gấm:
- Tui đi bắt dế ngoài ruộng.
- Được con nào
hông?
Vừa hỏi vừa nắm lổ tai kéo tui đi về phía cái lu nước có vài chú lăng quăng đang bơi lội nhẩn nha trong đó, chị Gấm lấy cái gáo dừa múc ra một gáo đầy tạt lên hai cái chân bê bết bùn sình của tui.
Lấy chân này chà lên chân kia vẫn không quên mút cà rem, nắm lấy vạt áo của chị Gấm cho khỏi bị té tui khoe:
- Bốn con dế than bự cát xì đùng!
- Xạo mày! đâu? Chị Gấm hất hàm.
- Tui đổi với con Hoa ù lấy cây cà rem này nè!
Ký nhẹ lên đầu tui một cái chị Gấm la
lên:
- Đồ ngu! Bốn con dế than người ta bán ở ngoài trường Nguyễn Du tới hai đồng mày lấy cây cà rem có năm cắc .
-Ừ ha! mà tại tui thèm cà rem chớ bộ !
-Chớ hổng phải mày dại gái sao? Ê! Cởi quần ra tao tắm luôn cho, bùn dính đầy
bụng đen thùi kìa!
Chẳng cần đợi tui tuột cái quần xà lỏn ra chị Gấm
một tay ào ào dội nước lên đầu tui tay kia không ngừng kỳ cọ lia lịa. Lợi dụng
lúc tui sợ ướt dơ cây cà rem lên cao khỏi đầu chị Gấm há miệng cắn một miếng
lớn còn phát vô mông tui một cái:
- Đi mặc quần vô rồi xuống đây phụ chị làm nước mắm. Chiều nay nhà mình ăn cá thu chiên với rau muống xào tỏi thịt bò ngon hết xẩy!
o0o
Tui ra đời nhằm ngay trận lụt lớn ở Biên Hòa, má tui bị bịnh nằm liệt giường nên ông Ngoại cho một đứa con gái con của một người tá điền từ ngoài La Gàn, Bình Thuận vô ở phụ chăm sóc việc nhà và nuôi dưỡng tui. Chị Gấm trở thành người nhà bắt đầu từ khi đó. Tui ăn ngủ rồi lớn lên trong vòng tay thương yêu của chị Gấm, có thể nói vào thời đó chị Gấm như là một bà má thứ hai. Là dân xứ biển, chị Gấm chỉ dạy cho tui rất nhiều về sóng nước trăng sao. Chị biết nhìn trăng mà đoán nắng mưa, nhìn sao mà biết đường về nhà từ ngoài chợ ban đêm. Chị còn có tuồng chữ viết rất là đẹp, lạ nhứt là chỉ có thể viết bằng cả hai tay, mấy chị trong xóm thường hay kéo nhau đên nhờ chị viết dùm tên lên cái nhản dán ngoài bìa cuốn sách. Có lần tui hỏi chỉ làm sao viết chữ cho đẹp thì chỉ trầm ngâm:
- Hãy nghĩ đến cái gì đẹp đẽ trong đầu khi viết thì chữ sẽ đẹp.
Nhiều năm sau
khi phải khòm lưng gò từng chữ Hán trong chùa Nhật tui mới hiểu cái câu này.
Lẽ ra chị Gấm đáng được đi du học chớ không phải tui.
Ngày tui rời
Biên Hòa đi học nội trú ở trường Nông Lâm Mục Bảo Lộc, chị Gấm bỏ chạy ra giếng
nước âm thầm ngồi khóc một mình. Dăm ba tháng chị để dành tiền gánh nước mướn,
lén má tui mua gởi xe đò Minh Trung lên trường cho tui một thùng đồ hộp của
lính Mỹ, hay là một vài lon guigo thịt chà bông, trong khi cả gia tài của chị
chỉ có hai ba bộ bà ba lẫn một cái áo dài trắng dành mặc đi lễ chùa.
