Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Thanh Huyền - CÔ TÔI

07 Tháng Mười Hai 201212:00 SA(Xem: 9933)
Thanh Huyền - CÔ TÔI

 

 CÔ TÔI

(Kính dâng cô Võ Thu Thủy, người thầy, người chị mà tôi thương quý nhất)

66__thanh_huyen-1-content

 Thanh Huyền

 

 Ba giờ chiều. Trời đã dịu nắng. Chúng tôi gọn ghẽ trong chiếc quần short và áo ngắn để đến thăm cô. Gạt bỏ ngoài tai tiếng can ngăn của các em, các cháu, tôi vẫn muốn chở “nhà tôi” đi bằng chiếc xe Dream qua con đường thơ mộng ngày xưa.

 Quả là không dễ, khi lái xe ra đường lộ. Tôi lầm bầm: “Ở cái xứ này đi bộ cũng chen mà lái xe cũng chen”. Lọt vào giòng xe đông nghẹt, tôi thấy mình loạng choạng như con cung quăng bơi trong hồ nước: quẹo trái, sang phải, dậm thắng, rú ga, khiến nhà tôi liên tục thắng bằng miệng ở phía sau.

Xe qua Kỷ Niệm, khúc đường cam go đã qua. Tôi cho xe chậm lại trên con dốc Ngô Quyền. Bằng vòng tay siết chặt quanh hông và chiếc đầu ngã sát trên lưng chồng, dù không nói, chúng tôi cũng đang đưa nhau vào thế giới của những kỷ miệm êm đềm thời học sinh.

 Trường tôi đó. Dù chỉ nhỏ bằng một góc trường tiểu học xứ người. Nhưng nơi đây đã cất giữ đầy ắp những kỷ niệm buồn vui, của tình thầy, tình bạn.

 Xe qua Biên Hùng. Tôi nghe tiếng reo: Bảng hiệu “quán Quyết Thắng” kìa! Theo ngón tay chỉ của nàng tôi quẹo xe về bên trái. Chỉ một khúc đường ngắn, chúng tôi đã vào giữa sân.

 Nghe có học trò về thăm, cô vội vã chạy tuốt ra sân. Hai thầy trò cùng khựng lại. Rồi cứ thế mà nhìn! Phải chăng đang có chút gì đó gợn lên trong niềm vui đoàn tụ này? Vâng! Cô tôi đó, vẫn chiếc áo bà ba trắng đơn sơ, vẫn nét nhìn hiền hậu qua lớp kiếng trắng. Nhưng giòng thời gian đã phủ dầy trên tóc, trên mắt, trên da và trên dáng đi liêu siêu. Ba mươi năm rồi còn gì! Tôi thầm nghĩ: Chắc cô cũng đang nhìn tôi như vậy!

 Chúng tôi theo cô vào trong nhà. Căn phòng khách quá rộng khiến bốn thầy trò phải ngồi sát vào một góc, mà vẫn thấy như chưa gần. Hai đứa vừa uống trà vừa nghe cô kể:

 “Đây! Tấm hình hai đứa con bay cô vẫn giữ trong album gia đình. Đây khúc vải bay gởi, năm nào cô đã mang đi khắp xóm khóc kể: “Học trò nó gởi cho may quần áo đây”. Cô ngước lên bàn thờ, mắt nhìn xa vắng, như đang nhớ về kỷ niệm cam go của những ngày sau 30 tháng 4.

 Đá nhẹ chân chồng, nhà tôi hất cằm về phía cô. Tôi gật đầu, nói to cốt để cho cô nghe: Cô ơi! Cô còn nhớ con“em gái Bích” này không nào? Cô như giật mình nhìn lại phía Bích. Bốn thầy trò cùng cười. Cái tiếng “em gái Bích” quả là một kỷ niệm khó quên giữa thầy trò chúng tôi:

 

 Ngày ấy tôi đã vào quân đội. Trong một ngày về phép.Tôi tươm tất trong bộ quân phục, dẫn người yêu đến khoe cô. Nhưng khi vừa thấy cô, bao nhiêu oai phong bỗng biến đâu mất, nên nói lí nhí trong miệng: Thưa cô đây là… “em gái Bích”. Rồi đứng im bẽn lẽn. Chao ơi! Giá có cái gương để thấy mặt mình lúc đó!

