Lời Giới Thiệu:
Buổi ra mắt quyển sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” của Thầy Nguyễn Văn Lục đã được giới thiệu và phổ biến rộng rãi qua những buổi phỏng vấn, hội luận trên các đài truyền thanh (với Đinh Quang Anh Thái, Thúy Anh…), truyền hình (với Giáng Ngọc, Thanh Lan…) hai tuần trước đó và khai mạc từ 2:00 trưa, kết thúc lúc 5:00 chiều ngày Chủ nhật 1 tháng 8, 2010 tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt đã thành công tốt đẹp và tạo được nhiều tiếng vang trong giới truyền thông và văn học hải ngoại.
Trong niềm hân hoan, hãnh diện về vị Giáo Sư Triết Học của trường Trung học Ngô Quyền và cũng là một nhà văn, nhà báo đã cống hiến nhiều tác phẩm biên khảo thật giá trị về các tài liệu lịch sử, chính trị xã hội và phê bình văn học trong hơn 10 năm qua trên các tạp chí, diễn đàn, website… hải ngoại, xin được chia sẻ một số hình ảnh và cảm nghĩ về “tác giả và tác phẩm” của các môn sinh, đồng nghiệp, các nhà truyền thông, ký giả đã được đăng trên báo hoặc trên web trong tuần qua sau buổi ra mắt sách như là một món quà trân quí dành cho sự đóng góp của Thầy trong lãnh vực nghiên cứu lịch sử, xã hội, văn hóa VN trong các giai đoạn khó khăn đầy biến động của dân tộc và phần nào để lưu trữ môt số công trình khảo cứu này trên trang nhà.
BBT
GIA ĐÌNH NGÔ QUYỀN VÀ BUỔI RA MẮT TÁC PHẨM “HAI MƯƠI NĂM MIỀN NAM 1955-1975” của Thầy Nguyễn Văn Lục.
Từ vùng Quebec lạnh giá ở Canada, thầy Nguyễn Văn Lục đã đến thăm miền nắng ấm Cali và dừng chân lại đây suốt 1 tháng. Ngoài việc tham dự Họp Mặt Truyền Thống kỳ 9 của Hội AHChsNQ, Biên Hòa vào thứ Bảy ngày 3 tháng 7, 2010, Thầy đã có nhiều cuộc gặp gỡ với giới truyền thông về buổi ra mắt quyển sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955 -1975” do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương giới thiệu và phát hành vào ngày Chủ nhật 1 tháng 8, 2010 tại phòng sinh hoạt báo Người Việt.
Đây là quyển sách thứ hai của Thầy sau quyển “Lịch Sử Vẫn Còn Đó” đã được phát hành năm 2008.
Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu ChsNQ và Hội Đồng Hương Biên Hòa đã tích cực ủng hộ Thầy bằng cách đưa những thông tin cập nhật nhất lên web hoặc email ngay để mọi người có thể theo dõi và nhắc nhở nhau đến dự. Dù cũng rất lo lắng vì Đại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH kỳ 4” đang diễn ra cùng lúc ở gần đó đã thu hút hàng chục ngàn người tham dự, nhưng ban tổ chức vẫn tỏ vẻ lạc quan và tin tưởng vì giá trị của những bài viết và kết quả các buổi phỏng vấn trước đó.
Quả thật, buổi ra mắt sách được đánh giá thành công về mọi mặt, vượt trên cả dự đoán của tác giả cũng như ban tổ chức. Buổi sáng, Thầy Nguyễn văn Lục vẫn còn gọi nhắc nhở cựu học sinh Ngô Quyền và đồng hương Biên Hòa đến tham dự, ủng hộ nhưng khi bắt đầu khai mạc thì số người tham dự đã lên tới 100. Gia đình Ngô Quyền gồm có Thầy Phan Thanh Hoài, Thầy Nguyễn văn Phố, Thầy Hoàng Phùng Võ, Thầy Trương Hữu Chí, Thầy Nguyễn Xuân Kính, Thầy Cô Kiều Vĩnh Phúc, Thầy Cô Hà Tường Cát, phu quân cô Hồng Oanh, về phía cựu học sinh Ngô Quyền có Thân Ngọc Mai, Mai Trọng Ngãi, Tô Anh Tuấn, Ma Ngọc Huệ, Nguyễn Thị Tất Ứng, Cao Thị Chung, Võ Thị Ngọc Dung, Chu Diệu Thi, Nguyễn Hữu Hạnh, Lữ Công Tâm, và các thân hữu bạn từ VN Châu Đào Nga (NQ 65-68), Nguyễn thị Thêm (NQ 65-68), Trần Bội Ngọc (Long Thành 65-68), Nguyễn văn Phát (Long Thành 60-64), bên đồng hương Biên Hòa có Huỳnh Kiệt, anh Tiến BĐQ và 2 thân hữu, chị Huệ (Xây Dựng)…