Chưa bao giờ hỏi đến,
nhưng từ khi mới lớn tui đã biết chị Gấm lúc nào cũng chăm lo cho tui hàng
ngày, cứ như một bà mẹ nâng niu đứa con trai đầu lòng, mặc dù lúc đó chị Gấm
mới có 12 tuổi, vừa học xong lớp Nhất trường làng. Hàng đêm tui ngủ với chị Gấm
trên cái gác xếp sau nhà bếp, hai chị em rù rì nói chuyện trên trời dưới đất,
cho tới khi tui rúc vào lòng chị thiếp đi vào cơn mê, hay là cho tới khi có
tiếng la rầy của má tui từ nhà trên, hai chị em le lưỡi nhìn nhau cười. Năm tui
vừa lên ba chị đẽo một cành cây nhỏ dạy tui múa côn như chị múa cây đòn gánh vù
vù.
Quê chị Gấm ở tận ngoài Qui Nhơn, Bình Định quanh năm nghèo nàn thiếu ăn thiếu mặc, nên ba chị ấy đưa vợ con theo thuyền đánh cá lưu lạc đến cái quận nhỏ Tuy Phong ven bờ biển Phan Thiết, rồi làm tá điền cày ruộng trồng lúa cho ông ngoại tui cho nên ông ngoại coi chị như đứa con gái út.
Chị Gấm kể là nhà ông ngoại tui lúc đó rất là khá giả có nhiều ruộng đất, lẫn một hãng làm nước mắm trong khuôn viên rộng lớn của nhà ngoại ngay trước quận đường. Còn nhớ những buổi chiều cùng chị Gấm đi vô trong ga xe lửa, đón ngoại trong cái áo veston trên bộ bà ba trắng bên cạnh người tá điền lực lưởng, đang gánh trên vai hai cái thúng chất đầy gạo Nàng Hương, cùng mấy tỉn nước mắm Nhỉ lẫn mấy giỏ cá nục hấp thơm lừng. Ông ngoại dừng chân dang rộng hai tay cười hể hả :
- Chu choa! Chị em bây lớn bộn ha!
Chị Gấm chạy đến nắm tay ngoại còn tui thì leo vô ngồi ngất ngưởng trong một cái thúng. Tuổi thơ của tui được dưỡng nuôi hun đúc phủ đầy tình thuơng hiền hòa mộc mạc, của những người thân từ khắp nơi đổ về xứ Bưởi an lành làm chốn dung thân. Sao Trời không để yên như thế dùm tui?
Ngày đó chị thường hay dụ dỗ mỗi khi tui không chịu ăn cơm, là ráng ăn cho mau lớn rồi Tết đi xe lửa về thăm ông ngoại với chị . Bây giờ ngồi đây nhớ lại thì tui đã hiễu. Chị Gấm nhớ nhà, nhớ ba mẹ qua câu nói đó. Không biết có phải vì thế mà sau này tui có cái tật khó chịu bực bội, muốn làm một cái gì khi thấy đàn bà con gái nghèo xa quê lang thang, tui thường hay nghĩ ngợi không biết nhà họ ở nơi đâu? Mỗi khi lên mạng thấy cái tin con gái VN bị ngược đãi nơi xứ người, hay là chuyện mấy em gái quê nghèo đói lên thành làm gái mãi dâm bia ôm này nọ, là tui tắt máy bỏ đi ra ngoài. Tui lại nhớ chị Gấm cùng nhỏ Mai, nhớ đến những phận đời nhỏ nhoi bơ vơ không một chốn về...
o0o
- Mày giả tỏi ớt dùm chị đi
Đưa cho tui cái chày, chỉ vô cái cối đá đã có mấy trái ớt cùng một vài tép tỏi chị Gấm bảo.
Tui ngồi bệt xuống sàn nhà kẹp lấy cái cối vào giữa hai bắp vế, một tay cầm cái chày dộng lên dộng xuống một tay còn cầm cây cà rem đang ăn nửa chừng.
- Ớt cay xé miệng sao mình ăn hả chị?
