TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN XỨ SỞ CỦA PELÉ
Đối với thanh niên thời nay chắc chẳng ai biết đến Pelé. Trái lại vào thời tôi còn đi học vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước ở Việt Nam và có lẽ cả thế giới không ai mà không biết đến Pelé là cầu thủ thượng thặng về bóng đá nổi tiếng khắp hoàn cầu và đã mang lại vinh quang cho xứ sở Brazil (Ba Tây) của ông.
Đã từ lâu tôi có ý định đến xứ Brazil và mong ước có dịp được thấy Pelé nhưng đã không thực hiện được. Nay Pelé đã qua đời nhưng tôi vẫn muốn đến Brazil. Lúc còn sống được gặp mặt Pelé là một chuyện rất khó nay đến thăm nơi Pelé an nghỉ chắc dễ hơn nhiều.
***
Khuya ngày 17 tháng 11 năm 2024, tôi bắt đầu lên đường. Chuyến đi lần nầy của tôi có thể chia làm ba giai đoạn, bay từ nhà ở phía Nam Cali qua thành phố Barcelona của Spain (Tây Ban Nha), rồi từ đó lên cruise vượt Atlantic Ocean (Biển Đại Tây Dương) để đến xứ Brazil và giai đoạn cuối sau vài ngày lưu lại tại Rio de Janeiro tôi sẽ từ thành phố nầy bay về nhả. Chuyến đi nầy kéo dài ba tuần lễ trong đó có 17 ngày đêm lênh đênh trên biển cả.
Giai đoạn đầu tôi đã gặp hai trở ngại. Lúc làm check-in tại quầy của American Airlines mới phát giác mình bỏ quên iphone trên xe Uber. Cảm giác lúc đó hơi chới với, không biết mình sẽ sống như thế nào và liên lạc làm sao trong ba tuần tới, đúng là đồi sống văn minh quá phụ thuộc vào cái phôn. Bà nhân viên hảng máy bay hỏi số phôn của tôi và bà gọi, tiếng chuông reo khá lâu thì tôi nghe tiếng anh tài xế trả lời. Tôi nói tôi bỏ quên iphone trong xe của anh và hy vọng anh quay trở lại để giao iphone cho tôi, anh tài xế vui vẻ bảo tôi chở. Gần nửa tiếng đồng hồ sau tôi nhận được iphone từ tay anh tài xế và tôi không tiếc lời cám ơn anh tài xế người Bangladesh. Sau khi quá cảnh tại Miami, phi cơ đến phi trường Barcelona đúng giờ, ở đây tôi lại một lần nữa hơi lú lẫn. Cầm chiếc vé xe bus mua trước trong tay, hỏi hết người nầy đến người khác không ai biết xe bus nằm ở đâu. Sau hơn nửa giờ loanh quanh, tôi ngồi xuống và xem kỷ tấm vé, mặt sau họ hướng dẫn rõ ràng, lúc xuống máy bay rẽ phải, xuống cầu thang máy, leo lên xe bus free of charge để đến terminal số 2, lúc đến terminal số 2, tìm kiosk số 91 bên phải thì nhân viên sẽ sắp xếp xe và giờ di chuyển từ phi trường đến cruise terminal cách đó khoảng một giờ lái xe. Qua hai sự kiện trên tôi phải thú nhận mình không còn bén nhạy như xưa nữa. Mà thôi, đời là thế.
