NGƯỜI THẦY CHUYỂN HÓA ĐỜI TÔI
Nguyễn Thị Minh Thủy
Có khi nào bạn làm một việc gì đó rồi ân hận với chính mình suốt đời, dù lỗi lầm ấy chưa chắc có người thứ hai nào biết được ngoài bạn? Nếu không, bạn là người may mắn. Nếu có, tôi hi vọng bạn sẽ dễ cảm thông với tôi hơn: Tôi đã từng sơ xuất như thế với ngay vị thầy thân yêu đáng kính của mình.
Đó là thầy Đinh Văn Sái, người dạy vỡ lòng tiếng Pháp cho tôi năm đệ thất cũng như năm đệ ngũ. Tôi không thuộc loại nghịch phá trong lớp, cũng không biếng nhác chây lười, nếu không nói là hoàn toàn trái lại – từ nhỏ tới lớn, tôi từng được nhiều thầy cô khen tặng trong học bạ là “học sinh gương mẫu”. (Tôi “gương mẫu” đến đỗi mỗi lần mấy đứa bạn đầu têu muốn “nhảy rào”, thí dụ như bỏ giờ học cuối vì giờ đầu thầy/cô vắng mặt, tụi nó đều rủ ren tôi nhập bọn cho bằng được). Vậy tôi đã phạm lỗi gì với thầy đến đỗi phải áy náy cho tới bây giờ, chắc chắn có bạn sẽ ngạc nhiên về điều tự thú này.
Thật ra, đó là một biến cố nhỏ, rất nhỏ, xảy ra sau thời gian tôi học với thầy và cách đây cũng hơn ba mươi lăm năm qua. Chuyện tưởng đã ngủ yên trong dĩ vãng, nhưng không ngờ đã bừng sống dậy khi tôi tình cờ trông thấy bức ảnh bán thân khá rõ của thầy đăng trong tập Kỷ Yếu trường nhà. Cũng khuôn mặt hiền hòa nghiêm nghị thân thương quen thuộc, cũng hai con mắt “không nhìn cùng một hướng” mà đám học trò đệ thất tụi tôi từng sợ hãi khi bị thầy hỏi bài tới tấp trong lớp. Đúng là hình ảnh của thầy trong khúc phim quá khứ của tháng ngày thơ dại, thuở chúng tôi mới vừa chập chững bước chân vào trường trung học Ngô Quyền.
“Qu’est ce que c’est? – C’est un livre. – Ce livre est à qui? – Ce livre est à Pierre. – Òu est Pierre?...” Thầy vừa gõ thước vừa hỏi, tay chỉ lia lịa gọi từng học sinh đứng dậy trả lời. Tuy đã lớn tuổi, thầy rất linh động, dồn hết nhiệt tình để khai tâm đám học trò nhỏ bé đang bỡ ngỡ làm quen với ngoại ngữ lần đầu. Thầy gọi đứa bên dãy bàn bên phải rồi bên trái, bàn đầu rồi bàn cuối, tứng lựng cả lên. “Nguy hiểm” nhất là đôi mắt “dương đông kích tây” của thầy, bởi vì tụi tôi không thể nào biết rõ đứa nào đang được (hay bị) thầy chiếu cố. Hồi hộp ghê nơi. Nhưng cũng nhờ vậy mà đứa nào cũng ráng học và vốn liếng ngữ vựng Pháp Văn của chúng tôi mỗi ngày một đầy sau những giờ học “vô cùng căng thẳng” đó.
Lên lớp đệ ngũ thì chúng tôi bớt “ngán” thầy một chút, vì màn hỏi tới tấp khi xưa cũng giảm bớt. Câu hỏi ở lớp này đã khó hơn, đòi hỏi học trò phải “động não” nhiều hơn nên được nhiều thời giờ suy nghĩ hơn, chắc có lẽ vậy.