- Tại nó ngon
- Ngon sao khóc chảy nước mắt?
Chị Gấm lắc đầu cười:
- Chị không biết nữa, chút nữa mình hỏi má nha!
- Sao cái gì má cũng biết hả chị?
- Tại má lớn hơn mình. Thôi ! mày lo giả cho lẹ đi, hỏi lung tung hoài.
Mà đúng quá chớ! Hồi đó tui ưa hỏi chị Gấm đủ thứ chuyện, làm cho chỉ nhức đầu vì không tìm ra câu trả lời thích hợp. Tức cười khi nhớ lại lúc tui hỏi chỉ về cái quần phồng của mấy đứa con gái mặc trong giờ thể dục.
- Sao cái quần đó có dây thung ở bắp vế?
Chị Gấm :
- Ờ, ờ... Cho đất cát khỏi vô.
- Sao quần tui hổng có?
- Um…Đi
học bài đi! Lộn xộn hoài!
Tuy là chỉ có học đến lớp Nhứt trường quận nhưng chị Gấm rất là thông minh và giỏi suy luận. Tui mà hỏi cái gì nếu chỉ không biết thì chị nhà tui cứ chế đại ra chứ không bao giờ chịu thua, cùng lắm thì là :
- Đi ra cho tao nấu cơm!
Ông già tui xin được của ai đó trong phi trường một cái tủ bằng sắt kiểu như loại tủ locker bây giờ. Ổng chở về nhà rồi cứ để ngoài vườn sau, vì má tui nói chẳng thấy hợp với cái phòng nào. Một ngày kia trời mưa to gió lớn, làm mấy cái quần lót của má tui với chị Gấm đang phơi ngoài sân bay qua nhà ông hàng xóm, đưa đến một sáng kiến ăn tiền của chị Gấm cho cái tủ sắt.
Ba tui cùng với chú Ba thợ hồ hì hục cả một ngày, theo sự chỉ dẫn của chị Gấm để hoàn thành một cái lò phơi (Dryer) thiên nhiên ngay trong nhà tắm. Họ đục tường gắn cái tủ sắt nửa trong nửa ngoài cùng hàn trên nóc tủ một cái ống thông hơi. Dưới cái nắng hun cháy da em suốt ngày rọi vô bên ngoài cái tủ làm cho tất cả những thứ bên trong khô queo mà không còn sợ bị gió bay. Hai cái kệ nhỏ dưới trên là chỗ tốt để chứa xà bông, bột giặt này kia. Nhỏ chéo như tui sau khi tắm xong chun vô đó đứng một chút thì chẳng cần lau bắng khăn lại có cái cảm giác ấm áp thích thú.
Má tui rất thích cái
tủ này, bả thưởng cho chị Gấm một cái quần xì màu xanh da trời mới mua ngoài
chợ và căn dặn rằng chỉ phơi đồ gì nhỏ hay là mắc tiền ở trong đó thôi. Thế là
tui cũng ké ngay cái quần xà lỏn chiến vô. Bà già nổi giận quăng ra sân sau cho
gà mổ thủng mấy lổ. Hừm ! Cũng nhỏ vậy chứ bộ?
Có một ngày đang tắm chợt thấy một con ruồi bay lòng vòng, tui bèn rượt bắn nó bằng cây súng nước trời cho lúc nào cũng mang theo bên mình. Ẹo qua ẹo lại có khi xém bắn vô mặt mình sắp sửa đưa em vào Hạ thì hết đạn, con ruồi chui ngay vô tủ trốn người ruồi gây máu lửa. Nạp đạn liền bằng hai gáo nước lu phình căng cái bụng mà nó vẫn chưa chịu bay ra tái đấu .
Bực mình tui mở tủ
ra kiếm thì thấy có một vật lạ chưa từng thấy bao giờ. Hai cái nón lá nhỏ xíu
may bằng vải trắng dính lại với nhau, hai bên có thêm hai sợi dây cùng cái móc
nhỏ xíu . Kéo tay chị Gấm vô hỏi thì bả đớ mặt ra một lúc rồi vênh váo:
-Cái nón của em bé! Có vậy mà cũng hỏi. Hứ!
