THƯ NHÀ:
(Phúc đáp thư bạn Nguyễn Hữu Hạnh CHS-NQ @ USA)
THẦY TÔI
Bạn thân mến ,
Từ quê nhà Việt Nam, ở Miền Trung giữa mùa mưa bão lạnh lùng, tôi rất vui và cảm thấy rất ấm lòng khi nhận được email thăm hỏi của bạn gửi cho tôi từ nước Mỹ xa xôi. Kính thăm bạn cùng quý quyến an khang.
Cảm ơn bạn đã cho biết Đặc San Biên Hòa Cali 2011 có bài viết đề cập đến tôi và trường NGUYỄN DU. Tôi chưa hân hạnh được đọc bài viết ấy, nhưng xin thưa với bạn, tôi rất vinh dự đã từng là cựu học sinh trường Tiểu Học NGUYỄN DU, Biên Hòa, có truyền thống tốt đẹp lâu đời và là một trong những ngôi trường đầu tiên của quê hương chúng ta, có lịch sử gắn bó với trường Trung Học NGÔ QUYỀN.
Theo Địa chí Đồng Nai, năm 1897, có một ngôi trường đặt ở làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Trung và sau trở thành trường tiểu học tỉnh lỵ đầu tiên mang tên École primaire complémentaire de Bien Hoa
Đến năm 1954, trường được đổi tên thành Trường Nguyễn Du theo chương trình Việt hóa tên trường. Mãi đến năm 1956,Trường trung học Ngô Quyền mới được thành lập và là một trong số rất ít trường trung học của cả vùng Nam bộ lúc bấy giờ. Trường Ngô Quyền ban đầu chỉ có 4 lớp đệ thất, gồm 150 học sinh. Do chưa có cơ sở riêng nên trường Ngô Quyền đóng tại Trường tiểu học Nguyễn Du.
( Nguồn : VÕ AN NINH - Những ngôi trường đầu tiên ở Biên Hòa )
Trường tiểu học đầu tiên của tỉnh lỵ Biên Hòa có tên là
École primaire complémentaire ( 1897 ) ,
tiền thân của trường NGUYỄN DU ngày nay
Ở NGUYỄN DU, tôi học lớp NHÌ với Cô HUỲNH THANH LOAN niên khóa 1960 – 1961, và học lớp NHỨT D với Thầy HUỲNH NGỌC CHẤN niên khóa 1961 – 1962.
Cô HUỲNH THANH LOAN là người Sài Gòn, là dâu của Thầy Giáo TIẾNG - cùng với quý Thầy Phan Văn Nga, Thầy Hồ Văn Tam, là nhà sư phạm tiếng tăm ở Biên Hòa - có căn nhà xây theo kiến trúc mới rất xinh ở Đường Đắp Mới. (Tôi không biết bây giờ gọi tên con đường này là gì? Đó là con đường từ Cầu Rạch Cát, đi qua Kho Xăng chạy đến Biên Hùng). Cha ruột của Cô THANH LOAN là Giảng Viên Trường Sư Phạm Thực Hành ở Sài Gòn (lúc ấy còn chừa thêm phía dưới tên trường là École Normale de Pédagogie), tác giả của bộ sách giáo khoa tiếng Việt tiểu học “VIỆT VĂN ĐỘC BẢN”, được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép xử dụng chính thức song song với “TIỂU HỌC NGUYỆT SAN” (là tài liệu giảng dạy của giáo viên tiểu học, do Bộ QGGD xuất bản định kỳ mỗi tháng một lần).
Cô THANH LOAN tốt nghiệp thứ hạng cao từ trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn, nên được bổ nhiệm, theo yêu cầu của chính Cô, về trường NGUYỄN DU Biên Hòa, một ngôi trường với thành phần giáo viên ưu tú được tuyển lọc nghiêm khắc.