Ở lớp tuổi ô mai ô mận choai choai này, tụi tôi cũng được thầy uốn nắn nhiều hơn xưa. Ngoài ngành dạy chuyên môn, sự dạy dỗ của thầy dành cho chúng tôi không khác chi những lời khuyên bảo của một bậc cha mẹ dành cho con cái. Mà ở tuổi mới lớn, con cái đâu phải lúc nào cũng ngoan ngoãn phục tùng cha mẹ. Thành thử có lúc tụi tôi lại cảm thấy “sợ” thầy nữa. Tôi còn nhớ một lần vào dịp Tết, để chuẩn bị cho tiệc tất niên, trong giờ ra chơi tụi tôi xúm nhau cặm cụi cắt giấy pelure màu xanh màu hồng để “chế tạo” những cái hoa giấy xinh xinh hay các chùm tua tụi để cột thành những sợi dây trang hoàng trần thiết. Thầy trông thấy bèn hỏi, “Mấy trò đang làm gì đó?” Tụi tôi nhanh nhảu trả lời cho thầy rõ. Những tưởng được thầy khen “khéo tay hay làm” hay ít nhất cũng tán thành, ai ngờ bị thầy quở liền, “Tụi bây bày đặt quá, mua giấy mua má làm ba cái thứ này vừa mất công, vừa tốn tiền cha mẹ. Theo thầy thấy, mấy trò bữa đó cứ mỗi đứa bận một màu áo, xanh đỏ tím vàng, đi tới đi lui chan hòa trộn lẫn với nhau cũng tươi tắn, đẹp đẽ rồi.”
Chưa hết, thầy cũng làm tụi tôi “cụt hứng” một lần nữa, vào dịp cuối năm. Vào những ngày gần bãi trường, tụi tôi thường hay xin thầy cô ngưng dạy sớm một chút để cả lớp vui hưởng vài màn “văn nghệ văn gừng”. Thường là mấy thầy cô vui vẻ đồng ý ngay thôi. Thầy Sái cũng nhân từ chấp thuận lời xin của đám học trò ham vui. Thế nhưng sau khi nghe hai ba cô ca sĩ mầm non mười ba, mười bốn tuổi, lên véo von trình diễn “Nỗi buồn hoa phượng”, “Ba tháng tạ từ” với những câu như: “Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu, những chiều hẹn nhau lúc đầu, giờ như nước trôi qua cầu…” hay “Rồi đây tan trường mình không chung lối, thương nhau nhiều biết gửi về mô, thì chuyện cũ tan vào hư vô…” thì thầy gõ thước, phán liền: “Thầy có ý kiến như vầy. Mấy trò còn nhỏ mà hát gì toàn là nhạc tình anh anh, em em, thương thương, nhớ nhớ, hẹn hẹn, hò hò như vậy hổng được. Phải biết lựa mấy bài hợp với lứa tuổi học sinh, như bài “Hè về” nè, bài “Tạm biệt” nè. Như vậy có phải tốt hơn hôn?”
Đó, thầy của chúng tôi là như vậy đó. Thầy sẵn sàng nói ra những “lời thật mất lòng” để khuyên nhủ học trò non nớt của thầy. Bây giờ, đã làm cha làm mẹ, đã phải thở ngắn than dài vì đám con “teenager”, tôi mới biết cảm kích sự quan tâm cũng như tình thương bao la nơi vị thầy mẫu mực đáng kính của mình.
Dĩ nhiên là buổi “văn nghệ bỏ túi” hôm đó mất vui thấy rõ, ca sĩ học trò tẽn tò lấm lét chạy về bàn. Nhưng bất mãn là bất mãn chút chút vậy thôi, không đứa nào dám tỏ thái độ gì, lớp chúng tôi nổi tiếng là hiền ngoan mà.Và dĩ nhiên không phải vì một vài chuyện như vậy mà tôi đã hành xử điều chi thất thố với thầy.
Chuyện làm tôi tự trách mình cho tới bây giờ đã xảy ra vào khoảng giữa năm 1975, lúc thầy đã nghỉ hưu và tôi đã ra khỏi trường được gần hai năm. Đó là lần tôi bất ngờ gặp lại thầy sau khúc quanh tại một góc đường ở Biên Hòa giữa ánh điện nhá nhem mờ nhạt của một buổi tối nặng nề. Xuất hiện trước mắt tôi lúc ấy là một người đàn ông lớn tuổi, mặt buồn xo tiều tụy, hai tay ôm một bọc đồ đang đứng lạc lõng bên đường. Trong một thoáng, tôi không nhận ra thầy. Với ý nghĩ vừa xẹt ra trong đầu “Bác này là ai mà sao thấy quen quá”, tôi buột miệng “Chào bác”. Trời đất ơi! Rồi cũng trong tích tắc, tôi nhớ lại liền và cất tiếng chào lớn hơn, “Dạ, chào thầy”, cùng một lượt với câu hỏi thốt ra từ miệng thầy: “Ủa Thủy, con đi đâu đây?”