Tìm được chiến trường mới tui tạm tha cho con ruồi xách "hai cái nón" vô phòng má kiếm em bé mà đội nón cho nó. Hơi chật một tí! Nhưng... Em bé chỉ có một cái đầu?
Còn đang lúng túng nghĩ suy đổi nón qua lại làm con bé khóc rống lên, bà già chạy vô phạt tui quỳ đội "nón lá nhỏ" suốt một buổi chiều về cái tội chụp mủ em út.
Hối hận chuyện mình nói
láo làm tui bị má phạt oan, tối đó khi lên gác ngủ chị Gấm nói thiệt cho tui
biết cái đó lá cái gì rồi còn dở nón lên cho tui coi để chứng minh là kỳ này
tao nói thiệt.
É! Gì mà thấy ghê! Cái ngực của chỉ sưng lên hai cục đỏ hỏn chần vần như hai
trái mận Hồng đào.
Tối đó tui ráng nằm xích ra xa nhứt định không cho chị Gấm ôm như mọi hôm, tui sợ bị lây phải đội nón suốt đời. Đến bây giờ tui cũng vẫn còn lay hoay lúng túng mỗi khi phải giúp ai đó cởi nón ra. Đúng là nghiệp chướng dây dưa từ thuở chưa biết gì.
Hôm sau tui kể chuyện cho con Hoa nghe nó móc
ra hủ dầu cù là bôi lên trên ngực tui:
- Mày tha cái
dầu này thì sẽ không bị lây.
Ê Hoa ù ơi, tao nghĩ chắc là dầu của
mày made in China, bằng chứng là năm trước lúc ngồi uống cà phê với mày ở hotel
Sheraton tao thấy vú mày còn sưng nhiều hơn chị Gấm cả chục lần.
o0o
Có tiếng guốc của má tui lê lết vô nhà làm tui giựt mình dơ chày lên dộng xuống lia lịa rầm rầm để rồi rú lên thảm thiết.
- Cái gì đó? Má tui hoảng hồn chạy vội xuống trong khi chị Gấm ôm lấy tui vừa cười vừa kéo quần tui xuống… nắn nắn.
- Dạ , thằng Cu Lửa vừa giả trúng trái ớt hiểm của nó.
- ………………..!
Cái bà Gấm này! người ta đau thấy mồ tổ mà còn giỡn.
Má tui lầu bầu:
-Thiệt là... chị em tụi bây! Mùa này ớt mắc lắm đó!
Ơ! Cái bà già hà tiện.
o0o
Một buổi chiều năm 1971 tui từ trường trên Bảo Lộc trở về nhà với mái tóc dài quá cổ như một người rừng, trong hai túi quần đầy giấy 500 xanh có in hình thánh tổ Trần Hưng Đạo.Tiền chia phần bán mấy mẫu khoai lang trong rừng, mà tui đã thay mặt anh An chủ quán cà phê Ngọc Lan, trồng trọt trông coi suốt một năm trời kể từ lúc hạ cây đốt rừng, dọn bải lên líp ươm dây cho đến khi tròn mắt, nhìn những người con gái Thượng moi lên bỏ vô gùi những củ khoai mập ú màu tím sẩm.
Hầu như nguyên một năm đệ nhị tui đi vô rẩy trong rừng nhiều hơn là ngồi trong lớp. Trời xui tui đã mang tiền về nhà đúng lúc, chứ buổi sáng hôm đó tui đã định theo cái chị đào chánh, có ánh mắt long lanh của một đoàn cải lương làm một chuyến giang hồ ra tận miền Trung. Chị ấy đã xin ông bà chủ gánh cho tui một vai phụ kéo màn. Những năm đó tui thường hay đi giang hồ vặt đó đây, mỗi khi có dịp nghĩ lễ lâu dài như là Tết hay nghĩ Hè là tui liền làm một cú dế mèn phiêu lưu ký, đi ngao du đến những miền đất xa chưa từng biết. Ngày xưa còn bé đó chắc là nhờ có cái mặt hiền lành cộng với cặp mắt bự lim dim, nên không khó mấy cho tui xin quá giang trên những chuyến xe hàng, xe be hay là xe gánh hát cũng có khi là xe nhà binh của mấy anh lính.
