Ngọt Ngào Hương Trái Thị
Khi mới đậu vào trường Ngô Quyền, tôi đã chọn sinh
ngữ chính là Pháp văn, vì không muốn lên lớp cao hơn mình sẽ... đụng đầu chị
Hai. Bạn biết tại sao không? Vì tôi sợ khi bị kêu lên khảo bài mà mình "dốt"
quá thì... dị lắm! (ngày xưa, chị Hai học Đại Học Sư phạm rồi về dạy Anh văn ở
trường NQ). Coi vậy chứ cũng đâu có yên, chị ấy cứ nhắn quý Thầy Cô khác để ý
em út, thành ra hồi đó, hầu như ngày nào "thằng em" cũng bị nắm chóp
lên bảng.
Ngoài chuyện đi học, tôi ít được chơi các bộ môn khác, và tôi chỉ tham gia sinh
hoạt Hướng đạo năm học lớp 12, sau khi gia đình chị Hai dọn đi. Khi đọc lá thư
tôi viết về chuyện ở trong Ký túc xá, chắc bạn nghĩ là tôi "lẩm cẩm"
rồi, lâu lâu cứ nhớ và kể hết chuyện nọ xọ qua chuyện kia! Tôi thấy hình như
người... lớn tuổi nào cũng vậy, giống như Má của tôi, lâu lâu Má nhớ những chuyện
hồi "nẫm" nào đâu rồi kể cho tôi nghe. Mình cũng rán nghe vậy chứ đâu
có biết bà Tư hay bà Bảy là ai! Trong Hướng đạo gồm có 4 ngành: Ấu (từ 6 đến 9
tuổi), Thiếu (10-14), Kha (15-17) và Tráng từ 18 tuổi trở lên. Bây giờ, tôi kể
chuyện Kha, đoàn của tôi cắm trại trên chùa Hội Sơn Tự cho bạn nghe chơi.
Năm 1972, anh Trần Bá Khanh, một huynh trưởng trong Liên đoàn Hướng đạo đã liên
hệ với quí Sư Thầy (và Cô), cho Kha đoàn của tôi lên cắm trại trên chùa Hội Sơn
Tự khoảng một tuần, với mục đích cạo rửa và quét vôi những ngôi tháp ở đây.
Ngôi chùa này thuộc địa phận Thủ Đức và rất dễ tìm. Nếu đi từ Biên Hòa, mình sẽ
ra tới Ngã Ba Tân Vạn rồi quẹo phải đi về hướng Sài Gòn. Sau 4,5 cây số thì qụẹo
trái vô một con đường đất khá rộng, đi vòng vèo thêm hơn 1 cây số thì tới chùa.
Chùa được cất trên một ngọn đồi khá đẹp, xung quanh có những ngôi tháp với nhiều bóng cây râm mát, phong cảnh hữu tình.
Trên đường lên chùa, người ta trồng nhiều khóm tre. Người trong chùa đã cất vài
nhà vệ sinh ở đây, vì mấy khóm tre này cách chùa khá xa (khoảng 3,4 trăm thước).
Bên hông chùa có một cây thị trái thơm ngào ngạt, ngày đầu tiên tới đây tôi đã
“khoái" cây này. Trước cửa chùa, phía bên trái có một con đường dốc trải sạn
đỏ, với nhiều nấc thang dẫn xuống bờ sông. Đến gần bờ sông, phía bên trái có một
cái miếu và ngôi tháp nhỏ, hình như ở đây có trồng vài cây bông sứ. Trước kia, mấy anh em Hướng đạo đã đến đây cắm trại nhiều lần. Đối với tôi, khung cảnh ở bờ sông là kỷ niệm
nhớ đời của mình vì đó là nơi mà tôi đã làm lễ Tuyên hứa.
Khi lên chùa, tụi tôi đem theo gạo rồi
đưa cho cô Ba nấu, còn đồ ăn thì mình ăn "ké" trong chùa. Cô Ba là một
sư nữ đã lớn tuổi (khoảng gần 60), rất hoạt bát. Bạn biết không, ở đây mình chỉ
ăn rau đậu thôi như: măng, đậu đủa, rau muống xào hay luộc... mà sao thấy ngon
lạ lùng, có lẽ nhờ sau khi làm việc mệt nhọc (cô Ba từng nói, máu của mấy người
ăn chay có màu lợt hơn của người ăn mặn, tôi không biết có đúng hay không?).
Thêm một điểm nữa là ai cũng hăng hái, chắc một phần vì làm việc cho chùa, một
phần với không khí vui vẻ. Chứ ở nhà thì chưa chắc, có khi còn lười... chảy
thây, giống như câu "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng".
Lúc đó, em nào cũng gọi tôi là Trung tá "H" hết (vì tôi đã đóng vai với
cấp bực này trong một vở kịch), rồi đứa này ghẹo đứa kia, đứa kia chọc đứa nọ.
