Voi Trầm Tĩnh - Mai Quan Vinh - HABEMUS PAPAM - CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG
HABEMUS PAPAM - CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG
Ngày 08 tháng 5 năm 2025 lúc 18 giờ 06 phút giờ địa phương, khi làn khói trắng tỏa lên từ ống khói nhà nguyện Sistine, quãng trường Thánh Peter thời khắc ấy thực sự bùng nổ. Hơn 1,4 tỷ giáo dân Công giáo đồng loạt hướng đến thành Rome qua màn ảnh truyền hình, nơi quy tụ hàng vạn người đang vẫy tay hò hét vang trời. Quốc kỳ đủ màu sắc của các quốc gia tung bay rực rỡ, nước mắt biết ơn nụ cười hạnh phúc hòa lẫn tiếng chuông nhà thờ thánh thót ngân vang… Mọi người hân hoan đón đợi tin mừng, mật nghị Hồng y đã bầu chọn thành công vị mục tử mới (*)
Trải qua hơn 24 giờ làm việc cật lực với 4 vòng bỏ phiếu, 133 vị Hồng y từ khắp quốc gia trên thế giới - sử dụng 23 ngôn ngữ khác nhau - đã bầu chọn được người kế vị thứ 267 của Thánh Peter với số phiếu gần như tuyệt đối. Một quyết định nhanh chóng không thể nào ngờ, bất chấp những khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa giữa các quốc gia: Mật nghị Hồng y năm 2025 tại Vatican đã có sự hiệp nhất rất lạ lùng… Giai điệu hạnh phúc trong trái tim hàng tỉ tín hữu toàn cầu càng dâng cao, khi Hồng y trưởng đẳng phó tế Dominique Mamberti nhẹ nhàng bước đến ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter, công bố kết quả mật nghị bằng tiếng Latinh:
- Tôi loan báo cho anh chị em một tin mừng trọng đại: CHÚNG TA ĐÃ CÓ GIÁO HOÀNG là Đức Hồng y đáng kính Robert Francis Prevost của Giáo hội Rome thánh thiện, Ngài đã chọn cho mình tông hiệu LEO XIV (**)
Ngay khi danh tính tân Giáo hoàng Leo XIV được xướng lên cả thế giới thực sự ngỡ ngàng, bởi mọi dự đoán của con người trước đó đều trở nên vô nghĩa. Trong khoảng thời gian trước và lúc bắt đầu diễn ra mật nghị, cái tên Hồng y Robert Francis Prevost hoàn toàn mờ nhạt. Không phải là nhân vật nổi trội trên các kênh truyền thông, Hồng y Robert Prevost cũng không phải là người phát ngôn sôi nổi hoặc tranh luận ồn ào tại các diễn đàn thần học.
Trong lần đầu tiên tham dự mật nghị - Ngài được vinh thăng Hồng y chính thức vào ngày 28/01/2024, chưa tròn 2 năm tính đến thời điểm Ngài tham dự mật nghị - do vậy Hồng y Robert Prevost thiếu hẳn sự hậu thuẩn trong một cuộc bầu cử quan trọng, mà trong đó có rất nhiều cử tri Hồng y không biết về nhau. Thậm chí Hồng y Timothy Dolan đến từ New York, trong thời gian mật nghị còn thắc mắc “Ngài ấy là ai?…” khi được hỏi thông tin về Hồng y Robert Prevost, cũng là một công dân nước Mỹ…
Như vậy một vị Hồng y vốn sống khiêm nhường ẩn dật, vào đúng thời điểm Hội Thánh đang cần thì Chúa đã chọn đưa người bước ra ánh sáng. Câu chuyện về Đức Giáo hoàng Leo XIV - trước là Hồng y Robert Francis Prevost - thêm lần nữa minh chứng về sự nhiệm mầu của Thiên Chúa. Không áp đặt nhưng Chúa âm thầm dẫn dắt các Hồng y phát huy ánh sáng trí tuệ đúng lúc đúng nơi, để nhanh chóng nhận ra chân dung vị mục tử đáng tin cậy nhất vào thời khắc Giáo hội cần thiết nhất. Người ngoái tôn giáo hoặc không tôn giáo có thể ngạc nhiên, gọi đó là diễn biến bất ngờ (?!…) nhưng đối với những người có đức tin thì hiểu “Đó là ý Chúa…”
“Chúa không cần một vị Vua bước lên ngôi, Chúa cần một người sẵn sàng kê vai gánh cây Thập giá…” và người chấp nhận gánh cây Thập giá ấy là tân Giáo hoàng Leo XIV sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại thành phố Chicago, tiểu bang Illinois nước Mỹ. Đây chính là vị Hồng y người Mỹ đầu tiên trong lịch sử 2000 năm Công giáo - cũng là tu sĩ đầu tiên của Dòng Augustino - được bầu vào chức vụ Giáo hoàng.