 Còn cô. Cô nhìn Bích rất kỹ rồi nở nụ cười thật tươi. Dúi vào tay Bích hai tấm giấy mời miệng dặn dò: “Hai đứa thăm cô một chút là phải đi cho kịp giờ chiếu phim. Phim này hợp với hai đứa”.

 Chúng tôi vào rạp. Trong phim Trân Trân đóng vai nữ y tá, trong mối tình thơ mộng của cô và con trai một bệnh nhân khó tính nhưng giàu có. Gần hết phim tôi mới chợt nhớ ra, vội nói vào tai Bích:“Chết rồi! Hình như cô biết…”.Chưa kịp nói hết câu, tôi đã bị ăn một cái đá kèm theo lời chê bai: “Ai mà khờ như đàn ông các anh! Cô biết từ lâu rồi”.

 

 Uống vừa xong ly trà, cô đưa hai đứa đi xem một vòng quán rồi dẫn Bích vào tuốt trong bếp. Như một bà mẹ chồng, sợ con dâu không biết nấu ăn ngon cho con trai mình. Cô dạy Bích cách khìa bao tử heo bằng nước mắm, ướp thịt bò sao cho mềm, nấu món cá kho tộ, và nhất là món canh chua cá bông lau.

 Bỏ lại hai thầy trò đang thực tập món canh chua. Tôi đi một vòng khắp bếp.

 Đồ ăn được sửa sọan sẵn từng khay đầy. Những món cá chiên dòn. Hành phi đổ trên rau cải- làn đang bốc khói làm tôi đói bụng. Cũng may cô chiêu đãi đã đến bên:

 “Cô cho mời ông vào dùng bữa”.

 Chúng tôi cùng ngồi bên cô. Bàn ăn được dọn trong một căn phòng sang trọng. Bốn cô chiêu- đãi mặc áo dài xanh đứng bốn bên. Tôi vừa khen cách bày biện trong đĩa vừa kêu ca với cô:“Đâu cần trang trọng vậy đâu cô”.

 - Không được! Cô dứt khoát và đẩy tô canh chua về phía hai đứa:

 “Ăn đi hai em! Canh chua phải ăn nóng mới ngon”.

 - Dạ mời cô.

 Không chút do dự, tôi bất chấp khách hàng đã khá đông và bốn cô chiêu đãi đang chăm sóc quá chu đáo, nâng chén ăn ngon lành như đứa trẻ háu đói trở về nhà mình trong bữa cơm chiều.

 Cô ăn ít lắm, cứ ngồi tiếp món ăn cho hai đứa. Gần cuối bữa cô đứng dậy bảo: “Đợi cô một chút”, rồi chậm rãi xuống cầu thang.

 Mấy cô chiêu- đãi xúm đến dọn bớt chén đĩa. Một cô tò mò nhìn tôi hỏi:

 - Có phải chú về Việt Nam kinh doanh?

 - Sao cô nghĩ thế?

 - Tại… cô chưa ăn cơm với khách như thế bao giờ!

 - À… ra thế! Tôi nhìn cô mỉm cười:

 - Tôi… chỉ là học trò thôi!

 Hai cô nhìn nhau nháy mắt, có vẻ không tin.

 Tôi im lặng thầm nghĩ, các cô không tin cũng phải! Riêng tôi. Tôi biết, nếu hôm nay cô có thể dọn tiêc ở thiên đàng, chắc cô đã đem hai đứa học trò này tới đó.

 

 Tôi thức dậy sau một đêm ngủ ngon. Nhẹ quơ tay qua bên phải như thói quen. Nhưng Bích đã biến đâu mất rồi.

 Buổi sáng Việt Nam huyên náo với tiếng chó mèo, tiếng rao hàng làm tôi tỉnh ngủ thật mau. Nghe có tiếng ly tách khua nhẹ và mùi café thơm lừng bay lên từ dưới nhà. Biết các em đang đợi, tôi vội rửa mặt và xuống thang lầu.

 Nghe theo tiếng huyên náo, tôi bước qua nhà bếp.