Cô tôi có dáng người thanh mãnh, tha thướt trong chiếc áo dài Việt Nam, nói giọng Sài Gòn thanh thoát nghe rất lạ và thích. Biết tôi là cậu bé từ nhà quê (Tân Ba) mỗi ngày phải vượt đoạn đường 11 cây số ra tỉnh học - gương mặt và cử chỉ của cậu chắc không giấu được vẻ hiền lành chất phác - nên Cô yêu tôi lắm. Cô cho tôi làm Trưởng lớp, coi sóc những việc cần thiết trong lớp như: lên văn phòng lấy Sổ Đầu Bài, Sổ ghi điểm, điểm danh, phân công lấy phấn, lau bảng, giữ gìn vệ sinh trật tự, chỉ bài cho bạn học kém, và nhiều việc lặt vặt khác mà Cô nhờ giúp... Tôi rất thích và vui mừng trong những lần được Cô kêu giao việc, vì trong những lần như vậy, tôi lại được đứng gần Cô, được lắng nghe cái giọng nói Sài Gòn nhỏ nhẹ dịu dàng của Cô phả vào sát tai tôi, được nghe mùi hương thơm thoang thoảng của nước hoa toát ra từ người Cô... Có một lần, Cô nhờ tôi làm một việc mà mãi đến bây giờ, đã nửa thế kỷ qua, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn ôm bụng cười lăn lóc và không sao quên được:
Hôm ấy, vào giờ ra chơi, Cô kêu riêng tôi ra, đưa cho tôi một phong thư, đã dán kín và đã ghi địa chỉ người nhận là Cha Cô ở Sài Gòn, cùng với tờ giấy bạc 20 đồng, bảo tôi ra Bưu Điện (phía sau trường Nguyễn Du) mua tem dán vào phong thư và gửi đi gíúp Cô. Giá mỗi con tem in hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm để gửi 1 bức thư đi trong nước lúc bấy giờ là 1 đồng. Tôi ra Bưu Điện, mua được 20 con tem, rồi ngồi tại bàn, hì hục dán cả 20 con tem vào phong thư! May sao, khi dán đến con tem thứ 15, thì có một người khách nhìn thấy, ghé mắt hỏi tôi: “Sao cháu dán nhiều tem vậy?” và giải thích cho tôi biết chỉ cần dán 1 con tem là đủ! Trời ạ, tôi hồn vía lên mây, cặp mắt đẫm lệ, lòng rối như tơ vò, vừa sợ Cô la, vừa không biết làm sao bây giờ? Tôi ngồi xuống bậc thềm tam cấp của Bưu Điện, mếu máo khó khăn gỡ từng con tem đã dán ra khỏi bì thư. Gió từ Sông Đồng Nai phía Tòa Hành Chánh tỉnh cạnh đấy, như vô tình trêu chọc tôi, cứ thổi bay từng con tem tôi gỡ... Khi cái phong thư chỉ còn lại 1 con tem, thì dẫu không rách nát, nhưng nó không còn phẳng phiu sạch sẽ như trước nữa! Tôi trở về lớp, rụt rè đưa lại cho Cô tờ giấy có 19 con tem, trong đó có 14 con tem nhăn nhó... Bận dạy học, Cô chẳng để ý hỏi tôi điều gì... Khoảng một tuần sau, chắc là khi ấy Cha Cô đã nhận được thư rồi và hỏi Cô vì sao phong thư nhăn nhó như vậy, nên Cô mới kêu tôi để hỏi. Tôi thiệt tình kể lại đầu đuôi câu chuyện. Chắc là Cô tức cười lắm, nhưng Cô chỉ mỉm cười xoa đầu tôi, hiền từ bảo: “Không sao, thư đã đến tay người nhận rồi!”
(Cô ơi! Ở nơi nào đó bây giờ, đọc được những dòng này, Cô có còn cười con không? - NNX )
Cuối năm lớp Nhì, khi những cây phượng trong sân trường NGUYỄN DU nở đỏ thắm, và mặc dầu trên tay trĩu nặng phần thưởng của một học sinh được xếp hạng Nhất, nhưng trong lòng tôi, một cậu học trò nhỏ nhà quê, cũng nặng trĩu và bỗng dưng muốn khóc khi đến chào từ biệt Cô giáo THANH LOAN vô vàn kính yêu của tôi, để rồi trong mùa Hè, Cô về Sài Gòn phồn hoa đầy ánh sáng, còn tôi về với đồng ruộng làng quê xa vắng, lúc ấy hãy còn chưa có một ánh đèn điện...