Tuy sinh trưởng tại một quốc gia văn minh giàu có, thế nhưng cuộc đời của Hồng y Robert Prevost lại gắn bó nhiều năm với đất nước Peru, một quốc gia chậm phát triển vùng Nam Mỹ. Ăn đơn sơ ở đạm bạc, nói chuyện nhẹ nhàng, nghiêm khắc với bản thân, chuyên tâm cầu nguyện… Hồng y Prevost là người có nếp sống giản dị hiền hòa, Ngài từng từ chối chức vụ cao để đến những nơi có thể giúp ích được nhiều nhất cho những người kém may mắn, ở những vùng đất xa xôi nghèo khó nhất…
Từ ban công chính Vương cung thánh đường Thánh Peter, lần đầu tiên Đức Giáo hoàng Leo XIV gửi lời chúc “Bình an ở cùng tất cà anh chị em…” đến mọi người bằng nụ cười hiền lành, nét mặt dịu dàng khiêm tốn. Cả thế giới chứng kiến một vị mục tử thấu hiểu thời đại, qua lời kêu gọi của Ngài về một nền hòa bình “phi vũ trang và giải trừ vũ trang” thúc đẩy nhân loại từ bỏ bạo lực, hướng tới hòa giải nhằm xây dựng nền hòa bình đích thực cho thế giới của chúng ta.
Ngài cũng nhắc đến trách nhiệm của mọi người trong việc bảo vệ hành tinh, tiếp nối di sản của Đức Giáo hoàng Francis về việc chăm sóc môi trường. Lời mời gọi của Giáo hoàng Leo XIV đã chạm đến trái tim của hàng triệu người, không chỉ đối với các tín hữu Công giáo mà với cả những người thuộc các tôn giáo khác hoặc không theo tôn giáo nào.
Phát biểu đầu tiên trong cương vị mới, Giáo hoàng Leo XIV xúc động nhắc đến người tiền nhiệm quá cố “Chúng ta vẫn còn nghe văng vẳng bên tai giọng nói yếu ớt nhưng đầy can trường của Giáo hoàng Francis, người đã ban phước lành cho chúng ta. Chúng ta hãy hiệp nhất, nắm tay nhau hướng về Chúa cùng nhau tiến bước…”
Tân Giáo hoàng Leo XIV được xem là phiên bản tương đồng nhất với người tiền nhiệm - kế thừa di sản tinh thần cải cách của cố Giáo hoàng Francis - đặc biệt với những mục tiêu công bằng xã hội, đối thoại liên tôn giáo và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên Giáo hoàng Leo XIV cũng có định hướng riêng, thể hiện qua bộ phẩm phục Ngài đã chọn và cầu nguyện trong Phòng nước mắt: “Lạy Chúa, xin cho con biết trân trọng cả truyền thống lẫn sự đổi mới mà Giáo hội đang cần…” định hình con đường Giáo hội sẽ bước tiếp trong thời gian tới - bảo tồn truyền thống, nhưng cũng đồng thời hòa nhập xu thế toàn cầu nhiều biến động đang thay đổi từng ngày - bằng những chương trình hành động mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn…
Hình ảnh vị tân Giáo hoàng Leo XIV lặng lẽ quỳ gối cầu nguyện bên ngôi mộ của người tiền nhiệm, cố Giáo hoàng Francis - như lời cam kết trung thành với di sản của đức tin và nhịp cầu nối tiếp triều đại các Giáo hoàng - trông thật cảm động…
Vào Chúa Nhật 18 tháng 5 năm 2025 tới đây, Thánh lễ nhậm chức của Đức Giáo hoàng Leo XIV sẽ khai mạc lúc 10 giờ sáng tại tòa Thánh Vatican. Đã có khoảng 200 phái đoàn quốc tế xác nhận đến dự Thánh lễ, ban tổ chức cũng dự đoán có hơn 250.000 tín hữu và du khách sẽ đổ về thành Rome nhân sự kiện ngoại giao và tôn giáo lớn nhất của Giáo hội Công giáo toàn cầu.
Trong khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng này, Voi Trầm Tĩnh và gia đình cựu hướng đạo sinh Biên Hòa - cùng tất cả tín hữu Công giáo khắp hành tinh này - xin được hiệp thông lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa ban phúc lành cho Đức Giáo hoàng Leo XIV giúp Ngài thêm sức mạnh, kiên định trong sứ mệnh lãnh đạo Giáo hội tuy có nhiều thách thức, nhưng cũng tràn đầy ân sủng của Ngài. A Men…”
VOI TRẦM TĨNH - MAI QUAN VINH
Tháng 05/2025
(*) Nguồn tư liệu: Vatican News Tiếng Việt;
(**) Giáo hoàng Leo XIII qua đời năm 1903, được đánh giá là vị Giáo hoàng có những cải cách xã hội kiên quyết và thực tế. Leo trong tiếng Latin có nghĩa là sư tử, một biểu tượng của sức mạnh và lòng can đảm.