Chớ cở như cái tướng ông bây giờ mà tính chuyện quá giang xe ai, thì chẳng những người ta rồ ga húc cho một phát, rồi còn de xe lại làm tiếp cú nữa cho chắc ăn. Vợ tui nói.
Mỗi loại xe có một cái thú riêng. Đi với mấy anh
lính chiến thì khi ngừng nghĩ dọc đường được cho ăm cơm xấy thịt hộp, tráng
miệng bằng mấy phát M16 lên trời, rồi nghe mấy ảnh kể chuyện trận mạc chiến
chinh đã lắm. Kẹt cái là có khi giữa đường mấy ảnh có lịnh hành quân phải thả
tui xuống mà cuốc bộ rả giò. Gặp lúc chiều về tui đành chui vô bụi rậm nằm than
sao mà ngu quá, đi lang thang chi cho khổ sở thế này.
Xe hàng hay xe be thì hay có bà chủ mập tròn quay
với cái túi đầy tiền, hễ xe ngừng là bắt tui ăn uống đủ thứ còn kèm theo câu
nói thân thương của mấy bà mẹ miền Nam:
- Tội
nghiệp, con cái nhà ai mà đi lang thang vậy hỗng biết.
Mấy bác tài hay anh lơ thì cứ chêm vô:
- Đem nó về
làm rể đi chị Bảy… chị Ba.
Còn đi theo gánh hát thì có mấy chị đào chánh đào phụ lên giọng xuống giọng ư ử cà ngày, trong thùng xe nghe mà ngủ đã luôn nhứt là khi nào mấy chỉ bắt tui nằm chính giữa. Có khi tui đi với vợ lớn của Tiết Nhơn Quý khi về thì lại nằm kế Phàn Lê Huê. Êm ái thơm lừng giấc mơ xa.
Vì là đi xe chùa
không tốn xu nào lại còn được bao ăn uống ru ngủ cả ngày, nên tui đã đi được
nhiều chỗ từ những xã ấp lèo tèo vài căn nhà vách ván mái tôn rỉ sé,t dọc theo
quốc lộ cho đến những nơi phồn hoa đô hội như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẳng... Sài
Gòn thì tui đã biết rành từ hồi còn ở Biên Hòa. Tui nhảy xe lửa còn nghề hơn
là dân đi buôn lậu. Sáng đi chiều về tui đã ngao du khắp mấy phố thủ đô từ khi
còn học Tiểu học.
Bù lại tui làm những
việc lặt vặt giúp họ cho vui theo như lời họ nói. Tui kéo màn, đánh trống quảng
cáo trên xe lam, vọt ra sân khấu lượm đao kiếm của thằng cha mới bị chém chết
vô, hay là phụ bà chủ đếm tiền nếu là đi xe hàng. Có khi tui đứng canh chừng
cho mấy chị đào hát tắm đêm ngoài giếng hay sông suối.
Sau này khi
tui trở lại trường, mấy bà mấy chị đều ghé đến quán cà phê Ngọc Lan mà tui ưa
ngồi, gởi cho tui đủ thứ mỗi khi xe chạy ngang qua. Khi thì chút tiền lẻ, khi
thì mấy ổ bánh mì Sài Gòn với cục thịt heo quay. Nghe chị Lan chủ quán kể lại
có lần một bà chủ xe hàng ghé lại kiếm tui với một con bé kẹp tóc thiệt là đẹp.
Bữa đó tui lại đang đánh trống, căng rạp hay phụ bán cà rem ở một nơi nào. Uổng
quá, phải chi hồi đó có Iphone thì có thể bây giờ tui đã là chủ tịch một công
ty vận tải nào đó rồi.