Thầy và Cô TIẾNG (cha mẹ chồng của Cô THANH LOAN) đều là những Vị Thầy khả kính, đức hạnh, dạy giỏi, có công lớn trong sự nghiệp giáo dục nói chung của Biên Hòa thời ấy và nói riêng là đối với trường NGÔ QUYỀN trong buổi đầu sơ khai, chắc là bạn cũng có biết? Cô TIẾNG phụ trách giảng dạy trường NỮ CÔNG GIA CHÁNH, rất nổi tiếng, lúc trường NGÔ QUYỀN mới thành lập, nhà trường còn nằm ở phía đối diện với Nhà Thương PHẠM HỮU CHÍ (hồi ấy thường gọi là “Nhà Thương Thí” vì chữa trị cho bệnh nhân không lấy tiền, ngày nay là Bệnh Viện tỉnh Đồng Nai).
Thầy HUỲNH NGỌC CHẤN có gia đình và nhà riêng ở Đường Đắp Mới Biên Hòa, nhưng quê Thầy ở Tân Ba.
Thầy CHẤN là một trong những giáo viên dạy lớp NHỨT rất giỏi của trường tiểu học NGUYỄN DU, dưới thời Hiệu Trưởng là Thầy NGUYỄN QUANG TRÌNH. Tỷ lệ học sinh lớp NHỨT của Thầy CHẤN đậu vô trường NGÔ QUYỀN (là trường trung học công lập duy nhất của tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ) rất cao. Dáng người Thầy CHẤN cao gầy, đi dứng nhanh nhẹn,Thầy thường chải tóc tém ngược lên phía trên (giống như nghệ sỹ ÚT TRÀ ÔN), hồi ấy chưa có các loại gel hoặc spray như bây giờ nên chắc là Thầy có xài brillantine (?!). Thầy rất mực thương yêu hết thảy học trò của Thầy trong lớp, không phân biệt là học sinh giỏi hay kém, hoặc xuất thân gia đình là con cái nhà ai... Tiếng giảng bài của Thầy, giọng nói của Thầy rất rõ ràng, ngọt ngào, dễ nghe. Thầy rất hiền lành, nhưng cũng rất nghiêm, tận tụy siêng năng, chăm chút theo dõi việc học tập của từng người học trò một, không bỏ sót một ai... Thầy rất tình cảm, có lần tôi nhìn thấy Thầy khóc, vì một bạn trong lớp vi phạm kỷ luật và bị điểm kém... Vì là lớp cuối cấp tiểu học, học sinh lại sắp phải qua một kỳ thi tuyển gay go mới được trúng tuyển vô Ngô Quyền, nên Thầy soạn giáo án rất kỹ lưỡng, dạy dỗ chúng tôi rất nghiêm ngặt, kỷ luật, sâu sát từng ly từng tý... Như bạn cũng biết, thời ấy số học sinh tiểu học cả tỉnh Biên Hòa dự thi tuyển vô Ngô Quyền rất đông, nhưng sỉ số được chọn vào Ngô Quyền rất ít, vì Ngô Quyền chỉ mới có vài lớp Đệ Thất... Thầy rất chân tình chăm lo cho tất cả chúng tôi, khiến cho chúng tôi ai nấy đều kính quý Thầy, cảm thấy thân yêu Thầy như người Cha trong gia đình, mọi người không ai bảo ai đều ra sức học tập chuyên cần để Thầy vừa lòng.
Riêng đối với tôi, vì Thầy vừa là đồng hương, vừa là đồng nghiệp với Ba tôi (Ba tôi cũng là giáo viên thuộc Ty Tiểu Học Biên Hòa – Văn phòng Ty đặt ngay phía sau trường NGUYỄN DU), nên tôi lại càng cố gắng học tập nhiều lắm. Và chẳng bõ công, cuối năm học ấy, tôi được lãnh phần thưởng Danh Dự của Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM, do chính Ông HOÀNG MẠNH THƯỜNG, Tỉnh Trưởng tỉnh Biên Hòa lúc ấy, trao tặng. Dạo ấy, phần thưởng to và nhiều lắm, phải chở về nhà bằng xe cyclo, đa phần là Tự Điển loại lớn nhất (như La Rousse, hoặc từ điển của các tác giả NGUYỄN VĂN KHÔN, LÊ BÁ KÔNG, ĐÀO DUY ANH, ĐÀO VĂN TẬP, ĐÀO ĐĂNG VỸ...), sách văn học lịch sử của Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm... và các tác giả nổi tiếng khác, cùng rất nhiều dụng cụ học tập...
