Ngày Mai có sợi nắng vàng vướng chân
Năm 2030,
Dưới chân núi Sơn Trà, có người gọi (Sơn Chà) Đà Nẵng, có một viện dưỡng lão. Năm đó những người cộng sản biến mất. Vâng! biến mất, giống như họ chưa từng có mặt trên thế gian nầy.
Ông Trần là một trong vô số người ở hải ngoại về hưu dưỡng tại đó. Nơi đây ngày xửa ngày xưa có một căn cứ hải quân của VNCH, sau ngày đổi đời trở thành căn cứ hải quân của chế độ mới và bây giờ trở thành viện dưỡng lão tên là “Tương Lai”. Viện dưỡng lão Tương Lai thật lớn nhiều phòng ốc khang trang, trong khuôn viên người ta trồng nhiều vườn hoa rất nên thơ.
Trong chiều hướng làm hứng khởi cuộc sống, về mùa hè, viện dưỡng lão Tương Lai mở một chương trình sinh ngữ toàn diện miễn phí cho các em nhỏ lớp tiểu học. Có nghĩa: Ngày trước ai ở nước nào, nếu có khả năng thì dạy theo tiếng nước đó. Có những lớp Đức ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Hàn ngữ, Hán ngữ hay Tây Ban Nha v.vv…
Ông Trần có dạy một lớp buổi sáng tiếng Anh, và ông tự nhiên để ý một bà cũng tóc trắng như ông dạy lớp chiều bằng một ngôn ngữ lạ hoắc, mà sau nầy ông mới biết là… Đức ngữ. Người bà thon thả dáng nghiêm trang nhưng khuôn mặt thiệt là… dễ nhìn.
Trong khuôn viên dưỡng lão có nhiều dãy phòng và nhiều khu san sát nhau rộng lớn. Mỗi khu có những phòng ở hai người nếu còn vợ chồng và một phòng cho người độc thân vợ chết lâu như ông Trần.Vì để ý, cố ý, nên ông biết bà tóc trắng tuy ở khu khác nhưng cũng một phòng như ông.
Ông Trần tươi cười đứng nhìn đám học trò nhỏ phía dưới đang vui như tết nói:
“Nào các cháu, cho ông biết khi người Mỹ nhận được sự giúp đỡ của một người khác thì người ta nói gì nào?!”
Những khuôn mắt trẻ đồng thanh la lên:
“Thank you!”
“Thank you… là gì tiếng Việt nhỉ?!”
“Cám ơn!”
Những cái miệng nhỏ nói lớn thật dễ thương. Ông Trần cười nói:
“Vâng các cháu giỏi quá! Các cháu phải biết Thank you, cám ơn, khi mình nhận được sự giúp đỡ của người khác, người Việt phải biết thank you, cám ơn và… nào nếu ta làm gì sai quấy thì người Mỹ nói…?”
“Sorry!” bọn trẻ la lên.
“Sorry, là gì của tiếng Việt?”
“Xin lỗi!”
“Wow! Các cháu giỏi quá! Vâng, đã là người Việt thì chúng ta phải biết sorry, xin lỗi, khi phạm những điều sai trái”.
Ông Trần coi đồng hồ đã hết giờ, ông nói:
“Thôi ông hết giờ rồi, hẹn các cháu tuần tới nhá. Các cháu học giỏi quá! Đi theo ông mua… cà rem đãi các cháu nha!”
Cả bọn con nít lao nhao vui tươi bu theo ông già đi ra, thì vừa lúc ấy bà tóc trắng dẫn một đám học trò khác đi vào. Bà nhìn ông tóc trắng bằng một ánh mắt… hơi khó chịu, vì ngày nào lão ta cũng để những câu nho nhỏ trên bàn của bà. Như hôm qua lão viết.
“Con bướm làm duyên,
Con bướm bay ngang.
Ngày mai có sợi nắng vàng vướng chân.”
Bực quá bà chận ông ngay cửa hỏi:
“ Nầy!... ông anh… bộ ông anh là nhà thơ hả? hết dạy thì về… sao viết lung tung để trên bàn thế!”
Ông Trần cười tỉnh queo nói:
“Tui đâu có nhà thơ nhà thẩn nào… thích thì viết thôi… ai không thích thì… thôi!... xin lỗi!”
Bà tóc trắng hậm hực kéo lũ trẻ đi vào nói vừa đủ cho ông Trần nghe:
“Thời buổi giờ mà thơ… như thời… đồ cổ!”
Ông Trần hí hửng dẫn tụi nhỏ đi ăn kem, lòng rộn rã. Hai vợ chồng ông gặp nhau tại Mỹ. Tình yêu mở ra cho hai tâm hồn nghèo tị nạn.Vui buồn có nhau chia xẻ. Ba muơi năm sau bà lìa xa ông đi vào cõi vĩnh hằng, một nơi cất đi vĩnh viễn sự khổ đau. Thấy ông hiu quạnh xứ người dù ở lâu năm, đám con bèn tìm cho ông một nơi trở về, nơi đó cũng chính là nơi ông ra đi.
Sau khi từ giã lũ nhỏ, ông Trần lửng thửng đi dưới những hàng cây nghiêng bóng chiều. Ông biết bà tóc trắng tên Phượng ngày xưa tị nạn bên Đức quốc. Mùa hè, những tia nắng len qua hàng phượng vĩ hoa đỏ rực rỡ bên đường vướng vào chân ông. Cả tuổi thơ ông mê phượng. Ông nghe hồn xôn xao dù không biết làm thơ, nhưng ông vẫn thấy thơ cả buổi chiều.
Nghe tin ông Trần mất, tất cả những tuổi thơ ông dạy đều rơi nước mắt. Vâng ông đã về và ở lại với quê hương ông. Một hôm bà tóc trắng một mình ra mộ ông, bà ngồi xuống, trên tay bà tất cả những lời ông Trần viết đều còn đó, bà ôm vào ngực, và mùa hè úa tàn như nắng chiều rơi xuống trên đồng cỏ hoang trước mặt.
Võ đình Tuyết
Hatfield, PA
Năm 2011