Cũng không hiễu sao tui lúc nào cũng về lại trường, mà không đi luôn để làm con rễ bà chủ xe hàng hay trở thành một anh kép nhí múa may quay cuồng trong tuồng ''Lã Bố Hí Điêu Thuyền''.
Thật ra thì ngoài mấy bà chị đào hát cùng với mấy em đào nhí đóng vai con nít, tui cũng có quen được vài con bé bán hàng dễ thương quanh phố thị, nơi mà đoàn hát ngừng xe dựng rạp vài hôm nhưng có lẽ cái nghiệp của tui chưa kéo màn, dừng lại bên cái mẹt mía ghim hay thúng đậu phọng luộc.
Vào phút cuối tự dưng có cái gì áy náy trong lòng, tui vác bị nhảy xuống chạy băng qua bên kia đường đu xe đò xuôi Nam, bỏ lại đàng sau ánh mắt ngỡ ngàng buồn hiu hắt của chị đào hát. Em xin lỗi chị gì đó nha.
o0o
Chị Gấm tui ôm con ngồi đó với cái bụng bầu hai mắt rưng rưng lệ. Chị đến mượn tiền má tui để đi ra Huế thăm nuôi chồng. Anh Hải vừa bị thương nặng trong trận Hạ Lào. Nghẹn ngào cầm lấy xấp tiền tui đưa, chị Gấm nức nở run lên qua từng tiếng nấc.
Chị mím môi đứng bật dậy, ôm chặt tui vào người như ngày xưa ôm ru tui ngủ trên căn gác nhỏ. Tui có cảm giác như đang được bao trùm trong cái mùi sữa mẹ êm đềm.
Chị em tui xa nhau từ hôm
đó. Vài tháng sau tui đi du học, chị đang nuôi chồng thương tật ở đâu xa không
ai biết...
Vài năm sau khi mà Ba má tui phải lên rừng tìm nguồn sống mới, ba mẹ chị đã qua đời, anh Hải chồng chị hiên ngang trở lại chiến trường để rồi tử trận không có được tí thịt xương đủ đấp một nấm mồ, chịu không nổi cái cảnh không còn ai không có ai, lẫn không một chốn về chị Gấm dẫn hai đứa con lên ghe chài làm thêm một chuyến hải hành ra đi về hướng mặt trời mọc.
Lần này có ông ngoại
tui tiễn đưa. Trong cái túi áo bà ba đã gài kim tay kín đáo của chị có thêm một
thằng con. Chị đã không quên lặn lội đường xa tìm má tui mà xin một tấm hình
của cái thằng chị muốn ôm mãi trong lòng. Tấm hình năm tui mười bảy tuổi đã
được chị bao plastic mấy lớp đang nằm kín đáo trong túi áo.
- Con còn nhớ
nó thích đi ra biển.
Chị thì thầm với ông ngoại lúc ôm con tránh gió ngồi chờ thuyền đưa ra tàu lớn bên đụn cát La Gàn thơm mùi cá biển.
Chị Gấm nhớ thương,
Từ chốn xa xăm bằng chiếc thuyền con chòng chành trên biển chị đến xứ bưởi Biên Hòa nuôi em khôn lớn rồi chị lại ra đi tìm em trên một con tàu vỡ vụn ngập tràn lệ mưa. Thằng em chị đã đi vòng quanh mấy biển bao lần sao mình vẫn chưa tìm được nhau. Em sẽ đưa chị về lại nhà cho dù phải đi hết biển chị Gấm ơi !
Đông đến Thu đi mai vàng nở rộ bao mùa, năm nay Tết lại sắp về chị đang lưu lạc phương nào hả chị Gấm? Chị có muốn về thắp nhang nơi mả ngoại với em không? Đừng nói với em là chị còn trên biển lạnh. Có người sẽ lại khóc tiếp một mùa Xuân .
Hoàng Duy Liệu.