Tệ hại cho tôi chưa! Thầy, tuổi đã ngoài sáu mươi, đã từng đứng trên bục giảng dạy biết bao học trò mà còn nhớ tên tôi. Trong khi tôi, mới vừa đôi mươi, học xong với thầy chưa được bao lâu mà quên bẵng thầy mình, cho dù chỉ trong một sát na. Tôi tự thẹn vô cùng, cầu mong cái bệnh nói nhỏ của mình lần này giúp được tôi thoát nạn, hay đúng ra là giúp cho thầy tôi khỏi phải đau lòng: thầy đừng nghe được câu “Chào bác” oan nghiệt kia. Còn gì buồn hơn, con bé học trò mà mình từng cưng thương nay lớn lên nó lại quên mình.
Đúng. Tôi từng là học trò cưng của thầy. Và cũng chính nhờ thầy, nhờ tình thương thể hiện qua một cử chỉ “khích tướng” của thầy vào năm lớp sáu, tôi đã cố gắng học hành và đạt được những kết quả học tập khá vinh quang trong suốt bảy năm sau đó, như một mạch suối giữa rừng đang tắc nghẽn bỗng được khai thông và bung nở để dần dần trở thành một dòng sông tuôn chảy không ngừng.
Tôi còn nhớ năm đó, sau kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt, một buổi sáng nọ sau khi chào cờ, nhà trường đã làm lễ vinh danh các học sinh giỏi của từng lớp. Thế là mỗi lớp được trường chọn ra ba học sinh, theo kết quả của kỳ thi cộng với số điểm trung bình hàng tháng, và gọi tên từng người bước lên cho thiên hạ “chiêm ngưỡng”.
Khi vào lớp, thầy đứng trước chỗ bàn tôi (tôi ngồi bàn đầu), hỏi “Lớp này trò nào hạng nhứt?”. Cả lớp trả lời “Dạ, Tuyết Trinh thầy”. Rồi thầy hỏi “Còn đứa nào được kêu tên vinh danh nữa?” Hai đứa khác lần lượt đứng dậy cho thầy nhận diện. Bỗng thầy nhìn xuống tôi, hỏi nhỏ “Còn trò Thủy, trò không được kêu tên sao? Trò hạng mấy?” Tôi luống cuống đáp nhỏ “Dạ, con hạng 11.” Thầy trợn mắt “Mười một!” rồi lắc đầu, bĩu nhẹ môi. Ôi chao, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình quê muốn độn thổ và “đau khổ” tột cùng.
Thật ra thì cũng có nhiều nguyên nhân đưa đến cái tội “học dở” của tôi lắm. Thứ nhất là kể từ khi đậu được vào trường, tôi “mừng hết lớn”, cảm thấy “áp lực” như nhẹ hẳn đi. Không còn phải lo học ngày, học đêm, học thêm, học luyện, để trúng tuyển với hạng cao như hồi năm lớp nhất nữa. (Cô giáo lúc ấy của tôi – cô Kim Sơn – hàng năm đều mở lớp dạy thêm, và nhờ nổi tiếng dạy giỏi, cô đã quy tụ được nhiều học trò xuất sắc từ các lớp khác hoặc từ trường khác nữa. Cô hy vọng mấy đứa tụi tôi đều đậu cao, ít nhất là “top ten”, để làm “rạng rỡ tông môn” nhưng tôi đã làm cô thất vọng lần đó mất rồi.) Lọt được vào trường công, khỏi tốn tiền ba má, hàng ngày lại được mặc áo dài đi học, vui hết biết rồi, còn lo chi nữa. Lý do thứ hai để tôi… “chạy tội” là sự kiện lớp tôi có khá nhiều “cao thủ” đã rớt kỳ thi tuyển năm trước, bèn học đệ thất ở trường bán công Trần Thượng Xuyên chờ năm sau thi vào Ngô Quyền một lần nữa; nhờ học lại nên tụi nó rành rẽ và “giàu kinh nghiệm chiến trường” hơn tôi là cái chắc rồi.