Sau gần hai giờ sắp hàng chờ làm thủ tục lên tàu, tôi nhận phòng. Phòng ở tầng 14 có balcony và khá xinh xắn. Đây sẽ là nơi tôi “tự giam mình” trong 17 ngày đêm, không kể ngày đầu ở Barcelona của Spain và ngày cuối ở Rio de Janeiro của Brazil tàu chỉ nghỉ năm lần khoảng 8 giờ ban ngày tại 5 cảng, thời gian còn lại tàu di chuyển liên tục không ngừng cả ngày lẫn đêm. Tàu có tên Grandiosa của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company), chứa trên ba ngàn du khách và nhân viên. Tàu nầy khá lớn so với nhiều tàu cruise khác và có đầy đủ những phương tiện ăn ngủ và giải trí để phục vụ du khách. Tôi không mua những buổi tham quan do tàu tổ chức mà ở thành phố nào thấy thích thì leo lên xe bus công cọng chạy một vòng quanh thành phố rồi quay về tàu. Đoạn đường đáng ghi nhớ nhất là đoạn đường tàu vượt Atlantic Ocean sáu ngày bảy đêm. Đây là đoạn đường vượt biển dài nhất của tôi từ trước đến nay. Ngoài việc ăn ngủ và hai lần mỗi ngày đi bộ khoảng nửa giờ mỗi lần, tôi hay đứng ở balcony nhìn lên trời thì chỉ thấy mây, nhìn xuống biển thì chỉ thấy nước, ngoài ra không thấy gì khác, cứ như vậy trong suốt sáu ngày liên tiếp, ban tối thì xem những shows ca múa thay đổi hàng ngày. So với lần vượt biển bốn ngày ba đêm trên đường qua Malaysia cách đây hơn bốn chục năm thì lần vượt biển nầy tuy dài hơn nhưng quá an toàn, không sợ sóng gió của biển cả, không sợ đói khát vì thức ăn thừa thải, không sợ cướp biển hay bị bắt vì tìm đường trốn thoát bất hợp pháp. Nhìn lại tôi thấy khoảng thời gian đó tôi sống rất thoải mái, không cảm thấy cô đơn, không hiểu nếu có một người thứ hai sống chung thì cảm gíác thoải mái đó có còn được hưởng như vậy hay không.
8 giờ sáng ngày 30 tháng 11 tàu ghé bến đầu tiên của Brazil, hai ngày sau ghé bến thứ hai và ngày cuối 5 tháng 12 ghé bến cảng Rio de Janeiro. Rio de Janeiro là thủ đô cũ của Brazil, hơn 40 năm trước Brazil đã dời đô về Brasilia nằm sâu trong nội địa. Tuy không còn lả thủ đô nhưng Rio de Janeiro là thành phố nổi tiếng nhất của Brazil.
Theo Wikipedia “Rio de Janeiro là một trong những thành phố được ghé thăm nhiều nhất ở Nam bán cầu và nổi tiếng với bối cảnh thiên nhiên, lễ hội hóa trang , samba , bossa nova và các bãi biển balneario như Barra da Tijuca , Copacabana , Ipanema và Leblon . Ngoài các bãi biển, các địa danh bao gồm bức tượng Chúa Kitô Cứu Thế khổng lồ trên đỉnh núi Corcovado , được mệnh danh là một trong Bảy Kỳ Quan thế giới mới; Núi Sugarloaf với tuyến cáp treo; Sambódromo (Sambadrome), một đại lộ diễu hành cố định có khán đài lớn được sử dụng trong lễ hội hóa trang; và Sân vận động Maracanã , một trong những sân vận động bóng đá lớn nhất thế giới . Rio de Janeiro là nơi đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2016 và Thế vận hội dành cho người khuyết tật Mùa hè 2016 , khiến thành phố này trở thành thành phố đầu tiên ở Nam Mỹ và nói tiếng Bồ Đào Nha đăng cai các sự kiện này và là lần thứ ba Thế vận hội được tổ chức tại một thành phố ở Nam bán cầu. Sân vận động Maracanã đã tổ chức trận chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA 1950 và 2014 , Cúp Liên đoàn các châu lục FIFA 2013 và Đại hội thể thao toàn châu Mỹ lần thứ XV . Thành phố đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2024 và sẽ tổ chức Giải vô địch bóng đá nữ thế giới FIFA vào năm 2027.”