 - Ồ! Lại gì nữa đây? Các em, các cháu đang bân rộn, cứ như nhà có giỗ! Tôi thấy Bích săn tay áo đang chỉ chỏ. Bên cạnh hai cái thau nhôm chứa đầy cá thác lác. Bốn đứa cháu gái đang dùng muỗng cạo cá ra từng tô trắng nõn. Hai đứa cháu trai cuốn cá thật chặt trong những bao nylon. Ngoài cùng là một lớp giấy bạc cuộn tròn trĩnh như những chiếc giò sắp đầy một góc bàn.

 Thì ra thế! Tôi bước đến bên Bích: “Bộ em mua hết cá trên chợ rồi sao”?

 - Chưa! Mới mua ở hai chợ, còn để cho cô chứ! Nàng cười.

 Đỡ ly café trên tay Bích. Tôi ngồi xuống cạnh bàn.Vừa nhìn đống cá thác lác vừa nhìn cô vợ kỳ lạ của mình, lòng bỗng nhớ đến câu chuyện kỳ thú mà nàng đã kể đi kể lại:

 - Anh có biết không? Mẹ em lạ lắm. Mỗi lần nấu món ăn gì mà các con khen ngon, bà liền nấu một nồi thật to, ăn chưa hết mẹ đã nấu nồi khác . Chỉ đến khi các con kêu ầm lên: “Chán quá rồi”, bà mới chịu thôi.

 Chúa ơi! Mẹ nào con nấy. Cái tính di truyền quả là kỳ lạ! Và khi nó truyền đến đời nàng, nó mới gặp được môi trường để phát tác mạnh mẽ.

 Cũng chỉ tại tôi thôi! Một thằng chồng rất “nịnh đầm”, nên khen món ăn vợ nấu đã trở thành một “phản xạ tự động”. Cứ giống như người Thiên Chúa giáo “làm dấu khi bước vào nhà thờ”. Chả thế mà: Món ăn “ngon thật” đã đành. Cả đến món “ngon giả” cũng được Bích chiếu cố tận tình.

 Tôi nhớ hôm sắp về Việt Nam. Có anh bạn đến nhà gởi chút thuốc cho mẹ. Chờ lúc Bích bận pha café, anh ghé tai nói nhỏ: “Quê hương là chùm khế ngọt”, không ăn là uổng lắm! Cũng may! Khi về Viêt Nam Bích cứ kè kè bên cạnh. Chứ đã ăn vụng, lại lỡ miệng khen khế ngọt, thì chắc giờ này… đã võng cáng sẵn sàng chờ trên đường đi Mỹ. Cứ như vua Lê ngọa triều sống lại, được hoàng hậu tháp tùng sang thăm bang giao nước Mỹ.

 

 Sau 16 tiếng đồng hồ đứng ngồi xiêu vẹo, chúng tôi đã về đến phi trường San Francisco! Chẳng biết nghe ai, nàng nhất quyết bắt tôi phải mặc áo vest, thắt cravate, lại thêm chiếc máy chụp hình đeo lủng lẳng bên hông nữa chứ!

 Nàng nói: “Tụi quan thuế nó chỉ xét kỹ những con buôn thôi. Còn xem anh kìa! Nàng vừa liếc tôi vừa cười: Đúng là một du khách”.

 Tuân lệnh cấp trên, tôi thi hành rất nghiêm chỉnh. Chân bước ung dung, miệng cười chúm chím, tay đẩy chiếc valy chứa đầy cá thác lác qua hàng rào quan thuế. Cũng không hiểu vì bí quyết của nàng hay vì bộ mặt khờ trân của tôi, ông quan thuế chỉ hỏi: “Valy chứa gì?” là cho đi ngay. Nhà tôi đi sát bên cạnh nhìn chồng cười đắc ý: “Đã bảo mà! Tụi quan thuế nó khờ lắm”.

 

 Chúng tôi về Mỹ đã gần một tuần. Thực đơn: “Canh chua cá thác lác vào ngày thứ bẩy”, tuy chưa được viết thành thông cáo, nhưng đã được phát thanh rầm rộ mỗi ngày.

 Sáng ngày thứ bẩy. Nàng mặc áo đầu bếp, tóc cột lên cao, nồi soong, muỗng nĩa sáng choang, lò ga phun lửa xòe xòe xanh biếc. Cứ như sắp đi dự thi “Iron chef America”. Phần ăn buổi sáng của tôi hôm đó cũng bị cắt bớt một nửa. Mới mười giờ. Tôi đã bị nàng đuổi lên lầu nằm võng đọc sách. Có lẽ nàng sợ mùi đồ ăn sẽ chiếm mất vài phần bao tử.