Mùa Hè năm lớp NHỨT, vừa tan trường xong, Thầy CHẤN mở lớp luyện thi vào Đệ Thất Ngô Quyền, lớp mở ngay tại nhà Thầy ở Đường Đắp Mới. Tôi từ Tân Ba (cách xa Biên Hòa 11 km), đi xe đạp, qua sông bằng chuyến đò ngang ở Bến Đò Trạm, cũng đến nhà Thầy học luyện thi với các bạn, không bỏ sót buổi nào... Cours luyện thi Đệ Thất của Thầy CHẤN rất đặc sắc, được tuyển lọc từ nhiều đề thi tuyển các năm trước vào các trường lycée nổi tiếng ở Sài Gòn như: Pétrus KÝ, Chu văn An, Marie Curie, Trưng Vương, Gia Long, các trường La-san như Taberd, Chasseloup Laubat… Lại được Thầy tận tình giảng dạy, phân tích cặn kẽ khúc chiết từng đề bài một, nên xong lớp luyện thi của Thầy rồi, chỉ còn vài ngày nữa đi thi, chúng tôi rất vững tin sẽ giành được một chỗ ngồi trong lớp Đệ Thất của trường trung học NQ danh giá nhất tỉnh lỵ...
Ngày đi thi, từ gia đình ở Tân Ba, cha con tôi thức dậy rất sớm (Hôm ấy Ba tôi xin nghỉ dạy một ngày để đưa tôi đi thi). Ngày thường đi học, Má tôi làm điểm tâm ở nhà cho tất cả anh em tôi. Sáng hôm ấy, riêng tôi đuợc Ba tôi dẫn ra Chợ Đồng Ván, vào tiệm cà phê của Chú Chệt, cho tôi ăn bánh bao xíu mại, uống cà fê sữa nóng, là những món ăn Tàu mà tôi rất thích, nhưng với đồng lương ít ỏi của một giáo viên tiểu học có 9 người con, Cha tôi chỉ có thể thỉnh thoảng “chiêu đãi” anh em tôi vào những dịp đặc biệt. Vào quán, tôi thích nhìn những chú người Hoa (mà người dân ở quê tôi thường gọi là “Ba Tàu” hay là “Cắc Chú” – tiếng nói trại của từ “Khách Trú”- ), không uống cà phê bằng ly mà đổ cả ly cà phê nóng ra đĩa rồi mới húp rột rột bằng đĩa... Cà phê nóng lúc sáng sớm ở chợ quê trong quán Chú Chệt có một mùi thơm rất lạ...
Thường ngày đi học, từ Tân Ba xuống trường NGUYỄN DU, tôi đi theo xe lam 3 bánh chở bạn hàng đem rau quả cá tôm từ trong sông ruộng quê nhà ra chợ tỉnh bán, hoặc đi bằng xe đạp qua ngã Bến Đò Trạm, nhưng hôm ấy Ba tôi canh giờ, đón chuyến xe đò sớm nhất, chạy tuyến Thủ Dầu Một–Biên Hòa, chạy ngang chợ Tân Ba, đậu trước nhà tôi. Hồi đó, có 2 hãng xe đò: xe đò “LIÊN HIỆP” (màu xanh - trắng) chạy Biên Hòa – Sài Gòn, và hãng xe đò “ĐỒNG HIỆP”(màu vàng - đỏ), chạy tuyến Thủ Dầu Một – Biên Hòa. Cả 2 hãng xe đò này đều có vé giảm giá cho học sinh. Người lớn 1 đồng/vé, trẻ em và học sinh là 5 cắc/vé.
Xong buổi thi trưa, Ba tôi đón tôi tận cổng trường thi, dắt tôi đi ăn cơm bình dân ở “Quán Cơm Xã Hội”, đối diện với Tiệm chụp hình PHẠM LUNG. Cơm trưa xong, Ba tôi cầm tay tôi dắt đi vòng vòng trong Chợ Biên Hòa, tranh thủ chỉ cho tôi những nơi có quen biết với Ba tôi và là đồng hương ở Tân Ba, như: Chú Ba PHẠM LUNG (Ba của anh Phạm Sơn Danh), Bác Út chủ tiệm hớt tóc trong chợ (Ba của Thầy giáo Nguyễn Tấn Nghiệm – đã mất ).v.v... Xem ra, Ba tôi trân trọng những người này lắm, và dặn dò tôi luôn luôn phải biết tôn kính những người ấy...
