Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai - CHÂN DUNG NGƯỜI ANH KẾT NGHĨA CỦA HỌC TRÒ XƯA
CHÂN DUNG NGƯỜI ANH KẾT NGHĨA
CỦA HỌC TRÒ XƯA
Ngày 28 tháng 5 năm 1948 anh Đào Đức Thiện chào đời tại thôn Tráng Liệt Bình, một làng quê ven tả ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Hải Dương miền Bắc Việt Nam. Năm 1954 anh Thiện theo bố mẹ và 2 đứa em nhỏ, cùng hàng ngàn gia đình giáo dân xứ Kẻ Sặt bỏ làng gồng gánh vào Nam. Tiếp nhận đoàn người di cư, Chính phủ VNCH đã lập nhiều láng trại dọc Quốc lộ 1, gần cánh rừng thưa Phước Cang và cách trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa chừng 6-7 cây số.
Chính tại nơi này gia đình anh Thiện được cấp một căn nhà vách đất, mái lợp ciment tại xã Hố Nai (**) thuộc làng Bình Trước, quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa làm nơi cư trú mới. Cơn biến động nước nhà phân ly hai miền Nam - Bắc năm ấy, dường như không tác động nhiều đến tâm tư đứa trẻ mới lên 6 tuổi nên ngày qua ngày, anh Thiện vẫn hồn nhiên bày các trò chơi vui cùng các bạn nhỏ trong sân trường tiểu học.
Năm 1960 anh Đào Đức Thiện trúng tuyển vào Đệ tử viện Đa - Minh (thuộc giáo phận Bà Rịa - Vũng Tàu) nơi đây anh phải “đúp” hai năm đệ Thất, do anh đi học sớm hơn độ tuổi. Trong cái rủi cũng có cái may, có lẽ nhờ 2 năm “đổ nền” kiến thức vững vàng nên Thiện học rất giỏi. Kết quả anh luôn ở vị trí đầu lớp, vì vậy cái tên Đào Đức Thiện được ghi trên bảng danh dự nhiều lần. Ngoài các môn học chính thống trên nền tảng giáo lý Thánh Kinh, cùng lúc Thiện vẫn theo học các môn văn hóa phổ thông khác theo qui định của Bộ giáo dục VNCH. Ở tuổi thiếu niên mà phải “chạy” cùng lúc hai chương trình đào tạo, xem chừng khá “nặng kí” với các chủng sinh Đệ tử viện. Thế nhưng việc học đối với anh Đào Đức Thiện dạo ấy, lại nhẹ tênh tựa đôi cánh thiên thần…
Hết thời gian nghỉ hè năm đệ Ngũ, Thiện bỗng dưng trở thành đệ tử mồ côi (?!…) bởi anh không được cấp phép trở vào Đệ tử viện học lên đệ Tứ. Nguyên nhân do Cha linh hướng - người có thẩm quyền ký giấy phép cho anh ra vào Đệ tử viện - lâm bệnh nặng được đưa về Sài Gòn điều trị. Xuyên suốt thời gian này Thiện luôn cận kề săn sóc Cha linh hướng, cho đến lúc Cha không qua khỏi qua đời. Sau lễ an táng Cha linh hướng của chủng sinh Đào Đức Thiện, thì việc học của anh cũng trễ mất ngày khai giảng. Lúc ấy anh Thiện dự cảm rằng ơn Thiên Triệu không gọi tên anh, vì vậy trong quá trình phân định Chúa đã hướng một lối đi khác thích hợp hơn cho cuộc đời của chủng sinh Đào Đức Thiện…
Rời Đệ tử viện Đa - Minh anh Thiện trở lại làng Kẻ Sặt (Hố Nai - Biên Hòa) mua sách tự học chương trình đệ Tứ, anh vượt qua kỳ thi Trung học đệ nhất cấp năm 1964 với danh nghĩa thí sinh tự do. Để có thể “nhảy” lớp đệ Tam, anh làm giấy miễn tuổi để học thẳng lớp đệ Nhị trường trung học tư thục Minh Tân. Kết quả kỳ thi Tú Tài phần nhất anh đậu hạng Bình Thứ, vậy là anh được xét tuyển vào học tiếp lớp đệ Nhất (NK 1966 - 1967) trường trung học công lập Ngô Quyền.