Chương trình dự trù bắt đầu đúng 1 giờ 30 nhưng mãi đến 2 giờ mới khai mạc. Nhà văn Trần Phong Vũ, người điều hợp chương trình, mời quý bậc trưởng thượng ngồi trên những hàng ghế đầu cho thêm phần trang trọng. Người đến càng lúc càng đông, ban tổ chức phải thêm ghế ngay cả hai bên lối đi. Đặc biệt, những thân hào nhân sĩ, những khuôn mặt quen thuộc, tăm tiếng trong cộng đồng đều có mặt như Dân Biểu Trần Thái Văn, Nghị viên Tạ Đức Trí, dân biểu Nguyễn Lý Tưởng, ông Dương Minh Kính (cựu dân biểu của VNCH và cũng là cựu hiệu trưởng trường Chu Văn An), Cựu Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, Giáo sư Nguyễn Thanh Trang (cựu phó khoa trưởng Kinh Thương Minh Đức), Giáo sư Lưu Trung Khảo, Giáo sư Phạm Cao Dương. Ngoài ra, còn một số ký giả, học giả, các nhà tranh đấu, các nhà văn, nhà báo như ký giả Hồng Dương, nhà văn Phan Nhật Nam, Đặng Phú Phong, Đoàn Thanh Liêm. Nguyễn Tấn Lạc, Phạm Phú Minh, Uyên Thao, Huỳnh Văn Lang, Phạm Cao Dương, Nguyễn Chí Thiện, Trần Đức Thanh Phong, Nguyễn Phúc Bửu Tập, Mai Thanh Truyết, Đoàn Thanh Liêm, Đỗ Như Điện, Phan Kỳ Nhơn, Nguyễn Bá Tùng, Đỗ Thị Thuấn, Nguyễn Ninh Thuận.
Sau lời chào mừng và chúc buổi ra mắt sách thành công của ông chủ bút báo Người Việt, Phạm Phú Thiện Giao là phần phát biểu của nhà văn Uyên Thao.
Nhà Văn Uyên Thao, đại diện tủ sách Tiếng Quê Hương, người đã edit và viết lời giới thiệu quyển sách của Thầy Nguyễn Văn Lục, vừa mới qua cơn strock nhẹ, nhưng vẫn cố gắng bay từ Washington DC đến CA để dự và kể một vài kinh nghiệm đau thương của ông trong những ngày sống dưới chế độ Cộng Sản.
Tiếp theo là phần “thẩm định giá trị tác phẩm” của Giáo sư Lưu Trung Khảo. Ông chúc mừng tác giả vì dù Đại Hội TPB đang diễn ra ở gần bên, nhưng hội trường vẫn đông đảo và đầy đủ các thành phần nhân sĩ, trí thức điều này không dễ gì có được. Ông tuần tự phân tích khá dài về ưu, khuyết điễm của tác phẩm.
Ưu: Hình thức trang nhã, đẹp. NVL viết rất nhiều, rất khỏe… trên các web, các báo in, kiến thức rộng, là GS Triết nên các bài viết thiên về tư duy Triết học. Phân tích có tính công bằng, khách quan trong các bài nhận định văn học.
Khuyết: Đây là những bài tiểu luận được gom lại nhưng nội dung chưa đầy đủ như tựa bài đưa ra, như phần hoạt động sinh viên chưa được nói đến. Nhiều thiếu sót lịch sử chưa ghi chép đủ. Thiếu ý thức đấu tranh trong hàng ngủ trí thức. Nhưng nhìn chung là một tác phẩm có giá trị.
Dân biểu Trần Thái Văn sau đó đã lên chúc mừng GS Nguyễn Văn Lục và tủ sách Tiếng Quê Hương đã có thêm một tác phẩm rất giá trị đáng cho hậu duệ học hỏi thêm về lịch sử VN. Ông cũng mời nhà văn Uyên Thao lên nhận Bằng Tưởng Lục về những đóng góp của tủ sách Tiếng Quê Hương tại hải ngoại.
Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện là người sinh trưởng ở miền Bắc, và thời gian bị cầm tù nhiều hơn ở ngoài đời nên không biết gì về miền Nam và cho rằng dân miền Nam “Sướng mà không chịu sướng”. Khi còn trẻ, thế hệ của ông thường mơ tới miền Nam như một thiên đường đã mất, hoặc chỉ mơ ước sao cho thời gian có thể quay lùi lại thời Pháp thuộc, mơ để có “Bao giờ cho đến… ngày xưa”. Ông cho rằng tác giả NVL không phải là người trong cuộc nên bài viết có tính khách quan hơn là chính những người trong cuộc viết. Điển hình là hiện tượng viết hồi ký hiện nay, các tác giả thường viết để biện hộ cho mình và đổ tội cho kẻ khác.