Thi xong rồi, trong tuổi thơ hồn nhiên, tôi vô tư về gia đình hưởng mùa Hè vui thú ở quê nhà, hầu như không hề mảy may nhớ đến những lo toan bận bịu về việc học, về kỳ thi đầy khó nhọc vừa qua.
Cho đến một hôm, trong lúc tôi đang nô giỡn với các em tôi sau vườn nhà ở Tân ba, thì Ba tôi đi Biên Hòa về, báo tin mừng: Tôi đã đậu Thủ Khoa kỳ thi tuyển học sinh vào Đệ Thất Ngô Quyền!
Đúng như niềm tin tưởng của Thầy trò tôi, mùa Hè năm ấy là một mùa Hè đáng ghi nhớ trong đời học sinh của tôi. Cha tôi, Thầy tôi và tôi đã sung sướng ôm chặt lấy nhau trong vòng tay thân ái, vỡ òa trong những giọt nước mắt vui mừng hạnh phúc.
Bạn thân mến,
Tục ngữ Pháp có câu: “Cái tôi là cái xấu nhất”.
Thư này viết cho bạn, chính là để trả lời câu hỏi của bạn về trường tiểu học NGUYỄN DU - mái trường chung của bao lớp anh tài quê hương Xứ Bưởi -, vô tình tôi lại nói nhiều điều rất riêng tư về tôi trong thời gian còn là người học trò bé nhỏ ở ngôi trường thân yêu ấy ...
Thế nhưng, bạn có biết không, mỗi khi nhắc đến tên trường NGUYỄN DU và NGÔ QUYỀN - cái nôi đầu đời đi học của tôi - tôi lại không cầm được niềm xúc động, và như lạc vào một trời quê hương đầy kỷ niệm thân thương, gợi cho tôi biết bao cảm hứng dâng trào... Vậy nên, nếu có phải chịu xấu một tý, tôi cũng mạn phép xin bạn đừng cho tôi là hợm mình, để cho tôi được dông dài kể lại cho bạn nghe một ít sự thật về thời đi học của tôi ở Biên Hòa, những sự thật mà tôi đã dè dặt gìn giữ trong lòng từ lâu lắm trên vạn nẻo đường đời, như một vốn quý để sống làm người... Tôi luôn luôn nhớ và biết rằng có nhiều thế hệ đàn anh đàn chị, các bạn học khác của tôi là cựu học sinh NGUYỄN DU, học rất giỏi và đã trở thành nhân tài xuất chúng của đất nước Việt Nam và thế giới. Dù có đi khắp bốn phương trời, mãi mãi hình ảnh Thầy Cô, bè bạn dưới mái trường NGÔ QUYỀN và NGUYỄN DU luôn ở trong trái tim tôi.
Vậy thì dẫu có đi đâu về đâu, dẫu trăm năm nữa, chúng ta luôn luôn vẫn có thể tự hào và vinh dự là con cháu của đại thi hào NGUYỄN DU và là hậu duệ của vua NGÔ QUYỀN, phải không bạn?
Cuối thư, xin một lần nữa cảm ơn bạn đã thăm hỏi, đã cho tôi cơ hội bày tỏ chơn tình của một tấm lòng thành thật, chân quê, về những ngôi trường, những người Thầy muôn thuở của tôi trên quê hương sông PHỐ.
Chúc bạn an vui, thành công và phát đạt trong cuộc sống nơi quê người.
Xin tạm biệt và hẹn thư sau.
Thân ái,
NGUYỄN NGỌC XUÂN
Đà Năng Việt Nam – Tháng 10 / 2010
Ghi thêm: Với tất cả sự dè dặt, qua một thời gian rất lâu xa cách quê hương Biên Hòa, kính xin Quý Thày Cô, quý vị tiền bối, quý Anh Chị thuộc lớp thế hệ huynh trưởng và các bạn đồng học của tôi, vui lòng thứ lỗi và sửa chữa những khiếm khuyết nếu có, trong bài viết trên đây. - NNX