Nhưng dầu gì thì gì, đổ thừa cho hoàn cảnh cũng không phải là một thái độ tốt. Nhất là khi thấy rõ hậu quả là… cái bĩu môi thất vọng của thầy. Từ đó, tôi bắt đầu để ý tới việc học hành trở lại. Và kết quả như một phép mầu: kỳ đệ nhị lục cá nguyệt, tôi hạng nhất và cộng lại tổng số, điểm tôi đủ cao để đạt được vinh dự đứng đầu toàn năm.
Thầy đã để lại cho tôi nhiều dấu ấn như thế, mà trong một giây phút bất chợt nào đó tôi bỗng quên bẵng, thật ra cũng không phải là không có lý do. Tôi không muốn biện minh cho sự sơ xuất của mình, nhưng đã kể thì phải kể hết cho tỏ rõ ngọn ngành.
Tôi không nhớ đích xác đó là vào tháng nào của năm 1975, nhưng bối cảnh u ám, nhiễu nhương bát nháo của những ngày vừa mới đổi đời ấy không làm sao phai mờ trong tâm khảm. Đang học năm thứ hai Ban Thương Mại của đại học Vạn Hạnh và năm đầu của Trung Tâm Huấn Luyện Chuyên Môn Ngân Hàng Quốc Gia, tôi đã dần dần định được cho mình một hướng đi tương đối thích hợp với khả năng. Tuy biết rằng cuộc đời vốn không toàn bích, quê hương chinh chiến triền miên, nhưng trong lòng người sinh viên trẻ nào đã mang chút ít tâm huyết lại không có những mơ mộng lạc quan, hi vọng một ngày kia tương lai đất nước sẽ khá hơn với sự đóng góp của thế hệ trong sạch như mình. Tôi hằng cầu mong sớm có hòa bình, nhưng không bao giờ ngờ rằng có một ngày phải chịu cảnh hòa bình trong tan hoang thua trận như vậy.
Những giọt lệ lặng lẽ rơi giữa buổi sáng 30 tháng tư, nỗi hụt hẫng và hoang mang bấn loạn trong giai đoạn ban đầu ấy chỉ mới là khởi điểm cho một chuỗi dài đau thương phẫn hận càng ngày càng xoáy sâu, sâu mãi trong lòng, gây ra từ những va chạm mỗi khi phải đối mặt với bọn người chiến thắng đang nắm trọn quyền hành. Người người thở than, ta thán, nhớ câu “nước mất nhà tan” hay “đất nước còn, còn tất cả, đất nước mất, mất tất cả”. Đau ở chỗ đất nước không mất vào tay ngoại bang mà vào tay những người tưởng cùng nòi giống mà lại là những kẻ giả hình.
Mỗi ngày, mở mắt ra là đụng phải, nghe thấy, những điều trái tai, gai mắt, trá ngụy, điêu ngoa. Người dân miền Nam chờ đợi một phép mầu, hay thậm chí một biến cố nào đó để rồi ngày qua tháng lại, niềm tin mỗi ngày một mỏi mòn dần và người ta đau đớn nhận ra rằng tất cả chỉ là ảo vọng mà thôi. Người ta xì xầm chuyện vô bưng, chuyện lên rừng, chuyện phục quốc, vân vân, tất cả chẳng qua chỉ là một chút dưỡng khí để tạm nuôi hai buồng phổi đang khát khao hít thở.
Tới một lúc nào đó, tôi không khát khao hít thở nữa. Tôi muốn chết.