Tác giả Nguyễn Văn Lục ngỏ lời chào mừng, cám ơn sự quan tâm, đóng góp ý kiến và sự tham dự đông đảo của rất nhiều thành phần nhân sĩ, trí thức trong buổi ra mắt sách. Thầy đã bày tỏ một cách chân thành lòng tri ân với những người đã bỏ công sức để giúp Thầy hoàn thành tác phẩm này, như nhà văn Uyên Thao đã edit và viết bài giới thiệu. Thứ đến là ông Huỳnh Văn Lang đã cho cơ hội gặp gỡ để có thể hỏi han nhiều điều rất quan trọng và cần thiết cho các bài viết sau này. Đặc biệt, Thầy cũng bày tỏ sự cảm động về sự hiện diện khá đông của các đồng nghiệp, môn sinh của trường Ngô Quyền Biên Hòa.
Ông Huỳnh Văn Lang (Cựu Giám Đốc Viện Hối Đoái Quốc Gia nền Đệ Nhất Cộng Hòa), đồng quan điểm với tác giả NVL đã viết là văn học miền Nam có tính tự do, chân thật, đầy tình người.
Anh Nguyễn Hữu Hạnh, một chsNQ được coi là người trẻ nhất đã lên chia sẻ với cử tọa bằng giọng nói hùng hồn, chững chạc và phần phát biểu ngắn gọn rất chân tình. Anh lấy làm vinh dự được góp tiếng nói của mình, trong buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật giới thiệu một tác phẩm chọn lọc, đã gây được tiếng vang qua các cơ quan truyền thông và báo chí tại Nam Cali từ mấy tuần nay. Là một chứng nhân trên quê hương Biên Hòa với những vùng đất Tam Hiệp, Hố Nai và một thời gian đi công tác Chiến Tranh Chính Trị tại Cái Sắn, Rạch Giá, anh đã nhìn thấy được sinh hoạt an cư lạc nghiệp của người miền Bắc di cư vượt trội hơn cả dân miền Nam, phần lớn do công lao của nền Đệ Nhất Cộng Hòa như tác giả đã trình bày trong tác phẩm. Anh cũng nói lên cảm nghỉ của người học trò về tác phẩm của một người Thầy bằng cái tâm của mình. “Một tác phẩm luôn luôn có người khen, kẻ chê nhưng quan trọng người viết diễn tả sự trung thực. Thầy Nguyễn Văn Lục là một giáo sư dạy Triết đã từng truyền đạt cho chúng tôi qua các môn Tâm Lý và Đạo Đức học tại Trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa trước năm 1975 và ngày hôm nay là một môn sinh của thầy, tôi tin rằng tác phẩm “Hai Mươi Năm Miền Nam” của ông được viết bằng ngòi bút trung thực với cả tấm lòng và lương tâm của một nhà giáo. Ông đã hoàn thành tác phẩm nầy với ước nguyện cày xới và gìn giữ lại miền Nam, không phải chỉ cho riêng ông, mà là cho cả chúng ta ở đây và cho thế hệ mai sau…”
Anh Hạnh đã đón nhân được tràng pháo tay khen thưởng nồng nhiệt của quan khách và càng nồng nhiệt hơn với phần ca vọng cổ bài “Tâm sự Văn Nhân”.
Sau đó là phần phát biểu của các ông Phạm Phú Minh, Đoàn Thanh Liêm, Thầy Kiều Vĩnh Phúc, Giáo sư Phạm Cao Dương và Cựu Hiệu Trưởng Chu Văn An, Dương Minh Kính.
Buổi ra mắt sách chấm dứt lúc 5 giờ, thầy trò Ngô Quyền lưu luyến chụp hình kỷ niệm và hỏi han, cơ hồ không muốn chia tay.
Chị Ma thị Ngọc Huệ: ”Nay mai Thầy Lục về Canada chắc lâu lắm mới có dịp gặp lại Thầy”.
Thầy Lục “Sao cô nói vậy, tôi còn nhiều dịp qua Cali, cũng như tôi không bỏ Ngô Quyền đâu”.
Võ Thị Ngọc Dung giơ một ngón tay, tỏ lời khen tặng đàn anh của mình “anh Hạnh số một hôm nay nha”.
Mai Trọng Ngãi “anh Hạnh có được thiên phú sự xuất thần linh động thu hút đám đông”.
Ma thị Ngọc Huệ “Anh Hạnh vô cùng xuất sắc đã làm rạng danh học sinh Ngô Quyền”.
Chị Chu Diệu Thi “chị rất mến phục Hạnh từ chuyến đi San Jose 2007. Và hôm nay trong ngày ra mắt sách phải nói là thán phục”.