 Đúng 12 giờ. Tôi được mời xuống phòng “ngự thiện”.

 Sao hấp dẫn thế này! Tôi hít hà. Trên chiếc bàn kiếng hôm nay đã được trải thêm một chiếc khăn trắng. Tôi nhận ra, đây là chiếc khăn bàn thêu tay rất công phu cô cho khi về Việt Nam. Một đĩa “gà đi bộ” kho với gừng già và đường thốt nốt tỏa hương thơm phức. Đĩa rau cải làn hấp, xanh bóng với chút dầu hào xào tỏi đổ trên mặt. Một đĩa dưa cải muối xổi làm theo kiểu “Kim chi”. Một chén nước mắm pha. Và một thẩu cơm trắng.

 Nàng mở tủ lấy chai rượu chát nhờ tôi khui rồi xuống bếp ngay. Rượu vừa đổ đầy hai ly thì nàng đã trở lại với tô canh chua nóng bỏng. Vừa đặt trên bàn vừa nhái giọng cô. “Ăn đi! Canh chua phải ăn nóng mới ngon”.

Tôi cười. Nâng ly chúc mừng đầu bếp. Rồi hấp tấp thử canh chua ngay.

 Như thói quen thường lệ, tôi vừa định cất tiếng khen tíu tít, thì hình ảnh mười mấy ki lô cá thác-lác của nàng, như đè nặng trên lưỡi khiến tôi khựng lại. Nhưng tôi lấy lại bình tĩnh ngay:

 - Canh chua ngon quá! Ăn đi chứ em!

 Nàng lấy nửa chén canh húp chầm chậm, mắt nhìn chằm chằm vào tô canh chua như đang suy nghĩ điều gì? Nguy rồi! Tôi tự nhủ: Canh thì ngon thật đấy! nhưng mà tiến thoái lưỡng nan: Khen ít thì “mất vui” mà khen nhiều thì “mất vía”. Thôi thì… từ từ rồi sẽ liệu.

 Một tuần lễ trôi qua, không nghe nhắc nhở chuyện nấu nướng. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thầm nghĩ: Chắc nàng đã cất hết cá vào tủ đá, chờ khi nào thèm canh chua mới lại lấy ra.

 Thấm thoát đã lại qua một tuần. Như thường lệ, sáng thứ bẩy hai đứa rủ nhau đi bộ đến tận chân núi, về lại nhà tắm rửa rồi mới uống café. Hôm nay Bích có vẻ bồn chồn, đi bộ chưa đến chân núi nàng đã đòi về.

 Chuyện gì nữa đây? Tôi bồi hồi chờ mãi đến lúc uống café nàng mới nói:

 - Hôm nay anh giúp em một chuyện,

 - Gì vậy em?

 - Anh xuống phố gởi tiền về Việt Nam. Nhân tiện mua mớ trái cây vào thăm chị Hân. Cũng gần cả tháng rồi anh không đến thăm chị. À!... Mà anh nhớ mở điện thoại cho em gọi, nhớ không được ăn cơm ở đâu, ăn là em giận đó.

 -Anh nhớ rồi! Có thế mà cứ tưởng… chuyện gì!

 Được một buổi sáng đi hoang, tôi vội vàng “khăn gói quả mướp” ra đi.

 Sau hai lần nàng gọi, tôi đã về đến trước cửa nhà.

 Ồ! Mà xe ai thế này? Vừa lái xe vào garage tôi vừa nhớ xem chiếc xe Jarguar màu trắng này là của ai. Nhưng đành chịu thua!

 Tôi kéo lại nếp áo và bước lên nhà. Mùi đồ ăn tỏa hương thơm phức. Bích đứng đợi tôi ở trước hành lang cùng với cô bạn có dáng gầy. Cô nghiêng đầu chào tôi, mái tóc dài mềm rũ sang một bên màu vàng óng ánh. Bích nắm tay bạn giới thiệu. Đây anh Thành ông xã mình, còn đây chị Vân bạn em.

 Tôi nhìn cô bạn mới, trên đôi mắt nâu còn hiện rõ nét e dè nên nói:

 - Có chị Vân đến làm cả nhà vui hẳn lên. Nhà tôi ít bạn lắm. Đã đến thì cứ coi như người nhà mới vui.

