MGTT 21 - Thầy Nguyễn Minh Lý
Ở MGTT số 14, chs NQ đã có dịp được biết về môn Triết và quý Thầy dạy Triết từ 1962 (khi trường có lớp Đệ Nhất đầu tiên , sau này là lớp 12,) đến năm 1975.
MGTT số 21, xin được hân hạnh giới thiệu về một trong những vị Thầy dạy Triết cuối cùng của trường Trung học Ngô Quyền: Thầy Nguyễn Minh Lý.
Một điều đặc biệt hơn, "nhà tôi" của Thầy Lý là chs NQ khóa 1 Huỳnh Thị Xuân Hoa, một trong những nữ sinh đầu tiên của trường nhà. "Nhân duyên tiền định", Thầy quen cô Hoa khi cô đã là một nhà giáo. Nếu có được cơ duyên hạnh ngộ với Thầy Cô, không biết các anh chị cả khóa 1 sẽ gọi Cô là gì?
Với các lớp đàn em, bên cạnh ông Thầy dạy Triết ngày xưa, cô Hoa luôn luôn có mặt bên cạnh Thầy trong những thăng trầm của cuộc đời .
Xin được viết tiếp MGTT 14 bằng "Giờ Triết học giữa sân trường" cùa lớp 12B3 (nk 1974-1975) qua ngòi bút chân tình của chs NQ khóa 13 Diệp Hoàng Mai.
Nguyễn Trần Diệu Hương
GIỜ TRIẾT HỌC GIỮA SÂN TRƯỜNG
Thầy giáo của tôi gầy gò ngồi trên chiếc xe đạp course cũ kỹ, đôi mắt thầy u uẩn sau cặp kính trắng dày. Học trò vây quanh thầy, hoang mang với những câu hỏi đại loại: “Thầy ơi, ngày mai rồi sẽ ra sao?...” Những tư tưởng triết học lúc đó như lời khuyên thầy dành cho trò, và có lẽ thầy cũng dành khuyên chính bản thân mình: “ làm thế nào để vượt cơn sóng cả…” Đó là buổi chiều ngày 23/04/1975, chỉ duy nhất lớp 12B3 tình cờ được học giờ Triết sau cùng với thầy Nguyễn Minh Lý. Để rồi hơn 36 năm sau, cũng hết sức tình cờ tôi tìm gặp lại thầy…
Tốt nghiệp ban Triết đại học sư phạm năm 1965, đến năm 1970 thầy Nguyễn Minh Lý mới bén duyên với trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa (TH.NQBH). Năm lớp mười hai, thầy Lý dạy chúng tôi môn Luận lý học và Đạo đức học. Chúng tôi bắt đầu “làm quen” với các trường phái triết học cổ đại và các triết gia Socrate, Aristote, Platon, Pytagore, Thales, Descatres… Những bài học sơ khai về thân phận con người, về thế giới quan và nhân sinh quan thầy dạy chúng tôi còn dang dở, thì cơn lốc dữ đã xô dạt thầy trò chúng tôi tan tác muôn nơi…
Hơn ba sáu năm, sau giờ học Triết kỳ lạ giữa sân trường tôi mới có dịp thăm lại thầy. Thầy không khác xưa, vẫn nhẹ nhàng và điềm đạm. Nhắc đến cái nghiệp dạy học của mình, thầy cười hiền lành: ”Sau năm bảy mươi lăm, tôi bị … rớt xuống cấp hai”. Khi môn Triết không còn đất dụng võ, thầy Lý chuyển sang dạy môn Anh Văn cho học sinh phổ thông cơ sở (trung học đệ nhất cấp).
Vợ của thầy là cô Huỳnh Thị Xuân Hoa, cựu học sinh khóa 1 TH. NQBH cũng là nhà giáo, cho biết: “Được đi dạy học lại là quí lắm rồi. Ngoài việc dạy học, thầy cô đâu còn công việc nào khác để mưu sinh….”. Thời đó hai vợ chồng cùng đi dạy học, thầy cô mới được ưu tiên có sổ gạo cho cả nhà. Cũng như những thầy cô giáo khác, thầy cô vất vả nuôi nấng đàn con nheo nhóc của mình. Nhưng trên tất cả, thầy cô đều thiết tha với nghề giáo đã chọn “Mỗi năm đến ngày khai trường, thầy và cô cảm thấy… nhớ học trò mình lắm!...”
Sau khi nghỉ hưu, thầy Lý sống khá ẩn dật. Thầy chuyên tâm dịch các tác phẩm triết học và cộng tác với các nhà xuất bản có uy tín. Một trong những tác phẩm dịch thuật của thầy Nguyễn Minh Lý được tái bản hiện nay là “Tự do đầu tiên và cuối cùng” (nguyên tác tiếng Anh: ”The First and Last Freedom” của tác giả Krishnamurti). Không hài lòng với một bản dịch trước đó, thầy đã bỏ nhiều thời gian và công sức để thể hiện lại một tác phẩm nòng cốt và tinh tường về đề tài “Tự do” của tác giả nổi tiếng Krishnamurti.
Thầy Nguyễn Minh Lý xúc động khi nghe tôi kể, rằng những cựu học sinh NQ vẫn hoài nhớ đến thầy trong Tuyển tập Ngô Quyền 2011.
Niềm vui lớn nhất của thầy cô hiện giờ là các con đã thành tài. Tất cả đều tốt nghiệp đại học, có việc làm tốt. Thế nhưng nỗi buồn… không nhỏ của thầy cô, là không người con nào theo nghề giáo của ba mẹ. Bởi khi trưởng thành, các em từng chứng kiến ba mẹ quá cơ cực trong cuộc mưu sinh. Thầy cô luôn tôn trọng sự chọn lựa của các con mình. Mặc dù trong câu chuyện với chúng tôi, đôi lúc cô vẫn còn chút tiếc nuối: ”Đứa con trai đầu lòng của cô được đặc cách tuyển thẳng vào đại học sư phạm khoa Vật lý, nhưng nó quyết thi vào ngành kinh tế chứ nhất định không theo nghề của thầy cô…”
Thầy Nguyễn Minh Lý chỉ mỉm nụ cười hiền hòa, khi nghe phu nhân… phàn nàn về những đứa con có cá tính rất mạnh của mình…
Diệp Hoàng Mai
Tháng 11/2011