NỖI BUỒN CƯ XÁ
Mến tặng Tuấn, một người bạn ở cùng dãy phố Nhất.
Thương tặng các em Khánh, Tiến, Tâm, Thơ.
Thương tặng Hương, người vợ hiền của tôi, đã khuyến khích tôi viết truyện này.
Vancouver, ngày….tháng…..năm…….
Tiến em,
Tối nay anh lại ngủ mê về Việt Nam thấy má, dì Tám cùng các em thuở chúng ta còn ở căn nhà số 6 trong cư xá của cái bệnh viện nổi danh nhất nước: DƯỠNG TRÍ VIỆN BÁC SĨ NGUYỄN VĂN HOÀI, mà người đời thường gọi là NHÀ THƯƠNG ĐIÊN BIÊN HOÀ. Đây cũng là nơi chôn rau cắt rún của anh em mình. Giật mình thức dậy, liếc nhìn cái đồng hồ dạ quang để bên bàn, đã hơn 12 giờ khuya. Anh nằm trăn trở một hồi, biết không ngủ lại được, anh nhẹ nhàng bước ra phòng khách lấy giấy viết thư cho em.
Chắc em còn nhớ con suối nhỏ chảy qua bệnh viện. Dòng nước trong xanh uốn khúc qua chiếc cầu gỗ. Hai bên bờ suối hàng dừa soi bóng và những bãi cỏ xanh rờn. Mỗi khi đi học về, buớc lên chiếc cầu gỗ, nhìn xuống nước cá lội nhởn nhơ. Anh cùng mấy thằng bạn, đứa thì quăng những mẩu bánh vụn, đứa thì chổng mông phun nước miếng xuống. Từng đàn cá lòng tong, cá trắng đua nhau rỉa rói tranh mồi. Trong vùng nước nhỏ bé đó có biết bao loài thủy tộc sinh sống. Từ những chú tép bạc nhỏ xíu, đến những chú cua đồng xám xịt, và trong đám đất bùn kia lại có vô số những con nòng nọc, thòi lòi sinh sống.
Bên cạnh những loài cá thông thuờng như trê, lóc, rô, sặc buớm, mè…bã trầu, còn có những loài hiếm như cá đỏ mang mà mỗi con lớn hơn bàn tay; cá bông, chạch lấu dài hơn nửa thước. Nhưng làm đám nhỏ say mê hơn cả vẫn là những chú lia thia với màu sắc rực rỡ; những chú cá bạc đầu nhỏ bé nhưng rất tinh ranh, lúc ẩn lúc hiện rất khó bắt.
Giữa các dãy phố sừng sững những cây điệp tây già, thân sù sì và to hai ba người ôm không hết. Tàn lá tỏa xum xuê là nơi làm tổ cho các đàn chim sáo, cưởng, se sẻ từ các nơi kéo về. Đến mùa hè, bầu trời còn được tô điểm bởi những chùm bông phuợng đỏ rực ở cạnh khu vực trường học.
Những buổi chiều hay những ngày nghỉ học, các sân phố nhất, phố nhì, phố ba, phố tư vang lên những tiếng reo hò, la hét của những cầu thủ tí hon. Chúng chạy nhảy đùa giỡn, lăn lộn trên những bãi cát trắng mịn được nhóm người bịnh tỉnh làm “cỏ vê” quét dọn mỗi ngày.
Chúng ta cũng không quên được cái vườn bông của ông Hai Lợi. Thôi thì đủ loại “kỳ hoa, dị thảo”. Đây cũng là thế giới của loài buớm. Hàng trăm con buớm màu sắc rực rỡ, bay chập chờn trên những luống hoa. Có những cô cậu bé trốn cha mẹ, bỏ giấc ngủ trưa, chạy ra đây rình bắt bướm đem ép vào tập vở.
Quây quần trong khoảng không gian thơ mộng đó là gần một trăm gia đình công chức bệnh viện. Cuộc sống của họ rất êm đềm và bình dị, chỉ hơi ồn vào những ngày cuối tháng. Đó là những kỳ lãnh lương, hốt hụi.
Lúc đó rất ít nguời có tư tuởng ra sống ở nuớc ngoài. Cả nuớc chỉ có vài ký giả đuợc may mắn đi theo các đoàn thể thao ra nuớc ngoài biểu diễn rồi về viết lại những bút ký tường thuật những thành phố đã đi qua, cũng làm say mê người đọc lắm rồi.