 - Cám ơn anh.

 Tôi bảo Bích: “Mời chị Vân ra bàn ăn đi em”.

 Không trả lời tôi, Bích nhìn cô bạn, hai người bước vội xuống bếp.

 Vài phút sau, họ trở lại với tô canh chua to bốc khói đặt giữa bàn.

 Bích nói. Em quên kể với anh. Nhà chị Vân trước đây có nhà hàng. Món canh chua của nhà chị nổi tiếng ở Cần Thơ đó anh!

 - Thảo nào! Tôi vừa hít hà vừa nhìn tô canh chua miệng diễn tả:

 - Chà! nước canh thật trong, dường như dùng me làm vị chua. Những lá bạc hà, rau bồ om tuy đã chín nhưng vẫn giữ được màu xanh ngát. Và đặc biệt là lớp trứng cá như được tách ra từng hạt nổi bập bềnh phủ kín mặt tô. Còn mùi thơm thì khỏi nói!… Ngửi phải là đói bụng ngay! Thôi! Xin mời chị Vân. Mời em.

 Bữa cơm thật vui, rộn ràng với câu chuyện Cần Thơ và những món ăn nổi tiếng của vùng này. Hầu như món ăn nào chị Vân cũng biết rành rẽ, khiến tôi phải khen. “Ai mà có phước lấy được chị Vân nhỉ?”. Chị ngó tôi cười:

 - Giá như đàn ông các anh chỉ muốn được ăn ngon thôi thì… em đâu có ế! Bây giờ chị Vân mới thật sự quen với không khí nhà mình! Tôi tự nhủ.

Bữa ăn vừa xong. Tôi đứng dậy phụ Bích pha một bình café cho ba người,

chị Vân cũng loay hoay giúp Bích bỏ chén đĩa vào máy rửa chén.

 Tôi mang bình café ra phòng gia đình.Thấy Bích và cô bạn đang vừa gọt trái cây vừa rù rì bên nhau nên nói đùa:

 - Chắc hai cô đang nói xấu tôi đã ăn hết phần canh chua của hai người chứ gì?

 - Đâu có! Đâu có! Cả hai cùng đồng loạt phản ứng.

 Trong lúc tôi rót café vào ba cái ly dầy bằng sứ trắng, Bích nhìn tôi và chị Vân chậm rãi:

 - Anh à! Em vừa kể cho chị Vân nghe: Em không có cách nào để diễn tả lại anh, bên cạnh bát canh chua cô nấu hôm nào! Nhưng có một điều em biết chắc là anh đã bỏ đâu mất cái đạo mạo thường ngày. Anh ăn, rồi khen, rồi ăn. Mà mặt thì vui như một đứa trẻ đang mút kem. Cách anh ăn làm cô phải cười hể hả, anh ăn làm em đói theo. Nên… khi về Mỹ em đã cố nấu lại tô canh chua kỳ lạ đó. Nhưng… em đã thất bại! Và bây giờ thì… em đã “ngộ” rồi!

 Nàng phân trần: Nếu lấy công tâm mà nói thì canh chua của tụi em chắc ngon hơn canh chua cô giáo nấu. Bởi vì ngoài việc dùng rau và cá rất tươi, tụi em còn nêm canh bằng nước mắm hảo hạng mà nhà hàng không dám dùng, tiêu hột thì mua tại Phú Quốc, cách nấu thì do cô dạy.

 Nhưng mà… nàng chậm lại: Có một món gia vị mà em không thể nào mua được.

 - Thứ gì vậy? Chị Vân vội vã hỏi.

 Đợi cho tính tò mò của chị Vân và tôi đã tròn đầy trên mắt, nàng mới bắt đầu giải thích:

 - Tiếc thay món gia vị này không nếm được bằng lưỡi, không ngửi được bằng mũi, không sờ được bằng tay. Nhưng ngọt ngào và tinh khiết lắm. Bích nhỏ giọng lại nhìn tôi: Đó là… “Hương vị thầy trò”.

 À! Tôi và chị Vân cùng kêu lên một lượt. Nụ cười thông cảm lại nở rộ trong mái ấm gia đình tôi.

 Tôi cám ơn và khen khéo Bích: “Quả thật không ai hiểu rõ chồng bằng vợ”.