Vì gián đoạn việc học, tôi trở thành một kẻ vô công rỗi nghề. Ở nhà phụ giúp ba má cũng không xong vì nghe đâu phường khóm sẽ bắt thanh niên thiếu nữ cỡ tuổi tôi phải gia nhập đội Thanh Niên Xung Phong đi làm thủy lợi chi đó. Để “lánh nạn”, ba má tôi (ở Biên Hòa) bèn “biệt phái” tôi xuống Sài Gòn (ở Sài Gòn dù sao cũng “dễ thở” hơn, ai cũng bảo như vậy), vừa lo bếp núc cho anh tôi, vừa trông coi nhà cửa cho anh ấy. Nói là nói cho oai vậy thôi chứ “thực chất” thì như thế này: Đồ ăn thì má tôi đã nấu sẵn, tôi chỉ việc hâm lên và nấu cơm mà thôi. (Phần lớn thì giờ của tôi tiêu hao vào việc… xếp hàng rồng rắn suốt cả buổi để mua nhu yếu phẩm – được phân phối thật ít oi – tại cửa hàng công nghiệp hoặc cửa hàng thực phẩm theo lời thông báo của anh tổ trưởng dân phố). Còn nhà cửa thì cũng chẳng có gì để trông coi vì căn nhà trống trơn, anh tôi chỉ mới dọn vô ở vài ngày trước 30 tháng 4, thậm chí chưa kịp mua sắm đồ đạc bàn ghế gì cả. Đó là một căn “condo” còn rất mới nằm trên lầu ba thuộc khu Cư Xá Thanh Đa thuộc quận Bình Thạnh, có ban công nhìn ra nhịp cầu Bình Triệu cao vút xa xa. Cứ vài ngày, tôi lại đáp xe lửa ở ga Bình Triệu để về Biên Hòa thăm nhà và… lấy đồ tiếp tế.
Vì phương tiện giao thông khi ấy rất hạn chế trong lúc thì giờ lại dư dả, tôi thường hay đi bộ từ cư xá, vòng vèo ra tới đường lớn, băng qua cây cầu để tới nhà ga. Không hiểu sao mỗi lần nhìn xuống dòng cuồng lưu phía dưới chân cầu, tôi càng nghĩ tới cái chết nhiều hơn. Hay tại cây cầu này tên là cầu Bình Triệu, “bà con” với cầu Bình Lợi, nơi nổi tiếng có nhiều người tự trầm? Buổi chiều đó cũng vậy, tôi nhìn dòng nước hung hãn va đập vào chân cầu rồi cuốn phăng phăng những thứ trôi nổi trên sông, lòng chỉ mong gieo mình xuống đó, cho nước cuốn trôi, trôi hết, xóa tan, mất dấu. Không còn bế tắc, không còn nhục nhã, bực bội hay phiền muộn, u sầu. Nhưng rồi tôi cũng bước đều tới nhà ga, mua vé và chen chân giành một chỗ ngồi trên toa tàu đầy cảnh chen lấn ồn ào.
Thường thường tuyến xe lửa Sài Gòn-Biên Hòa ngừng khoảng trên dưới mười ga, hình như vậy. Tôi không còn nhớ rõ ở gần ga nào mà chuyến xe lửa của tôi bỗng ngừng lại khá lâu, quá lâu là khác. Trời càng ngày càng chiều, ai nấy đều sốt ruột, nhất là những người đi buôn hàng chuyến. Mãi một lúc sau, bỗng nghe nhiều người xì xầm chuyền miệng, “Hình như có người mới vừa tự tử trên đường rầy.” Mẫu tin vụn, ngắn, nhưng đủ làm cho không khí trong toa tàu chợt nhốn nháo, sôi động hẳn lên thay thế cho sự quạo quọ bất mãn chán chường trước đó. Còn tôi, dường như vừa có từng luồng hơi lạnh chạy dọc xuống lưng rồi lan khắp tứ chi. Cứ như thế, tôi ngồi chết điếng, cơ thể lạnh ngắt, tuy thời tiết chung quanh đang nóng ngộp hơi người.
Sau một lúc rục rịch, nhúc nhích tới lui, cuối cùng rồi xe lửa cũng lăn bánh tiếp tục hành trình. Vài kẻ hiếu kỳ từng rời toa để đi “thám sát” tận mắt đã leo lên tàu trở lại, trong đó có thằng bé bán dạo. Khi nghe có người hỏi han, thằng nhỏ nhún vai trả lời, “Có thấy gì đâu. Người ta lấy chiếu đậy xác bà già lại rồi.” Trời đã chạng vạng hoàng hôn, nhà cửa trong thôn xóm bên đường đã bắt đầu lên đèn. Ánh đèn vàng vọt hắt ra giữa những vùng tranh tối tranh sáng làm không gian càng thêm ảm đạm thê lương như có oan hồn ai đang vất vưởng. Tuy không tận mắt nhìn thấy cảnh tượng thương tâm, hình ảnh chiếc chiếu sơ sài đắp lên thi hài người bất hạnh cứ lởn vởn trong đầu tôi và nằm luôn trong ấy. Tôi lại nghĩ tới “cái chết” nhảy sông của tôi và mường tượng thi thể của mình rồi sẽ tấp lên một bờ bãi nào đó, được người ta vớt lên và cũng được đắp lên một manh chiếu như vậy. Ý nghĩ đó làm tôi có phần chùn chân, rờn rợn. Nhưng sống như hiện tại có đáng sống hay không? Cái cảm giác bế tắc lại trở về đè nặng tâm tư. Người đàn bà vừa tự tử chắc chắn cũng lâm vào một cảnh cùng đường nào đó và bà đã mạnh dạn quyết định. Còn tôi, tại sao không? Lờ mờ đâu đó, tôi tự thấy mình “đi cũng lỡ dỡ mà ở cũng chẳng xong”.