Riêng Thầy Nguyễn văn Lục, chiếc phi cơ đã mang Thầy trở về Canada, nhưng chắc sẽ còn vấn vương hình ảnh của những ngày nắng ấm Cali và những thâm tình, gắn bó của Ngô Quyền như lời Thầy đã nhắn nhủ trong thư:
“Xin cám ơn anh Hạnh và tất cả các anh chị Ngô Quyền đã hết lòng giúp tôi trong thời gian một tháng vừa qua với những sự ủng hộ tinh thần lẫn vật chất. Điều đó làm tôi cảm động và không thể không có đôi lời gửi đến các anh chị. Rất tiếc bữa chót, tôi bận không tới dự tiệc được. Nay, tôi phải ngồi soạn ngày đêm để ra cuốn sách kế tiếp theo sự thỏa thuận với nhà xuất bản. Còn biết bao nhiêu điều phải nói, phải viết... mà đầu óc như muốn nổ bung ra về các vấn đề, cứ xếp hàng trong đầu để cho được xuất hiện.
Hôm về, trời mưa to tại Montreal, máy bay biểu diễn một cuộc khiêu vũ trên không cũng ngoạn mục trước khi hạ cánh... Danse dans l'air. Hạ cánh rồi thì có nhiều tiếng vỗ tay cho màn biểu diễn "vũ điệu của loài công" của phi hành đoàn...
Xin anh cho tôi gữi lời thăm đến tất cả các anh chị và hẹn ngày tái ngộ không xa. Cám ơn lời phát biểu chân thành của anh Hạnh, xuất sắc vẫn là bài ca Vọng Cổ.”
Ngọc Dung và Hữu Hạnh
Những hình ảnh ghi nhận trong buổi ra mắt sách "Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975" (Chủ nhật 1 tháng 8, 2010).
‘Hai Mươi Năm Miền Nam, 1955-1975’ được tán thưởng Sunday, August 01, 2010 |
|
|
|
|
|
Hà Tường Cát/Người Việt WESTMINSTER - Trong một chiều Chủ Nhật có nhiều sinh hoạt, đặc biệt nhất là đại nhạc hội trợ giúp thương phế binh VNCH thu hút rất đông đảo đồng hương, buổi ra mắt cuốn tiểu luận mang tựa đề “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” diễn ra tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt của tác giả Nguyễn Văn Lục vẫn được sự chờ đón của khoảng 100 cử tọa, vốn có nhiều quan tâm khắc khoải về quá khứ lịch sử. Nhà văn Uyên Thao cho rằng Nguyễn Văn Lục không là sử gia, học giả, chính khách hay nhà văn, và tác phẩm của ông không mang bất kỳ tính chất nào liên quan đến các chức danh đó. Đến định cư ở Hoa Kỳ khá muộn màng, năm 1999, ông đã thành lập câu lạc bộ sách Tiếng Quê Hương, cố gắng tập hợp được một số người viết và xuất bản những tác phẩm cũ cũng như mới của họ để phổ biến đến quần chúng. Từ Virginia tới Little Saigon tham dự buổi ra mắt sách, nhà văn Uyên Thao giải thích ý nguyện của mình là “giới thiệu những tiếng chưa nói lên được cùng các điều nên biết trong một giai đoạn tế nhị của lịch sử dân tộc,” và tác phẩm “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” nằm trong nội dung ấy. Giáo Sư Lưu Trung Khảo giới thiệu cuốn sách 520 trang gồm 3 phần chính trình bày tư tưởng, tinh thần và hình thức của các sinh hoạt ở miền Nam trong lãnh vực chính trị, văn học và báo chí. Theo ông, là một giáo sư trung học bộ môn triết, tác phẩm của ông Lục gồm nhiều tiểu luận gom góp lại, với phán đoán mang tư duy triết học, có giá trị căn bản rất công bằng và khách quan. Giáo Sư Khảo có đề cập đến một nhận xét của tác giả về thực tế thiếu tư tưởng đấu tranh nhất quán của giới người được coi là trí thức miền Nam, trước cũng như sau biến cố 1975. Nhưng rất tiếc là dù bằng lời giới thiệu khá dài, có lúc lại đi lạc vấn đề, nên Giáo Sư Lưu Trung Khảo đã không phân tích được đầy đủ nội dung bao gồm những đề mục quá rộng rãi về một thời đại lịch sử để giúp hướng dẫn cho cử tọa nhận thức rõ tầm ý nghĩa của tác phẩm. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện chia sẻ những ý kiến với tác giả Nguyễn Văn Lục và đồng ý về nhận định rằng trí thức miền Nam đã không trực tiếp sống với Cộng Sản nên hãy còn nhiều người hiểu mơ hồ về chế độ mà theo ông thật ra không hề có văn hóa hay văn học nghệ thuật. Ông Huỳnh Văn Lang, một cựu viên chức cao cấp Việt Nam Cộng Hòa từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm tán thành những nhận xét về văn hóa miền Nam mà theo ông căn bản là “chân thật, tự do và có tình người.” Dân Biểu Trần Thái Văn tin rằng công trình sưu tập của ông Nguyễn Văn Lục để hình thành tác phẩm này giúp ông và những người