Sau gần hai giờ ăn sáng, tôi bắt buộc phải rời tàu cruise để chuyển đến khách sạn đã được đặt trước, hai đêm ở Rio Design Hotel thuộc bãi biển Copacabana và đêm thứ ba tại Ibis Rio de Janeiro Botafogo Hotel trên đường đến phi trường. Đó là ba ngày tôi có ý định sống và tìm hiểu sinh hoạt hàng ngày của dân Brazil.
Không để mất thì giờ, trong bộ quần cụt, dép Nhật tôi bắt đầu lang thang trên bãi biển Copacabana, chen lấn với đám người đông nghẹt đã tụ tập không biết từ lúc nào. Sau một lúc nhìn người qua lại tôi quyết định ghé vào một tiệm ăn có bàn đặt sát lề đường để ăn tối, bồi bàn tiếp đãi tôi một cách rất lễ độ và mời tôi ngồi, tôi gọi món spaghetti hãi sản và một chai bia, tôi không ngờ đĩa pasta nầy lại ngon như vậy. Tôi biết Brazil rất nổi tiếng về cà phê và là nước sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới nhưng tôi không ngờ trái cây ở đây lại rất ngon, tôi ghé vào một tiệm mini market mua một bao trái cây chưa tới 5 dollars Mỹ và ăn trái cây thế bữa cơm khuya ba ngày liên tiếp mà không hết.
Copacabana Beach
Trước hết phải công nhận thời tiết vào tháng 12 ở Nam Bán Cầu quá nóng, nhiệt độ vào 7 giờ sáng ở bãi biển đã lên tới 35oC, buổi trưa nhiệt độ chắc chắn trên 40oC. Bãi biển đông nghẹt người, nhất là hôm cuối nhằm vào ngày thứ bảy trong tuần có hơn vài chục ngàn người chen chúc nhau trên các bãi cát, mọi người hầu như trần truồng, họ chỉ che những chổ bắt buộc phải che. Tuy đông đúc như vậy nhưng chổ nào cũng chỉ nghe tiếng nhạc trộn lẩn với tiếng cười tiếng hát. Về vóc dáng dân Brazil không khác lạ với dân Á Đông, thân hình thon thon, da hơi ngâm đen và luôn nở một nụ cười với mọi người, họ rất thân thiện với du khách. Tôi đã dành trọn một ngày thứ hai ở đây để tham quan thành phố, vé đã được mua trước và xe đến đón tại khách sạn đúng giờ. Xe chở đi thăm 15 khu du lịch quanh thành phố với thời gian thoải mái không hối thúc và kèm theo một bữa ăn trưa all-you-can-eat. Tôi thích nhất là lúc đứng dưới bức tượng Chúa Kitô khổng lồ cao 30 mét trên đỉnh núi Corcovado cao 710 mét, chánh điện của nhà thờ Cathedral được xây dựng như một kinh tự tháp trông rất lạ mắt. Và thất vọng nhất là lúc đến Vận Động Trường Maracanã, vận động trường đang được tu bổ nên du khách chỉ được quan sát phía ngoài hàng rào mà không được vào xem những khu triển lãm và sân banh bên trong.
Rio de Janeiro Cathedral
Chiều ngày cuối tôi leo lên taxi để đến quán Fogo de Chão, quán bán steakhouse theo kiểu Brazil, mục đích xem quán chính gốc nầy có gì khác lạ với quán cùng tên ở Mỹ hay không. Một lần nữa tôi lại được tiếp đón rất lễ độ và được cô tiếp tân đưa tới một bàn ăn và cô nhỏ nhẹ hỏi tôi có vừa ý chổ ngồi nầy không. Tôi vừa ngồi xuống thì một anh tiếp tân khác tiến tới và bằng tiếng Anh rất đúng giọng hỏi tôi uống gì và có quen thuộc với cách phục vụ của loại nhà hàng nầy không. Tôi trả lời có. Anh phục vụ không hỏi gì thêm, chúc tôi có bữa ăn vửa ý và từ từ rút lui. Nhìn quanh tôi thấy nhà hàng quá sang trọng và có thể chứa năm sáu trăm người, có lẽ là chiều thứ bảy trong tuần nên quán còn rất ít bàn trống. Trong khi ăn cứ cách mười hay hai mười phút các anh phục vụ trở lại hỏi tôi đồ ăn có vừa ý không, có cần gì không. Sau bữa ăn tôi quay về khách sạn, ngủ cho đến 9 giờ tối và thức dậy chuẩn bị ra phi trường.