Tốt nghiệp Cử nhân Khoa Toán Lý trường Đại học Khoa học Sài Gòn năm 1971, sinh viên Đào Đức Thiện nộp đơn ứng tuyển tại Bộ giáo dục VNCH. Trong danh sách các trường đang thiếu giáo sư Toán Lý có ghi tên trường trung học Ngô Quyền - Biên Hòa, thế là anh Thiện “chấm” ngay để được về gần nhà dạy học. Thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo là người ký quyết định, đồng ý tiếp nhận sinh viên Đào Đức Thiện về trường làm giáo sư đệ nhị cấp. Kể từ niên học 1972 - 1973 vị giáo sư trẻ tuổi Đào Đức Thiện - cũng đồng thời là Chs.K4 NQBH - đã trở lại trường xưa, chính thức bước lên bục giảng để bắt đầu cuộc đời của một nhà giáo…
Đến đầu niên học 1976-1977 Thầy Đào Đức Thiện đành “buông” công việc dạy học tại trường trung học công lập, bởi hoàn cảnh gia đình Thầy không thể thích ứng những đổi thay sau cơn biến động tháng 4 năm 1975. Thầy chỉ tiếp tục nhận dạy giờ tại các trường trung học tư thục xứ đạo: Vinh Sang, Nguyễn Trãi, Phan Hạnh… cho đến năm 1980 Thầy buộc lòng rời xa bục giảng mặc dù trong thâm tâm, Thầy vẫn thiết tha lắm nghề dạy học…
Chuyển hướng sang công việc “thầu” xây dựng, đời sống kinh tế trong gia đình Thầy ít “thắt ngặt” hơn, đỡ vất vả hơn… Thế nhưng nghĩ đến việc học của các con, tâm trí của Thầy luôn ám ảnh về một tương lai không rộng mở. Thiên Chúa chừng như thấu hiểu tấm lòng người cha - qua những lời nguyện cầu hằng đêm của Thầy giáo “lỡ vận” Đào Đức Thiện - đã ban phúc lành cho chuyến bay ngày 26 tháng 10 năm 1993, đưa cả gia đình Thầy đến nước Mỹ bình yên.
Nhập cư Mỹ khi tuổi không còn trẻ, lại là trụ cột chính của gia đình nên Thầy Thiện biết rõ không thể sớm có việc làm, với những bằng cấp Thầy cẩn thận mang theo được nữa. Từ một giáo sư dạy học chốn quê mình, Thầy nhanh chóng chuyển hướng thành người thợ đa năng xứ người. Ghi danh học trường Cao đẳng cộng đồng Austin để rút ngắn thời gian tìm việc, cuối năm 1995 Thầy được hãng Semiconductor Services tuyển dụng vào làm kỹ thuật viên Electronic, phụ trách bảo trì máy móc cho công ty.
Tuy đã có được việc làm ổn định, nhưng nghĩ đến tương lai lâu dài của các con, Thầy Thiện vẫn tận dụng bất cứ thời gian nào có thể để học thêm nhiều ngành nghề khác, nhất là nghề xây dựng dân dụng… Ngoài việc có thêm nguồn thu nhập hổ trợ cho các con, thì khi cần thiết gia đình Thầy Thiện lúc nào cũng có sẵn “thợ nhà” để trưng dụng. Như vậy vừa tiết kiệm được chi phí thuê thợ, vừa có thể chủ động được mọi việc đúng ý thích của gia đình Thầy…
Bắt đầu từ những công việc đơn giản nhất của người thợ, dần dà Thầy Thiện chuyển hướng kinh doanh và khá thành công. Thầy không ngừng bươn chải và chăm chỉ làm việc, còn cô chịu thương chịu khó lo toan việc nhà chăm chút các con… Thầy và cô cùng chung tay tích lũy, theo tháng ngày thầy cô xây dựng được cuộc sống rất ổn định ở Hoa Kỳ. Các con của thầy cô đều ngoan, học hành chăm chỉ đỗ đạt thành tài… Các em nay đã lập thành gia thất, tất cả đều tạo dựng được cơ ngơi riêng với sự hướng dẫn tận tụy của bố mẹ các em… Út nữ Đào Xuân Ngọc đã gửi bố Thiện của em những dòng chữ biết ơn đầy yêu thương, nhân ngày sinh nhật bố Thiện như sau …
“ Happy Birthday Daddy… I miss you so much and can't wait to see you after the mba classes! To the one man who helped me through college, graduate school and now pharmacy school I could not have asked for a better father, role model and friend. You are the strongest and most enduring man who have molded me into who I am today! Love you to the moon and back! Chúc mừng sinh nhật Bố…”