thế hệ ông hiểu thêm được về một giai đoạn mà cá nhân ông chưa được biết nhiều. Tác giả Nguyễn Văn Lục trong lời phát biểu ngắn gọn ca ngợi lý tưởng của nhà văn Uyên Thao và những sự trợ giúp để hoàn thành tác phẩm “Hai Mươi Năm Miền Nam”. Ông cũng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự quan tâm của một thành phần cử tọa đa dạng trong buổi ra mắt sách. Hiện diện trong buổi này có các giới chức dân cử hiện tại như Dân Biểu Trần Thái Văn, Nghị Viên Tạ Đức Trí, cũng như ở chế độ cũ như Thượng Nghị Sĩ Lê Châu Lộc, Dân Biểu Dương Minh Kính. Ngoài ra còn rất đông đảo giới trí thức, các nhà tranh đấu, nhà văn và nhà báo trong cộng đồng. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, học trò cũ của tác giả tại trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa, cho là ông Nguyễn Văn Lục có lối tình bày rất khách quan và trung thực đúng với tinh thần của một nhà giáo. Nhà văn và nhà báo Phạm Phú Minh nhắc lại một vài kỷ niệm cũ khi cùng học tại trường Đại Học Sư Phạm Đà Lạt và nhận định rằng ông Nguyễn Văn Lục là người viết rất nhiều và luôn luôn giữ tinh thần phân tích triết học. Ông cũng nêu lên ý kiến của một người bạn không hiện diện hôm nay nhưng chuyền qua e-mail, cho rằng “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” là một cuốn sách hay nhất về tính cách tài liệu lịch sử, nghiên cứu chính trị xã hội và phê bình văn học. Đồng ý kiến ấy, Giáo Sư Phạm Cao Dương nói rằng cuốn sách có thể không mang tính cách sử liệu nhưng có giá trị góp phần hướng dẫn đề tài cần nghiên cứu cho những nhà viết sử. Phần nào chia sẻ ý kiến ấy, ông Kiều Vĩnh Phúc, cựu ký giả làm việc cho đài BBC và đồng nghiệp với tác giả ở trường trung học Ngô Quyền, thân mật phê bình tác giả về ưu cũng như khuyết điểm trong cách làm việc, đó là ông Nguyễn Văn Lục viết được rất nhanh và rất nhiều nhưng do đó thiếu thời gian duyệt xét kiểm điểm lại. Tuy nhiên ông Phúc xác định rằng “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” là một tác phẩm có giá trị cao và mong mỏi sẽ đón nhận thêm những cuốn khác của ông Nguyễn Văn Lục trong tương lai gần. Nhà văn Trần Phong Vũ điều hành cuộc thảo luận trao đổi, một buổi ra mắt sách hiếm thấy kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ mà vẫn còn nhiều cử tọa lưu lại cho đến lúc kết thúc. BẠN ĐỌC VIẾT (2 tháng 8, 2010)Monday, August 2, 2010Phạm Thăng Long Tôi viết để cám ơn anh Phạm Phú Minh, chủ bút tờ báo mạng “Diễn Đàn Thế Kỷ”, đã cho tôi dịp viết vài nhận xét ngắn về quyển sách biên khảo rất công phu mới ra của tác giả Nguyễn Văn Lục với tựa đề: “Hai Mươi Năm Miền Nam, 1955-1975” (HMNMN). Trong lúc tình cờ “tâm sự” về quyển sách qua email, ý anh Minh là sẽ trích vài nhận xét ngắn gọn của tôi cho bài nói chuyện của anh trong buổi lễ ra mắt sách anh N.V. Lục vào trưa chủ nhật 1/8 ở Tòa soạn báo Người Việt tại Quận Cam, California. Tôi vốn đã đọc rất kỹ quyển sách đó, do được một chị bạn tặng dù mới quen ở Tòa soạn báo N.V. lúc tôi ghé đó xem trận bán kết bóng tròn giữa Đức và Tây Ban Nha vào tuần đầu tháng 7. Và đã đọc ngấu nghiến sách đó trong vài ngày sau, say mê đến nỗi đọc lại cả 2 lần những chương mình thích như “Trí thức miền Nam nhập cuộc”, “Mạn đàm về chế độ đệ nhất cộng hòa” hay “Hai mươi năm, người và việc”. Thú thật là trong những quyển đã được đọc về đề tài Việt Nam, tôi chưa thấy có quyển nào viết trung thực và cẩn trọng như sách HMNMN, khách quan và tôn trọng tính hàn lâm của một sử liệu có tra cứu và dẫn chứng các sự kiện, ngoài ra còn phần lý luận rất chắc chắn và cách viết hấp dẫn thôi thúc phần suy nghĩ phán đoán riêng cho người đọc. Như anh Minh đề nghị tóm tắt ý nghĩ về quyển sách vào 2-3 điều thôi, tôi đã xin nói như sau: 1. Đây là quyển sách hay nhất về miền Nam VN, cả về (i) tính cách tài liệu lịch sử, (ii) nghiên cứu chính trị xã hội hay (iii) phê bình văn học, mà tôi đã được đọc trong gần 100 cuốn sách tôi đã có dịp đọc về Việt Nam trong 40 năm qua, cả bằng ngoại ngữ lẫn tiếng Việt. 2. Từ lâu với nhiều kỷ niệm cá nhân êm đẹp của