 Nâng nhẹ ly café khói hương thơm tỏa nghi ngút, tôi thấy mơ hồ đâu đó nụ cười hiền muôn thuở của cô tôi.

 

 Thanh Huyền.

 Cali. 2/25/2011

15 Tháng Tám 2013(Xem: 61116)
… Và tôi chợt nghĩ ra các bạn tôi rồi một hôm cũng sẽ chợt khám phá ra chiếc ghế dành cho tôi trong buổi hẹn bên ly rượu ở một nơi nào đó sẽ không có tôi…
18 Tháng Ba 2013(Xem: 147258)
Tác phẩm Ngô Quyền Một Thời Để Thương Để Nhớ, không chỉ là một bộ sưu tập của những kỷ niệm đã theo chân những lữ khách Ngô Quyền khắp chân trời góc bể...
17 Tháng Ba 2013(Xem: 99116)
Dù rằng bây giờ con dốc Kỷ niệm trên đường đến trường Ngô Quyền hoặc dốc Cây Chàm đã bị bào mòn, không còn cao như xưa, nhưng trong từng ngăn ký ức đời mình thì “những kỷ niệm một thời học sinh Ngô Quyền” đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất
17 Tháng Ba 2013(Xem: 55397)
Áo trắng xưa bây giờ sao gợi nhớ! Kỷ niệm êm, tình bạn lẫn tình yêu Áo trắng Trường Xưa, Thầy yêu kính Một góc trời thương nhớ bỗng trong ta.
17 Tháng Ba 2013(Xem: 80854)
Bạn bè tôi, người còn, người mất, kẻ ở lại, kẻ tha phương. Tôi vẫn ở đây, vẫn đi qua ngôi trường Ngô Quyền xưa cũ, giờ đã đổi mới hoàn toàn,
17 Tháng Ba 2013(Xem: 65241)
Xin các anh chị Khóa 13 miễn thứ cho tôi cái tội "phạm thượng" như kể trên của những ngày xưa thân ái... (không bao giờ có lại được nữa)!
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10346)
một bức thư nhà trọn niềm thương nhắn người viễn xứ sống tha hương gửi chút hương lòng cho mây gió góp lại tâm tình của bốn phương
28 Tháng Hai 2013(Xem: 10655)
Anh từ xứ Huế đến Biên Hòa Chờ em tan học bước ngang qua Bài thơ anh gửi tình tha thiết Em giấu thương trong áo trắng tà
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13569)
Thật hạnh phúc cho những đứa học trò trường Ngô năm nào, khi có dịp gặp lại thầy cô giáo một đời vất vả vì những thế hệ học sinh thân yêu…
28 Tháng Hai 2013(Xem: 11364)
Kể lại bạn nghe, không phải để nhắc đi nhắc lại chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” của người làm báo online mà để thỉnh thoảng bạn cùng góp tay vào vác ngà voi với BBT để web nhà phong phú hơn.
28 Tháng Hai 2013(Xem: 13541)
Nếu ai hỏi tôi khoảng thời gian nào đẹp nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời: khoảng thời gian cắp sách đến trường. Đó là những năm hạnh phúc nhất. Tuổi học trò thật vô tư, thật yêu đời và thật ngổ ngáo dễ thương.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 12132)
Xin chút nắng tưới hồn hoang cỏ úa Ký ức xanh trong trái tim hồng Nghìn sau nữa, giữa cuộc đời dâu bể Nước xa nguồn vẫn đổ về sông.
24 Tháng Giêng 2013(Xem: 11882)
xe chạy ngang Trường Ngô Quyền, tôi nhìn bâng quơ không chút ý niệm gì, tôi củng không bao giờ nghĩ đến ngày mình phải vào học ở ngôi trường to lớn và xa lạ kia.
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10533)
Thế là phải đành nhìn ngôi trường thân thương của thời đi học trở thành những đống gạch ngổn ngang, còn chăng chỉ là ký ức về bảy năm sách-đèn-hoa-mộng với những ngày xanh cùng biết bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò…
23 Tháng Giêng 2013(Xem: 10367)
Áo trắng giờ đã xa Trường Ngô Quyền Biên Hòa Nhớ mãi màu phượng đỏ Ký ức tháng ngày qua