Với mớ tư tưởng chết-sống ngổn ngang hỗn độn trong đầu, tôi thất thểu cuốc bộ từ nhà ga hướng về nhà, cho tới khi bất ngờ chạm mặt với thầy tại ngã ba công trường Sông Phố, chỗ cuối con đường Trịnh Hoài Đức rẽ xuống Hàm Nghi, và buột miệng “Chào bác” thay vì “Chào thầy”. “Con đi đâu đây?” Giọng nói ôn tồn của thầy bỗng như truyền cho tôi sinh lực, vực tôi trở về thực tại. Thầy trò rưng rưng thăm hỏi nhau vài câu. Tôi nói tôi từ Sài Gòn về bằng xe lửa và đang đi bộ về nhà. Còn thầy cho biết thầy có việc phải ra đây đón xe lam đi Tân Mai, Tam Hiệp chi đó.
Sau khi từ giã, thầy vẫn cô đơn đứng đó chờ xe dưới ánh đèn đường tù mù không đủ sáng trong khi tôi tiếp tục rảo bước về nhà. Nhưng trái tim tôi lúc này dường như càng chĩu nặng thêm vì một nỗi buồn lo mới. Không biết thầy có nghe thấy câu chào sơ xuất của tôi ban nãy chăng? Nếu nghe được, thầy có buồn có giận tôi không? Trời ơi, sao mà tôi có thể đoảng như thế được chứ? Cho dù tôi đang bị những cú sốc kinh khủng dằn vật nội tâm, nhưng vô tình làm cho người khác buồn giận, làm sao lương tâm yên ổn cho đành. Có lẽ một ngày nào đó tôi phải chuộc lại lỗi lầm này với thầy mới được, tôi tự dỗ lòng như vậy.
Rồi bỗng như một con bệnh dần dần hồi phục, tôi bắt đầu gượng dậy, bước tới trước gương nhìn ngắm chính mình. Tôi cũng tiếp tục mường tượng ra chiếc chiếu đắp điếm thi hài mình, nhưng bây giờ tôi thấy cả cảnh má tôi nhào tới cạnh bên, kêu gào thảm thiết, sùi sụt khóc con; cảnh ba tôi run chân bước đi không nổi, phải ngồi bệt xuống thềm như có lần nghe tin tôi bị xe Honda đụng ngoài đầu ngõ trước đây. Càng nghĩ, tim tôi càng se thắt và nước mắt chỉ chực tuôn trào.Và khi đưa tay đẩy cái cổng quen thuộc để bước vào sân nhà, tôi đã biết mình phải quyết định ra sao: Tôi phải sống, dù thế nào đi nữa. Chung quanh tôi còn biết bao tình thương ràng buộc vây quanh mà ngẫu nhiên, người đầu tiên nhắc nhở cho tôi điều ấy khi tôi từ đường ranh sống-chết trở về chính là thầy Sái.
Kể xong câu chuyện, mắt tôi tự dưng rướm lệ nhưng đồng thời cõi lòng dường như nhẹ bớt đôi phần. Tôi ước ao phải chi thầy tôi đọc được những dòng này mặc dù thật ra chưa chắc tôi đã đủ can đảm tự thú khi thầy còn sống. Nhưng bạn ơi, phải chăng muộn còn hơn không, nhất là khi mình đã viết ra với tất cả chân thành.
Nguyễn Thị Minh Thủy
Westminster, ngày 13 tháng 4 năm 2011