Thế mà sau mấy mươi năm chiến tranh, hòa bình trở lại. Hòa bình mang ý nghĩa đoàn tụ, mà ở đây lại là phân ly. Nhìn trong cư xá lấy dãy phố nhất làm tiêu biểu. Từ căn số một đến căn số mười, hầu hết nhà nào cũng có con cháu, họ hàng ra sống ở nước ngoài.
Con suối trong xanh ngày nào, bây giờ nước đục ngầu. Rác rến nổi lều bều. Không một loài thủy tộc nào còn sống sót. Cái đập nước xinh xắn mà mỗi cuối tuần được ngăn lại, dòng suối nhỏ biến thành hồ tắm thiên nhiên lôi cuốn hằng trăm du khách xưa kia, nay trở thành hoang phế. Những bệ xi măng bị bể nát, nằm chổng chơ. Các sân bãi ngày trước sạch sẽ, bây giờ toàn là lau lách, sình lầy. Các dãy phố trước kia đuợc giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ, nay đã xuống cấp rất nhiều. Nhà thì cái thụt vào cái nhô ra, tường thì loang lổ. Đã vậy, người ta còn xây bức tường cao ngăn cách giữa bệnh viện và khu cư xá. Nếu bức tường Bá Linh đuợc dựng lên để ngăn chia hai chủ nghĩa, thì ở đây bức tường này đã ngăn cách hẳn đời sống của khu bệnh viện và cư xá. Còn đâu cảnh những đứa bé cầm lồng đèn nôn nóng chờ đoàn múa lân từ khu bệnh viện đi qua. Còn đâu cảnh những cô cậu bé quần áo lòe loẹt, môi son má phấn, lũ lượt kéo qua khán đài bên khu vực trị liệu để biểu diễn trong những dịp văn nghệ mừng xuân cho gia đình nhân viên và bệnh nhân.
Giờ đây trong căn phòng lạnh lẽo của xứ Bắc Mỹ này, huớng về mảnh đất nhỏ bé hình chữ S bên kia địa cầu, anh thấy lòng bâng khuâng khi nhớ tới hình bóng thân quen trong cư xá. Anh nhớ tới cái bụng chang bang của thằng Tám Cụt (đã thế nó thường hay mặc quần xà lỏn, ở trần). Cái tên đã phản ảnh cuộc đời ngắn ngủi của nó. Mới muời tám tuổi nó đã từ giã bạn bè, từ giã sân bóng, đi quân dịch, và hy sinh trong trận Bình Giả.
Anh cũng không quên đuợc thằng Sáu Thầy Lục, một yên hùng trong cư xá. Không biết nó “đá cá lăn dưa” ở đâu, nhưng đối với anh, nó đối xử rất thân tình. Còn nhớ một lần anh bị bệnh không đi học được. Buổi chiều, sau giờ tan học, nó chạy qua đưa anh hộp sữa đặc hiệu con chim và nói: “Má tao biểu đem qua cho mày uống mau hết bệnh.” Anh cũng không quên hình dáng lom khom của anh Thu (sau này là cầu thủ xuất sắc của đội Quân Cụ), cùng với nụ cười hiền lành của anh Chúc bán “cà lem”. Hai anh là những nhà mạnh thường quân của đội bóng con nít trong cư xá. Hàng tháng vào ngày chủ nhật sau kỳ lãnh luơng, hai anh tập trung đám cầu thủ con nít chia làm hai đội. Anh Thu làm trọng tài, anh Chúc làm khán giả danh dự. Sau trận đấu, bên thắng cũng như bên thua đều được thưởng “cà lem". Dĩ nhiên đội nào thắng được gấp đôi. Và anh cũng nhớ mãi nụ cười hóm hỉnh, đôi mắt hấp háy của nhà văn Nguiễn Ngu Í. Sau giấc ngủ “trị liệu” hai ba ngày, ông vui vẻ từ trại Quan Sát băng qua nhà mình để mượn tờ tạp chí Văn, Bách Khoa mới phát hành.
Thư đã khá dài, anh dừng bút nơi đây, thân chúc các em, các cháu luôn vui khỏe.
Anh Hai,
Võ Tất Thắng