thời mới lớn ở Sài Gòn, tôi ấp ủ cho mình ý nghĩ sẽ viết một quyển bút ký nhỏ đã có tựa đề chọn sẵn từ nhiều năm “Sài gòn Như Một Tình Nhân”. Nhưng sau khi đọc xong sách NV Lục thì đã bỏ ngay dự định đó vì sách viết tuyệt quá. Tác giả đã nói lên giúp nhiều điều rồi! Và mến mộ tác giả chưa gặp đó và đoán ông chắc chỉ hơn mình vài tuổi, vì ông đã nói hộ hết tâm tư của thế hệ mình ngày đó. Và cho mình tìm lại niềm tự hào của một thuở là thanh thiếu niên miền Nam VN ngày đó, đã ôm ấp bao lý tưởng mộng mị phục vụ, và rút cục bây giờ chợt thấy chỉ còn bàn tay trắng khi nghĩ về quốc gia đất nước. Đọc xong quyển sách, tưởng như được rũ sạch nỗi ấm ức cái syndrome từ lâu về một Miền Nam cũ trong giấc mộng. Thật sự từ trên 40 năm nay sau khi du học ở Mỹ lúc tuổi 18 rồi ra trường, sống và đi làm khắp thế giới vẫn chưa tỉnh ra khỏi nó, chưa giải tỏa được cái ấm ức của một "giấc mơ không trọn vẹn", của một thanh niên miền Nam đầy nhiệt huyết tự tin mà suốt đời vẫn không có minh chủ, không có chỗ dung thân để phục vụ lý tưởng tuổi thanh niên, về sống lại ở Sài Gòn chỉ mang nỗi u hoài tìm lại khoảng thời gian đã mất ("à la recherche du temps perdu"), tìm về không gian cũ đã mất, tìm về cái lý tưởng không còn nữa. Nhìn lại chỉ thấy hàng ngày một mảnh đất tương đối phồn thịnh hơn về vật chất nhưng lại thiếu “phần hồn của ngày xưa”, chứng kiến một thế hệ kém xa thế hệ mình ngày trước về khả năng và lý tưởng dù họ hơn mình về vật chất do có tiền đầu tư nước ngoài đổ vào và sự vùng lên kiếm sống của khối đông thầm lặng luôn nhẫn nại chăm chỉ. 3. Suy rộng thêm, ý kiến chủ quan là sách này nói lên được tiếng nói và mang niềm tự hào có lẽ đã phai nhạt dần cho cả cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là thế hệ 50-70 tuồi bây giờ đã lớn lên hay trưởng thành trong những năm 1960 và 1970 dưới cả 2 thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng hòa, để có chút gì nói lại với con cháu hay các bạn ngoại quốc như sau: "Chúng tôi từ miền Nam Việt Nam ra đi với di sản tinh thần của một thời có tự do dân chủ tương đối như khung cảnh đa số các nước Á châu, và mang theo giấc mơ của "một thời đã lỡ (the lost opportunity)" mất dịp xây dựng lên một miền Nam phồn thịnh về kinh tế và độc lập về chính trị như Đại Hàn ngày nay. Những điều kiện ban đầu về tài nguyên vật chất hay con người kể cả khung cảnh chính trị, chúng tôi đều có như so sánh với Đại Hàn thời cựu Tổng Thống Lý Thừa Vãn (khoảng 1958-62), nhưng chúng tôi chỉ thiếu một lãnh đạo anh minh tiếp nối như Park Chung Hee đã là người lãnh đạo cho nước bạn trở thành một con hổ châu Á như ngày nay và vẫn giữ được độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ dù chỉ là 1/2 quốc gia Hàn Quốc." Từ xa, với tính cách một người đọc, tôi thành thật cám ơn tác giả đàn anh Nguyễn Văn Lục (mà tôi chưa hề quen biết hay nghe nói đến—dù mới biết thêm hôm qua do email của anh Minh là tác giả là em ruột GS Nguyễn Văn Trung khá nổi tiếng ở Văn khoa những ngày đó lúc tôi còn học bên APM ở Sài Gòn) đã cho tôi sống lại những tự hào của một thời thiếu niên là con dân Miền Nam đó với lý tưởng mộng mị muốn phục vụ một Việt Nam hùng mạnh tương lai, rồi ra đi du học mong trau dồi kiến thức với tâm huyết hừng hực của một thanh niên 20-25, và sau này lúc ra đời làm việc trong nhiều năm tháng vẫn với trái tim tuổi 30 dù mái tóc đã điểm sương, đọc xong sách lại bừng lên sức sống vì nó gợi lại giấc mơ xưa: "BIẾT ĐÂU CÓ MỘT NGÀY." |
Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975 với trí thức miền Nam Nguyễn Văn Lục
Cập nhật lúc 8:21:41 PM - 03/08/2010
Quốc Hương/Viễn Đông
WESTMINSTER - “‘Đôi khi lịch sử cũng ban thưởng cho kẻ cứng đầu, và một hòn đá đặt đúng chỗ có thể chuyển hướng cả một dòng sông’ - E. Mounier. Trí thức miền Nam trong giai đoạn khá đặc biệt đất nước chia đôi 1955-1975, họ là những ai, họ đã làm những gì? Liệu trí thức miền Nam có kiếm ra được một hòn đá có thể chuyển hóa cả một dòng sông?” – đó là những câu hỏi đặt ra trong tác phẩm mới của tác giả Nguyễn Văn Lục.
“Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” tác phẩm về miền Nam Việt Nam, trong đó nhất là có đề cập đến trí thức miền Nam của tác giả Nguyễn Văn Lục, một trí thức miền Nam sau này đến từ Gia Nã Đại, do tủ sách Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao ở Virginia ấn hành được in tại Đài Loan, với bìa sau có hình bức tượng Tiếc Thương về người lính Việt Nam Cộng Hòa, vừa có buổi sinh hoạt giới thiệu tác phẩm tại Little Saigon miền Nam Cali, ở hội trường báo Người Việt từ 1 giờ 30 phút đến 5 giờ chiều ngày 1-8-2010.
Buổi sinh hoạt dưới sự điều hợp chương trình của nhà văn Trần Phong Vũ khai mạc, với nghi thức chào quốc kỳ Mỹ-Việt và phút tưởng niệm những người đã chết cho lý tưởng Tự Do, có lời chào mừng chúc thành công của chủ bút Phạm Phú Thiện Giao, đại diện báo Người Việt, và sự hiện diện của quý dân cử Việt Mỹ, như dân biểu Cali địa hạt 68 Trần Thái Văn, trao bằng tưởng lệ về những đóng góp của tủ sách Tiếng Quê Hương cho văn học hải ngoại, nghị viên Westminster Tạ Đức Trí… cùng thành phần cử tọa nhiều tên tuổi, trong đó đặc biệt có quý cựu dân cử của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa và cùng là đồng nghiệp nhà giáo với tác giả Nguyễn Văn Lục (cựu giáo sư triết Ngô Quyền, Biên Hòa), như cựu dân biểu Dương Minh Kính (cựu hiệu trưởng Chu Văn An, Sài Gòn), cựu thượng nghị sĩ Lê Châu Lộc (cựu hiệu trưởng Trịnh Hoài Đức Bình Dương).
Về nội dung buổi sinh hoạt, có vài cảm tưởng của nhà văn Uyên Thao đại diện tủ sách Tiếng Quê Hương, mà “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” là tác phẩm thứ 52, do tủ sách Tiếng Quê Hương ấn hành và nhà văn Uyên Thao cũng là người viết “lời giới thiệu”, tác phẩm nhan đề “Một Lần Nhìn Lại”: “Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách, nên không thể quy cho tác phẩm của ông bất kỳ tính chất nào liên quan đến các danh xưng đó. Tác phẩm của ông có thể gọi là ký sự, là sưu tập, là nhận định, là tạp luận…, nhưng quan trọng hơn hết không phải tên gọi, mà chính là tác động gợi nhắc từ những con người, những sự kiện đã ghi dấu một thời oan nghiệt của nhiều thế hệ con dân Việt Nam, trong đó có Nguyễn Văn Lục đã hiện diện như một chứng nhân và cũng là một nạn nhân. Những bài viết tập họp thành nội dung tác phẩm ‘Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975’, vì thế, không chỉ là tập họp những bức chân dung thời thế của một đoạn đường lịch sử, mà còn là tiếng gào bức thiết của những thân phận bị giam hãm giữa trăm ngàn đọa đày vò xé, để khơi lên mọi hướng suy tư cần thiết nơi mỗi độc giả”…
Thẩm định giá trị nội dung tác phẩm, có giáo sư Lưu Trung Khảo và nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, trong đó như tác giả Nguyễn Văn Lục nhận định về “trí thức miền Nam nhập cuộc”, tuy “trí thức miền Nam giai đoạn 1955-1960 thời kỳ đầu ổn định” và sau đó “sự thiếu vắng giới trí thức cách mạng của miền Nam”; giáo sư Lưu Trung Khảo có đề cập đến một nhận xét của tác giả, về thực tế thiếu tư tưởng đấu tranh nhất quán của giới người được coi là trí thức miền Nam, trước cũng như sau biến cố 1975; nhà thơ Nguyễn Chí Thiện không sống ở miền Nam, mà cùng thế hệ nhà thơ ở tù chính trị cộng sản ngoài Bắc, đã mơ tới miền Nam như một thiên đường đã mất, “dân miền Nam sướng mà không chịu sướng”; đồng ý rằng trí thức miền Nam đã không trực tiếp sống với cộng sản, nên hãy còn nhiều người hiểu mơ hồ về chế độ cộng sản, mà theo nhà thơ, thật ra không hề có văn hóa hay văn học nghệ thuật, trong khi may mắn còn có văn học miền Nam rực rỡ.
