Người bạn Ngô Quyền.
Trong cuộc đời, có những điều chúng ta muốn
quên nhưng vẫn đến hầu như đến gần hơn và thường xuyên trong quảng
đời còn lại đó là sự ra đi thiếu vắng của một người thân quen, một người bạn với
biết bao kỹ niệm. Dù biết rằng "Sinh ký Tử quy" nhưng sự ra đi của
bạn cũng đã mang đến trong tôi một vài suy nghĩ, những kỹ niệm một thời dù xa
vắng bạn một thời gian khá lâu. Để ngày hôm nay ngồi ôn lại trong sự bùi
ngùi khi đón nhận tin buồn bạn bè từ Việt Nam: Phạm văn Xuân không còn nữa...
Là một trong những học sinh xuất sắc của trường Ngô Quyền, Phạm văn Xuân cùng các bạn của lớp B2 như Hồ Chí Tường, Đỗ Thái Hùng đã là niềm tự hào của các cựu học sinh khóa 7. Sau khi ra trường Ngô Quyền, Hồ Chí Tường du học nước ngoài, Đỗ Thái Hùng vào Nông Lâm Súc, và Phạm văn Xuân vào trường kỹ thuật Phú Thọ trở thành kỹ sư Công Chánh. Những ngày đi học Phạm văn Xuân biệt danh" Chín sủn" đã từng giúp đỡ bạn bè giải được những bài toán hóc búa nhất. Kỹ niệm một thời với ba người bạn "Ngàn-Xuân-Tuyên". Tuyên rời trường vào Thủ Đức rồi ra đơn vị Tiểu Đoàn 2, Trâu Điên TQLC và bỏ bạn bè sớm nhất trong mùa hè đỏ lửa 1972. Ngàn quê ở Dĩ An, thời gian qua không biết trôi dạt ở phương nào.
Với Phạm văn Xuân bản thân tôi không thể nào quên được những ngày cùng rong xe từ trường Ngô Quyền về Công trường Sông Phố, cùng uống cà phê ở quán Tuyệt, và chui về garare xe của nhà Xuân trước sân banh Biên Hòa để ngủ qua đêm, những ly cà phê hòa trong khói thuốc trong khuôn viên Phú Thọ và Cường Để. Những ngày trình diện nhập ngủ theo lệnh "Tiếng Nói Động Viên", chúng tôi vẫn còn dịp gặp lại nhau, từ Quang Trung ra về không còn xe để về Biên Hòa, Phạm văn Xuân, Nguyễn Huy Hoàng, Đinh Công Minh và tôi đành ghé tạm qua đêm nhà người quen của Nguyễn Huy Hoàng ở đường Phan Thanh Giãn, Sài Gòn. Phạm văn Xuân trở về trường Phú Thọ hoàn tất năm áp chót, Nguyễn Huy Hoàng và Đinh Công Minh ra Nha Trang, tôi vào Thủ Đức. Phạm văn Xuân vẫn còn may mắn trong những ngày chiến tranh ác liệt, Đinh Công Minh ra đơn vị Thiết Giáp và cũng đã bỏ mình tại mặt trận miền Tây và còn nhiều người bạn nữa với số phận nghiệt ngã của một thời tuổi trẻ, với bom đạn, với chiến tranh. Giờ phút sau cùng của cuộc chiến, Phạm văn Xuân cũng như chúng tôi đã mất thêm Lâm Phước Dân tại Quang Trung. Sau 1975, Phạm văn Xuân vẫn còn may mắn hơn nhiều bạn bè khác dù rằng phải mang bộ mặt khác để tồn tại trong một thời "Giậu đổ bìm leo" và cũng đã trải qua bao thành công rồi thất bại.
Phạm văn Xuân ra đi với 62 tuổi đời, có thể nói là quá trẻ so với công ơn sinh
thành của cha mẹ, công ơn dạy dổ của Thầy Cô. Nhưng Phạm văn Xuân vẫn còn đi
sau những người bạn đáng thương đáng ghét một thời: Đỗ Thành Công, Đỗ Thái
Hùng, Trần Quốc Việt và Trương văn Út. Nếu tin rằng có cõi âm, thì sẽ gặp lại
bạn bè Ngô Quyền xưa cũ.
Vĩnh biệt "Chín sủn" Vĩnh biệt Phạm văn Xuân...
Nguyễn Hữu Hạnh
Michigan 06/09/2010