Với thời gian mỗi tuần 1 tiết Toán hình học của Thầy Đào Đức Thiện, hồi đi học Sáo Lý Luận không “mặn mòi” lắm những giờ học của Thầy. Cho đến năm 2012 khi thầy Thiện và con trai Đào Đăng Khoa trở lại quê nhà - sau hơn 19 năm định cư nước Mỹ - thì tình thầy trò bỗng dưng khăng khít hơn, khi Sáo Lý Luận cùng người bạn thân Phùng Thị Ngọc Dung tình cờ làm “hướng dẫn viên du lịch” cho Thầy trong lần “hồi hương” năm đó, và những lần sau này mỗi khi Thầy Thiện trở về thăm lại quê xưa…
Qua những chuyến du ngoạn tưng bừng… vui - tất nhiên rồi, vui lắm luôn - thầy trò xưa mới có dịp chia sẻ nhiều về những “đoạn trường ai có qua cầu mới hay…” (***) Và xúc động nhất, là khi Thầy Thiện ngõ lời với hai “cô em kết nghĩa” từng là học trò ngày xưa:
- Này, hai cô cứ gọi “anh Thiện” cho thân thiện (?!…) nhé! Anh xem hai cô như mấy đứa em ruột rà trong nhà của anh vậy…
Xa cách trường xưa hơn 38 năm, đến lúc hội ngộ thầy trò Sáo Lý Luận hữu duyên vun quén một ân tình. Rất ngộ nghĩnh khi 3 anh em có 3 tính cách hoàn toàn khác biệt. Anh Thiện: điềm đạm, chậm rãi, hiền lành… trái ngược cô em Sáo Lý Luận: bộc trực, thẳng thắn, hung hăng... riêng cô em Phùng Ngọc Dung thì đúng như tên gọi: nhu mì, nhã nhặn, ôn hòa… Ấy vậy mà 3 anh em nhà Sáo lại vô cùng thân thiết, mặc dù “lâu-lâu-lâu anh em ta mới gặp một lần…” (****) do không gian sống của 3 anh em bây chừ xa quá chừng xa…
Điều khiến cho Sáo Lý Luận và Phùng Ngọc Dung kính nể ông anh - thầy giáo Đào Đức Thiện nhiều nhất, đó là những quan điểm về cuộc sống nhân sinh của anh rất thiện lành. Cho dù khi xưa từng là thầy giáo chỉnh chu trên bục giảng, hay ngày nay là thợ xây vôi vữa lấm lem (?!…) anh vẫn làm việc với một thái độ lạc quan, một tinh thần trách nhiệm không hề thay đổi. Tiềm ẩn trong phong cách điềm đạm, hiền hòa của anh là một bản lĩnh sống bền bĩ vững vàng, luôn đối mặt với mọi hoàn cảnh khắc nghiệt khó khăn bằng tâm thế an nhiên tự tại…
Tháng 7 năm 2014 nhân dịp bay sang Mỹ dự Trại họp bạn Hướng Đạo Thẳng Tiến 10 được tổ chức tại tiểu bang Texas, Sáo Lý Luận đã đến thăm gia đình anh Thiện. Theo kế hoạch ban đầu anh Thiện sẽ đến Trại đón Sáo về nhà, nhưng bất thình lình anh đổ bệnh nên kế hoạch bị… bể hết trơn. Thế là anh Voi Trầm Tĩnh Mai Quan Vinh bèn ra tay tế độ (?!…) chở Sáo Lý Luận đảo chiều từ Camp Strake - Houston về Pflugerville - Austin thăm “bệnh nhân” Đào Đức Thiện.
Trong gian bếp rộng nhà anh Thiện chị Liễu ngày hôm ấy, giòn tươi tiếng cười rộn ràng tiếng nói của người Biên Hòa xưa. Theo chỉ huy của chị Liễu chủ gia, mọi người vừa nấu ăn vừa chuyện trò vui như ngày Tết ở quê nhà. Bất ngờ qua câu chuyện, Trưởng Mai Quan Vinh nhận ra Phạm Việt Dũng và Phạm Quốc Hùng - hai người bạn rất thân thời trung học của anh - lại là em ruột của chị Phạm Thị Liễu, cũng chính là cái “nóc nhà” sừng sững vững vàng của anh Đào Đức Thiện mấy chục năm qua...
Đã nhiều lần ông anh - thầy giáo Đào Đức Thiện chia sẻ với 2 cô em gái Dung - Mai rằng:
- Anh hằng tin mình được Thiên Chúa yêu thương, đã ban cho anh rất nhiều ân sủng. Cuộc đời anh cũng lắm phen rơi vào nghịch cảnh, nhưng nhờ có Chúa dẫn lối chỉ đường nên cuối cùng, anh cũng tìm được lối thoát bình an. Tuy hai em là người ngoại đạo, nhưng khi đã xem hai em như người thân cật ruột, anh sẽ luôn cầu nguyện ơn lành cho cả hai em…
Sáo Lý Luận Diệp Hoàng Mai
Mùa Xuân Ất Tỵ - Tháng 02/2025
(*) “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế…” là câu đối của Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) danh sĩ đời Hậu Lê - Tây Sơn khẳng khái đáp trả Đặng Trần Thường (công thần nhà Nguyễn) nói lên khí phách anh hùng không khuất phục, cho dù ông đang lâm vào hoàn cảnh bất lợi tột cùng.
(**) Địa danh Hố Nai được hình thành từ sau biến cố di cư năm 1954;
(***) Trích Truyện Kiều;
(****) Bài ca sinh hoạt Hướng Đạo;