GS. Thu Lê - KIÊNG KỴ & MÊ TÍN DỊ ĐOAN VÀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
Năm mới nói chuyện cũ
KIÊNG KỴ & MÊ TÍN DỊ ĐOAN và TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là một câu nói thể hiện một niềm tin sâu sắc vào sự linh thiêng và tác động của tâm linh đến cuộc sống. Trong văn hóa Việt, chúng ta tin rằng việc thờ cúng thần linh, tổ tiên ông bà thể hiện lòng biết ơn và tôn kính sẽ mang lại điều tốt lành, bình an, may mắn, và con cháu được phù hộ.
“Có kiêng có lành” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiêng kỵ, không phải là những qui tắc cứng nhắc mà là những kinh nghiệm được đúc kết của nhiều đời nhằm tránh những điều xui xẻo không may. Việc kiêng kỵ cũng nói lên sự tôn trọng tự nhiên đối với điều huyền bí có thể là không lý giải được nhưng nhắc người ta lưu ý, cẩn trọng trước khi làm một điều gì để tránh những điều xấu có thể xẩy ra.
“Kiêng, kiêng cữ, kiêng khem” có nghĩa là dè chừng, cảnh giác đối với sự việc diễn ra trong cuộc sống để giúp có một đời sống an toàn hơn. “Kỵ” hay “Cấm kỵ” làm như cao hơn, nghiêm trọng hơn Kiêng, cố ý tránh né không làm một cái gì vì nếu cứ làm thì sẽ có hậu quả tai hại.
Việc kính trọng tổ tiên ông bà, các bậc trưởng thượng trong gia đình hay ngoài xã hội được coi là trọng và phản ảnh trong cách xưng hô và kiêng kỵ. Người ta tránh không trực tiếp nói tên các vị và trong câu chuyện nếu phải dùng tới chữ hay tên đó thì phải nói “mại” đi. Chẳng hạn nhà có ông bà hay các cụ tổ tên Mai thì câu nói trở thành “…ngày mơi tôi phải đi…” hay tên Minh thì trẹo thành miêng trong văn miêng, tên Nghĩa thì trở thành Ngãi. Ngày trước các sĩ tử đi thi phải thuộc các tên vua chúa và các dinh thự, các luật lệ thi cử của Tam trường để khỏi ‘phạm húy’ như bác Tú Xương thi tám khoa không khỏi ‘phạm trường qui’! Việc không ‘kiêng húy’ hay tránh né tên các vua chúa hay họ hàng của vua có thể bị phạt tùy theo tội nặng hay nhẹ như bị đóng gông vào cổ 3 ngày hay suốt đời bị cấm thi. Làm quan viêt sớ mà phạm húy cũng bị giáng cấp. Các địa danh đôi khi phải thay đổi cho khác với tên các vua chúa và có khi cả họ hàng nhà vua. Chẳng hạn, vì kiêng tên chúa Trịnh Giang mà phải đổi địa danh Cẩm Giang thành Cẩm Giàng, và chùa Thiên Mụ phải đổi là Linh Mụ vì chữ Thiên phạm đến trời.
Những kiêng cữ, tập tục hay phong tục có thể dựa trên căn bản khoa học hay không nhưng đó là những niềm tin hay sự tin tưởng có tính cách tâm lý hay tôn giáo, thần linh.. Tuy nhiên, khi những kiêng cữ quá đáng, những tin tưởng không ở mức độ vừa phải hay đúng mức, đến độ mù quáng mê muội thì có thể gọi gọi là mê tín dị đoan, hay gọi là hủ tục dễ bị chê cười hay bị kẻ xấu lợi dụng khiến tiền mất tật mang, hoặc sẽ bị đào thải theo thời gian…Thật cũng khó mà phân biệt ranh giới giữa những tin tưởng tâm linh tôn giáo có giá trị văn hóa với những cái gọi là mê tín dị đoan. Chỉ biết khi người ta gọi đó là phong tục tập quán thì có ý hàm ý tán đương, khuyến khích sự gìn giữ và khi nói đó là mê tín dị đoan thì có vẻ chê bai và muốn từ bỏ.
Nói đến chuyện kiêng cữ thì người đàn bà thai nghén ý thức được tầm quan trọng trong lối sống, cách ăn uống hàng ngày của mình sẽ có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào. Vậy nên người phụ nữ mang thai không nên uống rượu, cà phê, không ăn mặn, luôn luôn giữ tinh thần tốt, không buồn rầu tiêu cực, không xông xáo xốc vác nặng nề, không đi dự lễ tẩm liệm hay đám tang, không chụp ảnh vì sợ bé sinh ra ..vô duyên v.v. Và để nuôi dưỡng những hình ảnh tư tưởng hành động lạc quan, người mẹ còn tập thói quen nhìn những tranh ảnh phong cảnh, em bé đẹp để hy vọng con sinh ra cũng đẹp như vậy…!