Chỉ có tôi là phải làm mặt nghiêm, vì mình hơi lớn hơn các em một chút. Trong
thời gian ở đây, tụi tôi khoái nhứt là buổi tối leo lên bộ ván nghe cô Ba kể
chuyện ma. Có một đêm, cô kể về chuyện một cô gái trẻ chết trôi và tấp vào bụi
tre ở dưới bờ sông. Theo cô nói, có lẽ cô này đi học (vì mặc áo dài), đã theo bạn
bè đi chơi trên ghe rồi bị chết chìm. Người ta đã vớt cô lên và chôn trong đất
của chùa. Cô Ba lại kể đến chuyện ban đêm cô đi cầu, vừa ngồi xuống thì có bàn
tay lạnh ngắt rờ lên ót của cô. Tuy sợ nhưng cô phải làm gan niệm Phật rồi đi lẹ
lẹ về chùa. Khi cô kể đến đây, đứa nào cũng lết lại gần cô Ba, mặt thì day ra
ngoài trong khi vẫn "dỏng" lỗ tai lên để nghe!
Qua ngày hôm sau, mấy em mới thách thức nhau, buổi chiều khi đi tắm một em sẽ để
lại một cái quần gần bờ sông. Tối hôm đó, nếu có em nào dám xuống dưới lấy, mấy
đứa kia phải đãi một chầu khi về Biên Hòa. Tôi không có can dự gì trong vụ
thách thức, nhưng tôi nghĩ khó có em nào dám làm chuyện này, vì nhiều lý do: thứ
nhứt đứa nào cũng nghe cô Ba kể câu chuyện ma, thứ hai là con đường dốc từ chùa
xuống bờ sông khá xa (gần 300 thước) thêm ban đêm trời tối thui, phải đi chầm
chậm chứ không thể chạy vì sợ vấp té trên các bậc thang. Vậy mà rốt cuộc có người
dám đi, đó là em Tiêu Phi Long (trong mấy anh em hay nói chơi và gọi em là
"con rồng bay mất tiêu").
Khoảng gần 9 giờ tối, Long đã đi xuống bờ sông để lấy cái quần. Ở trên này mấy
em đóng cửa và nhảy hết lên ván ngồi chờ. Đợi khoảng gần 15 phút, cả đám không
nghe thấy gì hết. Sau đó lại có tiếng rên nho nhỏ ở trước cửa, lúc đó có mấy
anh chàng "dzọt" vô chính giữa ngồi. Tụi tôi ở trong này đang thắc mắc
không biết ai ở bên ngoài, thì có vài em đề nghị Trung tá "H" ra mở cửa.
Tuy không gan gì hơn mấy "trự" còn lại, nhưng mình là anh lớn mà,
"rót" quá coi sao được, nên tôi mới bước lại cánh cửa. Khi tôi cất giọng
hỏi thì tiếng rên ngoài cửa càng lớn hơn. Tôi suy nghĩ một chút rồi hỏi
"Có phải Long hôn?" và mở cửa ra.
Bạn biết không, nhờ tiếng rên lớn hơn tôi mới nhận ra đó là giọng của em Long.
Dưới ánh đèn, Long đã lấy cái quần trùm lên đầu và đứng trước mặt tôi cười hì
hì. Khi anh em hỏi, Long mới kể là em đã xuống bờ sông lấy cái quần khá lâu,
khi trở lên chùa em mới nghĩ tới chuyện nhát ma, nhứt là để chọc "Trung
úy" Hai chơi (hồi đó mấy em gọi Hai, một em Kha sinh là Trung úy). Sau khi
sơn phết các ngôi tháp và tường chùa, tụi tôi đã bùi ngùi chào cô Ba để ra về.
Sau kỳ cắm trại này, tôi có đi thăm cô 1,2 lần nữa.
Năm 2002, vợ chồng tôi có dẫn các con lên thăm anh chị bà con ở Thủ Đức. Họ đã
chở gia đình tôi lên viếng chùa, tôi rất cảm động khi nhìn lại cảnh xưa. Nhưng
bây giờ chùa không còn đẹp như trước đây nữa. Người ta đã cất thêm và tạo ra những
cảnh rất là kỳ dị, như nhà thờ của Quan Công... Dưới bờ sông thì họ che ra làm
nhà nghỉ mát, với những chiếc xuồng cho khách du lịch mướn để đi qua bờ bên
kia, hay đi chơi dọc theo dòng sông. Tôi rất buồn khi thấy cảnh chùa không còn
trang nghiêm, u nhã như ngày xưa!
Tôi hỏi thăm và người ta cho biết, cô Ba mất đã lâu và được chôn cất trong sân
chùa. Họ dẫn tôi đến mộ của cô, tôi đã xin vài cây nhang để thắp cho cô và khấn
vái: "Cô Ba ơi, con không nghĩ có một ngày con được về và đứng ở đây. Con
vẫn còn nhớ mấy trái thị cô đã tặng cho con. Con xin cầu nguyện cho linh hồn của
cô được yên vui ở cõi vĩnh hằng". (Lúc cắm trại ở trên chùa, vì biết tôi
thích, cô Ba hay để dành cho tôi vài trái thị. Tôi không có ăn, chỉ để trong
túi cho thơm thôi. Tôi thích trái này vì nhớ sự tích "trái thị rớt bị bà
già" trong truyện Tấm Cám).
Trương Đức Hoàng