Rạng sáng ngày 8 tháng 12 tôi bước lên phi cơ của hảng Copa Airlines bay về nhà, sau 3 giờ quá cảnh ở Panama City, máy bay đáp xuống phi trường LAX lúc 4 giờ chiều cùng ngày.
***
Câu chuyện bên lề.
Người đầu tiên có sáng kiến tổ chức giải bóng đá nam toàn cầu là ông Jules Rimet người Pháp và năm 1930 giải được chính thức bắt đầu vả cứ thế giải sẽ tranh chung kết 4 năm một lần sau 3 năm tranh các vòng loại để chọn 32 quốc gia, kỳ tới sẽ được tăng lên 48 quốc gia vào vòng chung kết. Giải tạm ngưng hai năm 1942 và 1946 vì Thế Chiến Thứ Hai. Trong những năm gần đây hầu như các quốc gia có mặt trên hành tinh nầy đều ghi tên tham dự và nếu được lọt vào vòng chung kết thì quá vinh hạnh cho nền bóng đá của quốc gia đó. Quốc gia đoạt gỉải sẽ được trao một số tiền thưởng và một cúp gọi là FIFA World Cup bằng một khối vàng nguyên chất dưới đáy có ghi rõ năm tháng và tên các quốc gia đoạt giải vô địch, sau một thời gian ăn mừng chiến thắng cúp nầy sẽ được trả lại cho ban tổ chức và được thay thế bởi một cúp mẫu sao giống hệt như cúp thật nhưng chỉ được mạ vàng.
Theo anh hướng dẫn du lịch người Brazil thì vinh hay nhục của xứ Brazil chỉ dựa trên thành quả thắng hay bại của đội tuyển bóng đá quốc gia. Cũng như các quốc gia Nam Mỹ khác dân chúng Brazil xem bóng đá như một tôn giáo và các cầu thủ bóng đá là những thần tượng. Theo anh hướng dẫn du lịch nầy thì cái nhục đầu tiên xẩy ra năm 1950, lúc đó Pelé chỉ mới lên 10. Năm 1950 xứ Brazil được giao phó tổ chức giải World Cup và có thể nhờ lợi thế sân nhà nên Brazil lần đầu tiên được vào chung kết với anh bạn láng giềng Uruguay. Trận chung kết được diễn ra tại sân vận động quốc gia Maracanã trước gần 2 trăm ngàn khán giả Brazil, họ gần như điên cuồng vì chiến thắng đang nằm trong tầm tay. Nhưng khổ nổi kết quả lại không như họ muốn, Brazil thua Uruguay 2-1. Cả xứ Brazil coi đó là sự sĩ nhục cho quốc gia. Brazil phải chờ vài năm sau khi Pelé lớn lên. Pelé sẽ theo gót đàn anh và tạo cảm hứng cho đàn em để sau đó cùng góp sức đưa đội nhà đoạt chức vô địch thế giới 5 lần trong những năm 1958,1962,1970,1994 và 2002. Đặc biệt năm 1970 khi Brazil là nước đầu tiên đoạt chức vô địch lần thứ ba, theo ý muốn của nhà sáng lập giải ông Jules Rimet, ban tổ chức cho phép Brazil được giữ luôn cái cúp nguyên thủy nhưng chẳng được bao lâu cúp nầy bị đánh cắp và biến mất từ đó. Năm 1974 cúp mới được trao cho quốc gia vô địch và cúp nầy tồn tại cho đến bây giờ.
Lê Quý Thể
12/2024