Chuyện kiêng cữ các ngày tháng hay chọn ngày lành tháng tốt để bắt đầu ‘đại sự’ có vẻ như là những tín ngưỡng dân gian dù là căn bản của chiêm tinh học . Đến bây giờ người ta vẫn dùng lịch Tam Tông Miếu có ngày tốt xấu, coi người nào có sao gì hay tuổi gì, hợp hay kỵ tuổi gì, biết có gặp hung thần hay hỷ thần khi trên đường đi hay tính chuyện làm ăn hay hôn nhân…v.v...
Tôi chẳng hiểu các nhà soạn ra lịch đã tính toán thế nào để tìm ra ngày xấu tốt, ngày cát hung ra sao, nhưng bao lâu nay đã nghe những câu như “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3” thì mình biết là con số 7 và con số 3 không được ưa chuộng lắm không biết lý do gì ngoài cách giải thích rằng số này là số lẻ loi đơn độc, không tốt bằng số chẵn.
Nghe câu “Mùng 5, 14, 23, đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn.” thì biết mấy ngày này gọi là ngày Nguyệt kỵ, là lúc mặt trăng di chuyển gần trái đất, thủy triều lên cao, có ảnh hưởng đến tâm sinh lý con người làm dễ mệt mỏi và chán nản, ít năng lực. Vì vậy không nên làm “đại sự’ như cưới hỏi, xây nhà, mở tiệm, hợp tác làm ăn, ký hợp đồng,v.v. vào những ngày này.
Chuyện cưới hỏi hay làm ăn cũng bị chi phối bởi tuổi tác. Các cụ thường hay nhắc đến “TAM HỢP” như nhóm tuổi THÂN TÝ THÌN, HỢI MÃO MÙI, DẦN NGỌ TUẤT, TỴ DẬU SỬU… cho rằng những người tuổi này khi tụ lại với nhau sẽ có những tương đồng hòa hợp, nhiều cơ hội tốt để tiến đến thành công và hạnh phúc. Nhóm Thân Tý Thìn thì có tính nết cung cách giống nhau cùng là kiên trì tranh đấu. Nhóm Hợi Mão Mùi thì ngoại giao lịch thiệp. Nhóm Dần Ngọ Tuất thì có cá tính độc lập. Nhóm Tỵ Dậu Sửu thì học thức uyên thâm!
Trái lại nhóm tuổi thuộc “TỨ HÀNH XUNG” là 4 con giáp bị coi là có mối quan hệ xung khắc trái ngược, khắc khẩu. Nghe nói đến nhiều nhất là 3 nhóm này:
DẦN THÂN TỴ HỢI, TÝ NGỌ MÃO DẬU, THÌN TUẤT SỬU MÙI
Các cụ cứ khư khư tin thế chứ chứ mình đều thấy tương hợp hay xung khắc còn dựa trên nhiều yếu tố và phương diện khác. Đâu phải cứ khắc tuổi là vạn sự sẽ trắc trở. Dù hợp hay không thì cũng phải “tu” thân, kiên nhẫn nhường nhịn thông cảm cho nhau mới đến được bờ hạnh phúc.
Khi người ta kiêng cữ quá đáng, hành động có tính cách phản khoa học, không hợp lẽ tự nhiên thì dẫn đến những cái gọi là mê tín dị đoan, chẳng hạn như chữa bệnh bằng phù phép, bằng tàn hương nước thải, tục đốt vàng mã với những nhà lầu xe hơi tượng trưng của cải vật chất của đời thường thì thiết tưởng không nên được sự hưởng ứng hay tiếp tay của đám đông hiểu biết.
Có những dị đoan làm như không hại gì cả và cũng chẳng biết giải thích được gốc gác từ đâu như tin tằng “Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì giầu”. Có người giải thích rằng mèo kêu “meo meo’nghe như ‘ngheo ngheo nghèo nghèo’ còn chó thì kêu ‘gâu gâu gầu gầu’nghe như ‘giầu giầu’! cũng như trong mâm ngũ quả chưng ngày tết phải tìm cho có ‘cầu dừa (vừa) (đu) đủ xoài (sài) và tránh bầy cam (sợ cam khổ), hay chuối (người miền nam đọc nghe như chúi) mà thay vào đó là quít (quấn quít) và sung (sung túc)...v.v...
Khởi đầu một ngày đi làm mà bị “ra ngõ gặp gái” thì cho là sui sẻo? Tại sao vậy nhỉ? Tại sao ra ngõ gặp gái thì sui xẻo mà gặp trai thì coi là may mắn? Bình thường ở xứ Mỹ này khi mà người thanh niên rời nhà đi làm, mới đi ra mà gặp cô gái (nhất là trẻ đẹp!) thì vui mừng hết lớn chứ đó mà lo sui xẻo? làm như có vấn đề ‘giai cấp’hay ‘đẳng cấp’, trọng nam khinh nữ ở đây! Thời đức Phật đi tu thành đạo đi thuyết pháp và có tăng đoàn mà không có ‘ni đoàn’ hay có cả hai cho đến mãi về sau. Ngày xưa bên Tầu hay ta thì cũng không cho đàn bà đi học hay đi thi và đã có người phải giả trai để đi thi như Mạnh Lệ Quân ở bên Tầu, và ở VN thì đã có một phụ nữ là bà Nguyễn thị Duệ phải giả trai lấy tên là Nguyễn Du đi thi và đậu tiến sĩ dưới thời nhà Mạc. Người đàn bà Việt trong những ngày có kinh nguyệt cũng không được coi là …sạch sẽ lắm và không được khuyến khích đi tới những chỗ tôn nghiêm.