Tác giả Nguyễn Văn Lục ở buổi ra mắt sách “Thắp Một Ngọn Nến Cho Thái Hà” ở Diễn Đàn Giáo Dân mới đây, từng cổ động viết với tư cách nhà tranh đấu, chứ không chỉ nhà nghiên cứu. Nay trong tác phẩm “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975”, tác giả Nguyễn Văn Lục đã xếp “Sinh Hoạt Chính Trị Miền Nam” (phần I) lên đầu, sau đó mới đến “Sinh Hoạt Văn Học Miền Nam” (phần II) và “Sinh Hoạt Dịch Thuật và Báo Chí Miền Nam” (phần III).
“Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” gồm 516 trang, được chia làm ba phần: Phần I, Sinh Hoạt Chính Trị Miền Nam (Từ trang 29 đến trang 263, gồm các tiết mục: Cuộc di cư 1954-1955; Trí thức miền Nam nhập cuộc; Mạn đàm về chế độ Đệ nhất Cộng hòa; Nhớ về ông bà Ngô Đình Nhu; Nhìn lại cuộc chiến 1955-1975; Hai mươi năm, người và việc).
Phần II, Sinh Hoạt Văn Học Miền Nam (Từ trang 264 đến trang 372, gồm các tiết mục: Việt Nam có một nền văn minh sông nước? Tinh thần tự do trong văn giới miền Nam; Tự Lực Văn Đoàn trong văn học miền Nam; Bùi Giáng giữa chúng ta; Phạm Duy còn đó hay đã chết? Mặt trận văn hóa CS tại miền Nam). Phần III, Sinh Hoạt Dịch Thuật và Báo Chí Miền Nam (Từ trang 373 đến hết, gồm các tiết mục: Văn học dịch thuật miền Nam; Triết học hiện sinh tại miền Nam; Cộng sản với báo chí miền Nam; Nhìn lại một số tạp chí miền Nam).
Tác giả Nguyễn Văn Lục đã có đôi lời ngắn gọn cảm ơn cử tọa, cùng tri ân những sự trợ giúp hoàn thành tác phẩm và cũng ký sách trong suốt thời gian buổi ra mắt tác phẩm “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” năm 2010, sau tác phẩm “Lịch Sử Còn Đó” cùng tác giả ấn hành ở Nam Cali năm 2007.
Sau đó là trao đổi ý kiến giữa cử tọa và tác giả cùng các diễn giả, có các tên tuổi như Kiều Vĩnh Phúc, Phạm Phú Minh, Nguyễn Hữu Hạnh, Huỳnh Văn Lang, Phạm Cao Dương, Nguyễn Thanh Trang, Trần Đức Thanh Phong, Nguyễn Phúc Bửu Tập, Mai Thanh Truyết, Đoàn Thanh Liêm, Phan Nhật Nam, Đỗ Như Điện, Nguyễn Lý Tưởng, Đặng Phú Phong, Nguyễn Bá Tùng, Nguyễn Tấn Lạc, Đỗ Thị Thuấn, Nguyễn Ninh Thuận... trong đó có các tên tuổi đã từng ở Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa, hay đang ở Diễn Đàn Đàn Chim Việt… cùng tác giả.
Cuối cùng là lời cảm ơn của Ban tổ chức.
Liên lạc: tiengquehuong.com, dcvonline.net
Nam Cali: Giới Thiệu Sách “hai Mươi Năm Miền Nam 55-75” Việt Báo Thứ Ba, 8/3/2010, 12:00:00 AM |
Nam Cali: Giới Thiệu Sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 55-75” WESTMINSTER (VB) – Buổi giới thiệu tác phẩm “Hai Mươi năm Miền Nam 1955-1975” của tác giả Nguyễn Văn Lục đã diễn ra sôi nổi với nhiều góp ý từ các vị thức giả hôm chủ nhật 1/8/2010 tại hội trường nhật báo Người Việt. |