Trong dịp lễ tết đầu năm, chúng ta có cả một danh sách dài về những điều nên làm và nhất là những điều phải kiêng kỵ bởi vì có kiêng thì có lành và đầu có suôi thì đuôi mới lọt:
Tại sao lại nên “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”? Gần đến cuối năm trời tối tăm, thường có nhiều ma quỉ quấy nhiễu (tối như đêm 30) nên mua vôi để rắc quanh nhà, dưới gốc cây để xua đuổi tà ma, và cũng muốn cung cấp đầy đủ cả năm cho ‘ông bình vôi’ vì người mình ăn trầu cả năm, đồng thời sơn quét nhà cửa sửa soạn đón năm mới. Cũng tránh không mua vôi đầu năm vì vôi mầu trắng có nghĩa là bạc bẽo (Phận sao phận bạc như vôi?) Mua muối đầu năm thì chắc là mang lại sự mặn mà, gần kết, gắn bó giữa gia đình làng xóm thêm sự sung túc giầu có.
Mỗi lần năm hết tết đến, sửa soạn tân xuân, đón chờ những ngày mới với bao hy vọng mới, có biết bao nhiểu điều phải nhớ để KIÊNG trong ngày tết:
Không quét nhà (sợ quét đi hết của cải), không to tiếng cãi nhau nói lời nặng nhẹ sẽ bị sẽ ảnh hưởng cả năm, bị ‘giông’ cả năm, tránh không làm bể đổ vỡ đồ đạc, không mặc mầu trắng đen tang tóc, không đi đám tang, không cho ai lửa và nước (là những thứ tối cần thiết quí giá của đời sống ?), không vay tiền hay đòi nợ (thường là thanh toán trước 30 tết), không xuất hành ngày mồng 5 (một trong ba ngày Nguyệt kỵ), không mở tủ quần áo, cần gì thì lấy ra trước ( sợ mất mát tài sản) mà còn dán tờ giấy bùa đỏ lên trên tủ, không đến nhà ai đầu năm nếu không có sắp đặt trước của gia chủ yêu cầu mình ‘xông đất’hay ‘đạp đất’ (cho rằng tinh thần, khí phách, và phúc đức của người xông đất sẽ ảnh hưởng tới họ suốt năm). Và nếu mình có xuất hành năm mới thì cũng phải chọn hướng đông tây nam bắc nào hợp với tuổi mình và chọn giờ xuất hành nếu không có được giờ hoàng đạo!
Lại nữa, ngày tết tránh không ăn các món xui xẻo như vịt và tôm (sẽ đi lùi như tôm?!), không giặt giũ và không xả đi nhiều nước (vì sợ tổn phúc lộc), không ăn dở bỏ thừa phí phạm (sợ mất mùa đói khát), không trật chân vấp ngã (sợ xui xẻo, trục trặc trong công việc), không nên biếu trong dịp tết những thứ như đồng hồ (?), dao kéo, cá mực, cà phê, hạt tiêu…và mâm ngũ quả trên bàn thờ thì không bầy cam (tránh cam khổ) mà bầy (măng) cầu, dừa, (đu) đủ, xoài (sài) hay trưng bầy quít (quấn quit) và sung (túc)…
Có một điều mọi người ít đem ra bàn cãi là có nên /phải kiêng chuyện ‘quan hệ nam nữ’ vào ngày tết không? Với quan niệm cổ truyền thì phải giữ không khí tôn nghiêm trang trọng của ngày đầu năm khói hương nghi ngút đó mà tránh. Nhiều người còn tin rằng làm chuyện đó lúc này là ‘sui’, là ‘đen’. Thực tế, người đàn bà làm phần lớn các công việc sửa soạn đón tết trong nhà ngoài ngõ, nấu nướng dọn dẹp thấy hết hơi hết sức rồi, còn người đàn ông thì ngày tết cũng bận rộn nhiều vì di chuyển, vui chơi, tiếp khách, ăn uống thịnh soạn, dùng bia rượu thoải mái, cờ bạc, nên cơ thể cũng mệt mỏi, tinh thần xáo động, cuối ngày chỉ muốn quay ra ngủ. Quan hệ nam nữ vào thời điểm này không tốt, cần tránh những việc có thể xẩy ra nhất là cho những người có bệnh nền, tim mạch hay tinh thần thể xác không khỏe.
Tựu chung, tất cả những kiêng kỵ kiêng cữ, những tập tục phong tục, mỹ hay hủ tục trong văn hóa Việt, dù có dựa trên căn bản khoa học, tâm lý, tôn giáo hay không đều chỉ biểu hiện những khát vọng, hy vọng nhũng ngày sắp tới được an lành, thịnh vượng, hạnh phúc, một năm mới bình an phát tài tấn lộc.
THU LÊ (2-2025)